Phân tích hình tượng Sông Đà hung bạo: Lại như quãng Tà Mường Vát… gậy đánh phèn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi estoulam, 2 Tháng mười 2021.

  1. estoulam

    Bài viết:
    64
    Phân tích hình tượng Sông Đà hung bạo: "Lại như quãng Tà Mường Vát.. gậy đánh phèn"

    Bài làm:

    Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc?

    Khi lòng ta đã hóa những con tàu

    (Tiếng hát con Tàu – Chế Lan Viên)

    Tây Bắc có thể xem như một mảnh đất hứa cho văn chương nghệ thuật, bởi vùng núi ấy không chỉ để lại nhiều ân tình mà còn khiến cho các nhà văn, nhà thơ có được những nguồn cảm hứng bất tận Nếu như Nguyễn Huy Tưởng đã có cho mình cuốn tiểu thuyết "Bốn năm sau", Tô Hoài ghi dấu ấn với VCAP, Nguyễn Khải viết nên "Mùa lạc" thì Nguyễn Tuân lại thăng hoa trên mảnh đất này với tập "Tùy bút Sông Đà" mà linh hồn là bài kí "Người lái đò Sông Đà". Thưởng thức bài kí, người đọc không khỏi ấn tượng với vẻ đẹp hung bạo của SĐ mà trong đó, đoạn trích miêu tả những cái hút nước nơi quãng Tà Mường Vát đã góp phần in đậm bản ngã của NT vào sóng nước Đà giang.

    "Nếu Xuân Diệu xem tình yêu là tôn giáo thì Nguyễn Tuân xem cái đẹp như là tôn giáo của mình" (Gs Trần Đình Sử) Thật vậy, Nguyễn Tuân là một người nghệ sĩ tài hoa, suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông sáng tác nhiều thể loại, song thành công nhất vẫn là thể tùy bút. "Người lái đò sông đà" trích trong tập tùy bút "Sông Đà", xuất bản năm 1960, là kết quả của chuyến đi thực tế đến miền Tây Bắc năm 1958 của Nguyễn Tuân, ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây.

    Nhà văn Thạch Lam từng nói: "Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức". Sông Đà đẹp, "độc bắc lưu" đã lọt vào cảm giác nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Đến với dòng sông đặc biệt này, NT đã không quản ngại công phu để quan sát kĩ càng, ghi lại sự hung bạo, dữ dằn cũng như vẻ đẹp trữ tình thơ mộng của dòng sông trên nhiều vẻ. Tuy nhiên, nhà văn không làm công việc của một nhà địa lí, địa chất học mà đã biến con sông của miền TB thành một hình tượng sống động, một đối tượng thẩm mĩ hoàn chỉnh. Không phải ngẫu nhiên NT viết hoa hai chữ SĐ trái với quy tắc thông thường. Ông không nói SĐ khơi nguồn mà nói "khai sinh", không nói chảy vào lãnh hổ mà nói "xin nhập quốc tịch", không nói SĐ trải rộng ra lưu vực mà dùng cách diễn đạt "trưởng thành mãi lên".. Đằng sau cách viêt ấy là cả một tấm lòng yêu mến, tự hào về con sông đất Việt. Nghệ thuật nhân hóa khiến SĐ hiện lên không còn là một dòng chảy vô tri mà như một con người có lai lịch, có tên gọi, có cá tính, tâm trạng.. SĐ đã trở thành một hình tượng chính của thiên tùy bút với hai nét tính cách: Hùng vĩ và thơ mộng.

    Sau khi đã đi qua quãng đá bờ sông "dựng vách thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu", quãng mặt ghềnh HL "cuồn cuộn luồng gió, gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt", thì đến khúc sông quãng Tà MV, những cái hút nước như "cái bẫy" nối nhau giăng mắc trên SĐ sẵn sàng nhấn chìm mọi thuyền bè đi ngang qua đó. Trước hết, hút nước sông Đà được miêu tả qua hình ảnh so sánh: "Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu." Từ "bỗng" gợi tả một sự đột ngột, bất ngờ, nó làm cho người ta không khỏi hoang mang. Dòng nước đương xuôi êm đềm bỗng dưng không thấy một vật nào nổi trên mặt mà dòng nước tới đó cứ xoáy tít thành những vòng tròn hút tới tận đáy. Tả độ sâu của hút nước, NT so sánh như cái "giếng bê tông thả xuống để chuẩn bị làm móng cầu". Qua sự so sánh này, ta thấy cái hút nước lớn, khổng lồ, nhìn vào trong chỉ thấy đen ngòm, sâu hoắm, tối tăm, giống như miệng con thủy quái đang há hốc để chực nuốt chửng bất cứ vật gì qua quãng này.

