Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 6 Tháng sáu 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề bài:

    Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

    Rài rác biên cương mồ viễn xứ,

    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,

    Áo bào thay chiếu anh về đất,

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

    Trích Tây Tiến - Quang Dũng

    Phân tích đoạn thơ trên, từ đó nhận xét về cách nhìn hiện thực của nhà thơ Quang Dũng.

    [​IMG]

    "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!". Không gian xa, thời gian xa, một thời Tây Tiến đã xa, rất xa.. Xa nhưng chẳng thể quên. Xa mà vẫn bồi hồi thao thức trong trái tim chàng lính trẻ Quang Dũng. Nhịp rung động bồi hồi ấy đã khơi nguồn để gọi về những vần thơ tuyệt tác làm nên thi phẩm bất hủ "Tây Tiến". Mạch cảm xúc chủ đạo của cả bài thơ là nỗi nhớ: Nhớ thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, mĩ lệ; nhớ đồng bào Tây Bắc đằm thắm ân tình; nhớ binh đoàn Tây Tiến với những bước đường hành quân chiến đấu nhiều gian khổ hi sinh mà vô cùng anh dũng. Linh hồn của bài thơ chính là bức tượng đài bi tráng về người lính Tây Tiến được Quang Dũng tập trung khắc họa trong khổ thơ thứ ba:

    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    * * *

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành"


    Nói đến Quang Dũng là nói đến một nghệ sĩ đa tài: Làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc – lĩnh vực nào ông cũng thể hiện tài năng của mình ở những tác phẩm tiêu biểu. Nhưng người đọc biết đến ông nhiều hơn cả với tư cách là một nhà thơ. Thơ Quang Dũng phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình.

    Tây Tiến là đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào, đánh tiêu hao lực lượng địch, bảo vệ biên giới Việt Lào. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên, học sinh Hà thành. Họ chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, nhưng lại rất lạc quan và dũng cảm. Đến cuối năm 1948, Quang Dũng nhận được lệnh chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa lâu, tại Phù Lưu Chanh, nỗi nhớ ùa về, Quang Dũng viết bài thơ "Tây Tiến" để gửi tiếng lòng mình vào đó.

    Bàn về đặc trưng của thơ, Lê Quý Đôn từng khẳng định: "Thơ phát khởi từ lòng người ta". Tố Hữu cũng viết: "Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy". Và nhà thơ Pháp Alfret de Mussé cũng chia sẻ: "Hãy biết rằng chính quả tim ta đang nói và thở than lúc bàn tay đang viết", "nhà thơ không viết một chữ nào nếu cả toàn thân không rung động" (dẫn theo PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 01/2009). Tất cả những nhận định đó đều nói đến đặc trưng của thơ là cảm xúc. Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. "Tây Tiến" trở thành một hiện tượng đặc biệt và có sức sống lâu bền trước hết phải kể đến yếu tố cảm xúc của bài thơ. Chính những xúc cảm mãnh liệt của nhà thơ khi hồi tưởng về một thời từng sống, chiến đấu trong binh đoàn Tây Tiến đã làm nên mạch cảm xúc thi vị và hào hùng của bài thơ, thành nhịp đập trái tim của thi phẩm và đem đến những rung cảm thẩm mĩ sâu sắc trong lòng người đọc.

    Nếu phần đầu của bài thơ là nỗi nhớ về thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội cùng những cuộc hành quân gian khổ của người lính Tây Tiến, là kỉ niệm tình quân dân ấm áp và bức tranh chiều sương Châu Mộc thơ mộng tữ tình thì trong đoạn thơ trên, Quang Dũng đã tập trung hết bút lực để khắc họa vẻ đẹp lãng mạn thấm đượm tinh thần bi tráng của đoàn binh Tây Tiến.

    Với cảm hứng lãng mạn kết hợp với bút pháp hiện thực, trong bốn câu đầu, nhà thơ đã tái hiện chân thật cuộc sống chiến đấu gian khổ kiên cường của các chiến sỹ Tây Tiến trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp:

    Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

    Hai câu đầu đã gợi lên sự đối lập giữa ngoại hình và tâm hồn người lính Tây Tiến.

