Phân tích hình tượng hung bạo của sông Đà

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Yang Lee, 2 Tháng một 2022.

  1. Yang Lee

    Bài viết:
    6
    Phân tích vẻ đẹp hung bạo của con sông Đà trong tùy bút "Người lái đò sông Đà" - Nguyễn Tuân

    Nhắc đến Nguyễn Tuân là nhắc đến một nhà văn dành cả cuộc đời để sáng tạo ra những tác phẩm mang tính duy mỹ và hoàn thiện. Điều đó được thể hiện rõ nhất ở phong cách nghệ thuật độc đáo của ông. Nguyễn Tuân là một cây bút có sức viết dồi dào. Trước và sau Cách mạng, ông đều có những tác phẩm giá trị để lại dấu ấn sâu đậm, bởi nó mang được kết tinh từ sự tài hoa, uyên bác, cá tính của người sinh thành ra nó. Ông sáng tác rất nhiều thể loại nhưng thành công nhất là ở thể tùy bút và "Người lái đò sông Đà" là một thành công lớn trong sự nghiệp sáng tác của ông. Tùy bút đã khắc họa thành công vẻ đẹp của con sông Tây Bắc vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, trữ tình. Ngòi bút của ông đã tập trung tất cả tài năng, sự am hiểu để làm nổi bật lên hình tượng hung bạo của con sông ấy.

    Tuỳ bút "Người lái đò sông Đà" được in trong tập tuỳ bút "Sông Đà" (1960), gồm 15 bài tuỳ bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Tác phẩm được viết trong thời kì xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo. Qua "Người lái đò sông Đà", Nguyễn Tuân với lòng tự hào của mình đã khắc họa những nét thơ mộng, hùng vĩ nhưng khắc nghiệt của thiên nhiên đất nước qua hình ảnh con sông Đà hung bạo và trữ tình. Dòng sông Đà hiện lên trong trang văn Nguyễn Tuân trước hết mang dáng vẻ của sự hung bạo, dữ dội, nó dường như chính là kẻ thù số một của con người.

    "Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp", và ngay từ những trang văn đầu tiên, Nguyễn Tuân đã dẫn chúng ta đến với xứ sở mới với hình ảnh sông Đà hung bạo. Nguồn gốc hung bạo của sông Đà được Nguyễn Tuân công phu khảo cứu lịch sử, địa lý, văn hóa, từ đó đem đến cho người đọc tầm tri thức sâu rộng. Sông Đà bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc), đi qua một vùng núi ác, đến nửa đường, tại biên giới Việt Trung, xin nhập quốc tịch Việt Nam. Tính từ biên giới Việt Trung đến ngã ba Trung Hà, sông Đà dài 500km, lượn qua nhiều núi non hiểm trở, qua miền Tây Bắc, Việt Nam. Sông Đà xưa có tên Ly Tiên. Những chi tiết này cho thấy Nguyễn Tuân tựa như một người cha đẻ đang làm khai sinh cho đứa con tinh thần của mình. Có thể nói, ông đã khai sinh ra dòng sông Đà một lần nữa - một dòng sông độc đáo cho văn chương Việt Nam. Từ khi sinh ra, sông Đà "làm mình làm mẩy với người dân Tây Bắc", trở thành thứ "kẻ thù số một của con người" nơi đây.

    Sông Đà hiện lên là một con sông hung bạo, tính cách ấy trước hết được miêu tả ở những khối đá dựng vách thành, "đá chẹt lòng sông như một cái yết hầu" làm cho "mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời". Đứng bờ bên này nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia "." Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đang đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên các tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện ". Bằng nghệ thuật so sánh độc đáo, Nguyễn Tuân đã cho thấy sự nguy hiểm, bí ẩn của dòng sông. Một nơi lòng sông nhỏ hẹp, lưu tốc dòng chảy lớn với những vách đá cao vút, vững chãi giờ đây đang trở nên nguy hiểm vô cùng. Cứ thử tưởng tượng con thuyền nào mà kẹt vào cái khe ấy thì tiến không được, lùi cũng không xong, chỉ chờ sóng nước và đá đập cho tan xác mà thôi.

    Chưa dừng lại đó, nhà văn còn khiến người đọc bất ngờ hơn khi miêu tả tính cách hung bạo của con sông ở khía cạnh" nước – đá – sóng và gió ";" hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò nào tóm được qua quãng ấy ". Động từ" xô "được ngăn cách bởi nhiều dấu phẩy liên tiếp tạo nên sự trùng điệp, làm cho dòng sông đã hung bạo lại càng dữ tợn hơn. Thủ pháp nghệ thuật tăng tiến" nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió "như mô phỏng hình ảnh những con sóng dữ cuồn cuộn chồm lên nhau theo chiều ngang, vút lên cao theo chiều dọc rồi đổ ập xuống, cuồn cuộn ghê rợn trên mặt ghềnh.

