Phân tích hình tượng những chiếc xe không kính

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 25 Tháng mười 2023.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Đề bài: Viết bài văn nêu cảm nhận về hình tượng những chiếc xe không kính trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật).

    [​IMG]

    Nhà thơ Sóng Hồng từng nói; "Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp." Kháng chiến chống Mỹ đã qua, nhưng có biết bao nhà thơ làm sống lại quá khứ đau thương mà hào hùng ấy trên trang giấy một cách sống động. Trong đó phải kể đến nhà thơ Phạm Tiến Duật - con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại. Bình về những tác phẩm của ông, nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng nhận xét: "Thơ ông mang hơi thở của cả một thời đại nhưng bằng một khí phách ngang tàng, chất bụi bặm và kiêu bạc của người lính thời chống Mỹ." Có lẽ đặc điểm đó thể hiện ở chính những hình tượng độc đáo và chân thực trong mỗi trang thơ của Phạm Tiến Duật. Đến với tác phẩm nổi tiếng Bài thơ về tiểu đội xe không kính, người đọc đã ấn tượng sâu sắc với hình tượng những chiếc xe vận tải không kính - viên kim cương thô tỏa ra bao ánh sáng lấp lánh bởi sắc màu nhân văn và hiện thực.

    Phạm Tiến Duật sinh năm 1941 tại miền đất tổ Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1964, ông gia nhập quân đội, hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Phạm Tiến Duật tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ qua các hình tượng người lính và cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Thơ ông ghi dấu ấn nơi bạn đọc bởi giọng thơ sôi nổi, trẻ trung, hào hùng.

    In trong tập Vầng trăng quầng lửa, Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một trong những "thước phim tư liệu" quý giá phản ánh về một góc nhỏ của đời sống chiến trường. Bài thơ được viết vào năm 1969, giữa những lúc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt trên con đường TS huyết mạch. Bên cạnh những "căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi" (Phan Thiết có anh tôi), những "Mảnh bom găm vào lòng đất/ Toạc cả cánh rừng mênh mông" (Ngọc.. nghiến), những "Chiếc gậy mòn đôi dép/Lốp mòn theo/ Gậy theo ta vượt bao núi bao đèo (Gậy Trường Sơn), Phạm Tiến Duật cũng góp một nét vẽ đầy chân thực về những chiếc xe không kính - hình tượng cảm động trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

    Nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm là để nhận thức và cắt nghĩa đời sống, giúp con người thể nghiệm ý vị của cuộc đời và lĩnh hội mọi quan hệ có ý nghĩa muôn màu muôn vẻ của bản thân và thế giới xung quanh. Nhưng khác với các nhà khoa học, nghệ sĩ không diễn đạt trực tiếp ý nghĩ và tình cảm bằng khái niệm trừu tượng, bằng định lí, công thức mà bằng hình tượng, nghĩa là bằng cách làm sống lại một cách cụ thể và gợi cảm những sự việc, những hiện tượng đáng làm ta suy nghĩ qua một chất liệu cụ thể. Vì vậy, hình tượng nghệ thuật là khách thể của cuộc sống được nhà thơ bắt gặp, trau chuốt hoặc nhào nặn, sáng tạo nên, vừa cụ thể vừa khái quát, giàu ý nghĩa thẩm mĩ, thể hiện tình cảm, khát vọng của người viết và tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Dưới lớp áo chủ quan độc đáo, hình tượng làm cho người ta có thể ngắm nghía, thưởng ngoạn và chiêm nghiệm.

    [​IMG]

    Ở thi phẩm của Phạm Tiến Duật, ngay từ phần nhan đề, hình tượng" xe không kính "đã xuất hiện với một vai trò quan trọng. Cùng với hai từ" bài thơ ", nó báo hiệu hướng khai thác của tác phẩm là chất thơ, vẻ đẹp tâm hồn của con người dựa trên hoàn cảnh gian khổ, khốc liệt, dữ dội nơi chiến trường. Đó cũng là lối viết của văn học thời kháng chiến chống Mỹ, vừa tự nhiên, sinh động, vừa đậm chất sử thi hào hùng." Xe không kính "khơi gợi sự hấp dẫn, tò mò nơi bạn đọc. Điều gì đã khiến những chiếc xe trở nên bất thường và đặc biệt như vậy? Tất cả được hé lộ qua các dòng thơ rắn rỏi, tinh nghịch mà không kém phần sâu sắc:

