Phân tích hình tượng Sông Đà trữ tình: Thuyền tôi trôi trên Sông Đà… dòng trên

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi estoulam, 2 Tháng mười 2021.

  1. estoulam

    Bài viết:
    64
    Phân tích hình tượng Sông Đà trữ tình: "Thuyền tôi trôi trên Sông Đà.. dòng trên"

    Bài làm

    Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hóa những con Tàu

    (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

    Tây Bắc từ lâu đã được xem như một mảnh đất hứa cho văn chương nghệ thuật, bởi vùng núi ấy không chỉ để lại nhiều ân tình mà còn khiến cho các nhà văn, nhà thơ có được những nguồn cảm hứng bất tận. Nếu như Nguyễn Huy Tưởng đã có cho mình cuốn tiểu thuyết "Bốn năm sau", Tô Hoài ghi dấu ấn với VCAP, Nguyễn Khải viết nên "Mùa lạc" thì Nguyễn Tuân lại thăng hoa trên mảnh đất này với tập "Tùy bút Sông Đà" mà linh hồn là bài kí "Người lái đò Sông Đà". Thưởng thức bài kí, người đọc không khỏi ấn tượng với vẻ đẹp trữ tình của Đà giang, mà tiêu biểu là đoạn trích miêu tả dòng sông với vẻ đẹp hoang sơ, bình lặng nhưng cũng đầy tươi mới.

    "Nếu Xuân Diệu xem tình yêu là tôn giáo thì Nguyễn Tuân xem cái đẹp như là tôn giáo của mình" (Gs Trần Đình Sử) Thật vậy, Nguyễn Tuân là một người nghệ sĩ tài hoa, suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông sáng tác nhiều thể loại, song thành công nhất vẫn là thể tùy bút. "Người lái đò sông đà" trích trong tập tùy bút "Sông Đà", xuất bản năm 1960, là kết quả của chuyến đi thực tế đến miền Tây Bắc năm 1958 của Nguyễn Tuân, ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây.

    Nhà văn Thạch Lam từng nói: "Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức". Sông Đà đẹp, "độc bắc lưu" đã lọt vào cảm giác nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Đến với dòng sông đặc biệt này, NT đã không quản ngại công phu để quan sát kĩ càng, ghi lại sự hung bạo, dữ dằn cũng như vẻ đẹp trữ tình thơ mộng của dòng sông trên nhiều vẻ. Tuy nhiên, nhà văn không làm công việc của một nhà địa lí, địa chất học mà đã biến con sông của miền TB thành một hình tượng sống động, một đối tượng thẩm mĩ hoàn chỉnh. Không phải ngẫu nhiên NT viết hoa hai chữ SĐ trái với quy tắc thông thường. Ông không nói SĐ khơi nguồn mà nói "khai sinh", không nói chảy vào lãnh hổ mà nói "xin nhập quốc tịch", không nói SĐ trải rộng ra lưu vực mà dùng cách diễn đạt "trưởng thành mãi lên".. Đằng sau cách viêt ấy là cả một tấm lòng yêu mến, tự hào về con sông đất Việt. Nghệ thuật nhân hóa khiến SĐ hiện lên không còn là một dòng chảy vô tri mà như một con người có lai lịch, có tên gọi, có cá tính, tâm trạng.. SĐ đã trở thành một hình tượng chính của thiên tùy bút với hai nét tính cách: Hùng vĩ và thơ mộng.

    Leonid Leonov từng nhận định: "Một tác phẩm phải là một phát minh về hình thức, một khám phá về nội dung." Thật vậy, đối với riêng NLĐSĐ, bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ của con sông, ở một góc độ khác, NT đã phát hiện ra chất trữ tình, thơ mộng của dòng sông này, đó cũng là chất men say cho cuộc sống của con người Tây Bắc. Rời khỏi thượng nguồn, xuôi về hạ lưu, Sông Đà để lại sau lưng bao nhiêu cảnh đá uy nghi, nhiều ghềnh sông rợn ngợp, nhiều hút nước sâu thẳm, những thác đá cuồng nộ, ngòi bút tài hoa của NT đã đưa người đọc đến với dòng sông Đà êm đềm như một giấc mơ và dịu hiền như một miền cổ tích. Sau những chuyến bay nhìn xuống Đà giang bâng khuâng dõi theo dáng hình của nó, sau những ngày dài ở rừng đi núi "thèm chỗ thoáng", khi gặp lại con sông thấy "đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân", thấy "vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng", Nguyễn Tuân lại theo con đò trôi dòng để tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ, lãng mạn của miền trung lưu Sông Đà.

