Phân tích hình tượng nhân vật Thị trong truyện ngắn Vợ Nhặt

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi vivutheogio, 9 Tháng mười 2021.

  1. vivutheogio Thời gian là tĩnh, thứ lưu động là con người

    Bài viết:
    37
    Phân tích hình tượng nhân vật Thị trong truyện ngắn Vợ Nhặt - Kim Lân

    [​IMG]
    1. Người vợ nhặt có hoàn cảnh vô cùng đáng thương

    Trong bối cảnh thê lương của cái đói, nếu anh cu Tràng hiện lên là "tấm chiếu rách" dưới đáy cùng xã hội, thì thị là người cùng Tràng làm nên cái tình huống truyện "vợ nhặt" này cũng chẳng sung sướng, hay đầy đủ hơn, thậm chí còn gì đáng thương hơn. Thị xuất hiện với cảnh sống vất vưởng như những bóng ma ngoài đường "ngồi vêu ra ở chợ tỉnh, chờ nhặt hạt rơi hạt vãi", thị không nhà không cửa, không người thân thích, không quê, không quán. Lại còn không có cho mình lấy nổi một cái tên. Kim Lần làm như vậy, là hoàn toàn có dụng ý nghệ thuật riêng của mình. Kim Lân để thị không tên, bởi ông muốn nói một điều: Trong cái nạn đói khủng khiếp ấy, đến người chết còn lấn át người sống, đến cõi âm còn lấn át cõi dương; trong hoàn cảnh mà nay là người, mai là ma như thế thì cái tên trở thành một sự xa xỉ. Thị là cái kiếp vợ nhặt, cái thân phận được người ta nhặt "tầm phơ tầm phào" ngoài chợ thì cái tên cũng là một sự xa xỉ. Điều nó dấy lên một hồi chuông khẩn thiết về sự tội nghiệp, đau xót về số phận con người, một sự thật cay đắng về thân phận con người trong nạn đói. Nó rẻ rúng đến mức không có lấy nổi một cái tên để lưu lại. Hơn nữa, việc không đặt tên cho thị còn muốn nhấn mạnh rằng: Những số kiếp như thị, ở thời buổi ấy chẳng thiếu, nó dường như trở thành điều phổ biến, là câu chuyện "muôn mặt đời thường" mất rồi. Thôi thì, cứ để họ không tên để người ta còn biết đường mà đau xót, biết đường mà nhớ về họ với những con người "vô danh".

    2. Ngoại hình và tính cách:

    Thị xuất hiện vừa bằng ngoại hình vừa bằng tính cách của một con người "oằn mình" giữa nạn đói. Lần thứ nhất xuất hiện, "thị ngồi lẫn trong đám con gái" vêu lên trước cổng chợ tỉnh, khi nghe anh Tràng hò một câu cho đỡ nhọc, thị "ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng" . Bước chân ton ton ấy như mang cả một sự sống, bừng thức nơi đáy tâm hồn thị. Thị giống như một đứa trẻ chưa kịp lớn sống cho qua ngày trong cái xã hội xám xịt lạnh lẽo. Thị "nhanh nhẩu" đẩy xe phụ anh cu Tràng với mong muốn được ăn, nhưng "trời đất xui khiến" thế nào lần đó Tràng không giữ đúng thỏa thuận như câu hò. Ở lần xuất hiện thứ hai, dường như sự đói khổ đã hiện hình rõ trên khuôn mặt của thị. Đó là người phụ nữ gầy vêu vao, "áo quần tả tơi như tổ đỉa", trên "khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ thấy hai con mắt trũng hoáy" . Sức tàn phá khốc liệt của nạn đói đã khiến thị tưởng như một bóng ma, ngơ như một "xác chết" hơn là một con người. Sự thay đổi trong vẻ bề ngoài của người vợ nhặt đã in sâu "vệt gặm nhấm" của hiện thực nghèo đói.