    " Không có kính không phải vì xe không có kính

    Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

    * * *

    Không có kính rồi xe không có đèn

    Không có mui xe, thùng xe có xước.. "

    Lời thơ mang đậm chất văn xuôi của thể thơ tự do, kết hợp cùng lối nói khẩu ngữ khiến câu thơ mộc mạc, tự nhiên như một lời giải thích, thanh minh, phân bua trong một cuộc đối thoại giữa những người lính, gợi ra tâm trạng tiếc nuối, xót xa về những chiếc xe" kính vỡ đi rồi ". Từ trước đến nay, những hình ảnh về phương tiện có trong thơ ca thường được mĩ lệ hóa hoặc lãng mạn hóa, giàu ý nghĩa tượng trưng hơn là tả thực, như con thuyền thi vị, phóng khoáng:

    " Thuyền ta lái gió với buồm trăng

    Lướt giữa mây cao với biển bằng "

    Trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, hay con tàu bay bổng, kỳ vĩ trong Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên:

    " Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi

    Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng

    * * *Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?

    Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng ".

    Thế nhưng trong thơ Phạm Tiến Duật," những chiếc xe không kính "lại hiện lên một cách trần trụi. Hiện tượng văn học có phần bất thường này được giải thích ở câu thơ thứ hai: Những chiếc xe thiếu thốn, khiếm khuyết do" bom giật bom rung ", do những trận bắn phá điên cuồng, dữ dội của quân giặc. Chỉ với hai câu thơ như hai nét chấm phá, tác giả đã khiến người đọc hình dung được bức tranh ác liệt, tàn khốc của những vùng đất được mệnh danh là" túi bom "chiến trường. Phép liệt kê" kính "," đèn "," mui "," xước ", điệp ngữ" không "lồng trong từ phủ định" không có "," không phải "kết hợp với điệp từ" bom giật bom rung "không chỉ mang ý nghĩa khẳng định mà còn giúp nhịp thơ trở nên khẩn trương, hùng hồn, khiến sự xuất hiện của những chiếc xe vận tải quân sự trở nên gai góc, ngang tàng, lừng lững. Với những thương tích, xước xát, khiếm khuyết đầy mình, chúng chính là chứng tích rõ ràng cho sự tàn phá khủng khiếp của một thời chiến tranh đã qua.

    [​IMG]

    Bom đạn đã làm cho những chiếc xe cứng rắn, mình đồng da sắt cũng trở nên bất thường và tưởng như không hoạt động được, huống chi là những con người bé nhỏ, trẻ tươi, biết khóc và biết đau? Nhưng kỳ diệu thay, những chiếc xe ấy vẫn mang trong mình sức mạnh dẻo dai và bền bỉ, dù bị" mưa tuôn mưa xối ", vẫn có thể" lái trăm cây số nữa ", băng ra chiến trường giải phóng miền Nam thống nhất đất nước" Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước ", và con người vẫn bất khuất, ngoan cường, vẹn nguyên một" trái tim "yêu nước" Chỉ cần trong xe có một trái tim. "Những chiếc xe kk méo mó đó mang trong mình linh hồn và sinh mệnh, trở thành những người bạn thân thiết đồng hành cùng người lính trong kháng chiến. Trên những con đường vận chuyển hàng hóa tiếp tế hướng vào trận địa," xe không kính "đã cho những người lính lái xe những trải nghiệm, cảm giác đặc biệt mà hiếm người nào khác có được.

    ".. Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

    Thấy con đường chạy thẳng vào tim

    Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

    Như sa, như ùa vào buồng lái.. "

    Câu thơ rút ngắn còn 6 chữ, nhịp ngắt 2/2/2 tạo nên một giọng điệu khỏe khoắn, chắc chắn, đều đặn. Đó cũng như nhịp xóc của chiếc xe vận tải đang lăn bánh trên con đường khúc khuỷu, gồ ghề. Xe không có kính, người lính có thể thoải mái nhìn rõ đường đi phía trước và ngắm bầu trời cao rộng. Họ giao hòa với thiên nhiên, mở rộng tâm hồn, không bị cách bức. Trái tim của họ nở tung ra, đón nhận những" sao trời "lấp lánh trên bầu trời đêm và" cánh chim "sôi nổi, rộn rã, tràn ngập sức sống chao liệng trong nắng buổi sớm. Tính từ" đột ngột "và động từ mạnh" sa "," ùa "cho thấy thiên nhiên gắn bó, quấn quýt với con người, cổ vũ người lính tiến về phía trước. Phải có tâm hồn nhạy cảm và lãng mạn nhường nào, Phạm Tiến Duật mới khám phá ra những hình ảnh thiên nhiên độc đáo, thi vị, giàu chất thơ để đưa chúng vào bài thơ, đặt cạnh những con đường bom rơi đạn nổ.