    Câu văn "Thuyền tôi trôi trên SĐ" mở đầu đoạn trích bằng một hình ảnh gợi ra vẻ nhẹ nhàng, êm ái. Câu văn ngắn gồm 6 âm tiết đều là thanh bằng tạo nên không gian nghệ thuật như ru khách sông Đà vào giấc mộng phiêu du. Phép lặp "thuyền tôi trôi" trùng điệp như một điểm nhấn của cảm xúc, lan tỏa, bâng khuâng bởi "cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi". Nguyễn Tuân đã đưa con thuyền và cả người đọc lạc vào thế giới cổ tích, thế giới của tiền sử, lạc vào một cõi mơ êm đềm, yên ả, thanh bình, một cõi hoang sơ, vắng lặng như chưa từng có dấu vết của con người. Tính từ "lặng tờ" lặp lại hai lần để nhấn mạnh tuyệt đối từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này không thể lặng tờ hơn được nữa. Sự hướng nội này càng làm nổi bật vẻ đẹp nguyên sơ, hồng hoang của đôi bờ sông Đà như còn đó dấu tích của thời gian, của hồn thiêng sông núi. Cái tĩnh lặng vốn có của dòng sông đã khơi dậy trong ta trở về với quá khứ, nơi hội tụ kết tinh vẻ đẹp của lịch sử ngàn đời. Phải chăng, nhà văn đang chìm trong hoài niệm, mạch cảm xúc đang ngược về thời tiền sử của dân tộc, đang sông trong một miền cổ tích thanh bình. Cái "lặng tờ" của Đà giang trong văn NT gợi nhắc chúng ta đến nét chấm phá bình lặng, đơn sơ trong thơ cổ mà Hồ Xuân Hương miêu tả Tràng giang:

    Xanh um cổ thụ tròn xoe tán

    Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ.

    Vẻ hoang sơ còn được cảm nhận trong những hình ảnh so sánh độc đáo: Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Người ta so sánh để cụ thể hóa sự vật còn Nguyễn Tuân so sánh không làm hiện hữu hinh ảnh của bờ sông mà để thơ mộng hóa, trừu tượng hóa của cảnh vật, để kích thích, mở rộng trí tưởng tượng, làm nổi bật vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng, nguyên thủy của buổi sơ khai như chưa có sự định hình của thời gian. Từ hình ảnh hữu hình là bờ sông mà gợi nên bao cái vô hình là "bờ tiền sử", là "nỗi niềm cổ tích tuổi xưa" đem lại cho SĐ vẻ đẹp lung linh huyền ảo tồn tại như một vĩnh hằng của tự nhiên, gieo vào tâm hồn người đọc bao cảm xúc, để cảm nhận rõ hơn sự lặng tờ của một dòng sông trong trẻo, êm đêm, để đẩy dòng sông trôi xa thêm vào miền mộng ảo, phiêu du trong cõi hồng hoang, trong thế giới cổ tích huyễn hoặc của tuổi thơ. Hai câu văn mà giống như hai vế của một câu song quan trong một bài phú lưu thủy, nó chứa đựng cả những rung cảm và hoài niệm đẹp đẽ. Đó là cách mà Nguyễn Tuân tìm vẻ đẹp xưa trong cảnh vật hôm nay, cũng là biểu hiện cho tình yêu của ông đối với non sông đất nước.