    Nói đến "đoàn binh không mọc tóc" là nói đến hiện thực cuộc sống của người lính Tây Tiến: Họ phải cạo trọc đầu để tiện đanh giáp lá cà, để giảm bớt những bất tiện trong cuộc sống ở rừng; cũng có thể đó là hậu quả của những trận sốt rét liên miên nơi rừng thiêng nước độc đã khiến họ mất đi mái tóc tuổi xanh. Dù hiểu theo cách nào, hình ảnh ấy cũng gợi lên sự gian khổ, thiếu thốn, nghiệt ngã của chiến tranh. Nhưng với cách diễn đạt độc đáo của Quang Dũng: "Không mọc tóc" chứ không phải "tóc không mọc" đã chuyển tình thế bị động sang trạng thái chủ động. Sự chủ động (không thèm mọc tóc) đã khiến người lính Tây Tiến hiện lên không tiều tụy, nhếch nhác mà kiêu bạc, ngang tàng.

    Câu tiếp theo vẫn là những nét vẽ ngoại hình của những chàng lính trẻ: "Quân xanh màu lá". Có thể hiểu đây là màu xanh áo lính hay màu xanh của lá ngụy trang khiến cho cả đoàn quân "xanh màu lá". Nhưng cũng có thể hiểu, "quân xanh màu lá" ở đây là những gương mặt xanh xao gầy ốm vì sốt rét, vì cuộc sống kham khổ ở rừng. Hoàn cảnh ấy không những cướp đi mái tóc tuổi xuân mà còn khiến da dẻ họ xanh xao, tiều tụy. Quang Dũng đã không né tránh hiện thực khắc nghiệt ấy. Cũng giống như Chính Hữu không ngại ngần khắc họa hình ảnh người lính thiếu thốn gian khổ trong những nét vẽ thô tháp: "Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày".

    Mặc dù hiện thực khắc nghiệt có thể khiến người lính không giữ được vẻ ngoài phong độ của những chàng trai Hà thành, nhưng không sao tiêu diệt được sức mạnh tinh thần của họ. Sống giữa rừng thiêng, người lính đã được tiếp thêm sức mạnh của núi rừng để trở thành "chúa tể rừng xanh" - dữ oai hùm khiến kẻ thù phải kinh hồn bạ vía. Kết thúc câu thơ thứ hai là một hình ảnh đẹp, đối lập với hai hình ảnh trước đó. Và người ta chỉ thấy hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc là đoàn binh oai phong, lẫm liệt khác thường. Với cảm hứng lãng mạn kết hợp với bút pháp nghệ thuật tương phản, cụm từ "dữ oai hùm" quang Dũng gieo rất "đắc địa" kia đã lấy lại "phong độ" cho những chàng lính trẻ.

    Như vậy, dù miêu tả người chiến sỹ Tây Tiến trong gian khổ, bệnh tật, thiếu thốn nhưng Quang Dũng không chú trọng vào gian khổ cùng hậu quả của nó mà nghiêng về ca ngợi vẻ đẹp phi thường, lãng mạn, hào hùng.. Cho nên ý thơ có hiện thực mà vẫn lãng mạn, "bi" mà vẫn "tráng".

    Tiếp tục vận dụng hiệu quả thẩm mĩ của thủ pháp tương phản, Quang Dũng đã khắc họa bức chân dung tinh thần của người lính Tây Tiến:

    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.


    Có thể nói, đời sống tâm hồn của các chiến sĩ Tây Tiến là sự thống nhất của những mặt đối lập: Vừa dữ dội quyết liệt, vừa tình tứ hào hoa. Người chiến sĩ gửi "mộng" về nơi biên cương đầy bóng giặc. Trong ánh "mắt trừng" mở to hướng về nơi biên cương đầy bóng giặc ấy ta thấy cháy lên ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc, lòng hận thù quân xâm lược và ý chí quyết chiến, quyết thắng. Đó là ánh mắt chất chứa khát vọng chiến thắng, khát vọng lập chiến công - những giấc mộng cao đẹp của biết bao người trai thời loạn. Ánh mắt ấy có ý nghĩa như hình ảnh ước lệ của cảm hứng lãng mạn vừa khắc họa vẻ đẹp của dáng vẻ oai phong lẫm liệt vừa tô đậm nét kiêu hùng ngạo nghễ trong tâm hồn những người lính có lý tưởng và khát vọng lớn lao, sẵn sàng ra đi vì nghĩa lớn..

