Phân tích hình tượng người nông dân chí phèo trong truyện ngắn của Nam Cao

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Duong Thuyen, 31 Tháng tám 2018.

  1. Duong Thuyen

    Bài viết:
    7
    1. Chí Phèo: Bi kịch người nông dân bị tha hóa:

    Nam Cao đã mở đầu truyện bằng hình ảnh Chí Phèo say rượu, vừa đi vừa chửi. Chí chửi tất cả, từ trời đến đời, từ đời đến cả làng Vũ Đại, rồi đến "cha đứa nào không chửi nhau với hắn", đến "đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn". Nhưng cái mà hắn nhận được là âm thanh lũ chó cắn xôn xao trong xóm. Chí chửi nhưng không có người nghe chửi và không có ai chửi lại. Vào truyện như vậy là độc đáo. Bằng cách này, NC tạo ra một kẻ say rượu vừa quen vừa lạ, mở ra một Chí Phèo "không biết ai đã đẻ ra", một con người mồ côi và cô độc. Chửi là con đường giao tiếp của Chí với cộng đồng, để được đối thoại với cõi người nhưng cái cõi người đó quá mênh mông nên không một ai đáp lại, chỉ có con vật trả lời. Tiếng chửi kia chính là tiếng nói đau thương của một con người tự bên trong vẫn ý thức được bi kịch của mình: Sống ở làng Vũ Đại nhưng không phải dân của làng, sống giữa cuộc đời nhưng không phải con người. Hẳn là Chí Phèo không muốn nghĩ đến điều đó nên hắn không muốn tỉnh, ngày tháng, tuổi tác đều không có nghĩa lý gì, cả cuộc đời là cơn say bất tận: Ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy hãy còn say, đập đầu, rạch mặt, chửi bới, dọa nạt trong lúc say.

    Từ đây cuốn phim đời Chí Phèo mới được quay lại, từ cái ngày bị bỏ rơi trong cái lò gạch bỏ không, đến ngày thành anh canh điền nhà lí Kiến và cuối cùng là "con quỷ dữ của làng Vũ Đại". Sau bao nhiêu vùi dập bởi bàn tay độc ác của bọn thực dân phong kiến, người nông dân hiền lành bị hủy hoại cả nhân hình và nhân tính. Ngoại hình hắn không còn giống con người: "cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết", mang dấu ấn của quỷ dữ: "cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy". Giọng văn của NC cực kỳ lạnh lùng "Trông gớm chết". Tính cách hắn cũng không còn là của con người: Đập đầu, rạch mặt, chửi bới, dọa nạt, kêu làng ăn vạ, đâm thuê chém mướn. Chí đã sa vào tay lũ quỷ và chính thế giới quỷ ấy đã cướp đi linh hồn của Chí. Chí sinh ra là người, dù không cha không mẹ nhưng vẫn phát triển thành một con người đúng nghĩa, chỉ khi bị những kẻ thống trị chà đạp đến tận cùng mới trở thành một con quỷ. Vì mấy đồng tiền uống rượu, Chí đã trở thành tay sai cho chính con người đã đẩy hắn vào tù, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện như chính Chí ngày xưa.

    2. Quá trình hồi sinh của Chí Phèo:

    Cứ tưởng Chí Phèo mãi mãi sống kiếp thú vật, rồi kết thúc cuộc đời ở một bờ bụi nào đó. Nhưng một bước ngoặt lớn đã diễn ra trong cuộc đời Chí, đó là cuộc gặp gỡ với thị trong đêm trăng nơi vườn chuối để rồi sau đó là trận ốm lúc nửa đêm.

    a) Từ tỉnh rượu đến tỉnh ngộ:

    Bắt đầu là tỉnh rượu. Kể từ khi mãn hạn tù, đây là lần đầu tiên Chí hết say, hoàn toàn tỉnh táo. Lần đầu tiên hắn nhận thức về cái không gian của mình: Căn lều "ở đây người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng", tự nhận thức được tâm trạng của chính mình "hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn" . Và cũng lần đầu tiên, hắn lắng nghe những âm thanh lao xao của sự sống "tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng cười nói của những người đi chợ, anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá". Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có nhưng chưa bao giờ Chí tỉnh để mà nghe, để thấy cuộc đời vẫn đẹp trong cái giản đơn bình dị của nó. Bây giờ khi có đến năm ngày không say rượu, hắn lắng nghe thế giới bằng tất cả tấm lòng mình, cảm nhận và tận hưởng sự "vui vẻ quá" như một đứa trẻ chập chững mới biết đi. Tiếng chim vui vẻ mà sao hắn thấy "Chao ôi là buồn".

