Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn đối thoại với Đế Thích

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Whiskey, 5 Tháng mười một 2021.

  1. Whiskey Whiskey

    Bài viết:
    45
    ĐỀ BÀI: Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích dưới đây:

    Hồn Trương Ba: (sau một lát) Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

    Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!

    Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

    Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn có ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!

    Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!


    BÀI LÀM

    Bi kịch là gì mà khiến cho con người ta đau khổ? Là gì mà mỗi tác phẩm đặc sắc đều cố gắng đặt nhân vật mình vào nó để tôn lên những giá trị cao đẹp? Vâng xin thưa, bi kịch là một trạng thái tinh thần đau đớn của con người khi đứng trước nghịch cảnh trớ trêu mà bản thân không thể hóa giải được. Chính vì thế mà con người đã phải sống triền miên trong đau khổ và bế tắc. Số phận của nhân vật bi kịch thường được kết thúc bằng cái chết hoặc sự diệt vong của những giá trị quan trọng. Lưu Quang Vũ với vai trò là nhà viết kịch xuất sắc nhất mọi thời đại đã làm nên một "Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt" đầy những đau thương. Bi kịch tinh thần của nhân vật Trương Ba là những đau đớn chất chồng khi phải đặt mình trong một nghịch cảnh trớ trêu "bên trong một đằng bên ngoài một nẻo", càng khiến cho khát vọng được làm chính mình được đẩy lên tới đỉnh điểm thể hiện rõ trong cuộc trò chuyện với Đế Thích "(Sau một lát).. thì ông chẳng cần biết!".

    Lưu Quang Vũ là người nghệ sĩ đa tài. Ông đã từng sáng tác thơ nhưng được biết đến nhiều hơn với tư cách là nhà soạn kịch. "Hồn Trương Ba, Da Dàng Thịt" là vở kịch được viết từ năm 1981, đến năm 1984 thì ra mắt công chúng. Vở kịch này được viết dựa trên một cốt truyện dân gian, song đã có những thay đổi, thêm những tình tiết phát triển làm cho tầng ý nghĩa của câu chuyện càng sâu hơn. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích thuộc cảnh VII và Đoạn kết của vở kịch, nó đóng vai trò giải quyết mâu thuẫn, thể hiện rõ khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba với mong muốn được sống làm chính mình.

    Trương Ba vốn là một người nhân hậu, yêu thích công việc làm vườn, có một thú vui tao nhã và trí tuệ là chơi cờ với nước đi khoáng đạt. Có thể nói Trương Ba đã chết một cách vô lí, ai cũng biết cái chết của Trương Ba là do sự vô tâm và tắc trách của Nam Tào. Để sửa sai Nam Tào và Bắc Đẩu theo lời khuyên của Đế Thích cho Hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mới chết nhằm trả lại công bằng cho Trương Ba. Nếu như ở cốt truyện dân gian đây là một kết thúc có hậu thì ở tác phẩm của Lưu Quang Vũ đây lại là khởi nguồn của bi kịch. Trương Ba bị đẩy vào một nghịch cảnh đầy vô lí - linh hồn của mình lại phải trú nhờ trong thể xác của kẻ khác. Do phải sống nhờ thể xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba đành phải chiều theo một số nhu cầu hiển nhiên của xác thịt. Linh hồn nhân hậu, trong sạch, bản tính ngay thẳng của Trương Ba xưa kia, nay vì phải sống mượn, vá lắp, tạm bợ và lệ thuộc nên chẳng những đã không sai khiến được xác thịt thô phàm của anh hàng thịt mà trái lại còn bị cái xác thịt ấy điều khiển. Đáng sợ hơn, linh hồn Trương Ba dần dần bị nhiễm độc bởi cái tầm thường của xác thịt anh đồ tể. Để từ đây, hồn Trương Ba phải đối mặt với bao nghịch cảnh xót xa, bị lý trưởng sách nhiễu, bản thân không nhận được sự thừa nhận của chính gia đình mình. Hồn Trương Ba đang ở trong tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ. Bức bối bởi không thể nào thoát ra khỏi cái thân xác mà hồn ghê tởm. Hồn đau khổ bởi mình không còn là mình nữa. Trương Ba bây giờ vụng về, thô lỗ, phũ phàng. Càng lúc Hồn Trương Ba càng rơi vào trạng thái đau khổ, tuyệt vọng. Tất cả những điều này khiến tâm hồn Trương Ba không thể chịu đựng được nữa và quyết định tìm cách đối thoại với Đế Thích.