    Không chỉ vậy, những chiếc xe không kính còn giúp người lính có được niềm vui, tôi luyện bản lĩnh chiến đấu và giúp keo chắc thêm tình đồng đội:

    ".. Không có kính, ừ thì có bụi,

    Bụi phun tóc trắng như người già

    Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

    Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

    * * *

    Những chiếc xe từ trong bom rơi

    Ðã về đây họp thành tiểu đội

    Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

    Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.. "

    Lái những chiếc xe mất kính bảo vệ, người lính gặp phải thử thách" ướt áo "," bụi phun ", nhưng các anh vẫn không hề nao núng, mà càng thêm bình tĩnh, cứng cỏi" Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc ". Lời thơ nôm na như lời nói thường nhật, gợi cảm giác bất cần mà nhẹ nhõm, ung dung. Đó là khúc nhạc vui tươi sôi nổi của tuổi mười tám đôi mươi kết thành từ những tiếng cười đùa, những lời hứa hẹn, quyết tâm. Nhờ những chiếc xe không kính, các anh có thể thuận tiện" bắt tay qua cửa kính vỡ rồi ", dễ dàng chào hỏi và động viên nhau trên đường hành quân. Trong không khí đoàn kết và thắm tình đồng đội đó, hình ảnh ấm lòng của những anh chiến sĩ lái xe như ánh sao thắp sáng nơi chiến trường, mờ nhòe những gai góc, gian lao." Từ trong bom rơi ", những chiếc xe không kính tập hợp lại" thành tiểu đội "anh hùng, vui vầy đông đủ như chưa từng có sự mất mát hay tổn thương. Phải chăng" sức mạnh của cả một binh đoàn trùng trùng ra trận "mà nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhìn thấy trong thơ Phạm Tiến Duật chính là ở những chiếc xe không kính này?

    Trong bài luận Văn tâm điêu long, tác giả Lưu Hiệp có viết:" Có cái hình xuất hiện thì cái đẹp mới nảy sinh ". Ở Bài thơ về tiểu đội xe không kính, những chiếc xe là yếu tố quan trọng giúp nổi bật hình tượng trung tâm là người lính Trường Sơn.

    ".. Ung dung buồng lái ta ngồi

    Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.. "

    Trên những chiếc xe không kính, trên nền cuộc chiến gian khổ và khốc liệt, tác giả đã xây dựng thành công hình ảnh những người lính vững tay lái, hiên ngang, đường hoàng, sẵn sàng ra trận. Họ tràn đầy tinh thần trách nhiệm, có một tâm hồn lãng mạn, chủ động chiêm ngưỡng và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên qua ô kính vỡ." Sao trời "tượng trưng cho ban đêm," cánh chim "đại diện cho buổi sáng, những người lính lái xe đường dài ấy không ngừng nghỉ, không kể ngày đêm, tranh thủ mọi khoảnh khắc để tránh sự nhòm ngó của quân địch. Địa hình Trường Sơn hiểm trở và thiếu thốn về phương tiện vật chất lại càng củng cố thêm ý chí của những người lính. Những chiếc xe vẫn hăm hở chạy băng băng trên đường, nối đuôi nhau vận chuyển nhu yếu phẩm từ Bắc vào Nam. Khổ thơ làm ta liên tưởng đến câu hát trong bài hát Chào em cô gái Lam Hồng của ca sĩ Trung Đức:" Xe ta bon trên những dặm đường, giữa làng quê ta băng qua bao suối đèo, đồi nương, xe ta bon ra chiến trường.. "