    Nỗi buồn da diết hơn khi Chí tỉnh ngộ - nhận thức, nhìn lại cuộc đời mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Quá khứ "nao nao buồn" của những ngày "rất xa xôi", ngày hắn từng mơ ước "một gia đình nho nhỏ: Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vả i". Dường như Nam Cao không kìm giữ lòng mình được mãi khi tái hiện sự thức tỉnh đớn đau của nhân vật: "hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lí nào như thế được ?". Đoạn văn dịu dàng, giọng buông chùng thấm thía, rõ rệt thấm thía dư vị đau xót của một thân phận trần trụi giữa cuộc đời hỗn độn. Buồn, chao ôi là buồn, nhà văn chỉ nói thế mà như mở ra cánh cửa cho người đọc nhìn sâu vào và cảm nhận cái hút lạnh bên trong, cái thăm thẳm tận cùng của một kiếp Chí Phèo. Hiện tại tê tái như một giọt nước mắt không rơi. Và tương lai "Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc", Chí đâu phải con người hời hợt khi nhận thức được tận cùng của nỗi đau: Cô độc còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau. Sự hồi sinh của Chí khiến người đọc rưng rưng, nó là những nỗi niềm u uẩn chôn chặt bao nhiêu năm trong đáy lòng con người sống đời con vật.

    b) Từ tỉnh ngộ đến khao khát hoàn lương:

    Thị Nở bước vào với nồi cháo hành đã làm Chí hết sức "ngạc nhiên", từ chỗ ngạc nhiên đến xúc động: Hắn thấy "mắt mình ươn ướt". Bởi một lẽ hết sức đơn giản mà nhói lòng: Lần đầu tiên hắn được một người đàn bà cho vì xưa nay có ai cho không hắn cái gì. Bát cháo hành là một chi tiết đầy sức nặng. Cái tỉnh ngộ của con quỷ dữ làng Vũ Đại còn là một sự nhận thức giản đơn: "Những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo ấy rất ngon". Cái nhận thức ngây ngô và giản đơn mà thấm thía đến thắt lòng, khiến người đọc muốn rơi nước mắt. Đó là khoảnh khắc lột xác của một con quỷ trở thành người. Đó là hạnh phúc duy nhất của một kẻ suốt đời bất hạnh. Và cao hơn nữa, nhà văn hé mở ánh sáng lương tri, nhân phẩm của Chí. Cô Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn nhưng lại như vì sao đột ngột hiện lên trong bầu trời tối đen thăm thẳm của đời Chí, xua đi cái bộ mặt ác dữ để thay vào đó vẻ mặt "hiền như đất", của một con người cũng biết thổn thức trong lòng. Chí thấy ăn năn, thấy lòng thành trẻ con và muốn "làm nũng với thị như với mẹ". Bản tính hiền lành của anh canh điền năm xưa sống lại, chất người bao nhiêu năm bị vùi dập tỏa sáng. NC đã dồn vào đây cả triết lý sâu sắc của mình: Cái phần người trong mỗi con người đâu phải tước đi một cách dễ dàng. Với những kẻ trượt dài trên con đường tha hóa như Chí Phèo, hãy chạm vào trái tim hắn bằng tình yêu thương. Bởi hắn thật sự là một con người. Khao khát hoàn lương vỡ òa trong Chí: "Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao.. Họ sẽ thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện". Thật đẹp mà cũng thật đau cho ước mơ trong sáng của Chí. Làm sao Chí biết được rằng, mọi thứ không đơn giản như hắn nghĩ.

    c) Từ khao khát hoàn lương đến mong ước hạnh phúc:

    Cùng với mong ước chảy bỏng được làm người lương thiện, trong Chí còn cháy lên ước mong hạnh phúc, chỉ qua hai câu nói đúng chất Chí Phèo.