    Ấn tượng hút nước sông Đà khúc thượng nguồn còn nằm ở những âm thanh sống động: "Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc.. những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào." Tự bản thân những chữ "thở", "kêu" cùng từ láy tượng hình "lừ lừ", láy tượng thanh tăng nghĩa "ặc ặc" cùng những chi tiết so sánh mang sắc thái nhân hóa đã nói lên cường lực ghê gớm của những cái hút nước. Dòng nước thở hồng hộc, thanh âm thống thiết, thét gào giữa núi rừng Tây Bắc điệp trùng. Dòng sông đà vì thế mà trở nên hùng dũng, uy lực hơn rất nhiều. Nó hiện ra như cái vòi một con quái vật khổng lồ tàn ác đang giân dữ đến ghê người, chỉ chực hút tất cả những thuyền bè sơ ý nghênh ngang qua đó. Đến đây, ta dường như nghe trong cái âm vang của Đà giang dưới ngòi bút Nguyễn Tuân một chút hội ngộ với Homero trong cuốn sử thi Ô đi xê bất hủ, khi viết về cái hung bạo của chốn eo biển xa xôi nào đó thời cổ đại: "Biển khơi chuyển động, sôi lên như nước trong cái chảo đặt trên một bếp lửa hồng".

    Gs Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nhận định: "NT là nhà văn của những cảm giác mạnh". Thật vậy, để hình dung trọn vẹn về hút nước Sông Đà, Nguyễn Tuân đã đưa người đọc đến tận cùng cảm giác. Đó trước hết là cảnh thuyền qua quãng sông ấy: "Thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực." Giữa chốn núi rừng hoang sơ, nhà văn đã thổi vào không khí của phố thị khi so sánh chiếc thuyền với ô tô. Tác giả ví con thuyền phải qua vùng nước xoáy thật nhanh giống như ô tô sang số, nhấn ga cho nhanh để "vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực". Từ đó khẳng định những cái hút nước này chính là mối đe dọa mà bất cứ ai cũng phải khiếp sợ. Muốn đi ngang qua đây phải thật điêu luyện, thật bình tĩnh nhưng cũng phải thật nhanh chóng mới có thể "thoát chết". Nhưng trong khi người điều khiển ô tô còn có thể đạp phanh, nhấn ga thì con thuyền qua quãng này chỉ có thể dựa vào tài nghệ của ông lái đò mà thôi.


    [​IMG]

    Hút nước còn gây nguy hiểm cho thuyền bè: "Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan tác ở khuỷnh sông dưới" Câu văn không chỉ cho thấy ở Nguyễn Tuân một trí tưởng tượng độc đáo hay sự sáng tạo mà đó còn là vốn sống vô cùng phong phú. Đó là những hình ảnh chỉ có trong tưởng tượng nhưng lại đưa đến một ấn tượng thật sâu đậm về sức mạnh khủng khiếp của hút nước sông Đà. Trước những cái hút nước ấy, sự sống và cái chết của con người bỗng trở nên mong manh, đi qua đó luôn có nguy cơ bị cướp đi sinh mạng. Cách miêu tả ấy gợi ra cho người đọc con sông Đà như một loài thủy quái hung hăng còn con thuyền như một vật hiến tế hiền lành đến tội nghiệp đem tấm thân nhỏ bé để cống nạp cho tử thần.