    Dòng sông như một kẻ bất chấp tất cả để lấy đi tính mạng của những ai đi qua đây, bởi" quãng này nếu khinh suất không thận trọng tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra "không giống như dòng sông hiền hòa trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm:

    " Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

    Mà khi về đến đất nước mình thì bắt đầu lên câu hát

    Người đền hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

    Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi "

    [​IMG]

    Đền quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La, người đọc còn bị choáng ngợp trước sự hung bạo của những cái hút nước và thác đá. Những cái hút nước" giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu "xoáy tít tận đáy," nước thở và kêu như cửa cống bị sặc "có lúc lại nghe rùng rợn như tiếng" rót dầu sôi ". Con sông Đà lúc này không khác gì một con thủy quái gieo rắc những nguy hiểm cho những ai đi qua nơi đây. Cho nên" không một chiếc thuyền nào dám men gần ", bởi nếu thuyền bị hút là" trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau là tan xác ở khuỷu sông dưới ". Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng từng viết về những thác đá sông Đà:

    " Tôi đi với sông Đà

    Bao lần rồi vẫn lạ

    Tôi thuộc ngầm, thuộc đá

    Tôi thuộc lũ, thuộc dòng "

    Nếu chỉ dừng lại ở đó thì sông Đà sẽ không bộc lộ hết được tính cách hung bạo của mình. Tính cách của con thủy quái ấy còn khiến người đi qua đây sợ sệt bởi những thử thách ở trùng vi thạch trận. Bởi những đá mai phục hết trong lòng sông" mặt hòn nào trông cũng ngỗ ngược, nhăn nhúm ". Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn, để chúng phối hợp lại thành ba trùng vi nguy hiểm. Ở trùng vi thứ nhất, sông Đà bày ra năm cửa trận, có bốn cửa tử, một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở, thực chất chúng đóng vai trò dụ chiếc thuyền vào tuyến giữa. Ở trùng vi thứ nhất này sóng nước đóng vai trò chính để tiêu diệt chiếc thuyền. Vừa vào trận địa, chúng tấn công chiếc thuyền tới tấp:" Mặt nước hò la vang dậy quanh mình, ùa vào mà bẻ gãy cán chèo võ khí trên cánh tay mình. Sóng nước như thế quân liều mạng vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên. Nước bám lấy thuyền như đồ vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la bão nạt. Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò ". Ở trùng vây thứ hai: Dòng sông tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền, cửa sinh lúc này nằm lệch ở phía bờ hữu ngạn." Dòng thác hùm beo đang hồng hộc lao mạnh trên sông đá "như khiêu khích ngay giữa cửa vào, dựng đứng thành cửa ải" nhằm níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử ". Đến trùng vi thứ ba, có vẻ ít cửa hơn nhưng lại nguy hiểm hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Tại đây những boongke chìm và pháo đài đá nổi ở đầu chân thác phải đánh tan cái thuyền. Làm ta liên tưởng đến một trận đấu bóng quyết liệt. Chiếc thuyền như một cầu thủ phải phóng thẳng, chọc thủng cửa giữa, vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, và như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên được vừa tự động lái được lượn được, tiến về phía khung thành và cuối cùng đã hết thác. Trận bóng đã thắng lợi về phe người lái đò tài ba với" tay lái ra hoa ".

    Tính cách hung bạo của sông Đà cho thấy sự hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc, từ đó làm nổi bật hình ảnh con người lao động và tình yêu bao la mà Nguyễn Tuân dành cho con sông Tây Bắc. Đúng như nhà phê bình văn học Phan Huy Đông đã nhận xét:" Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân mang hơi thở ấm nóng của cuộc đời phức tạp, phong phú, đa dạng. Sự tự ý thức sâu sắc về tài năng của mình không phải là một biểu hiện tiêu cực, trái lại, nó tạo nên sự giải phóng năng lượng rất cần thiết để nhà văn có thể sáng tạo nên những tác phẩm kì vĩ.. "

    Bằng phong cách đậm chất tài hoa uyên bác, tác phẩm giàu chất thông tin, thời sự. Tác giả đã huy động vốn tri thức chuyên môn của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật khác nhau, lối so sánh liên tưởng độc đáo, ngôn ngữ giàu có, tinh tế hiện đại, giàu cảm xúc, đậm chất tạo hình, rất sắc sảo tác phẩm thể hiện được một số đặc trưng cơ bản của phong cách Nguyễn Tuân đó là cảm hứng đặc biệt với những hiện tượng đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ, tiếp cận con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ, sử dụng tùy bút pha bút ký rất phóng túng. Vẻ đẹp của con sông Đà cũng được nhắc đến trong nhiều trang thơ nhưng có lẽ hình ảnh sông Đà trong tùy bút của Nguyễn Tuân là độc đáo nhất. Một nhà thơ khi lên sông Đà đã viết:

    " Trên mặt Đà giang dưới bóng chiều

    Trông qua Non Nước cảnh đìu hiu

    Trời giăng hắc ám luồng mây kéo

    Chuông giục hoàng hôn tiếng sóng reo

    Theo nước vởn vơ tăm cá lội

    Gọi bầy inh ỏi giọng chim kêu

    Thuyền ai thơ thẩn dòng sông đó?

    Tìm bến cùng ta gấp mái chèo! "

    Qua hình tượng con sông Đà hung bạo, hùng vĩ ta thấy được phần nào nét tài hoa, uyên bác trong nghệ thuật sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông quả là bậc thầy về ngôn từ," chuyên viên cao cấp Tiếng Việt ". Tác phẩm đã thể hiện vẻ đẹp của con sông Tây Bắc với nét cá tính riêng không thể nhầm lẫn đi đâu được. Quả đúng như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã nhận xét về Nguyễn Tuân:" Đây là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật."
     
    AdminAquafina thích bài này.
    Last edited by a moderator: 4 Tháng chín 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...