Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nam Dã Tú Nhất, 14 Tháng mười hai 2021.

  1. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Đề: Nguyễn Tuân tâm niệm: Dù bất cứ nghề nào, con người bộc lộ tài năng, khéo léo, điêu luyện trong nghề nghiệp, người đó là nghệ sĩ. Hãy phân tích nhân vật người lái đò trong đoạn trích "Người lái đò sông Đà" để làm rõ ý kiến trên.

    Bài làm

    Người ta vẫn luôn nhớ về nghệ sĩ bằng hình ảnh những nhà văn nhà thơ miệt mài ngày đêm sáng tác; hoặc những nhạc sĩ mải miết bên cung đàn, thả hồn vào những giai điệu trầm bổng, du dương. Và cũng có khi, nghệ sĩ là những người ca sĩ tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu, bên dưới khán đài luôn không ngớt những tràng pháo tay khi tên họ được xướng lên. Thế nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, có một người nghệ sĩ không mưu sinh bằng những nghề vừa nói. Tài năng của ông không thể hiện bằng lời văn, tiếng nhạc mà bằng mưu trí, bằng sự dũng cảm và bản lĩnh phi thường. Người nghệ sĩ đó chính là người lái đò trong đoạn trích "Người lái đò sông Đà" mà nhà văn đã dùng tất cả tâm huyết trong ngòi bút và cả sự cảm phục, ngưỡng mộ chân thành để tái hiện qua từng con chữ, từng câu văn.

    Giữa chốn núi rừng hoang sơ và dòng sông Đà quyến rũ, cuốn hút nhưng không kém phần nguy hiểm, người lái đò xuất hiện như một điểm nhấn về ý chí, về khát vọng chinh phục, làm chủ thiên nhiên của con người. Người lái đò mang vẻ đẹp song toàn về mưu trí và lòng dũng cảm. Ông mưu sinh bằng cách đương đầu với những hiểm nguy, chiến đấu với thiên nhiên để tìm đường sống, đường tồn tại lâu dài.

    Với kinh nghiệm của người đã nhiều lần vượt qua muôn trùng sóng dữ, ông đã "Nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá", "Thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này", "Nắm được cái quy luật tất yếu của dòng nước sông Đà" và sẵn sàng đương đầu thử thách, đưa người vượt sông, vượt cả những trùng vi, những cạm bẫy mà sông Đà đã bày binh bố trận.

    Bằng sự tinh thông, thành thạo trong nghề nghiệp và kinh nghiệm băng sông rẽ nước, người lái đò đã "nhớ tỉ như đóng đanh vào tất cả các luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở", và thấu hiểu từng đặc điểm của sông như thấu hiểu "một thiên anh hùng ca mà ông đò thuộc đến cả những cái chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng". Bởi lẽ, ông đã ngược xuôi trên dòng sông trên cả trăm lần, vượt qua những trừng vi, từng ghềnh đá, xoáy nước. Ông dùng kinh nghiệm của một người từng trải và thành thạo trong nghề lái đò đưa những người khách lạ cùng vượt sông, băng qua vô vàn hiểm nguy, thử thách.

    Trí dũng tuyệt vời cùng bản lĩnh, tài ba giúp người lái đò sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đối mặt với thác dữ, chinh phục các cửa tử, cửa sinh, vượt qua thạch trận, thủy trận đầy những đá nổi, đá chìm. Giữa lòng sông đầy rẫy cạm bẫy mai phục, người lái đò ung dung đối đầu, bình tĩnh vượt qua bằng những hành động chuẩn xác, táo bạo như một chỉ huy dày dặn kinh nghiệm.

    Trước cuộc tấn công hung bạo của sông Đà, người lái đò "nén đau giữ mái chèo, tỉnh táo chỉ huy bạn chèo" rồi điều khiển con thuyền "cưỡi đúng ngay trên bờm sóng, phóng thẳng thuyền vào giữa thác". Những trò tâm lý chiến sớm đã không còn tác dụng với một vị tướng dày dặn kinh nghiệm. Cuộc chiến giữa người lái đò và sông Đà là một cuộc chiến điển hình giữa con người và thiên nhiên.