    Cái đói làm cho con người ta tha hóa về nhân hình thôi chưa đủ, mà nó còn giày xéo người ta đến mức phải tha hóa về nhân tính. Vậy nên, hình dáng bên ngoài của thị thảm khốc thôi chưa đủ, đến cả vẻ cái nét dịu dàng, nữ tính, thục nữ, đoạn trang vốn có của người phụ nữ cũng bị cái đói bóp méo đến thảm hại. Vì đói mà Thị trở nên "chao chát", "chỏng lỏn", "chua ngoa, đanh đá". Gặp lần thứ hai khi anh Tràng ấy vừa trả hàng xong, thị đâu sầm sập chạy đến. Thị sưng sỉa nói: "Điêu! Người thế mà điêu! Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt" . Khi thấy anh Tràng có vẻ đã nhớ ra câu chuyện và mời ăn "Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã", thị tiếp tục cong cớn "Ăn gì thì ăn, chả ăn giầu" . Đang đói, đang khát được mời ăn mà thị lại từ chối phăng một cái. Hay thì chê? Đúng là thị chê "giầu", vì đói thế này ai lại đi ăn giầu. Tràng như hiểu ý: "Đấy, muốn ăn gì thì ăn" . Thấy được ăn, "hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên" . Thế là "thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chạp bốn bát bánh đúc liền chẳng trò chuyện gì. Ăn xong, thị cầm dọc đôi đũa quẹt ngang miệng mà thở:" Hà, ngon! " . Một người đàn bà, các cụ đã nói:" Cái nết đánh chết cái đẹp ", vậy mà thị vô duyên đến mức chẳng buồn để ý đến cái" duyên ", chẳng buồn quan tâm đến cái" dáng ". Ai đời, một người đàn bà đi xin ăn, lại" trơ trẽn "đến thế? Đã được ăn không buồn mời, lại còn ăn cho bằng đầy, " ăn một chặp bốn bát bánh đúc chẳng trò chuyện gì " . Kim Lân đúng là người, phải sống trong cái đói, ở giữa cái, " vợt mình lết qua cái đói ", quay quắt với cái đói người ta mới hiểu con người đang đói họ tội nghiệp đến mức nào. Bởi chính ông cùng vợ, đã" oằn mình " trong cái đói nên mới có thể viết được một cách chân thực đến thế. Và với Thị lúc đó, miếng ăn là thứ duy nhất có thể duy trì cuộc sống, nên " miếng ăn " còn cao hơn nhân cách, cao hơn cả cái sĩ diện, cái tự trọng của một con người. Cái sĩ diện, cái nhân cách, cái duyên, cái dáng của một người đàn bà rất quan trọng, nhưng giữa cái chết và cái duyên, cái sĩ diện buộc người ta phải chọn thì có lẽ thà đánh rơi tự trọng con hơn phải rơi xuống địa ngục. Nói như vậy để thấy rằng, khao khát sống, khao khát hạnh phúc, khao khát vươn lên của con người mới mãnh liệt đến nhường nào. Khi đã đứng trước cái đói thì có lẽ không một cái sĩ diện nào đủ cầm giữ chúng ta để cho con người ta có thể trở thành một con người không bị sai khiến bởi miếng ăn

    3. Phía sau tình cảnh vất vưởng, trôi dạt là lòng ham sống đến mãnh liệt

    Vẫn biết thị tự bán rẻ nhân cách, hạ thấp nhân phẩm của mình, lấy chồng theo cái cách đầy mỉa mai và chua xót, được người ta nhặt về như cọng rơm, cọng cỏ. Thế nhưng, tựu chung lại cũng là vì cái đói bức bách làm khát vọng sống, bản năng sinh tồn trỗi dậy trong con người thị. Thị đồng ý theo Tràng để được sống chứ không phải loại đàn bà lẳng lơ, dễ dãi mà vì lòng ham sống. Thị đồng ý theo không anh cu Tràng mà không cần mai mối, không cần cưới hỏi, không mâm cao cỗ đầy, mà thị đi theo mang cả một niềm hi vọng sỗng mãnh liệt, mong sao có miếng ăn để sống, để duy trì tồn tại. Cái ý thức bám lấy sự sống sục sôi mãnh liệt trong thị, khiến thị nghe anh cu Tràng nói đùa: " Này chứ có muốn theo tớ về nhà thì ra khuân đồ lên xe rồi cùng về ", thị không trả lời mà lẳng lặng theo Tràng về thật. Một sự đồng ý nhanh chóng, không một chút băn khoăn, không một giây do dự, cũng không một phút phân vân. Chưa bao giờ, chuyện tình yêu đôi lứa, chuyện dựng vợ gả chồng, chuyện cả đời trăm năm lại trở nên dễ dàng, đơn giản đến mức tềnh toàng như thế. Thị dễ dãi, hời hợt thế ư? Thực ra, ngọn nguồn của hành động theo Tràng của Thị xuất phát từ tấm lòng khao khát được sống. Khi đã cận kề cái chết, người đàn bà không hề buông xuôi sự sống. Trái lại, thị vẫn vượt lên cái thảm đạm để dựng xây mái ấm gia đình. Đối với thị lúc ấy, Tràng như một chỗ bám víu duy nhất khi sắp rơi vào " hố sâu của tử thần ". Tinh thần lạc quan, khao khát sống mãnh liệt trong thị chính là một phẩm chất đáng quý. Đến ngay của người đàn bà xấu đến mức " ma chê quỷ hờn " như Thị Nở chí ít cũng chẳng tội bằng người vợ nhặt. Ít nhất, trong lời gạ gẫm về chung nhà, Chí Phèo còn nói được những câu rất phong tình:" Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ? Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui " . Ấy vậy mà, trong cái lời đùa của anh cu Tràng thị cũng tưởng là một lời" thưa chuyện trăm năm ". Thế mới thấy, người đàn bà kia tội nghiệp đến mức nào! Nhưng âu cũng trách được đời, làm sao ta trách được Tràng? Bởi giữa cái nạn đói này, Tràng sẵn sàng cưu mang thị đã là một niềm hạnh phúc ngoài sức tưởng tượng rồi.