    Những chàng trai Hà Nội nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc sẵn sàng ra đi "đầu không ngoảnh lại", để lại sau lưng "thềm nắng lá rơi đầy" nhưng trong trái tim của họ vẫn dành một góc lưu luyến nhớ nhung về "Hà Nội dáng kiều thơm". Có những "đêm mơ" trằn trọc không ngủ, tâm hồn họ lại trở về với quê hương - nơi có bóng dáng người yêu dấu. Dáng kiều thơm đã trở thành vầng sáng lung linh trong kí ức của những chàng lính Hà Thành. Điều đó cho thấy, trong chiến đấu, họ vô cùng anh dũng, nhưng khi trở về với những phút lặng của tâm hồn, họ lại là những con người dạt dào tình cảm. Hai phương diện tưởng chừng đối nghịch này đã thống nhất với nhau làm nên vẻ đẹp hào hùng và hào hoa, anh hùng và nghệ sĩ của người lính Tây Tiến. Vậy nên khi đọc hai câu thơ này, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: "Hai câu thơ như chứa đựng cả hai thế giới". Hai thế giới ấy là "mộng" và "mơ", là nghĩa chung và tình riêng, là lý tưởng, trách nhiệm cao cả và tâm hồn lãng mạn, trái tim chan chứa yêu thương..

    Cũng như hình ảnh: "Người ra đi đầu không ngoảnh lại - Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" trong sáng tác mùa thu trước Cách mạng, và sau đó là người lính trong: "Những đêm dài hành quân nung nấu - Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu", những chàng trai Hà Nội trong đoàn quân Tây Tiến cũng thật lãng mạn, kiêu hùng; tình yêu thương trở thành động cơ đẹp đẽ để họ ra đi chiến đấu vì những điều yêu thương, đó là những nét khắc họa chân thực, cảm động về cả một thế hệ người Việt Nam dằn lòng gạt tình riêng ra đi vì nghĩa lớn.

    Bốn câu thơ cuối trực tiếp miêu tả sự mất mát hy sinh anh dũng của người chiến sỹ.

    Câu thơ:

    "Rải rác biên cương mồ viễn xứ"

    Đem đến cảm giác buồn bã, ảm đạm về cái chết, sự hi sinh.

    Có thể nhận ra một nét nghĩa tương đồng trong cả bốn từ của câu thơ khi tất cả đều ít nhiều gợi tới sự xa xôi: "Rải rác" gợi ra hình ảnh của những nấm mồ nằm xa nhau dọc đường hành quân, "biên cương" là nơi cuối cùng của đất nước, cũng có thể coi là "viễn xứ", xứ xa; "mồ" là hình ảnh của cái chết gợi sự chia lìa xa cách của tử biệt sinh ly, của sự sống và cái chết, của cõi dương và cõi âm, của những nấm mồ miền viễn xứ với những người thân yêu chờ đợi nơi quê nhà.. Những nét nghĩa ấy cũng hướng tới miêu tả một thực tế: Rất nhiều cái chết, rất nhiều nấm mồ của những con người xa quê nằm lại miền viễn xứ - có lẽ đó chính là nguyên nhân đưa đến cảm giác ảm đạm lạnh lẽo cho cả câu thơ.

    Trong một câu thơ và đoạn thơ dùng rất nhiều từ Hán Việt thì "mồ" là một từ thuần Việt có giá trị biểu hiện và biểu cảm thật xúc động. Không sử dụng từ "mộ" trang trọng, "mồ" là một danh từ miêu tả chính xác thực tế chiến trường lúc đó khi các anh hy sinh trên đường hành quân, việc chôn cất sơ sài, vội vã, đồng đội xót lòng để các anh lại trong những nấm đất hoang lạnh, hiu hắt, đơn sơ trên đường. Bản thân cái chết đã gợi nên sự buồn bã, càng lạnh lẽo hơn khi các anh không được nằm bên nhau, những nấm mồ cứ rải rác trên từng chặng đường hành quân gian khổ, những nấm mồ thiếu hơi ấm của gia đình, quê hương - sự hy sinh của các anh càng làm đau lòng người sống. Tây Tiến là một trong số ít những tác phẩm văn chương thời chống Pháp trực tiếp miêu tả sự mất mát hy sinh của người lính, thậm chí bằng những câu thơ gợi nỗi bi thương, đau xót nhất.

