Phân tích khổ 3 bài thơ tây tiến của nhà thơ quang dũng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi YenOanh099, 8 Tháng mười một 2020.

  1. YenOanh099

    Bài viết:
    39
    Phân tích khổ 3 bài thơ "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng.

    Hình ảnh người lính nói chung và những người lính thời kỳ chống Pháp nói riêng từ lâu đã đi vào văn chương như một nguồn thi cảm. Các nhà thơ viết về người lính với tất cả niềm kiêu hãnh, tự hào. Giữa muôn vàn những tác phẩm như vậy, "Tây Tiến" là bài thơ có vị trí đặc biệt. Đây là một trong những bài thơ sớm nhất viết về người lính cách mạng, ra đời ngay trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trở thành thi phẩm xuất sắc của nền thơ Việt Nam từ sau năm 1945 gắn liền với hình tượng người lính Tây Tiến.

    Ở đây, Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt - Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào và miền Tây Bắc Việt Nam. Địa bàn đóng quân và hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng, bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa và cả Sầm Nưa (Lào).

    Về xuất thân, các chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên. Mặc dù hoàn cảnh chiến đấu rất gian khổ, thiếu thốn về vật chất, thuốc men với căn bệnh sốt rét hoành hành dữ dội nhưng người lính Tây Tiến vẫn sống lạc quan và dốc hết sức mình dũng cảm chiến đấu. Có thể nói những người lính thủ đô đã đi vào cuộc kháng chiến mang theo vẹn nguyên cái mộng mơ, lãng mạn, hào hoa của người con đất Hà Thành.

    Bài thơ "Tây Tiến" được hình thành từ một nỗi nhớ, nỗi nhớ da diết về những người đồng đội, về những ngày tháng, những kỉ niệm không thể quên của tác giả đối với đoàn quân Tây Tiến, với vùng đất miền Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở và thơ mộng. Nỗi nhớ ấy đã đánh thức mọi ấn tượng, kí ức để kết tinh thành bức chân dung của người lính Tây Tiến.

    Bằng bút pháp lãng mạn mà không thoát li hiện thực, bài thơ đã khắc họa sừng sững bức tượng đài người lính trường tồn, bất tử mãi với không gian và thời gian. Điều này được thể hiện rõ nét ở đoạn ba của bài thơ:

    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm

    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

    Rải rác biên cương mồ viễn xứ

    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

    Áo bào thay chiếu anh về đất

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

    Mở đầu đoạn là chi tiết cho thấy nét gân guốc, lạ hóa trong ngoại hình của người lính Tây Tiến:

    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm"

    Ta từng thấy một "Tiểu đội xe không kính" dí dỏm trong thơ Phạm Tiến Duật thì nay lại thấy một "Đoàn binh không mọc tóc" trong thơ Quang Dũng. Thế nhưng nét gân guốc, lạ hóa trong ngoại hình của người lính Tây Tiến ấy lại bắt nguồn từ chính hiện thực đến từng chi tiết. "Không mọc tóc" là hậu quả của những trận sốt rét rừng khủng khiếp, rừng thiêng nước độc mà thuốc men không có, cho nên "Quân xanh màu lá" cũng là điều thực tế hiển nhiên. "Quân xanh màu lá" có thể là màu áo xanh của người lính hoặc có thể do hoàn cảnh thiếu thốn, bệnh tật mà dẫn đến da dẻ xanh xao. Tố Hữu khi vẽ chân dung anh vệ quốc quân cũng không quên nhắc tới sức ảnh hưởng ghê gớm của căn bệnh quái ác đó:

    "Giọt mồ hôi rơi

    Trên má anh vàng nghệ"

    (Trích Cá nước)

    Nhưng cũng ẩn sau ngoại hình ấy là một sức mạnh tâm hồn và khí phách hiên ngang của những người lính Tây Tiến:

    "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

    Nếu câu thơ thứ nhất nhấn mạnh chữ "Mộng" thì câu thơ thứ hai nhấn mạnh chữ "Mơ". Câu thơ vẹn nguyên cả ước vọng và điểm đến cuối cùng của đời lính Tây Tiến. Chữ "Trừng" được sử dụng khá độc đáo, khiến người đọc cảm tưởng như mọi ước mơ khao khát tận đáy lòng đã trào dâng và đong đầy trong ánh mắt người lính. Tứ thơ ấy gợi nhắc đến hình ảnh thơ quen thuộc:

    "Những đêm dài hành quân nung nấu

    Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu"

    (Đất nước - Nguyễn Đình Thi)

    Thì ra bao giờ cũng vậy, đích đến cuối cùng của những người lính luôn là hạnh phúc. Nỗi nhớ của họ hướng cả về "Dáng kiều thơm", những bóng hình giai nhân yêu kiều, thướt tha, thanh lịch nào đó ngoài cuộc đời. Họ ra đi chiến đấu vì tự do, độc lập nhưng trước hết là vì cuộc sống tương lai hạnh phúc mà họ khao khát. Chính vì vậy mà "Dáng kiều thơm" trở thành điểm tựa, trở thành niềm hi vọng tiếp thêm sức mạnh để họ chiến đấu và thắng lợi.