    4. Phía sau vẻ nhếch nhác, dơ dáy là một người phụ nữ rất ý tứ, rất biết điều:

    A. Trên đường về nhà:


    Nếu trước đó, khi sầm sập chạy đến sưng sỉa vào mặt anh cu Tràng, và chủ động cong cớn, thị quyết liệt vì miếng ăn bao nhiêu thì bây giờ thị lại e thẹn, rón rén bấy nhiêu. Kim Lân đã miêu tả thị với những nét hiền thục đến lạ, thị ra vẻ đúng chuẩn mực sự vụng về của một người đàn bà ngày đầu theo chồng về làm dâu. Cái người đàn bà đang chao chát ấy, e thẹn " cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che lấp nửa khuôn mặt "," thị đi sau Tràng chừng ba bốn bước " mà chẳng dám bước song song. Rồi " ngượng nghịu "đến nỗi " chân nọ bước díu cả vào chân kia " . Điều ấy đã cho thấy, cả vẻ sưng sỉa, chao chát, chỏng lỏn kìa là sự " gồng " lên hoàn cảnh mà kiếm lấy miếng ăn của thị mà thôi. Đó không phải là bản chất con người thị. Chẳng qua, cái lúc " túng quá hóa liều " người ta mới " gồng mình " lên mạnh mẽ để đương đầu với nghịch cảnh mà thôi! Còn bản chất, thị vẫn là một người đàn bà, vẫn cảm thấy e ngại, ngượng ngùng, cảm thấy xấu hổ, bẽn lẽn khi ngày đầu theo người đàn ông kia về làm vợ.

    b. Về đến nhà:

    Giây phát bước vào nhà, thị cũng " lẳng lặng theo hắn vào trong nhà " . Thị đã hạnh phúc biết bao, khi giữa cái cảnh vất vưởng, không chốn dung thân thị đã bấu được vào một cái " phao cứu sinh ", giữa bao mảnh đời " rách nát " thị bấu được vào cái lá lành hơn. Ngỡ tưởng rằng cái " phao ấy " sẽ giúp thị có một cuộc sống " đầy đủ hơn ", không phải đói khát nữa. Ấy thế mà, cái người đàn ông tự hào vỗ túi " Rích bố cu " kia, lại cũng chẳng khá khẩm hơn thị là mấy," cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại ", rồi nó rách đến nỗi không còn chỗ nào để rách, nó toang hoang đến mức không còn chỗ nào toang hoang hơn. Thị thất vọng," thị đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên ", rồi " nén một tiếng thở dài " . Thử hỏi vui làm sao được? Hạnh phúc làm sao nổi nổi vào cái lúc này? Cười thế nào được trong cái hoàn cảnh mà mình vừa sa chân vào đây? Kim Lân đã rất tinh tế khi miêu tả nét tâm lý ngổn ngang của thị, tinh tế hơn khi khắc họa cách ứng xử của thị trước sự thất vọng ngập tràn. Nhà văn như lọt hẳn vào trong nỗi thẳm sâu tâm tư của người phụ nữ năm đói mà khắc họa sao cho chân thực nhất. Ông như nhìn thấy cả nỗi tủi nhục của kiếp người, thấy cả trong những bước chân liêu xiêu, bước díu vào nhau kia là cả tủi hờn, xấu hổ. Nên khi anh cu Tràng cứ vô tư " cười cười ", rồi đon đả vỗ vỗ xuống giường: " Ngồi đây!.. Ngồi xuống đâu, tự nhiên.. ", làm thị chỉ biết " nhếch mép cười nhạt nhẽo " . Cái cười nhặt nhẽo của thị chứ đựng cả sự thất vọng và cả sự xấu hổ. Bởi thị cảm thấy mình không xứng đáng với sự hi vọng chân thành đến độ thật thà của anh cu Tràng, lúc anh vừa thanh minh, vừa gửi gắm tương lai: " Không có người đàn bà nhà cửa nó thế đấy " . Chính vì xấu hổ với Tràng nên thị chỉ dám ngồi mớm ở mép giường, một tư thế ngồi rụt rè của một người rất tự trọng. Rõ rằng, thị và Tràng đến với nhau là do số phận xô đẩy, không phải yêu đương, tình nghĩa gì. Và việc thị đi theo không Tràng về làm vợ, chủ động xô vào cuộc đời Tràng là xuất phát từ mong muốn có được chỗ bấu víu, kiếm lấy cái chỗ mà nương tựa. Nhưng khi đã hiểu rõ về gia cảnh của Tràng, thị biết mình không thể bấu víu được, thế những thị lại không hề bỏ đi. Thị không thể bỏ đi, vì một cái ân tình thật lớn với người đàn ông đi bên. Chính Tràng đã là người mang đến cho thị thêm một lần sống nữa. Bởi nếu không có sự " hào phóng " của Tràng, làm soa thị có được " một bữa no " đến thế trong cơn đói, và cũng biết đâu chỉ nay mai thôi giữa những cái xác nằm cong queo bên đường kia lại có xác thị? Nên thị không thể bỏ đi, không thể rũ bỏ sự tin tưởng, cái ân cưu mang của người đã cứu mình như vậy. Thị phải có trách nhiệm, phải chung tay cùng chồng gây dưng, vun vén cho tương lai. Tấm lòng của thị thật đáng quý biết bao.