    Sau màn đối thoại với người thân, tức là khi mâu thuẫn bị đẩy đến đỉnh điểm. Bi kịch thứ nhất của Trương Ba chính là bi kịch sống, sống gửi, không được là chính mình. Nghịch cảnh trớ trêu, sự hoán đổi bất ngờ đã xáo trộn hiện thực. Ông kêu lên những lời kêu gào thống thiết: "Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi!", Trương Ba đang độc thoại trước cảnh bế tắc. U uẩn không lối thoát của hiện tại. Thân xác kềnh càng, bản tính cục cằn thô lỗ của hàng thịt đang dần dần lấn át đi tâm hồn nhân hậu, thanh cao của chính ông. Rồi ông tự hỏi mình "Nhưng có thật là không còn cách nào khác?". Câu hỏi của Trương Ba cho thầy một cuộc đấu tranh nội tâm đang diễn ra căng thẳng, dữ dội. Tuy nhiên, rơi vào tấn bi kịch này, nhưng ông không dễ dàng cam chịu, buông xuôi mà có khát vọng vô cùng mãnh liệt. Khát vọng trước tiên bùng cháy lên là thoát ra khỏi nghịch cảnh phải sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt. Trương Ba ý thức được tình cảnh trớ trêu khi sống mà bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Ông thấm thía nỗi đau khổ và dằn vặt khi bản thân dần có xu hướng tha hóa, gia đình đau khổ, không thể chấp nhận sự vênh lệch giữa hồn và xác. Chính vì vậy hồn Trương Ba quyết định tìm gặp Đế Thích để chấm dứt nỗi bi kịch sống nhờ, sống gửi này.

    Khi gặp được Đế Thích, Trương Ba đã bày tỏ nguyện vọng: "Tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!". Lời thoại sử dụng hai lần phủ định "không thể" thể hiện khát vọng mãnh liệt được làm chính mình, ý chí sắt đá và lòng quyết tâm của Trương ba khi quyết định rời khỏi thân xác của anh hàng thịt.

    Trước yêu cầu và lập luận của Trương Ba, Đế Thích tỏ thái độ ngạc nhiên, cảm thấy khó hiểu trước suy nghĩ kì lạ ấy: "Có gì không ổn đâu!". Ngay sau đó hồn Trương Ba đã bày tỏ quan điểm sống của bản thân "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được.". Lời thoại này đã nói lên tấn bi kịch, sự trớ trêu trong Hồn Trương Ba, đó là sự mâu thuẫn giữa một tâm hồn đẹp với một thân xác thỗ lỗ, phàm phu tục tử, đó là trong ngoài bất nhất. Nếu bên trong là một tâm hồn cao khiết, một nhân cách cao đẹp thì bên ngoài lại là xác thịt thô tục, là những dục vọng và bản năng. Sự tha hóa của linh Hồn Trương Ba chính là do linh hồn đã nhượng bộ, đã tự bán mình, tự thỏa hiệp với nhu cầu bản năng. Đây chính là sự dằn vặt, đau khổ, trăn trở của Trương Ba khi mà cả hai không thể hòa hợp bởi không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thể xác phàm tục tội lỗi. Từ đó, Trương Ba đã nêu lên khát vọng chính đáng của mình "Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". "Toàn vẹn" là sự hài hòa của bên trong và bên ngoài, giữa tâm hồn và thể xác. Trương Ba muốn hồn mình phải được hợp nhất với xác của mình để được sống cho đúng nghĩa, phải có sự hòa hợp giữa bên trong và bên ngoài, giữa nội dung và hình thức, giữa thể xác và linh hồn. Đối với Trương Ba, sống không chỉ là tồn tại, mà sống phải là chính mình, làm những điều mình mong muốn, trở lại là mình toàn vẹn khi xưa. Không thể có cuộc sống nào mà "hồn này xác kia" được. Cuộc sống không thuận theo lẽ tự nhiên, không thuận theo tạo hóa, sống mà không được là chính mình thì đó là một bi kịch nghiệt ngã.