    Xuyên suốt hành trình vượt sông, trong mắt tác giả, người lái đò như một người nghệ sĩ tài hoa. Tài năng ấy không nằm ở những năng khiếu thông thường mà nằm ở lòng dũng cảm, thích đối đầu với hiểm nguy, ưa những khúc sông nhiều ghềnh thác và coi việc chiến thắng "con thủy quái" là chuyện bình thường.

    Trong cuộc chiến với con sông hung bạo, dễ thấy được những hình ảnh đối lập mang đầy nghĩa biểu tượng. Đó là sự trái ngược giữa người lái đò và thiên nhiên vùng Tây Bắc. Thiên nhiên rộng lớn, bí ẩn vô cùng còn con người lại nhỏ bé và đơn độc. Ở nơi rừng núi hoang vu, sông sâu sóng lớn, con người mang ước mơ, khao khát chinh phục thiên nhiên để bước vào cuộc chiến không cân sức, không có phéo màu như những câu chuyện cổ tích tuổi thơ. Trong trận chiến sống còn, muốn chiến thắng thiên nhiên, con người không những dùng đến sức lực mà còn dùng cả mưu trí, sự chịu đựng và lòng kiên trì vô hạn.

    Ngay từ lúc bắt đầu, cuộc chiến giữa người lái đò với sông Đà là một cuộc chiến không cân sức. Vũ khí của ông là một cán chèo mỏng manh, còn ông thì đơn độc trên chiếc đò gỗ, ngược dòng sông nước và càng trở nên nhỏ bé, dễ bị tổn thương, thất thế trước sức mạnh được nâng lên hàng thần thánh, có sóng nước hò reo có thạch trận với đủ ba lớp trùng vi vây bủa, được trấn giữ bởi những hòn đá ngỗ ngược, hỗn hào và nham hiểm. Thế nhưng, với kinh nghiệm của bản thân cùng quyết tâm cao độ, người lái đò lần lượt vượt qua những thử thách cam go trong hành trình chinh phục thiên nhiên và mưu sinh bằng nghề sông nước.

    Dưới ngòi bút tài hoa và khả năng quan sát, tái hiện tinh tường bằng con chữ, cuộc chiến giữa người lái đò và sông Đà được chia làm ba vòng. Thử thách lẫn hiểm nguy theo đó mà tăng dần, đôi khi còn khiến người khác phải rùng mình, ngạt thở vì sự gay go trong trong trận chiến không cân sức.

    Ở thử thách đầu tiên, sông Đà bày thạch trận trên sông. Thần sông dàn ra năm cửa đá thì có đến bốn cửa tử, cửa sinh duy nhất nằm sát bờ trái và huy động hết sức mạnh của sóng thác đánh vỗ mặt con thuyền. Trận đá chia làm ba hàng chặn ngang, phối hợp với đá nước thác reo hò, thách thức vang dậy, bẻ gãy cánh chèo. Luồng sóng hung tợn "liều mạng vào sát nách mà đá trái, mà thúc gối vào bụng và hông thuyền", nhưng người lái đò vẫn giữ chắc mái chèo giúp con thuyền "khỏi bị hất khỏi bờm sóng trận địa phóng thẳng vào mình".

    Người lái đò như một vị tướng tả xung hữu đột, giữ vững ý chí sắt đá, ngay cả lúc bị trúng đòn hiểm, mặt méo bệch đi nhưng ông vẫn tỉnh táo chỉ huy con thuyền lướt đúng vào luồng sinh. Giành được chiến thắng trong một cách khó khăn, gian khổ và ngạt thở chỉ trong gang tấc, người lái đò vẫn tỉnh táo chỉ huy không một chút nghỉ tay, nghỉ mắt vì biết còn điều gì đợi mình ở phía trước.