    Đặc biệt hơn nữa, dưới ngòi bút của Phạm Tiến Duật, những tổn thất, hao hụt của những chiếc xe không kính và những phẩm chất vẹn nguyên, sáng ngời chủ nghĩa yêu nước của những người lính lái xe cứ không ngừng soi chiếu, cộng hưởng với nhau, bù đắp cho nhau, tạo nên chất thơ cho thi phẩm. Đúng như Lưu Hi Tái từng nói," tinh thần của núi không bút nào tả được, phải lấy sương khói mà tả, tinh thần của mùa xuân không tả được, lấy cây cỏ mà tả ", nhờ có hình tượng những chiếc xe không kính, người lính Trường Sơn mới bộc lộ được hết bản lĩnh, ý chí, lòng yêu nước và những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý khác. Cội nguồn sức mạnh của cả đoàn xe kết tụ ở trái tim người lính gan góc, kiên cường, nồng cháy một lẽ sống thiêng liêng và cao đẹp. Nhà thơ đã tô đậm những cái" không "để làm nổi bật cái" có ", khẳng định chân lý của mọi thời: Bom đạn, chiến tranh có thể làm dị dạng, méo mó, hủy hoại những giá trị vật chất, nhưng không thể tàn phá được những giá trị tinh thần. Bạn đọc có thể cảm nhận được bản hùng ca tuổi trẻ của những Thạch Sanh thế kỷ 20 cất lên từ đây, hòa với tiếng gió lùa qua ô kính vỡ, vút lên với trời cao:

    " Đoàn giải phóng một lần ra đi

    Nào có xá chi đâu ngày trở về

    Ra đi ra đi bảo tồn sông núi

    Ra đi ra đi thà chết cho vinh.. "

    Bên cạnh những chiếc xe không kính, Phạm Tiến Duật cũng sử dụng hình tượng đẹp đẽ khác để khắc họa tư thế" ba sẵn sàng "của những người lính lái xe, đó là" đường xe chạy "..."

    Con đường chạy thẳng vào tim ". Đó chính là con đường Trường Sơn hào hùng của lịch sử, nhưng giờ đây đã được tác giả nâng lên thành con đường biểu tượng: Con đường cách mạng, đường giải phóng miền Nam, chính là con đường của lẽ sống, tình thương và tự do độc lập. Con đường ấy nâng bước cho những chiếc bánh xe, kết nối tinh thần và sức mạnh đoàn kết dân tộc, thắp sáng lý tưởng của bao thế hệ trẻ

    " Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

    Mà lòng phơi phới dậy tương lai ".

    [​IMG]

    Hêghen từng khẳng định," Hình ảnh chính là sự khách thể hóa những rung động nội tại để con người nhìn thấy bộ mặt tinh thần của chính mình qua ngoại vật ". Ở thi phẩm của mình, Phạm Tiến Duật đã khai thác hình tượng những chiếc xe để thể hiện sự thấu hiểu, tự hào và ngợi ca những người lính lái xe lạc quan, trách nhiệm, có lòng yêu nước nồng nàn và bản lĩnh vững vàng trước muôn trùng khó khăn, gian khổ của chiến tranh. Hình tượng xe không kính có sự thống nhất của cái cá biệt và khái quát, tình cảm và lí trí, tái hiện và biểu hiện, truyền thống và sáng tạo, thể hiện khía cạnh muôn màu mảng sáng mảng tối của hiện thực chiến tranh và sức mạnh chủ thể của người sáng tác. Do đó, bạn đọc càng thêm tin tưởng vào sức sống của hình tượng nói riêng và bài thơ nói chung. Không chỉ vậy, qua hình ảnh những chiếc xe không kính, bạn đọc thêm hiểu về sự hy sinh mất mát của những chiến sĩ, và cả thời quá khứ gian lao của cuộc kháng chiến trường kỳ. Để từ đó, ta thêm xúc động, ngưỡng mộ và trân quý những người lính giản dị, khiêm nhường mà sáng ngời bao phẩm chất tốt đẹp, đồng thời tự hào và trân trọng lịch sử dân tộc. Ta soi chiếu mình vào đó để đốc thúc bản thân sống sao cho xứng đáng với thế hệ cha anh. Mặt khác, tuy hình tượng những chiếc xe không kính không phải là hình ảnh trung tâm, nhưng nó cũng để lại cho độc giả một bài học về" sự trông nhìn và thưởng thức ": Phải lắng đọng trong hình tượng để cảm nhận mọi chiều sâu tư tưởng và giá trị nhân văn mà tác phẩm gửi gắm. Những chiếc xe không kính đã trở thành một ngôi sao nhỏ trên bầu trời thi ca Việt Nam, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng cho lịch sử dân tộc:

    " Đẹp lắm đấy những ngày đánh Mỹ

    Đất nước mình nhiều điều giản dị

    Ai chưa tin rồi sẽ tin thôi."

    (Phạm Tiến Duật)

    [​IMG]
     
    LieuDuongHạ Quỳnh Lam thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...