Phân tích hình tượng người lái đò cảnh vượt thác,nhận xét tình cảm của Nguyễn Tuân với người Tây Bắc

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Bát Bảo Muội Muội, 3 Tháng năm 2023.

  1. Bát Bảo Muội Muội .

    Bài viết:
    55
    Đề 1: Cảm nhận vẻ đẹp của người lái đò qua đoạn trích:

    "Không một phút nghỉ chân nghỉ tay.. thế là kết thúc."

    Từ đó nhận xét tình cảm của Nguyễn Tuân dành cho con người Tây Bắc.


    Bài làm:

    Đại văn hào người Nga Pau-tốp-ski từng khẳng định: "Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường tới xứ sở của cái đẹp." Mà cái đẹp ở đây có thể là vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của thiên nhiên và sức mạnh phi thường của con người. Nguyễn Tuân cũng là một nhà văn có niềm vui chân chính như thế, đặc biệt qua tùy bút "Người lái đò sông Đà", ông đã khắc họa "chất vàng" của thiên nhiên Tây Bắc và "thứ vàng mười đã qua thử lửa" của con người nơi đây. Đoạn trích đã cho: "..."

    Thể hiện vẻ đẹp tài hoa mưu trí của người lái đò qua vòng vây thứ hai và ba, qua đó thể hiện tình cảm của Nguyễn Tuân đối với con người Tây Bắc.

    Nguyễn Tuân là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông rất tài hoa uyên bác, cả cuộc đời cùng hơn năm nghìn trang viết của ông đã viết nên một huyền sử - huyền sử về một con người với lối chơi độc tấu. Nguyễn Tuân suốt đời đi tìm cái đẹp, ông không ưa những gì êm đềm bằng phẳng mà có cảm hứng từ sông sâu thác dữ và những con người có cá tính độc đáo. Nguyễn Đình Thi từng đặt bút nhận xét về Nguyễn Tuân rằng: "Nguyễn Tuân tự nhận mình là nhà văn sinh ra thờ NGHỆ THUẬT với hai chữ viết hoa." "Người lái đò sông Đà" là thành quả đẹp đẽ của chuyến đi thực tế lên Tây Bắc những năm 1958-1960 của tác giả, được in trong tập tuỳ bút "Sông Đà".

    Ông lái đò là nhân vật trung tâm của tùy bút, không được Nguyễn Tuân khắc họa bằng một cái tên cụ thể mà chỉ được gọi bằng những danh từ chung như: "Ông lái đò Lai Châu bạn tôi" hay "ông lái đò". Đây là dụng ý nghệ thuật nhằm tạo ra một chân dung vô danh, một đại biểu của nhân dân lao động. Hơn thế nữa, ông lái đò còn là một người tinh thông nghề nghiệp, yêu lao động. Ông có sở thích khác người và cảm thấy "chạy thuyền trên những khúc sông không có thác dại chân dại tay và buồn ngủ", tức là ông rất có ý thức về tài năng của mình. Tóm lại, hình tượng ông lái đò được Nguyễn Tuân xây dựng như một biểu tượng của người lao động Tây Bắc trong công cuộc đổi mới đất nước.

    Sang tới vòng vây thứ hai, cuộc chiến giữa sông Đà và ông lái đò ngày càng trở nên căng thẳng, quyết liệt. Con sông đã tăng thêm nhiều cửa tử, bố trí lệch cửa sinh như muốn lừa ông lái đò. Phối hợp với những cửa tử là "dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh" như một con mãnh thú khát máu. Bên cạnh đó còn "bốn, năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử", ta cảm tưởng như sông Đà đang vận hết sức lực để đưa ra những quân cờ hiểm độc nhất nhằm lấy mạng người lái đò. Ở khúc này, sông Đà hiện thân cho sức mạnh khó chế ngự của thiên nhiên. Nó như một vị thần chiến tranh mưu mô, một tên sát nhân xảo quyệt muốn reo rắc nỗi đau cho con người.

    Đối lập với sự hung dữ, bạo tàn của thiên nhiên là kinh nghiệm dày dặn, sự bình tĩnh, tự tin đầy bản lĩnh của ông lái đò: "Không một phút nghỉ chân nghỉ tay nghỉ mắt, đổi luôn chiến thuật, nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá." bởi với ông, sông Đà là một thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc nằm lòng. Sự dày dặn kinh nghiệm đã giúp ông hiện lên như một vị tướng tài ba. Nếu thác nước sông Đà hiện lên như một mãnh thú khát máu thì qua ngòi bút của Nguyễn Tuân, ông lái đò chính là người kỵ sĩ đang thuần hóa con ngựa hoang bất kham. Điều này được thể hiện qua chi tiết: "Ông cưỡi sông Đà như là cưỡi hổ, ông nắm bờm sóng, ghìm cương lái." Phép ẩn dụ trong câu văn trên hóa phép con thuyền thành con chiến mã đưa ông lái đò băng qua trận mạc. Còn đối với bọn thủy quân cửa ải, "ông nhớ hết mặt hết bọn này, đứa thì ông đè sấn, đứa thì ông chặt đôi để mở đường tiến." Có thể thấy, tuy ông lái đò không có sức mạnh phi thường như thần núi Sơn Tinh bốc từng quả đồi ngăn dòng nước lũ, cũng không có cánh tay diệu kỳ của Hercules trong thần thoại Hy Lạp. Nhưng với trí tuệ và tài năng của mình, đôi bàn tay của ông trở thành biểu tượng cho sức mạnh con người chinh phục thiên nhiên. Ông lái đò chính là vị anh hùng trong nghề nghiệp của mình.

