Phân tích hình tượng nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi estoulam, 2 Tháng mười 2021.

  1. estoulam

    Bài viết:
    64
    Phân tích hình tượng nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa



    Bài làm

    Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút đi tiên phong của văn học thời kì đổi mới. Với hai chặng đường sáng tác ở hai giai đoạn trước và sau 1975, ông có những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. "Chiếc thuyền ngoài xa" là kết tinh của tâm huyết và tấm lòng của nhà văn, là thành quả của một bầu máu nóng luôn hết lòng vì cuộc đời, với những nỗi đau đời đau người tha thiết. Tác phẩm đã xây dựng thành công nhân vật Phùng, người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Đây cũng là nhân vật trung tâm góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm

    Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được sáng tác vào tháng 8 năm 1983, lúc đầu in trong tập "Bến quê", sau đó in trong tập truyện ngắn cùng tên. Tác phẩm nằm trong giai đoạn sáng tác sau 1975 của Nguyễn Minh Châu, thời điểm mà ngòi bút nhà văn hòa cùng dòng chảy của cuộc sống, tìm về với cảm hứng thế sự, phát hiện, tìm tòi bản chất tốt đẹp của con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, trong quá trình hoàn thiện bản thân và tìm kiếm hạnh phúc. Phùng thuộc kiểu nhân vật tư tưởng, là người chứng kiến và kể câu chuyện mắt thấy, tai nghe, cùng những suy nghĩ, đánh giá, cảm nhận của riêng mình. Phùng từng là một người lính, nay là người nghệ sĩ nhiếp ảnh trở về mảnh đất năm xưa với nhiệm vụ ghi lại nhiều vẻ đẹp đời thường để bổ sung hoàn chỉnh cho bộ ảnh lịch quê hương.

    [​IMG]

    Trước hết, Phùng là một người biết rung cảm trước cái đẹp. Anh là một người nghệ sĩ có trách nhiệm với sứ mệnh sáng tạo nghệ thuật, bởi Phùng rất kì công trong việc chọn được một bức ảnh, làm sao để nó trông thật có hồn. Suốt cả tuần liền, anh vẫn "phục kích" trên bãi biển để rồi cuối cùng mới chộp được một "cảnh đắt trời cho". Cái "đắt" mà anh thừa nhận chính là sự nhấn mạnh giá trị của khoảnh khắc vô giá suốt một đời cầm máy ảnh. Bức tranh ấy có hình ảnh cụ thể với mũi thuyền trôi trong bầu sương mù buổi sớm, có cảnh huyền ảo bởi bầu sương mù trắng như sữa, tinh khiết với màu hồng của ánh mặt trời. Đó cũng là sự kết hợp giữa cái tĩnh tại của bóng người lớn lẫn trẻ em ngồi im phăng phắc với cái sống động của mũi thuyền đang vào bờ. Tưởng chừng như dưới tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó sẽ che mất tầm nhìn của tâm ảnh thì hóa ra lại tạo nên một góc nhìn nghệ thuật tuyệt tác. Trong cái hình dung về bức ảnh, chiếc thuyền sẽ nằm gọn trong tâm điểm của ống kính nghệ thuật, trong sự lộng lẫy kì diệu của ngoại cảnh. Đó là một cảnh tuyệt mỹ, vừa tĩnh, vừa động, có sự phối màu độc đáo của hội họa và có sự phối cảnh xa gần cùng những góc ảnh đặc sắc của nhiếp ảnh. Chính vì thế nó mang vẻ đẹp "tuyệt đỉnh", vẻ đẹp "giản dị mà toàn bích", được Phùng công nhận là giống như một bức tranh mực tàu của danh họa thời cổ, thứ mà không dễ gì mới có được. Nếu như không có một trái tim nhạy cảm với cái đẹp, tấm lòng nhiệt thành với nghệ thuật cũng như sự miệt mài tìm kiếm, chắc chắn Phùng sẽ không thể phát hiện ra một cảnh đẹp như thế.