    c. Khi đối diện với bà cụ Tứ

    Khi gặp bà cụ Tứ - mẹ Tràng, thị rất cung kính, lễ phép, thị chào cụ đến hai lần vì sợ bà lão già cả, điếc lác, không nghe rõ:" U đã về ạ! " . Và trong lúc anh cu Tràng thưa chuyện, thị đứng lặng im. Rồi lúc bà lão đăm đăm nhìn thị, " thị cúi đầu xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt " . Hành động của thị như đã nói lên tâm trạng của ả lúc này. Đó là dáng điệu của một con người đang chờ đợi một lời phán xét từ mẹ chồng. Tức là thị như hiểu rằng mình là người có lỗi với người mẹ già nua ấy, thị biết chính thị đã gây ra một chuyện gì đó rất lớn cho cái gia đình này. Bởi giữa cái thời buổi đói khát, đến miếng ăn cho người mẹ già còn chẳng có thì lấy đâu ra của mà còn " đèo bòng " . Rồi sự xuất hiện của thị sẽ là một gánh nặng cho cái gia đình ấy, một thứ " nợ đời " mà không ai muốn chứa chấp. Nên thị chỉ biết cúi mặt im lặng, chỉ biết cùi đầu nhận lỗi với người mẹ già này mà thôi! Ngay cả khi, bà cụ Tứ đã đồng ý, đã nói những lời thương xót đến các con khi lấy nhau vào cái tao đoạn khó khăn này. Và ngay cả khi, bà cụ Tứ thể hiện rất rõ sự mà sẵn sàng cưu mang, che chở cho thị thì thị vẫn rất day dứt, rất xấu hổ. Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót mà kéo con lại gần" Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân " thì thị cũng chỉ " khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ " . Thị cảm thấy mình không xứng đắng với tình yêu thương chan chữa của bà. Thị ân hận, vì chính thị đã làm cho người mẹ ấy trở nên khốn cùng hơn. Sự hiểu biết của thị, làm cho chúng ta khi giác ngộ văn chương hiểu ra rằng: Đôi khi, trong cái hoàn cảnh cơ cực và cay đắng, trong cái hoàn cảnh tưởng như người ta không cần gì hơn ngoài miếng cơm manh áo, thì cái tình người vẫn được thắp lên thật cảm động, thật chan chứa. Rõ ràng, thị và mẹ Tràng là hai người đàn bà xa lạ, nhưng lại có một sợi dây kết nối mang tên đồng cảm mà kéo lại gần nhau hơn.

