Phân tích khổ cuối bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 12 Tháng mười 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Phân tích khổ cuối bài "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử:

    Mơ khách đường xa, khách đường xa
    Áo em trắng quá nhìn không ra
    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
    Ai biết tình ai có đậm đà?


    [​IMG]

    Hàn Mặc Tử là hồn thơ tài hoa độc đáo có sức sáng tạo mãnh liệt của phong trào thơ mới. Hàn Mặc Tử đã có một quan niệm rất thú vị về sứ mệnh của thi nhân: "Nhà thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo". Làm thơ, theo ông là "nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng". Với quan niệm ấy, Hàn Mặc Tử đã đưa vào thơ của mình tất cả những gì trong sáng nhất, huyền diệu nhất của đời sống tự nhiên và thế giới tinh thần. "Đây thôn Vĩ Dạ" là một trong những bài thơ hay và đẹp của Hàn Mặc Tử, thể hiện khá rõ quan niệm trên. Với tác phẩm này nói chung và khổ thơ cuối nói riêng, Hàn Mặc Tử đã tái hiện một bức tranh nên thơ về thiên nhiên và con người xứ Huế, đồng thời gửi vào đó tiếng lòng thiết tha của nhà thơ với thiên nhiên, con người và cuộc sống.

    Trong phong trào thơ mới, Hàn Mặc Tử là một nhà thơ khá đặc biệt. Nhớ đến Hàn Mặc Tử là nhớ đến một cuộc đời ngắn ngủi đầy bi kịch. Vì mắc bệnh hiểm nghèo, ông phải ra đi khi vừa hai mươi tám xuân xanh. Nhớ đến ông là nhớ đến một con người tài hoa mà đau thương tột đỉnh. Nhớ đến những vần thơ như có linh hồn và những câu thơ đau buồn mà trong sáng, đầy hư ảo mà đẹp một cách lạ lùng. "Đây thôn Vĩ Dạ" là một trong số không nhiều bài thơ như thế của Hàn Mặc Tử.

    Bài thơ có ba khổ, cũng là ba cấp độ khác nhau của cảnh vật và lòng người, và tất cả đều gợi lên một Vĩ Dạ như thực như mơ đẹp đến nao lòng và cái nên thơ nhất là cảm xúc da diết với cuộc đời, xốn xang với tình người của Hàn Mặc Tử cứ ẩn hiện sau mỗi dòng thơ.

    Ba khổ của bài thơ tưởng như rời rạc nhưng vẫn liên kết với nhau bởi đều là cảm nhận của nhà thơ về cảnh sắc và con người Vĩ Dạ. Nếu khổ thơ đầu mở ra với cảm xúc vui tươi gắn liền với không gian thực – không gian khu vườn; khổ hai thoắt đã "buồn thiu" và không gian cảnh vật thực nhưng đã nhuốm màu hư ảo thì ở khổ thơ cuối, không gian đã mờ ảo sương khói như trong cõi mộng và cảm xúc thơ cũng khắc khoải, da diết hơn:

    Mơ khách đường xa, khách đường xa
    Áo em trắng quá nhìn không ra
    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
    Ai biết tình ai có đậm đà?


    Trong khổ một, hình ảnh trung tâm của bức tranh thôn Vĩ là cảnh vườn xưa Vĩ Dạ rực rỡ đầy sức sống, còn ở khổ hai là cảnh đêm trăng mộng ảo thì đến khổ ba, hình ảnh người thiếu nữ áo trắng lại trở thành hình ảnh trung tâm. Người con gái ấy là ai? Nương theo những vẫn thơ mà Hàn Mặc Tử để lại, thì người con gái ấy chính là Hoàng Thị Kim Cúc - cô gái gốc Huế, quê Vĩ Dạ, là con gái của chủ Sở Đạc điền Quy Nhơn. Trong thời gian làm việc ở đây, Hàn Mặc Tử thầm yêu Hoàng Cúc. Sau này, vì những biến động cuộc sống, Hàn Mặc Tử đã không gặp lại cô. Khi biết mình mang bệnh, thì cơ hội gặp lại càng mong manh, mơ hồ. Một ngày kia, khi đang nằm bệnh ở Quy Hòa, Quy Nhơn nhà thơ nhận được tấm bưu ảnh của Hoàng Cúc trên có in khung cảnh Vĩ Dạ... có lẽ đây là những nguyên cớ trực tiếp khơi gợi niềm cảm hứng sáng tạo để thi nhân viết lên kiệt tác "Đây thôn Vĩ Dạ", cũng là nguyên cớ để những vần thơ rung lên trong khắc khoải:

    "Mơ khách đường xa, khách đường xa
    Áo em trắng quá nhìn không ra"


    Như vậy, cho đến thời điểm này, ánh nắng đã trở thành xa xôi, ánh trăng lịm tắt và người trong mộng đã trở thành ảnh ảo.