    [​IMG]

    Vẻ đẹp thơ mộng của sông Đà còn được NT khắc họa qua nét tinh khôi, tràn trề nhựa sống của cảnh vật đôi bờ. Không gian trong trẻo an lành đến mức nhà văn có ảo giác như đang lạc vào miền cổ tích mà không biết mình đang ở thế giới thực tại, như một câu chuyện huyền thoại xưa có một người chèo ngược dòng sông lạc vào chốn thần tiên: "Nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa, cỏ gianh đồi núi dang ra những nõn búp, đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm, thỉnh thoảng ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương" Dường như đã có dấu ấn của con người in trên màu xanh mỡ màng ấy, nhưng thật ngạc nhiên "tịnh không một bóng người", chỉ có đồi gianh nối tiếp nhau trùng điệp với những nõn búp. Hình ảnh đàn hươu xuất hiện "cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm" là một nét vẽ tài hoa khiến cho người đọc ấn tượng về một câu văn đầy chất mĩ cảm. Những hình ảnh mong manh, nhỏ bé chỉ có thể nhận ra trong một không gian trong lành, nguyên sơ, thuần khiết như thức dậy phần non tơ nhất của hồn người. Mỗi câu văn "đẫm sương" ấy là một nét vẽ diệu kì nhất, đặc biệt là cỏ. Người ta thường nói "ngọn cỏ, sóng cỏ" nhưng nói "áng cỏ" thì chỉ có Nguyễn Tuân. Với cách nói đó, nhà văn đã đưa ngọn cỏ mộc mạc lên khía cạnh thơ nhất, đẹp nhất, trở thành một kiệt tác của thiên nhiên, của đất trời ban tặng. Dường như NT đã lắng lòng thả hồn mình vào vạn vật để yêu mến, nâng niu, để thấu hết cái cựa mình của sự sống lên hương, cái không khí cổ tích trầm lắng thanh bình của cảnh vật.

    Đến đây, ta chợt nhận ra, Nguyễn Tuân khi viết về Đà giang đã đứng bên bờ tuổi ngũ tuần, thế nhưng trong cõi lòng vị nghệ sĩ già lại nảy lộc bên một dòng sông non tơ e ấp. Nhà giáo Đỗ Kim Hồi khi nhận định về bài kí của NT đã từng viết rằng, trong mỗi nhà văn lớn lại có một đứa trẻ thơ vẫn giữ được cái cảm tính trong trẻo hồn nhiên mà người lớn vẫn thường để cằn cỗi trên đường đời khó nhọc. Có lẽ chính vì thế nên Nguyễn Tuân mới có thể lột tả hết cái sức sống mới mẻ của dòng sông nguyên thủy này. Nếu như vẻ đẹp hung bạo mang dáng dấp hiện đại khỏe khoắn, với sự vận dụng những kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau như điện ảnh, võ thuật, quân sự.. thì ở đây, cái trữ tình lại đến với người đọc bằng vẻ đẹp cổ điển và nguyên thủy, cùng những câu văn lắng sâu, truyền cảm như áng thơ, mang lại cảm giác như đang thưởng thức một bức họa bằng văn xuôi. Với bức tranh thủy mặc tuyệt vời này, chúng ta phải ghi thêm tên Nguyễn Tuân vào làng nghệ thuật hội họa.

    Sự êm đềm thấm đẫm vẻ tinh khôi, tràn trề nhựa sống như bắt đầu một mùa nảy lộc sinh sôi càng làm tăng thêm ảo giác, nhà văn như trải lòng mình với dòng sông, hóa thân vào nó để lắng nghe con hươu thơ ngộ đang thủ thỉ: "Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?" Một giả định vừa thực vừa mộng ảo, siêu thực mà lãng mạn. Cuộc đối thoại giữa ông khách sông Đà và con hươu thơ ngộ đích thực là một bài thơ trữ tình kì diệu. Là một nét vẽ tài hoa, độc đáo, là một giấc mơ chập chờn trong cái lặng tờ của ven sông. Cái khoảnh khắc giao cảm thần tiên ấy đã lên đến đỉnh điểm. Con hươu thơ ngộ nhìn người mà ngơ ngác, người nhìn đàn hươu mà lâng lâng chìm vào mộng tưởng. Không một tiếng động, cả không gian trở nên tĩnh lặng, thiêng liêng, nhiệm màu.