    Khung cảnh ấy khiến Phùng có những rung động rất mãnh liệt, trái tim có được sự thăng hoa của người nghệ sĩ. Đó là khoảnh khắc phát hiện ra cái đẹp tuyệt mĩ của thiên nhiên tạo vật, con người, khiến Phùng cực kì xúc động và ngỡ ngàng. Anh đã đắm say, ngợi ca cảnh đẹp với một niềm hạnh phúc ngập tràn, đến nỗi anh cảm thấy "bối rối", "trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào". Đó là cái bối rối, ngỡ ngàng của người nghệ sĩ trước cái đẹp trong trẻo, thơ mộng, hiếm gặp của thiên nhiên tạo vật, sự hân hoan khi đón nhận những cái nên thơ, lóng lánh ở đời. Anh phát hiện ra "bản thân cái đẹp chính là đạo đức", "khám phá thấy cái chân lý của sự hoàn thiện". Dường như người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã được thanh lọc tâm hồn, được thăng hoa bằng một "khoảnh khắc trong ngần". Trong tâm trạng hạnh phúc trước vẻ đẹp tuyệt đỉnh ấy, Phùng đã "bấm liên thanh một hồi hết một phần tư cuốn phim", nhịp tay như thể đang đi liền với nhịp đập rung cảm của trái tim, để thâu tóm được hết cái thần, cái hồn của cảnh vật. Và tác phẩm của anh đã được công chúng đón nhận, thẩm định qua thời gian.

    Thêm vào đó, Phùng cũng là một con người có trái tim nhân hậu, biết xót xa, cảm thông trước nỗi đau khổ của con người. Chưa thỏa thuê ngắm bức ảnh "chiếc thuyền ngoài xa" thì ngay lúc ấy, chiếc thuyền đâm thẳng vào nơi Phùng đứng. Người nghệ sĩ đã tận mắt chứng kiến: Từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ bước ra một người đàn bà xấu xí, một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn, đánh vợ như một phương cách để giải tỏa những uất ức, khổ đau.. Đây là hình ảnh đằng sau cái đẹp "toàn bích, toàn thiện" mà anh vừa bắt gặp trên biển. Nó hiện ra bất ngờ, trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sốn, nó đưa anh từ đỉnh cao của niềm hân hoan trần thế, rớt xuống tận cùng của cay đắng, thất vọng.

    Chứng kiến cảnh ấy, Phùng kinh ngạc đến thẫn thờ, chỉ biết "đứng há mồn ra mà nhìn". Anh vứt chiếc máy ảnh xuống đất, chạy nhào tới. Hành động vứt máy ảnh xuống đấy là phản xạ tự nhiên nhưng cũng đầy ẩn ý của NMC. Với Phùng, cảnh đẹp trời cho ấy không còn ý nghĩa gì nữa nếu như anh không thể cứu được người đàn bà kia. Bởi trước khi mang trái tim của một người nghệ sĩ thì Phùng có trái tim của một con người. Anh đã đặt cuộc đời lên trên nghệ thuật, và phản xạ của anh trước sự việc trên là phản xạ của một con người có bản chất, thiên lương tốt đẹp, luôn căm ghét cái xấu, cái bất công. Lần thứ hai chứng kiến bi kịch của gia đình hàng chài, Phùng lao vào can thiệp và bị người đàn ông đánh cho bị thương nhẹ. Hành động của anh đã thể hiện thái độ hết sức bất bình, phẫn nộ trước những hành vi bạo lực, tàn nhẫn của con người. Đó là bản chất của một người lính cũng như một người nghệ sĩ luôn thiết tha bênh vực, bảo vệ kẻ yếu, một con người không thể làm ngơ trước sự hiện diện của cái ác.

    Phẩm chất ấy của anh càng được thể hiện rõ nét tại tòa án huyện, khi nghe câu chuyện của người đàn bà. Sau sự cầu xin của người đàn bà hàng chài, Phùng thấy "gian phòng ngủ lồng lộng gió biển của Đẩu tự nhiên bị hút hết không khí, trở nên ngột ngạt quá". Dường như Phùng không chỉ bất bình trước cái xấu, cái ác, trước những hành động vũ phu mà còn bất bình trước thái độ nhẫn nhục, chịu đựng của chị. Trong cái khoảnh khắc mà người đàn bà cầu xin quý tòa để không bị bắt li hôn với chồng, đối với Phùng và Đẩu, những con người có thiện chí giúp đỡ người đàn bà hàng chài thoát khỏi kiếp sống khốn khổ, có lẽ chị chưa ý thức được quyền sống của mình và chỉ khi bỏ người chồng kia, chị mới có được hạnh phúc. Phùng liên tục đặt ra những câu hỏi: "Lão ta hồi trước 75 có đi lính ngụy không?" "Ở trên thuyền có bao giờ đánh chị không?", "Cả đời chị có một lúc nào thật vui không?" Đó là sự trăn trở của Phùng trước những phận đời bé nhỏ, khổ đau. Tuy anh còn cái nhìn đầy định kiến về cuộc sống, về lão đàn ông vùng biển nhưng tất cả đều xuất phát từ một trái tim yêu thương, nhân ái, luôn thổn thức trước sự bất hạnh của con người.

