Phân tích hai khổ thơ đầu bài thơ Tràng giang - Huy Cận

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 16 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề bài: Phân tích hai khổ đầu bài thơ "Tràng giang" - Huy Cận

    Xem thêm: Phân tích hai khổ cuối bài thơ Tràng Giang

    Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới, một trong những cây đại thụ của nền thi ca Việt Nam hiện đại. Nhớ đến Huy Cận, ta nhớ đến nhà thơ của nỗi sầu vạn cổ, thi sĩ của niềm khắc khoải không gian. "Tràng giang" là bài thơ xuất sắc in trong tập "Lửa thiêng" – tập thơ đầu tay và rất "chín" của Huy Cận. Bài thơ được gợi tứ từ sông Hồng, quãng bến Chèm vào mùa nước nổi (mùa thu 1939). Khi đó Huy Cận đang là sinh viên trường Cao đẳng Canh nông. Đối diện với cảnh sông nước mênh mông, nhà thơ càng thấm thía nỗi cô đơn, u sầu, số kiếp phù du lạc loài của con người giữa vũ trụ vô thủy, vô chung. Người đọc có thể cảm nhận được những những cảm xúc vũ trụ đó qua hai khổ đầu của bài thơ:

    "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
    .....
    Sông dài trời rộng bến cô liêu"

    [​IMG]

    Bài thơ có nhan đề là "Tràng giang". Từ Hán Việt này đã gợi ra ý vị cổ kính trang trọng, gợi cho ta nhớ đến dòng sông li biệt trong thơ Lí Bạch xưa. Chẳng những thế, điệp vần "ang" còn góp phần gợi ra cảm giác mênh mông xa vắng của bãi bờ sông nước. Bởi vậy cho nên có người cho rằng với nhan đề này, Huy Cận đã tạo ra một cửa ngõ mở thông vào cõi vô biên. Nhan đề "Tràng giang" tuy ngắn gọn nhưng phần nào làm nổi bật được nội dung, tư tưởng... được gửi gắm trong bài thơ.

    Phụ họa với nhan đề, lời đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" cũng gói trọn cảm hứng chủ đạo của cả thi phẩm. Đó là cái tình bâng khuâng, thương nhớ của con người trước cảnh sông dài trời rộng. Lời đề từ vì thế trở thành xuất phát điểm, thành chìa khóa nghệ thuật để khám phá nội dung của cả bài thơ.

    Khổ thơ thứ nhất là cái nhìn cận cảnh hướng về dòng sông. Cây bút thơ của huy Cận trước hết hướng về những gợn sóng trên sông, về một chiếc thuyền lẻ loi, một cành củi khô lạc loài, rập rềnh giữa bốn bề sóng nước:


    Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
    Con thuyền xuôi mái nước song song
    Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
    Củi một cành khô lạc mấy dòng.


    Những con sóng trên sông không phải là những con sóng lớn ào ạt xô bờ mà chỉ là "sóng gợn", khác hẳn với: "Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm" trong thơ Đỗ Phủ hay "Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi" trong thơ Phan bội Châu. Chữ "gợn" trong câu thơ Huy Cận đã diễn tả một cách tinh tế những xao động mơ hồ trên mặt nước nhưng lại có khả năng khơi dậy trong tâm hồn nhà thơ những nỗi buồn miên man bất tận. Sóng cứ triền miên trên sông, buồn cứ theo sóng mà trải ra trùng điệp trong không gian. Con sóng và nỗi buồn khi được đặt trong cấu trúc tiểu đối càng góp phần bộc lộ cảm xúc u buồn của thi nhân. Nỗi buồn trong lòng người vốn vô hình, vô ảnh nhưng qua sự chuyển động của sóng mà trở thành hữu hình. Câu thơ của Huy Cận gợi ta nhớ đến câu ca dao xưa: "Sóng bao nhiêu gợn, dạ em sầu bấy nhiêu".

    Từ láy "điệp điệp" đầy sức gợi hình, gợi liên tưởng về những con sóng cứ loang ra, lan xa, gối lên nhau, miên man bất tận. Từ láy này còn góp phần cụ thể hóa nỗi buồn. Người đọc có cảm giác nỗi u buồn của Huy Cận cứ chồng chất lên nhau thành khối thành hình.