    Trong không gian u huyền ấy, bỗng nhà văn "thèm" một âm vang của thời đại, "thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái – Lai Châu". Đặt vào hoàn cảnh chưa có chuyến tàu nào đi PT – YB – LC, câu văn như một tiếng reo náo nức của tác giả trước công cuộc xây dựng miền Bắc những năm 58 60. Nhà văn khao khát một ngày không xa, vùng đất hoang dại này cũng được đánh thức bởi sự hiện diện của con người: Có đường xe lửa, có tiếng còi tan ca gọi sự sống. Niềm khao khát này không chỉ là ước mơ hiện đại hóa miền TB mà còn là cách giúp cho nhà văn nhận ra mình vẫn đang sống trong tự tại chứ không phải đang lạc vào miền cổ tích êm đềm như thế. Nếu như ta từng trân trọng cái "giật mình" thương thân của Thúy Kiều, cái "giật mình" vì hoài nhớ khi nghe "văng vẳng tiếng ếch" của Tú Xương thì ở đây, ta lại nâng niu, cảm mến biết bao cái cảm giác "giật mình" mà Nguyễn Tuân ao ước cho sự đổi thay, phát triển của quê hương. Đó là niềm ước ao về diện mạo được đổi mới của đất nước, giống như Chế Lan Viên đã từng viết:

    "Tàu hãy vỗ dùm ta đôi cánh vội

    Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga"

    Hay như niềm hăng say, phấn khởi mà ta có thể bắt gặp trong thơ Tố Hữu:

    Yêu biết mấy những dòng sông bát ngát

    Giữa đôi bờ dào dạt lúa ngô non

    Yêu biết mấy những con đường ca hát

    Qua công trường mới dựng mái nhà son

    Nhà văn đã khéo tạo được một giấc mơ ngay giữa ban ngày để rồi sau đó sực tỉnh với tiếng động của "Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến". Phút sực tỉnh cũng là phút nhà văn hiến cho độc giả một hình ảnh vô cùng sống động mà ai gặp một lần thấy trong đời hẳn phải nhớ mãi. Bút pháp cổ điển lấy động tả cái tĩnh đã được nhà văn vận dụng đắc địa. Cảnh tĩnh lặng đến mức chỉ tiếng cá quẫy cũng đủ khiến ta phải giật mình. Phải chăng, đó là khoảng lặng trong tâm hồn Nt để hứng lấy những thanh âm nên thơ của sự sống đang cựa mình mạnh mẽ? Tuy nhiên, dưới ngòi bút của nhà văn tài hoa, uyên bác, cái tĩnh không đồng nghĩa với sự phẳng lặng, đơn điệu mà vẫn luôn hàm chứa sự bất ngờ. Nghệ thuật hội họa giúp ta không chỉ thấy cái lấp lánh ánh bạc của bụng cá mà còn nghe tiếng cá quẫy nước rộn ràng vang ngân. Thêm vào đó, hình ảnh so sánh: "Bụng trắng như bạc rơi thoi" cũng gợi ra câu thành ngữ của người VN "rừng vàng biển bạc". Và phải chăng, đó cũng là cách mà nhà văn ngợi ca vẻ đẹp, sự giàu có của non sông gấm vóc?