    Hình ảnh Phùng lang thang trên bãi biển vào buổi chiều sau khi nghe câu chuyện ở tòa án cũng để lại cho chúng ta ít nhiều suy nghiệm: "Gần sáng, trời trở gió đột ngột, từng tảng mây đen xếp ngổn ngang trên mặt biển đen ngòm, và biển bắt đầu gào thét..", "trong phá, các thứ tàu thuyền đều tìm vào bờ để trú, duy ở giữa phá chẳng hiểu vì sao vẫn còn thấy một chiếc thuyền vó bè đang đậu." Đó là cái nhìn đầy lo âu của Phùng khi nhận ra con người thật nhỏ bẻ trước cái cuồng nộ của thiên nhiên cũng như nhỏ bé giữa cuộc sống bộn bề trái ngang, nghịch cảnh. Những người lao động lam lũ thời hậu chiến không chỉ gánh trên mình nỗi lo cơm ăn áo mặc của kiếp sống đói nghèo, họ còn thiếu đi ánh sáng văn hóa để có được sự hoàn thiện trong ý thức. Họ, những phận người nhỏ bé ấy vẫn sẽ phải vật lộn trong sự đau đớn của đòn roi, hay những ê chề nhục nhã trong cuộc sống hàng ngày. Đó cũng là những trăn trở của chính Nguyễn Minh Châu khi khắc họa con người trước cuộc sống đa diện nhiều chiều, trong hành trình nhọc nhằn để hoàn thiện bản thân và kiếm tìm hạnh phúc. Có thể thấy, Phùng không chỉ là một người nghệ sĩ tài năng mà còn là một con người biết rung động trước nỗi đau của đồng loại, biết căm phẫn trước bất công của cuộc đời. Anh chính là một nghệ sĩ vừa có tài, vừa có tâm, xứng đáng được coi là một người lao động nghệ thuật chân chính.

    Cuối cùng, Phùng là người nghệ sĩ có sự thay đổi trong cái nhìn về con người, cuộc sống và về nghệ thuật. Anh đã phát hiện trong cái đẹp có cái xấu, cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập. Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ chỉ nhìn vào bề ngoài hay đánh giá hời hợt từ một phía mà phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều. Người làm nghệ thuật cần tỉnh táo trước cái đẹp: Cái đẹp có hoàn mỹ cách mấy, nhưng bên trong nó chưa chắc đã là cái toàn bích, mà còn có thể là cái vô luận và tàn nhẫn, là bạo lực, là đau thương, là bất hạnh, người nghệ sĩ không chỉ dừng lại ở cái đẹp, mà còn phải đi sâu vào bên trong nó, vượt qua cái thỏa mãn ban đầu để nhìn sâu vào hiện thực, khám phá nỗi đau con người. Đó là điều Phùng nhận ra giữa hai bức tranh chiếc thuyền ngoài xa, và chiếc thuyền ở gần – một thứ "nước rửa ảnh quái đản" làm đảo lộn những gì anh ghi được trên phim.

    Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa xuất hiện ở giữa phá, lúc biển động ở phần cuối của tác phẩm đã cho thấy, dù Phùng vẫn cảm nhận từ khoảng cách ngoài xa, nhưng con thuyền ấy không còn bình yên, thi vị, thơ mộng nữa mà phải vật lộn với biển cả, với phong ba bão tố để tồn tại mà mưu sinh. Và có thể nói, thực chất, bức ảnh mà Phùng chụp được, tuy là tuyệt tác của ngoại cảnh nhưng nó vẫn chỉ là sản phẩm giải trí thuần túy phục vụ cho thị hiếu của một số người yêu chuộng cái đẹp nghệ thuật. Bản thân bức tranh ấy chưa vươn tới chiều sâu của cuộc sống, chưa toát lên được những lam lũ, khó nhọc của con người, mà nghệ thuật chân chính phải là vì con người, phục vụ con người. Nghệ thuật vốn nảy sinh từ cuộc đời nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật. Đó chính là bài học muôn thở về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống. Người nghệ sĩ phải biết đi sâu vào hiện thực, vượt qua những hiện tượng nhất thời để khám phá bản chất, và phải nhìn cuộc đời bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều. Nguyễn Minh Châu quan niệm về vấn đề này: "Cuộc đời và nghệ thuật là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người". Nam Cao nói: "Sống đã rồi hãy viết". Chế Lan Viên: "Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép". Đó là vấn đề muôn thuở của nghệ thuật, là trách nhiệm mà cũng là thiên chức cao cả của người nghệ sĩ. Đồng thời, cái nhìn về con người, cuộc sống của Phùng cũng giúp chúng ta biết rằng, bạo lực gia đình đang là vấn đề nhức nhối, nạn nhân của nó là người vợ, người mẹ, những đứa con tội nghiệp, nó cần được chấm dứt.

