Phân tích hình tượng hình tượng ông lái đò

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Alice101296, 2 Tháng ba 2023.

  1. Alice101296

    Bài viết:
    29
    Đề bài: Phân tích hình tượng ông lái đò

    Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác. Cả cuộc đời ông khát khao đi tìm cái đẹp để ngợi ca và tôn vinh nó. Nếu trước cách mạng ông đi tìm cái đẹp ở tầng lớp trên của một thời còn vang bóng, thì sau cách mạng ông đi tìm cái đẹp ở tầng lớp dưới ngay trong đời sống hiện thực. "Người lái đò sông Đà" in trong tập "Sông Đà" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân sau cách mạng. Đọc tác phẩm để lại ấn tượng nhất trong lòng người đọc là hình tượng ông lái đò.

    Ông đò sinh ra và lớn lên bên Sông Đà, ông làm nghề lái đò. Để làm nổi bật vẻ đẹp của ông lái đò, nhà văn đã đặt ông trong một hoàn cảnh hết sức điển hình, đó là một con Sông Đà đẹp, trữ tình nhưng cũng thật hung bạo, dữ tợn, luôn là mối đe dọa tới tính mạng con người. Trong thiên tùy bút này, hình ảnh ông đò hiện lên vừa như một người anh hùng, dũng trí trong cuộc đấu tranh với thiên để dành giật sự sống, vừa như một người nghệ sĩ tài ba trong nghệ thuật chèo đò vượt thác.

    Mỗi lần vượt sông, ông lái đò phải vượt qua ba tuyến phòng thủ đầy khó khăn nguy hiểm và vô cùng ngoạn mục của thạch trận Sông Đà. Trong lần vượt tuyến phòng thủ thứ nhất, nước phối hợp với đá dàn thành một thạch trận, reo hò, khiêu khích, thách thức ông lái đò. Sóng nước tấn công ông lái đò một cách dữ dội, có những lúc chúng "đội cả thuyền lên, nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra". Chúng dùng cả những miếng đòn độc hiểm nhất "bóp chặt lấy bộ hạ người lái đò". Tác giả đã giúp ta hình dung ra một cuộc chiến đấu không cân sức và vô cùng cam go, dữ dội giữa sóng, nước, đá và ông lái đò. Một bên là các thế lực thiên nhiên đông đảo đang phối hợp, cấu kết với nhau, dùng mọi thủ đoạn, mánh khóe để tiêu diệt ông lái. Một bên ông đò "đơn thương, độc mã". Trước tình hình ấy, ông lái đò không hề chùn bước, ông bắt tay ngay vào trận chiến: "Ông đò hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng". Mặc dù bị thương ông vẫn "Cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo xệch đi.. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy tỉnh táo của người cầm lái". Chỉ bằng vài ba câu chữ, Nguyễn Tuân đã tái hiện lại hình ảnh một ông lái đò vừa có cái gan góc, quả cảm của một người lính, vừa mang cái bình tĩnh, tỉnh táo, tự tin của một người chỉ huy tài ba. Chính điều đó đã mang đến chiến thắng cho ông đò trong trận chiến thứ nhất này.