    "Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ ?" : Cứ thế này là thế nào? Là cứ được ăn cháo hành, sống bên Thị Nở, được làm nũng với thị - đó chính là hạnh phúc. Và Chí muốn níu giữ hạnh phúc đó mãi mãi bên mình: "Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui" – hình thành một mái ấm gia đình. Đó chính là lời cầu hôn của Chí với Thị Nở: Lời cầu hôn "rất Chí Phèo".

    Nhà văn đang vui hay buồn, mãn nguyện hay đau đớn khi viết những dòng này? Nhưng chắc chắn ông đang rất sung sướng khi đã nói lên được cái điều mình muốn nói: niềm tin bất diệt vào thiên lương ở con người . Dù có bị vùi dập đến tận cùng cay đắng và nghiệt ngã thì bản tính lương thiện ấy vẫn tỏa sáng. Trong trái tim bầm dập trầy xước rớm máu vì sự chà đạp của cuộc đời vẫn mãi mãi cháy lên ngọn lửa tình yêu. Khó thể nói cái thứ tình của Chí và Nở là tình yêu đúng nghĩa, nhưng cũng không thể không gọi là tình yêu! Đó là thứ tình yêu kỳ lạ, vừa thô mà lại vừa tinh, vừa tục lụy mà lại vừa thăng hoa. Xã hội mênh mông, biển đời rộng lớn nhưng chạm vào trái tim Chí, hồi sinh cuộc đời Chí, đưa tay kéo Chí lên khỏi vũng lầy tha hóa lại là một Thị Nở xấu xí dở hơi. Đó cũng là điều nhà văn khiến ta suy ngẫm.

    3. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo:

    Mong ước hoàn lương của Chí không thành hiện thực bởi bà cô thị Nở kiên quyết không chấp nhận hắn. Trong suy nghĩ của bà cũng như tất cả người làng Vũ Đại, Chí không phải là người từ rất lâu rồi. Họ không biết, không hiểu và vì vậy không tin vào sự thức tỉnh của hắn.

    Diễn biến tâm trạng và hành động của Chí Phèo:

    a) Từ thất vọng đến đau đớn:

    Thị Nở "trút vào mặt hắn tất cả lời bà cô". Chí "ngẩn người", ngạc nhiên rồi thất vọng. Chí đã từng ngạc nhiên đầy hạnh phúc khi Thị cho Chí bát cháo, bây giờ cũng chính Thị khiến Chí ngạc nhiên trong đau khổ. Thất vọng nhưng chưa tuyệt vọng, "hắn lại như hít thấy hơi cháo hành" và hắn "đuổi theo thị, nắm lấy tay thị" như nỗ lực cuối cùng để níu giữ một chỗ dựa tinh thần, một niềm hy vọng về con đường hoàn lương duy nhất của đời hắn. Hành động này chứng tỏ Chí vẫn khao khát tình yêu, khao khát làm người lương thiện. Thế nhưng thị Nở đã "gạt ra, lại giúi thêm cho một cái" tỏ rõ sự cự tuyệt! Đó chính là sự cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo. Chí biết rằng thế là hết. Con người duy nhất mở cửa lòng với Chí nay đã đóng sập lại rồi. Chí thật sự đau đớn: "Toan đập đầu" bằng hòn gạch vỡ, nhưng hắn không say nên "hắn uống". Chí tìm lại men rượu nhưng "càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn.. Hắn cứ thấy thoang thoảng hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức". Men rượu và hương cháo hành, cái ác và cái thiện va đập, giằng xé quyết liệt trong tâm can Chí Phèo. Rượu không khỏa lấp được nỗi đau như bấy lâu nay. Năm ngày tỉnh lớn hơn một đời say. Giọt nước mắt tuôn ra từ Chí đắng chát đến cùng cực, đó là giọt nước mắt của một "con người sinh ra làm người nhưng lại không được làm người". Chí Phèo muốn ngoi ra ánh sáng nhưng lại bị đạp vào trong bóng tối vì cái thành kiến lạnh lùng đến tàn nhẫn của xã hội.