    Nhà văn đã đặt nhân vật trong những nghịch lí, trong những éo le liên tiếp của cuộc sống, khiến nhân vật đối mặt với những cảnh đời trái ngược để bộc lộ bản thân. CTNX có kết cấu độc đáo, cách triển khai cốt truyện sáng tạo, hấp dẫn, lựa chọn ngôi kể, điểm nhìn trần thuật sắc ảo, thích hợp, lời kể khách quan, chân thực khiến cho câu chuyện trở nên gần gũi và giàu sức thuyết phục. Phùng chính là nhân vật người kể chuyện, là kiểu nhân vật tư tưởng nhưng vẫn hiện lên hết sức sinh động như con người bằng xương bằng thịt ngoài đời, thể hiện qua những suy tư trăn trở về cuộc đời và con người. Lời văn giản dị mà đa nghĩa, giọng điệu giàu sắc thái chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở. Ngôn ngữ sinh động, linh hoạt, không cầu kì nhưng giàu ý vị triết lí, phù hợp với tính cách nhân vật. Truyện ngắn cũng đã xây dựng thành công nhiều tiết mang tính chất biểu tượng: Bãi xe tăng hỏng, chiếc thuyền ngoài xa, màu sương hồng hồng..

    Phùng là nhân vật tư tưởng thể hiện thái độ, tình cảm của tác giả: Đó là sự thấu hiểu, xót thương cho số phận bất hạnh của con người trong cuộc sống mưu sinh, trong hạnh trình tìm kiếm hạnh phúc của như sự trân trọng những vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn, thể hiện niềm tin vào sức mạnh của con người có thể vượt qua những khó khăn thử thách để duy trì sự sống và tình yêu thương. Đó cũng là biểu hiện của tư tưởng nhân đạo sâu sắc trong tác phẩm. Phùng cũng là nhân vật để NMC gửi gắm những bức thông điệp về con người, cuộc sống và nghệ thuật, đưa đến những chiêm nghiệm về thái độ nhìn nhận đa diện, nhiều chiều cần có của con người nói chung và người nghệ sĩ nói riêng trước những sự việc diễn ra xung quanh mình. Mỗi người đều có trong mình một tòa án mách bảo bản thân, nhưng không phải ai cũng luôn tỉnh táo, sáng suốt để đánh giá khách quan mọi vấn đề. Đây chính là bài học đắt giá cho tất cả chúng ta để có được cách nghĩ đúng đắn, toàn diện nhất.

    Nhân vật Phùng cũng cho thấy tài năng của Nguyễn Minh Châu trong việc xây dựng nhân vật tư tưởng, con người nhận thức. Có thể nói rằng, nếu không có một ngòi bút chắc tay cũng như một tấm lòng thổn thức trước những bất hạnh của con người, Nguyễn Minh Châu sẽ không thể khiến cho người đọc cảm nhận được những chiêm nghiệm thông qua nhân vật Phùng, mà ngược lại, kiểu nhân vật này rất dễ biến thành chiếc loa phóng thanh khô khan, giáo điều của tác giả và thiếu mất đi sự tinh tế, suy tư cần có. Có thể thấy, Phùng là người nghệ sĩ có tài năng, có nhân cách, có trách nhiệm với cuộc đời, có đời sống nội tâm phong phú, quyết liệt trong sáng tạo và hành động vì con người. Đó cũng chính là một sự phân thân của tác giả, là con người Nguyễn Minh Châu với những băn khoăn, trăn trở về sứ mệnh của người nghệ sĩ cũng như mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống.

    Như vậy, qua những trang viết giản dị mà đầy dư ba kể về quá trình nhận thức, phát hiện về đời sống con người và nghệ thuật của nhân vật Phùng, ta thấy được chiều sâu nhân bản, cái nhìn trăn trở, nặng nĩu nỗi lo âu và xót thương nhưng luôn ánh lên niềm tin vào con người của Nguyễn Minh Châu. Sedrin đã từng nói: "Nghệ thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết" Thời gian trôi qua, những gì vô nghĩa sẽ bị sàng lọc, trôi vào lãng quên, nhưng những giá trị đích thực sẽ còn sống mãi, qua thời gian sẽ càng chứng minh được sức sống và giá trị của mình. Thật vậy, mang đến những băn khoăn, chiêm nghiệm sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống, con người, Chiếc thuyền ngoài xa sẽ là một tác phẩm sống mãi với thời gian cùng những thông điệp mà nó gửi gắm. Đó cũng là điều làm nên dấu ấn của nhà văn cũng như sức sống lâu bền của tác phẩm.
     
    THG Nguyen, vttthaoThùy Minh thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...