    Chưa đủ, Nguyễn Tuân còn dùng đến cả thơ của một nhà thơ lãng mạnvào hàng bậc nhất của thơ ca VN đầu thế kỉ XX, nhà thơ quê hương núi Tản, Sông Đà để diễn tả vẻ trữ tình của con sông, để đưa người đọc đắm chìm trong thế giới cổ điển, để được nhấp thứ men say nồng nàn của chất thơ tình lãng mạn bồi lên từ dòng sông: "Dải sông đà bọt nước lênh đênh/ Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình" của "một tình nhân chưa quen biết" (Tản Đà). Câu thơ ấy hòa với những câu văn đẹp như thơ của Nguyễn Tuân khẳng định sự tồn tại của một sinh thể có hồn, một "cố nhân". Phải chăng, có cảnh đẹp mà thiếu bạn hiền thì cái yêu hoa, thưởng nguyệt đã giảm đi ít nhiều nhã thú. Cho nên, đọc thơ bạn, ngâm thơ bạn trong lúc này, NT xem như bạn đang cùng mình ngồi trên thuyền trôi trên dải sông Đà mà tâm tình, thưởng ngoạn. Đó là tài tử, tài hoa, là tri âm, tri kỉ. Đưa vào câu thơ của Tản Đà, đoạn văn bỗng dậy nên hơi thở nồng ấm, quấn quýt của tình người, tình yêu, càng về cuối càng dư ba. Bức tranh sông Đà thật sống động, cảnh thiên nhiên được mở rộng vừa bằng vẻ đẹp hiện thực của nó, vừa bằng tình yêu của nhà văn tài hoa đang say đắm, mê mải với Sông Đà. NT như đang nhập thân vào dòng sông để "nhớ thương", để "lắng nghe" những âm vang, những nhịp sống ấm áp của cuộc đời, "lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên". Dường như cảnh vật nào được "ngòi bút như thần viết" của NT gõ lên đến đều cựa quậy không ngừng, đều không chịu khép mình trên trang giấy mà sống động trên từng câu chữ.

    (Nghệ thuật) Không chỉ đặc sắc về nội dung mà đoạn văn còn là một sự thành công ở phương diện nghệ thuật. Nhà văn đã miêu tả Sông Đà bằng những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị. Từ ngữ phong phú, sống động, giàu giá trị tạo hình và có sức gợi cảm cao, nhịp văn chậm rãi, trữ tình, mênh mang dư vị của hương nguồn hoa núi, mà nói như Phan Huy Đông thì đó là "sự tự do của một tài năng, một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ" Có thể ví văn Nguyễn Tuân như giọt mật của con ong cần mẫn và miệt mài sáng tạo để mang cho đời những trang văn thơm thảo. Xây dựng thành công hình tượng sđ còn nhờ vào vốn sống, vốn kiến thức uyên bác của tác giả thuộc nhiều lĩnh vực như hội họa, lịch sử, địa lý. Vì thế mà con Sông Đà vốn vô tri, dưới ngòi bút của nhà văn đã trở thành một sinh thể có tâm hồn, tâm trạng, từ đó, ta có thể ví tùy bút này như công trình nghệ thuật tuyệt mĩ in đậm phong cách Nguyễn Tuân.

    Có một sông Đà gầm thét, chảy trôi miên man giữa đất trời TB và có một sông Đà trong văn NT chảy vào lòng người. Văn chương đã làm cho thiên nhiên đẹp lên bội phần. Chỉ một đoạn trích ngắn, nhưng cũng đủ để ta quý trọng một tài năng, một tấm lòng, một con người suốt cuộc đời đi tìm cái đẹp trong cuộc sống để sáng tạo nên những áng văn đẹp làm phong phú, giàu có thêm đời sống tinh thần của tất cả chúng ta.

    Huy-gô đã từng nói: "Bình thường là cái chết của nghệ thuật". Có lẽ đó là điều mà Nguyễn Tuân sợ nhất. Con người ấy luôn muốn đề cao bản ngã của mình, "không để mình giống ai và cũng không ai bắt chước được mình" (Phan Cự Đệ). Với tùy bút NLĐSĐ và việc xây dựng thành công hình tượng sông đà, đặc biệt là đoạn văn con sông Đà trữ tình ở miền trung lưu, NT vượt qua được quy luật nghiệt ngã của sự sáng tạo nghệ thuật, vượt lên trên cái bình thường để cho nhân vật SĐ mãi mãi bất tử trong lòng người yêu văn. Và sóng nước Đà giang sẽ còn tô điểm cho vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước:

    "Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

    Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

    Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền, vượt thác

    Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi"

    (Đất Nước – NKĐ)
     
    Last edited by a moderator: 10 Tháng mười 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...