    Mặc dù sự sống trôi dần vào bế tắc, nhưng Hàn Mặc Tử vẫn luôn hướng về cuộc đời với khát khao sống mãnh liệt. Càng bế tắc, càng bị cuộc đời tuyệt giao, thi sĩ càng yêu đời thiết tha, đắm say đến đau đớn. Ao ước trở về thôn Vĩ không thành, thi sĩ lại mơ tưởng đến người thương thôn Vĩ: "Mơ khách đường xa, khách đường xa". "Mơ" là khát khao, là mong mỏi. Thi sĩ mơ về "khách đường xa" – có lẽ là người con gái mà Hàn Mặc Tử thầm thương trộm nhớ. Điệp ngữ "khách đường xa" lặp lại đến hai lần cho thấy khát vọng mãnh liệt của nhà thơ. "Khách đường xa" đã trở thành vầng sáng lung linh trong tâm trí, trở thành nơi mà cả tâm tưởng nhà thơ hướng về.

    Nhưng thật xót xa, trong giấc mơ, người thương đã thành "khách đường xa" – xa xôi và cách trở. Đó không chỉ là khoảng cách của không gian, đó còn là hố sâu của mặc cảm mà thi sĩ biết mình chẳng có cách nào vượt qua. Vì thế, câu thơ như lời gọi, lời cảm thán chất chứa biết bao nhiêu mặc cảm chia li, xa cách, vô vọng. Nhịp thơ 4/3 càng gợi lên ấn tượng về sự chia li, ngăn cách ấy. Ta tưởng như trong giấc mộng của thi sĩ, bóng dáng người xưa vừa hiện lên đã mờ dần, khuất xa, mất hút để lại khoảng trống vắng nơi trái tim đau thương. Câu thơ tự sự mà mang âm diệu của tiếng nấc nghẹn ngào, của lời than chới với, hụt hẫng.

    Khách đường xa – người con gái xứ Huế hiện lên trong tâm tưởng nhà thơ với sắc áo trắng đầy ám ảnh: "Áo em trắng quá nhìn không ra".

    Trong văn hóa truyền thống, màu áo trắng thường tượng trưng cho vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện của người thiếu nữ. Trong thơ của mình, Hàn Mặc Tử cũng nhiều lần nói đến sắc áo trắng của người con gái. Với nhà thơ, cô gái áo trắng ấy là nơi hội tụ những gì kì diệu nhất, đẹp đẽ nhất của xứ Huế. Nhưng buồn thay, người con gái ấy dù đẹp đẽ, thánh thiện, nhưng chỉ là hình ảnh trong ảo mộng, mong manh, khó nắm bắt. Nên không phải ngẫu nhiên, nhà thơ lại tuyệt đối hóa sắc trắng của màu áo đến mức "nhìn không ra". Câu thơ không chỉ đơn giản là lời thú nhận bất lực về thị giác mà là bất lực về tâm hồn của một trái tim phải cách xa cuộc đời ngoài kia cả một khoảng không gian, thời gian xa xôi vời vợi.

    Và thực tại đau thương, bất hạnh bị cuộc đời tuyệt giao ấy tiếp tục được gợi lên trong câu thơ thứ ba:

    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

    "Ở đây" là vùng biển Quy Hòa, nơi nhà thơ nằm bệnh, nơi lắm khói, nhiều sương, không gian chìm trong mịt mờ sương khói. Hình bóng con người vì thế cũng như lẫn vào cõi hư vô. Ranh giới giữa sự sống và cái chết cũng rất đỗi mong manh. Hơn lúc nào hết, Hàn Mặc Tử đã nhận thấy sự cách biệt vời vợi giữa "xứ Huế" và "ở đây", giữa quá khứ và hiện tại, giữa nhà thơ và người con gái Vĩ Dạ. Sự cách biệt này càng khiến cho nỗi tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử thêm nhức nhối. Câu thơ của Hàn Mặc Tử như chất chứa nỗi niềm đau đáu của một kiếp người bị lãng quên:

    Tôi đang ở đây hay ở đâu
    Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu


    Chính trong giây phút nhận thức thấm thía ấy, nhà thơ càng thấy rõ sự mong manh, vô vọng trong tình yêu đơn phương của mình. Giữa nhà thơ và cô gái Huế là sương khói của thời gian và không gian cách biệt, là tình yêu chưa có lời hẹn ước. Vì thế làm sao biết được tình ai có đậm đà hay không:

    Ai biết tình ai có đậm đà?