    Tuy nhiên Tây Tiến bi mà không lụy, ảm đạm mà không yếu mềm, cảm hứng bi tráng đã trở thành âm hưởng chủ đạo của đoạn thơ và của bài thơ.

    Một trong những yếu tố đem đến sắc thái mạnh mẽ và hào hùng cho đoạn thơ chính là việc Quang Dũng đã sử dụng một loạt các từ Hán Việt như: Biên cương, viễn xứ, chiến trường, độc hành.. khiến sự hy sinh của chiến sỹ Tây Tiến được đặt vào một không khí thiêng liêng trang trọng tạo tâm thế ngưỡng mộ đầy tôn kính cho người đọc.

    Và cảm giác ảm đạm ngậm ngùi trong câu một đã nhanh chóng được xóa đi bởi tứ thơ mạnh mẽ, rắn rỏi như một lời tuyên thệ trong câu 2:

    "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

    Hình tượng thơ đậm nét bi tráng, phảng phất hình ảnh những tráng sỹ xưa: "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao", những con người sẵn sàng gạt tình riêng ôm chí lớn "ra đi không vương thê nhi". Cũng với cách diễn đạt chủ động trong kiểu câu phủ định, câu thơ đã tô đậm lý tưởng cao cả và khí phách kiên cường của những người chiến sỹ anh hùng "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

    "Đời xanh" là hình ảnh ẩn dụ cho tuổi thanh xuân, thời gian đẹp nhất trong đời, quãng thời gian một đi không trở lại; nhịp đi liền mạch trong câu thơ "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" cho thấy ý chí quyết tâm cao độ của những người thanh niên ưu tú sẵn sàng hiến dâng cuộc đời và tuổi thanh xuân, cũng có nghĩa là sẵn sàng hiến dâng phần đời đẹp nhất cho đất nước, đó cũng là tâm nguyện, là ý chí cao đẹp của những người thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ đã được Thanh Thảo thể hiện trong những câu thơ chânh thành, xúc động:

    "Chúng tôi đi không tiếc đời mình

    Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc

    Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc"

    Như vậy, sau câu thơ đầu nói về cái chết, về những nấm mồ, câu thơ tiếp theo lại khẳng định ý chí, lý tưởng và khí phách của chiến sỹ Tây Tiến. Phải chăng đây cũng là hàm ý sâu xa của nhà thơ: Các anh nằm lại trong những nấm mồ miền viễn xứ nhưng khí phách tinh thần vẫn sống mãi tuổi hai mươi, và với Tổ quốc các anh là bất tử, vẻ đẹp hào hùng của các anh vẫn có sức cổ vũ mãnh liệt tới muôn đời.

    Không chỉ hình ảnh của cái chết, câu thơ miêu tả việc chôn cất tử sỹ cũng gây ấn tượng rất mạnh mẽ cho người đọc:

    "Áo bào thay chiếu anh về đất"

    Cảm hứng lãng mạn trong bút pháp mỹ lệ hóa đã biến tấm áo quân phục sờn rách của người lính chiến thành tấm áp bào đẹp đẽ, thiêng liêng. Quang Dũng có kể lại: "Khi tử sỹ nằm xuống không đủ manh chiếu để liệm, nói áo bào thay chiếu là mượn cách nói của thơ trước đây để an ủi những người đồng chí vừa ngã xuống". Vượt lên trên hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh, trong cảm nhận của Quang Dũng, những người đồng đội thân yêu của ông khi ngã xuống vẫn được khâm liệm trong những tấm áo bào trang trọng vốn chỉ dành cho những tráng sỹ anh hùng xả thân vì đất nước.