    Những người lính Tây Tiến sống anh dũng mà hi sinh cũng anh hùng. Quang Dũng không hề né tránh hiện thực khắc nghiệt nhất, đau thương nhất, tàn nhẫn nhất của chiến tranh đó là sự hi sinh. Ở đoạn đầu, nếu hình ảnh người đồng chí kiệt sức đến "Bỏ quên đời", đến "Không bước nữa" hiện lên:

    "Anh bạn dãi dầu không bước nữa

    Gục lên súng mũ bỏ quên đời"

    Thì ở đây lại:

    "Rải rác biên cương mồ viễn xứ

    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

    Áo bào thay chiếu anh về đất

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

    Ba lần nhà thơ nhắc tới sự hi sinh, nhưng lần nào cũng là cách nói giảm nói tránh kết hợp với các từ Hán Việt nhằm làm vơi đi nỗi đau. Dường như khi người lính Tây Tiến ngã xuống là khi họ tạm nghỉ chân trước cuộc đời. Cái chết không đồng nghĩa với ngừng chiến đấu vì tâm hồn, vì ước nguyện của họ sẽ mãi trường tồn với thời gian. Họ ngã xuống nhưng vẫn kịp trao ngọn lửa tuổi trẻ cho những đồng đội của mình, để họ tiếp tục con đường cách mạng vinh quang.

    Sự hi sinh đó làm người đọc không khỏi nghẹn ngào:

    "Rải rác biên cương mồ viễn xứ

    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

    Dù còn rất trẻ, tuổi đời còn xanh thắm nhưng những người lính Tây Tiến ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với quê hương, đất nước, hòa vào không khí của thời đại: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Họ hiểu được lí do mình sống trên đời và quyết liệt sống và chết vì điều đó. Trong hai câu thơ trên, tác giả dùng từ Hán Việt: "Biên cương", "Mồ viễn xứ" để nói về sự hi sinh của những người lính, khiến cho sự hi sinh đó càng thêm trang trọng và nâng tầm lí tưởng sống của họ.
    Chữ "Rải rác" được đảo lên đầu câu, nhấn mạnh cho sự quạnh quẽ, lạnh lẽo và cực kỳ hoang vắng. Nó gợi lên cảm giác xót xa, đau đớn. Nhưng đôi cánh của lí tưởng quên mình vì Tổ quốc lại hiện lên và xoa dịu nỗi đau ấy, làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính Tây Tiến.

    Để rồi:

    "Áo bào thay chiếu anh về đất

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

    Sự hi sinh của những người lính Tây Tiến không hề bi lụy mà mang vẻ đẹp hùng tráng. Những người lính Tây Tiến khi mất, được đồng đội bọc trong một chiếc "Áo bào" (Từ chỉ áo vua mặc, rất sang trọng) chứ không phải trong manh chiếu thông thường. Cách nói giảm "Anh về đất" - Sự hi sinh được hiểu là sự trở về, trở về nằm gọn trong lòng đất mẹ khiến câu thơ tuy nói về cái chết nhưng không hề bi lụy mà ngược lại gợi lên không khí trang trọng, bình yên và tinh thần lạc quan của người chiến sĩ.

    Trong không khí đó, "Sông Mã" xuất hiện đưa tiễn họ trong âm hưởng hào hùng "Gầm lên khúc độc hành" đầy tiếc thương!

    Có lẽ hình tượng người lính Tây Tiến đã trở thành bất tử với muôn đời. Dòng lịch sử có thể thay đổi nhưng mọi thế hệ sau vẫn gợi nhắc đến các anh như hình tượng đẹp đẽ nhất. Qua dòng hồi tưởng của Quang Dũng, những chiến sĩ Tây Tiến hiện lên trong sự đối mặt với khó khăn, gian khổ, hi sinh nhưng lúc nào cũng lạc quan phơi phới yêu đời. Với âm hưởng thơ lúc dữ dội, khi sôi nổi, lúc lại vang vọng, trầm lắng, bài thơ "Tây Tiến" đã dẫn người đọc trở về một thời quá khứ tuy đau thương mà hào hùng. Từ đó, lắng cảm trong nỗi nhớ thương da diết của Quang Dũng.

    Nguồn: Sưu tầm có chỉnh sửa
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng tám 2020
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...