    Nhà thơ băn khoăn không biết tình cảm của người con gái Huế kia có "đậm đà" hay chăng? Đại từ phiếm chỉ "ai" ở hai ngôi khác nhau đã tô đậm sự băn khoăn, nghi ngờ ấy. Có biết bao tiếc nuối, xót xa nghẹn ngào trong câu thơ của Hàn Mặc Tử - câu thơ đau đáu nỗi đau nhân tình của một kiếp nhân sinh ngắn ngủi. Đến đây, lời độc thoại nội tâm ngưng bặt. Cảm xúc trữ tình chỉ còn rung lên trong câm lặng một nỗi niềm bâng khuâng day dứt pha chút oán trách giận hờn. Tình ai, ai biết... – đại từ phiếm chỉ "ai" đã biến tiếng nói nội tâm riêng tư của Hàn Mặc Tử thành câu hỏi ngàn đời dành cho những trái tim đang khao khát yêu thương, khao khát sự đồng cảm, đồng điệu.

    Tuy nhiên, câu thơ còn bao hàm trong nó một nét nghĩa khác. Có thể hiểu nét nghĩa ấy là "Em có biết tình anh vẫn đậm đà". Hiểu thư thế, câu thơ là lời khẳng định tình cảm tha thiết, sâu đậm mà thi sĩ luôn dành cho người em Vĩ Dạ. Dù hiểu theo nghĩa nào, ta cũng thấy đằng sau câu thơ là tiếng lòng thi sĩ thiết tha yêu đời, yêu người và khát khao sự đồng cảm, đồng điệu đến cháy bỏng.

    "Thơ đi từ cái thực đến cái ảo ảnh, từ cái ảo ảnh đến cái huyền diệu, từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Bao trùm cả bài thơ là thế giới mơ". Đó là quan niệm của Hàn Mạc Tử về thơ và có lẽ điều đó chính là dành để nói về bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ". Vì vậy, khổ thơ cuối, cảnh đã hóa ảo mờ để cái tình lộ diện. Cái kín đáo làm như khách thể ở khổ một, cái mông lung không xác định ở khổ hai dường như lộ rõ trong câu thơ kết: tất cả nghi hoặc, ao ước, mong chờ... chỉ vì một "tình ai" không biết có đậm đà, sâu nặng?

    "Đi tìm cái đẹp của cõi thực, cõi thực hờ hững. Đi tìm sự đồng cảm đồng điệu trong cõi mộng, cõi mộng hư ảo, mù mịt. Cho nên đắm say rồi nguội lạnh, băng giá, mộng rồi tỉnh. Đó là lô gic vận động tâm trạng của một cái Tôi ham sống, yêu đời trong Đây thôn Vĩ Dạ". Lời bình của nhà văn Lã Nguyên đã khái quát mạch cảm xúc của cả bài thơ, và điểm lắng đọng nhất của dòng cảm xúc trữ tình ấy chính là khổ thơ cuối. Lắng đọng nhưng vẫn đầy dư âm ngậm ngùi, da diết.

    Làm nên đặc sắc của khổ thơ nói riêng và thi phẩm nói chung phải kể đến giọng thơ buồn da diết, những câu hỏi tu từ đặc sắc, biện pháp tả thực kết hợp với tượng trưng gợi lên nhiều trường liên tưởng cho thơ. Nhờ sự kết hợp độc đáo theo phong cách Tây phương ấy, khổ thơ mang vẻ đẹp huyền ảo mà trong sáng, thực và hư hòa quyện tạo nên vẻ riêng cho cảm xúc.

    Xuyên suốt khổ thơ, bài thơ là bóng dáng tâm trạng nhân vật trữ tình – một con người yêu tha thiết xứ Huế thơ mộng nhưng cũng buồn đau bởi mối tình vô vọng. Chính nỗi đau của thể xác, chính niềm vô vọng về sự sống và tình yêu đã đẩy những dòng huyết lệ tràn lên ngòi bút, kết thành áng thơ tuyệt đẹp mà lóng lánh đau thương.

    Đọc bài thơ: [Bài Thơ] Đây Thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng ba 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...