    Sông Đà thay đổi trận địa mai phục cùng những cạm bẫy, tăng thêm cửa tử để đánh lừa con thuyền. Còn cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Người lái đò không hề nao núng, càng không dễ bị mắc lừa vì "nắm chắc quy luật của thần sông thần đá". Ông lập tức thay đổi chiến thuật vì đã nhận ra cạm bẫy của bọn thuỷ quân nơi cửa ải nước này. Khi "dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá", bọn thủy quân xô ra định níu thuyền vào cửa tử đã mở sẵn, người lái đò không hề né tránh mà "cưỡi lên thác Sông Đà", và hạ quyết tâm "phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ" bởi vì nếu bỏ cuộc giữa chừng, bao nhiêu công sức sẽ đổ sông đổ bể. Con thuyền sẽ trôi vào cửa tử, bị sóng nước, đá ngầm vùi dập, nghiền nát. Thế nên, khi đã "nắm chắc được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo vào cửa đá ấy", và giành lấy chiến thắng một cách ngoạn ngục và đầy kịch tính.

    Mỗi lần vượt sông là một trận chiến cam go, gian khổ. Nguy hiểm cũng theo đó mà tăng dần. Sông Đà như một kẻ địch gian xảo, tinh thông mưu lược, thay đổi chiến thuật một cách linh hoạt khó lường. Nếu ở hai trận chiến đầu, sông Đà thử thách người lái đò bằng những thạch trận, thủy trận hung tàn, đầy rẫy cửa tử thì ở trận chiến cuối cùng thạch trận ít cửa tử hơn nhưng bên phải bên trái đều là luồng chết cả, cửa sinh lại nằm giữa lòng sông và bọn đá hậu vệ canh giữ.

    Vốn đã quá quen với cạm bẫy nơi sông nước, vị tướng giàu kinh nghiệm không hề bất ngờ trước mưu mô hiểm độc của bọn chúng, tiếp tục chỉ huy con thuyền vượt qua trùng vây thứ ba. Ông dùng kế đánh nhanh thắng nhanh, kết thúc cuộc chiến thứ ba bằng cách đưa thuyền vun vút vượt qua cửa ngoài, cửa trong, vừa xuyên nhanh vừa tự động lái. Thế là vượt qua tất cả trùng vi, chiến thắng thách thức của sông Đà một cách vẻ vang.

    Đọc đoạn trích "Người lái đò sông Đà", càng cảm phục trí dũng, tài năng thao lược của người lái đò bao nhiêu thì càng ngưỡng mộ trí tưởng tượng, vốn từ và khả năng tái hiện cũng như kiến thức về mặt quân sự của Nguyễn Tuân bấy nhiêu. Nhà văn đã sử dụng từ ngữ tượng hình, tượng thanh, nghệ thuật so sánh, câu văn ngắt ra nhiều để diễn tả các động tác trong cùng một khoảng thời gian của người lái đò đồng thời tạo dựng được đoạn văn mang đầy không khí trận mạc, sinh động.

    Sau cuộc vượt thác cam go, người lái đò trở về với cuộc sống đời thường, đơn giản và mộc mạc "đêm ấy nhà ông đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam..". Đó là cuộc sống bình dị, khiêm nhường nhưng rất đáng khâm phục. Người lái đò mưu sinh bằng cách chinh phục thiên nhiên và sống rất chan hòa với thiên nhiên núi rừng vùng Tây Bắc.

    Dưới ngòi bút tài hoa của tác giả, hình tượng người lái đò mạo hiểm, dũng cảm, thuần thục, giỏi giang trong nghề leo ghềnh, vượt thác hiện lên thật rõ ràng và sinh động. Trong cuộc chiến mưu sinh, hình tượng người lái đò được phác họa như một nghệ sĩ thực thụ, còn tài năng, sự khéo léo, mưu lược của ông trong những lần vượt sóng dữ, thác ghềnh chính là một nghệ thuật có một không hai, khó ai sánh kịp. Nguyễn Tuân luôn tâm niệm dù bất cứ nghề nào, con người bộc lộ tài năng, khéo léo, điêu luyện trong nghề nghiệp, người đó là nghệ sĩ. Thế nên, người lái đò trong đoạn trích "Người lái đò sông Đà" chính là nghệ sĩ. Ông là một người nghệ sĩ khác biệt và nổi bật hơn cả những nghệ sĩ bình thường. Tài năng của ông không tỏa sáng trên sân khấu hay ở chốn phim trường mà ở lòng dũng cảm, sự thành thạo, thuần thục trong nghệ thuật chinh phục thiên nhiên sông nước vùng Tây Bắc.

    Hết
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...