    5. Phía sau vẻ chao chát, chỏng lỏn là người hiền hậu, biết vun vén cho gia đình

    A. Sáng hôm sau


    Kim Lân đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh ấy một nhà văn tài năng, khi thể hiện trọn vẹn thiên chức của người phụ nữ về nhà chồng. Sáng hôm sau, thị dậy rất sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp, quét tước, sắp xếp lại nhà cửa cho quang quẻ. Ngôi nhà của bà cụ Tứ giờ đây như được hồi sinh. Và người vợ nhặt " chao chát, chỏng lỏn "," đanh đá sưng sỉa " không còn nữa, thay vào đó là một người phụ nữ hiền hậu, đúng mực. Hơn ai hết, Tràng cảm nhận đủ đầy sự thay đổi tuyệt vời ấy:" Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu, đúng mực không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như những lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh " . Và đây mới chính là bản chất đã bị cái đói lấn át, bị cái đói làm lu mờ đi mất. Để khi thị được sống trong tình yêu thương, được sống giữa sự cưu mang đùm bọc của gia đình chồng thì cái bản chất mới đã được thắp sáng lên. Sự thay đổi của thị, cũng như những con người trong câu chuyện nghèo đói này thật cảm động. Ta ngỡ như đó là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, ngỡ như thị là cô Tấm bước ra từ quả thị. Có lẽ, thị không để đẹp để được so sánh với cô Tấm, nhưng thị đủ sức để mang đến một luồng sinh khí mới cho gia đình Tràng, cho người dân cả xóm ngụ cư." Cô Tấm "trong văn Kim Lân không kì diệu để được xé vở thị mà bước ra, nhưng thị lại được bước ra từ cái đêm tân hôn đầy hạnh phúc của thị với Tràng, thị bước ra từ sự âu yếm và chân tình của người mẹ chồng đáng kính, bà cụ Tứ. Quả đúng như Tố Hữu từng viết: " Còn gì đẹp trên đời hơn thế! Người với người sống để yêu nhau ".

    b. Bữa cơm ngày đói

    Trong bữa cơm ngày đói, nếu bà cụ Tứ vui vẻ trò chuyện, đồng viên các con bằng những câu chuyện về một tương lại tươi sáng, thì thị lại rất trầm ngâm, thị im lặng không nói. Nếu Tràng dạ, vâng rất ngoan ngoãn thì thị lại lặng lẽ. Sự lặng lẽ của thị có lẽ xuất phát từ cảm giác tủi cực vẫn chưa dứt. Những cũng dấy lên từ lòng thương cảm, từ sự chất chứa nỗi lo cho người mẹ chồng. Thị lo cho mẹ, không biết sẽ phải tiếp đón con dâu thế nào vào cái bữa cơm đầu tiên này đây? Một bữa cơm tiếp nàng dâu mới, trông thật thảm hại, " giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo ", ăm kèm với" niêu cháo lõng bõng nước " . Ta trách làm sao được, khi người ta còn không có lấy nổi một miếng ăn, còn nhà Tràng có hẳn, rau cháo mà ăn. Rồi người mẹ chồng tâm lý, muốn mang đến bất ngờ cho các con bằng nồi " Chè khoán " . Nói là chè cho sang, chứ thực chất là cám, cháo cám – món ăn mà " khối nhà ta còn chả có cám mà ăn đấy " . Hiểu được tấm lòng của mẹ, nên dù miếng cháo cám có chát đắng, có nghẹn bứ ở ổ không nuốt được thì thị vẫn " đón lấy cái bát, đưa mắt lên nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng " . Hành động " điềm nhiên" và cháo cám vào miệng của thị đã cho thấy, đó là người đàn bà rất hiểu nỗi cùng cực của người mẹ già, thị hiểu được cái nỗ lực của người đàn bà đang ngồi trước mặt mình kia; thị hiểu được cái cơ cực của một người làm mẹ phải cho con dâu ăn cháo cám vào đúng cái bữa ăn đầu ra mắt. Nên thị không oán trách, thị thực sự rất thương người mẹ kia, thị thực sự đã yêu cái giá đình này, thị đã thực sự muốn đồng cam cộng khổ với người mẹ tôi nghiệp ấy. Thị thản nhiên và miếng cháo cám vào mồm, cũng là một hành động cho thấy sự trân trọng tình cảm của bà cụ Tứ dành cho mình. Và chính điều ấy, đã cho thị hiểu sâu sắc rằng: Không phải miếng ăn. Hay nói đúng hơn là miếng ăn cần thật, nhưng chính tình yêu thương của gia đình chồng, của bà cụ Tứ, của Tràng đã làm cho thị muốn sống cho ra một con người theo đúng nghĩa của nó.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...