    Dừng lại ở đó thôi thì chưa đủ, nhà văn còn mang đến một giả tưởng li kì mà để có được nó, Nguyễn Tuân ắt phải có vốn kiến thức về kĩ thuật điện ảnh: "Một anh bạn quay phim táo tợn nào muốn truyền cảm giác lạ cho khán giả, đã dũng cảm dám ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cái hút Sông Đà.." Từ dưới đáy sâu của hút ước, anh phóng viên lia ngược ống kính lên một cách sống động, truyền cảm từ hình khối của "một thành giếng xây toàn bằng nước" cho đến màu sắc của dòng sông "nước xanh ve" như một khối thủy tinh khổng lồ, đặc biệt, khối thủy tinh ấy đổ ụp xuống cả người, cả máy quay và cả bạn đọc đang theo dõi. Chỉ bằng một vài câu văn, Nguyễn Tuân đã dẫn dụ người đọc vào trò chơi cảm giác, kéo họ xuống tận đáy hút nước xoát tít, sâu hoắm cùng anh bạn quay phim táo tợn, dũng cảm ngồi vào cái thuyền thúng mà thả mình vào xoáy nước, để cho xoát nước hút xuống tận đáy sông Đà. Những thước phim đó khi chiếu lên, người xem có cảm giác hãi hùng, phải "lấy gân ngồi giữ chặt ghế", thậm chí cảm giác sợ hãi chân thực của con người khi đứng trong lòng một khối "pha lê xanh như sắp vỡ tan" và bất cứ lúc nào cũng có thể đổ ụp vào người.

    Có thể thấy, khi gặp hiện tượng thiên nhiên kì thú, những cảnh tượng dữ dội, phi thường, ngòi bút NT cũng muốn ganh đua với tạo hóa, dốc hết kho chữ nghĩa phong phú của mình ra làm sống dậy tính cách độc đáo, phi thường của đối tượng. Những cái hút nước SĐ quả là rùng rợn, hiểm nguy, buộc người đọc phải huy động tất cả các giác quan để cảm nhận đến cùng vẻ đẹp hùng vĩ của nó. SĐ hiện lên như một loài thủy quái đáng sợ, hung bạo khiến các giác quan của người đọc cũng đẩy lên cao trào. Để có được tất cả những áng văn có thể xem như "thước phim" ấy, Nguyễn Tuân đã dụng công miêu tả bằng trải nghiệm khác nhau trong vị thế của người quay phim và cả vị thế của người xem phim để dùng ngòi bút mà thách thức mọi sự hùng vĩ của đất trời cũng như làm choáng ngợp những con mắt thưởng ngoạn của độc giả.

    Chỉ với một đoạn trích, Nguyễn Tuân đã tung ra một đội quân hùng hậu, huy động kiến thức của nhiều ngành như văn chương, điện ảnh, thể thao.. Chỉ riêng trong đoạn văn đã có nhiều liên tưởng, só ánh, nhân hóa kì thú, bất ngờ, cách quan sát tỉ mỉ, tinh tường, cách dùng động tự kết hợp điểm nhìn nhiều chiều từ trên xuống, quay từ dưới lòng sông nhìn ngược lên, gần xa. Từ ngữ phong phú, sống động, tái hiện chân thực không chỉ là cảnh vật mà còn là những cảm giác khác nhau, nói như Phan Huy Đông thì đó là "sự tự do của một tài năng, một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ". Tất cả những điều ấy đã giúp cho người đọc cảm nhận một cách chân thực nhất sự dữ dội của hút nước của dòng sông miền Tây Bắc.

    Huy-gô đã từng nói: "Bình thường là cái chết của nghệ thuật". Có lẽ đó là điều mà Nguyễn Tuân sợ nhất. Con người ấy luôn muốn đề cao bản ngã của mình, "không để mình giống ai và cũng không ai bắt chước được mình" (Phan Cự Đệ). Với tùy bút NLĐSĐ và việc xây dựng thành công hình tượng sông đà, đặc biệt là đoạn văn con sông Đà hùng vĩ nơi thượng nguồn, NT vượt qua được quy luật nghiệt ngã của sự sáng tạo nghệ thuật, vượt lên trên cái bình thường để cho nhân vật SĐ mãi mãi bất tử trong lòng người yêu văn. Và sóng nước Đà giang sẽ còn tô điểm cho vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước:

    Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu?

    Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

    Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

    Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi

    Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm
     
    Last edited by a moderator: 29 Tháng mười hai 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Bài viết ấn tượng ở cách khai thác, phân tích ngữ liệu sâu sắc, đặc biệt là việc vận dụng nhận định văn học và vận dụng thơ! <3
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...