    Hình ảnh "áo bào thay chiếu" còn gợi liên tưởng đến lý tưởng cao quý một thời, coi việc chết ngoài chiến địa lấy "da ngựa bọc thây" làm niềm tự hào của đấng trượng phu, coi "chí làm trai dặm nghìn da ngựa" là điều thiêng liêng cao quý; những người lính Tây Tiến hôm nay cũng xem việc hy sinh nơi chiến trường, được khâm liệm bằng tấm áo của chính mình là niềm vinh quang của những con người "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

    Sự bi thảm của cái chết đã được xóa đi không chỉ vì lý tưởng cao cả và khí phách hào hùng mà còn bởi cách nói giảm khi coi chết chỉ là "về đất". Không chỉ làm dịu nhẹ nỗi đau, hai chữ "về đất" còn gợi ra những tầng nghĩa sâu sắc: "Đất" là hình ảnh gợi sự bền vững muôn đời của non sông đất nước, "về" gợi bao ấm áp bởi sự đón nhận và ấp ủ, nâng niu.. Các anh đã từ biệt gia đình, quê hương ra đi về miền viễn xứ với mộng chiến trường cao cả, đã chiến đấu kiên cường, đã hy sinh anh dũng vì Tổ quốc, nay Tổ quốc trìu mến, yêu thương, mở rộng vòng tay đón nhận những người con thân yêu trở về thanh thản, yên nghỉ trong lòng đất mẹ, tựa như những người chiến sỹ trong thơ Tố Hữu: "Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng" (Trăng trối - Tố Hữu), Sự trở về này đã nhập các anh vào thế giới vĩnh hằng của cha ông, thế giới của "những người chưa bao giờ khuất, đêm đêm rì rầm trong tiếng đất, những buổi ngày xưa vọng nói về" (Đất nước - Nguyễn Đình Thi)

    Âm hưởng bi tráng được gợi ra từ hình tượng người chiến sỹ Tây Tiến đã được đẩy lên tới đỉnh điểm trong câu kết đoạn:

    "Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

    Sông Mã đã từng xuất hiện trong tiếng gọi tha thiết ở đầu bài thơ "Sông Mã.." như một biểu tượng của miền Tây, của chiến khu, nay trở lại với âm thanh dữ dội, hào hùng của cảnh tiễn đưa tử sỹ. Không phải là "vang lên" hay "cất lên", cụm từ "gầm lên" đã thể hiện trọn vẹn tính chất dữ dội trong những cung bậc tình cảm mạnh mẽ và sâu sắc: Bi phẫn, đau xót, tiếc thương, cảm phục..

    Sông Mã từng gắn bó với các anh trong suốt chặng đường hành quân gian khổ qua miền Tây, nay Sông Mã lại là chứng nhân lịch sử thay lời cho cả thiên nhiên trời đất, núi sông, gầm vang "khúc độc hành" bi tráng đưa tiễn những người con yêu quý trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Ý nghĩa của khúc độc hành vừa mạnh mẽ, hào tráng, vừa phảng phất âm hưởng cô đơn gợi nỗi ngậm ngùi buồn bã. Đây là cảm giác không tránh khỏi khi đứng trước cái chết, khi phải tiễn đưa những người thân yêu trong chuyến ra đi cuối cùng đơn độc.

    Đoạn thơ đã thể hiện những nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật của Quang Dũng, đó là bút pháp tương phản đầy ấn tượng của cảm hứng lãng mạn, là chất họa và chất nhạc đậm nét với giá trị biểu cảm mạnh mẽ, là chất bi tráng đưa tới những xúc động sâu sắc trong lòng người. Qua đó Quang Dũng đã khắc họa sâu đậm hình ảnh người chiến binh Tây Tiến trong cả cuộc sống chiến đấu gian khổ và sự hy sinh anh dũng, làm hiện lên vẻ đẹp toàn vẹn trong tâm hồn các anh, những người lính hào hùng và hào hoa. Hình ảnh các anh càng làm rõ thêm cảm hứng chủ đạo của bài thơ: Nỗi nhớ tha thiết của người cựu chiến binh Tây Tiến hướng về miền Tây, về trung đoàn Tây Tiến, về những năm tháng chiến khu không thể nào quên..

    Đọc bài thơ:

    [Bài Thơ] Tây Tiến - Quang Dũng
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...