    Ở cuộc giao tranh thứ ba, sông Đà đã đặt ông lái đò vào nguy hiểm với nhiều thử thách gay cấn. Dòng sông bố trí một trùng vây trông có vẻ dễ dàng với "ít cửa hơn" nhưng "trái phải đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba thì lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ." Sự hiểm ác của sông Đà còn được tác giả thể hiện qua hình ảnh ẩn dụ: "Cổng đá cánh mở cánh khép" diễn tả sự trùng điệp của mặt trận đá như đang chực chờ để đập tan con thuyền.

    Người lái đò vốn nhìn thấu âm mưu nham hiểm của sông Đà nên không một phút nghĩ ngợi, do dự, ông đã hoàn thành nhiệm vụ "cứ phóng thẳng thuyền chọc thủng cửa giữa đó". Ngòi bút bậc thầy của Nguyễn Tuân miêu tả hình ảnh con thuyền lao vút qua khe hẹp bằng những câu văn ngắn với nhịp điệu nhanh: "Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng". Đặc biệt hình ảnh so sánh con thuyền với "một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước vừa tự động lái được, lượn được" đã đặc tả tốc độ phi thường của con thuyền. Hai chữ "hơi nước" bao phủ lên khung cảnh một bầu khí quyển thần thoại hùng tráng khi người anh hùng xuất hiện trên sông nước Đà giang. Ông lái đò quả là một tay lái "ra hoa"; mà ' "hoa" có nghĩa là tài hoa. Cái đẹp, cái tài của ông được thể hiện qua sự thành thạo, điêu luyện, bao hàm cả sức mạnh trí tuệ lẫn thể lực kiên cường đạt tới mức phi phàm kì diệu.

    Về nội dung, qua tác phẩm "Người lái đò sông Đà" nói chung và đoạn trích nói riêng, Nguyễn Tuân đã dựng lên hình tượng người lao động Tây Bắc tài hoa trí dũng trong những trận chiến với sông Đà. Đó chính là vẻ đẹp của "thứ vàng mười đã qua thử lửa" - thứ vàng nguyên chất không pha tạp, tượng trưng cho phẩm chất kiên cường, gan dạ vượt mọi khó khăn ẩn giấu ở những con người nhỏ bé bình dị. Về nghệ thuật, tác giả thành công trong việc xây dựng tình huống truyện độc đáo làm nổi bật rõ phẩm chất nhân vật mà như nhà văn Nguyễn Minh Châu từng khẳng định: "Tình huống truyện như lát cắt của thân cây mà qua đó thấy được trăm năm đời thảo mộc.". Nguyễn Tuân đặt nhân vật vào trong hiểm cảnh, lựa chọn cuộc vượt thác gian lao để làm nổi bật "chất vàng mười" ở ông lái đò. Hơn thế nữa, Nguyễn Tuân thể hiện mình là bậc thầy ngôn từ khi vận dụng hàng loạt các động từ mạnh cùng câu văn với nhịp điệu linh hoạt, các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, nhân hóa khiến diễn đạt trở nên sinh động hơn. Đặc biệt, Nguyễn Tuân cũng vận dụng sự am hiểu về nhiều lĩnh vực như quân sự, võ thuật.. khiến đoạn trích xứng đáng trở thành một tấm đá hoa cương đủ làm vẻ vang một đời thi sĩ.

    Bàn về tình cảm của người nghệ sĩ thông qua văn chương, đại văn hào người Nga Lev Tolstoy từng khẳng định: "Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu." Quả thật vậy, tác phẩm "Người lái đò sông Đà" là kết quả từ sự rung cảm của Nguyễn Tuân đối với thiên nhiên và con người Tây Bắc, đặc biệt là với người dân lao động nơi đây. Tình cảm của Nguyễn Tuân đối với người dân Tây Bắc được thể hiện ở chỗ: Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, người dân miền Bắc đang khôi phục đời sống thường ngày, tác giả vẫn vươn ngòi bút của mình tới những mảnh đất xa xôi, đặt bút viết về những con người lao động nhỏ bé, mộc mạc bình dị, gần gũi ngày đêm cống hiến hăng say để dựng xây đất nước. Để từ đó, tình cảm ấy còn được thể hiện qua sự trân trọng, khẳng định vẻ đẹp khỏe khoắn, sức mạnh phi thường của con người lao động qua hình tượng ông lái đò. Qua đó, ta thấy được tình cảm của Nguyễn Tuân đối với mảnh đất Tây Bắc nói riêng và quê hương Tổ Quốc nói chung.

    Tóm lại, đoạn trích được cho đã thành công trong việc khắc họa vẻ đẹp của nhân vật ông lái đò trong trùng vi thạch trận thứ hai, ba đồng thời thể hiện tình cảm mà tác giả Nguyễn Tuân dành cho con người Tây Bắc. Thời gian có thể phá hủy vạn vật trên đời, cuốn trôi mọi thành quách lâu đài. Nhưng đại văn hào người Nga Ai-ma-tốp từng khẳng định: "Tác phẩm chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng". Và "Người lái đò sông Đà" cũng là tác phẩm chân chính như thế, sẽ sống mãi cùng tháng năm, trở thành mạch suối nguồn trong trẻo nuôi dưỡng bạn đọc về tình yêu quê hương đất nước con người.

    -Hết-
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...