    Thất bại ở trận chiến thứ nhất, sang phòng tuyến thứ hai, sóng nước Sông Đà thay đổi chiến thuật. Nếu như ở lần vượt tuyến thứ nhất, thạch trận mở ra 5 cửa trong đó có bốn cửa tử và một cửa sinh, thì lần hai, chúng tăng nhiều cửa tử, cửa sinh bố trí lệch để đánh lừa con thuyền. Trong khi đó lại có cả một đội quân thuỷ chiến chực sẵn để đánh lừa, níu thuyền vào tập đoàn cửa tử. Như vậy trong trận tuyến thứ hai này còn dữ dội, ác liệt hơn so với trận chiến thứ nhất. Trước tình hình đó, ông quyết không bỏ cuộc. Không một phút nghỉ tay, nghỉ mắt, ông phá luôn vòng vây thứ hai. Với kinh nghiệm, sự từng trải, ông nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, ông thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Từ đó ông đò hạ quyết tâm rất cao, phải "Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ". Ông đã: "Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy". Như vậy, bằng tất cả sự thông minh, tài trí, lòng quả cảm và kinh nghiệm của mình, ông lái đò đã bỏ lại sau lưng tất cả mọi cửa tử, đánh trúng vào cửa sinh, làm cho kẻ thù sông nước mặt xanh lè thất vọng vì thua cái thuyền. Để diễn tả lần vượt thác thứ hai này, tác giả dùng biện pháp nghệ thuật so sánh rất độc đáo "như cưỡi hổ", và đưa ra hàng loạt các động từ chỉ động tác, suy nghĩ "nắm chặt", "ghì cương", "phóng nhanh".. làm cho hình ảnh ông lái đò hiện lên như một dũng tướng hiên ngang, kiên cường, bất khuất và anh dũng trên chiến trường sông nước.

    Sang tuyến phòng thủ thứ ba, kẻ thù sông nước lại càng tăng cường lực lượng và chúng dùng ít cửa hơn. Bên phải, bên trái đều là cửa tử, cửa sinh nằm ở giữa nhưng lại có cả một đội quân đá hậu vệ chặn giữa: "Bên phải, bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở trạng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác". Như vậy, so với 2 lần trên, lần vượt thác thứ ba này nguy hiểm hơn rất nhiều. Lần này chúng đặt ông đò trong tình thế "Ngàn cân treo sợi tóc". Chỉ cần một chút khinh suất thôi là ông đò có thể đã bỏ mạng. Khác với hai lần trước, hình ảnh ông lái đò trong lần vượt tuyến thứ ba này được tác giả miêu tả một cách gián tiếp qua hình ảnh con thuyền: "Thuyền vút qua cửa đá cánh mở, cánh khép. Vút, vút cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước. Vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được". Đoạn văn với điệp động từ nhanh, mạnh "vút, vút" lối so sánh độc đáo: "Như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước", nhịp điệu câu văn nhanh, mạnh thể hiện tốc độ vượt thác nhanh, dứt khoát của một tay lái cừ khôi, điêu luyện. Trong lần vượt thác thứ ba này, ông lái đò hiện lên không chỉ là một con người dũng cảm, kiên cường, thông minh, mưu trí, mà còn như một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật chèo đò vượt thác.

    Sau những lần vượt thác, ông lái đò lại trở lại cuộc sống bình thường. Ông cùng mọi người vào hang đá: "Nướng ống cơm lam, bàn về cá Dầm xanh và cá Anh vũ", một đặc sản của miền núi rừng Tây Bắc. Dường như tất cả mọi mệt mỏi đã tan biến hết, ông không hề nhắc đến những chiến thắng mà mình vừa mới đạt được. Ông cũng không hề nghĩ đến những khó khăn đang chờ đợi phía trước. Bằng bút pháp lãng mạn, tác giả đã gợi lên hình ảnh một con người giản dị, mộc mạc, khiêm nhường với niềm lạc quan, yêu đời, tự tin mang bản chất của người dân lao động.

    Với cảm hứng sử thi, lãng mạn, với vốn hiểu biết phong phú trên mọi lĩnh vực: Quân sự, thể thao, điện ảnh, ngôn ngữ miêu tả đầy cá tính, giàu chất tạo hình. Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hình tượng ông lái đò, hình tượng tiêu biểu cho vẻ đẹp của người lao động miền núi cao Tây Bắc nói riêng, con người lao động nói chung. Hình tượng ông lái đò đã góp phần mang đến cho Tuỳ bút "Người lái đò Sông Đà" xứng đáng là thiên tùy bút hay nhất của đời văn Nguyễn Tuân, tác phẩm là sự kết tinh những đặc sắc phong cách nghệ thuật của nhà văn.
     
    LieuDuongTiên Nhi thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...