    b) Từ phẫn uất đến tuyệt vọng:

    Trong cơn vật vã, Chí xách dao định đâm chết bà cô Thị Nở nhưng lại "quên rẽ vào nhà thị" mà đến nhà bá Kiến. Như chính NC đã bình luận: "Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm" . Nhưng nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ: Chí Phèo chưa bao giờ quên kẻ đã làm hại cuộc đời mình. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Chí đã xách vỏ chai đến nhà bá Kiến mấy lần đòi nợ. Nhưng những lần trước cơn uất hờn có thể được xoa dịu bằng mấy hào bạc thì hôm nay năm hào bá Kiến ném ra không thể trả cho Chí cái điều Chí đòi bằng giọng dõng dạc: "Tao muốn làm người lương thiện". Những câu nói vang lên rành rọt, rõ ràng, tỉnh táo đến không còn có thể hơn nữa: "Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này. Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ có một cách.. biết không!..".

    Chí Phèo đã chọn cái chết trên vũng máu cùng với bá Kiến. Chí không thể trở lại làm người lương thiện dù rất muốn, nhưng cũng không thể tiếp tục làm con quỷ dữ của làng Vũ Đại bởi đã quá tỉnh rồi. Ai hiểu thấu sự cô độc và bế tắc tận cùng của Chí trong lúc này? Ai cảm được nỗi đau có thể làm đá rơi nước mắt của Chí lúc này? Không thể xóa những vết mảnh chai trên mặt, không thể xóa được định kiến trong lòng người thì chỉ có thể đánh đổi cái cuối cùng còn lại là tính mạng cho một cuộc trở về. Cái chết đau nhói lòng người nhưng là tất yếu, là sự giải thoát duy nhất dành cho Chí, để giữ lại linh hồn trong sáng thanh cao. Cái chết là bản cáo trạng đanh thép tố cáo sự tàn ác của xã hội phong kiến thực dân không có tính người, và là bài ca bất diệt về phẩm chất tốt đẹp tiềm ẩn trong người lao động nói riêng và thiên lương nói chung tồn tại trong mỗi con người .

    Không chỉ vậy, truyện ngắn Chí Phèo còn có sức ám ảnh người đọc lâu dài ở giá trị phi thời gian của nó. Qua rồi xã hội tàn nhẫn đó, nhưng:

    "Nam Cao mất, Chí Phèo vẫn sống

    Nào có dài đâu một kiếp người

    Nhà văn mất nhân vật từ trang sách

    Vẫn ngày ngày lăn lóc giữa trần ai"

    (Nguyễn Đức Mậu)

    Xã hội ngày hôm nay có thể không có một bá Kiến tàn ác vô lương, một Chí Phèo bế tắc đến tận cùng nhưng cái gọi là "nỗi niềm Chí Phèo" phải đâu mất hẳn? Ngẫm kỹ, nhìn kỹ, vẫn còn đó kiểu nhìn người của "bà cô Thị Nở" dành cho những người trót lỡ sa chân đau đáu một nẻo về. Thông điệp của Nam Cao-nhà văn có tiếng bề ngoài lạnh lùng che giấu bên trong trái tim nhân hậu- không bao giờ thừa: bất cứ ai cũng có thiện và ác, hãy đấu tranh đến cùng để bảo vệ nhân tính, nuôi dưỡng phần người trong mỗi con người cho nó ngày càng lành vững, đủ sức mạnh đề kháng phần con đầy nguy hiểm. Và hãy biết yêu thương, trân trọng con người, nâng đỡ con người dù đó là kẻ lỡ tay trót đã nhúng chàm. Đó chính là chủ nghĩa nhân đạo được tiếp nối từ mạch nguồn thời cụ Nguyễn Du từng cất bút viết lên vần thơ "thấm đầy nước mắt, thấm vị đời cay đắng khổ đau".
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...