    Lời thoại này đã cho ta thấy rõ quan điểm, triết lí về nhân sinh của Lưu Quang Vũ. Ông cho rằng: Cuộc sống của con người là một thể thống nhất giữa hồn và xác. Hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối hoàn toàn bởi những nhu cầu bản năng của thân xác, nghĩa là những nhu cầu vật chất chi phối hoàn toàn đời sổng tinh thần thì không thể có một tâm hồn thanh cao trong sáng được. Nói như thế, ở đây Lưu Quang Vũ không phải phủ nhận hoàn toàn nhu cầu về đời sống vật chất, mà chỉ muốn trong cuộc sống chúng ta phải biết kết hợp hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến đời sống tinh thần mà không lo đến đời sống vật chất thì cuộc sống của chúng ta cũng chẳng mấy tốt đẹp, chúng ta sẽ sống trong ảo tưởng bằng vỏ đẹp siêu hình của tâm hồn. Vì vậy chúng ta đừng bao giờ để đời sống vật chất làm sa ngã đời sống tinh thần.

    Trước mong muốn và nguyện vọng của Trương Ba, Đế Thích đã tìm cách khuyên bảo Hồn Trương Ba nên chấp nhận cuộc sống hiện tại bởi theo Đế Thích tất cả mọi người trên trời, dưới đất không ai toàn vẹn cả. Ngay cả Đế Thích và Ngọc Hoàng cũng không được sống là chính mình. Hơn thế nữa, Trương Ba đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào, thân thể thật cũng đã tan rữa trong bùn đất bởi vậy không thể trở lại như xưa. Đế Thích cho rằng tất cả mọi người đều đang sống trong hoàn cảnh trong ngoài bất nhất, nên hãy chấp nhận, học cách thỏa hiệp với hiện tại. Những dẫn chứng mà Đế Thích đưa ra thể hiện một quan điểm: Sống là tồn tại, còn tồn tại như thế nào thì là do hoàn cảnh, điều kiện xung quanh; con người không thể thay đổi hoàn cảnh mà chỉ có thể quy thuận dù là điều mình không mong muốn.

    Trương Ba đưa ra sự so sánh đồ đạc, vật chất và bản thân "Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác, đã là chuyện không nên, đằng này cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt". Đồ đạc, của cải vật chất mượn của người khác đã là chuyện không nên. Là con người, không nên sống nhờ, sống gửi, sống ký sinh vào thân xác của kẻ khác. Trương Ba thẳng thắn phê phán những quan điểm sai lần của Đế Thích "Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!". Lời thoại đã chỉ trích quan niệm sai lầm của Đế Thích bởi suy nghĩ đơn giản về cuộc sống. Với Đế Thích, sống là tồn tại còn tồn tại như thế nào thì không cần biết. Với Trương Ba, sống không chỉ là sự tồn tại sinh học mà sự tồn tại ấy còn phải là sự tồn tại có ý nghĩa, là thuận theo bản năng và hoàn cảnh mà đó phải là cuộc sống có nghĩa, sống là mình, là sự vượt lên những vui thích tầm thường để bảo vệ những giá trị cốt lõi của linh hồn cao đẹp.


    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Qua những lời thoại trên của Hồn Trương Ba với Đế Thích đã bộc lộ quan điểm rất đúng đắn của Lưu Quang Vũ về cuộc sống. Đó cũng chính là sự suy ngẫm về nhân sinh, về hạnh phúc, là sự phê phán một số mặt tiêu cực trong lối sống của một số người trong xã hội đương thời của Lưu Quang Vũ. Thực tế trong cuộc sống hôm nay không ít những con người sống nhờ vào thân thể, uy quyền của kẻ khác, sống bằng luồn cúi, nịnh bợ để được thăng quan tiến chức, sống bằng đồng tiền không phải do năng lực của mình làm ra mà đó là những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, của đồng chí, đồng đội, làm băng hoại cuộc sống xã hội. Sống như thế là một cuộc sống thật xấu xa, đê tiện, đáng lên án và phỉ nhổ. Lưu Quang Vũ đã thể hiện nỗi băn khoăn, trăn trở của mình về điều này qua những khổ đau, trăn trở của Hồn Trương Ba khi phải sống nhờ vào xác anh hàng thịt. Chính điều này đã lay động trái tim người đọc và người xem vở kịch này.
     
    Last edited by a moderator: 8 Tháng năm 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...