    Trên dòng sông gợn sóng "điệp điệp" ấy là "con thuyền xuôi mái", lững lờ trôi đi:


    Con thuyền xuôi mái nước song song


    Con thuyền trong văn chương thường gợi cho người đọc nghĩ đến những cuộc đời lênh đênh phù du của số kiếp con người. Con thuyền trong "Tràng giang" còn đặc biệt hơn nữa. Đó là con thuyền vô định, dường như không người chèo lái, không bến bờ, không phương hướng. Nỗi buồn do đó mà cứ nhân lên, tỉ lệ thuận với dòng chảy.

    Thuyền và nước vốn hài hòa gắn bó, nhưng trong câu thơ thứ ba, lại là "thuyền về nước lại". Trong câu thơ, đằng sau chữ "lại" có dấu phẩy. Điều đó cho phép ta nghĩ rằng, về bản chất chữ lại trong trường hợp này là động từ. Và vì thế, hai chữ "về" và "lại' diễn tả sự chuyển động trái chiều. Nó gợi ra sự rời rạc, không liên hệ của các sự vật trong không gian. Phải chăng nỗi buồn điệp điệp của Huy Cận cũng bắt nguồn từ đây?

    Nếu hình ảnh con thuyền ít nhiều có tính chất ước lệ, cổ điển thì hình ảnh:


    Củi một cành khô lạc mấy dòng

    lại là một thi liệu hoàn toàn mới lạ. Nói như Xuân Diệu là" chân thực đến mức sống sít, lần đầu tiên mới xuất hiện trong thơ ". Cành củi khô là hình ảnh của sự nhỏ nhoi, đơn độc, vô nghĩa. Nó điệp lại cảm giác lênh đênh, bấp bênh vốn được gợi ra từ hình ảnh con thuyền. Cành củi khô lưu lạc ấy cũng là một ẩn dụ cho kiếp người nhỏ bé bơ vơ trước cuộc đời mênh mông vô định.

    Sự chia li của con thuyền với dòng sông, trạng thái trôi dạt của cành củi nhỏ dường như đã tác động đến dòng sông và khiến nó trĩu nặng nỗi buồn "sầu trăm ngả ". Huy Cận đã nhân hóa con sông biến nó thành một cơ thể sống có linh hồn, có cảm xúc hệt như con người. Sự xuất hiện của cụm từ này khiến ta hình dung nỗi sầu như lan tỏa ra mọi chiều trong không gian, vô cùng, vô tận. Nỗi u sầu ấy càng thêm ám ảnh hơn khi khi nhà thơ cố ý đối lập từ số ít" một "với từ số nhiều" trăm ". Số ít thuộc về cành củi nhỏ, số nhiều thuộc về nỗi sầu. Sự đối lập này đã bộc lộ những cảm nhận thấm thía của nhà thơ về kiếp người nhỏ bé, hữu hạn trong khi nỗi sầu thương đau khổ của co người là mênh mông, vô tận.

    Khổ thơ thứ hai lại là một cái nhìn toàn cảnh nhằm bao quát không gian vũ trụ mênh mông. Ở đó ta thấy sự đối lập giữa cái hữu hạn và cài vô hạn, giữa cồn nhỏ bến vắng với cảnh sông dài, trời rộng:


    Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
    Đâu tiếng làng xe vãn chợ chiều
    Nắng xuống trời lên sâu chót vót
    Sông dài trời rộng bến cô liêu


    Khổ thơ là một bức vẽ thiên nhiên đẹp nhưng hiu hắt, đượm buồn. Hình ảnh trung tâm là dòng sông mênh mông với vài ba cồn cát lẻ loi. Gió thổi nhẹ làm lau lách bên sông xào xạc. Bến sông quạnh vắng, chìm trong nắng hoàng hôn bóng xế. Vẳng theo làn gió lúc chiều tà là âm thanh mơ hồ của tiếng chợ làng xa.

    Để gợi lên cái hồn của cảnh vật, nhà thơ đã xử lí vô cùng tinh tế mối quan hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa cái động và cái tĩnh. Cái mênh mông của không gian sông nước càng trở nên bát ngát hơn khi được đặt bên cồn cát, bến sông. Sự chuyển động của gió, âm thanh mơ hồ của phiên chợ chiều đã góp phần làm rõ nét hơn sự hoang vắng vô cùng của không gian. Thêm vào đó, từ láy" lơ thơ', "đìu hiu" đã làm đậm nét hơn vẻ thưa thớt, buồn vắng tiêu sơ của khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng chỉ có mênh mông không gian và mênh mông hồn người.

    Không gian thơ qua cái nhìn của Huy Cận dù mang vẻ đẹp hài hòa, vừa cổ điển, vừa hiện đại nhưng lại mang dáng vẻ tĩnh mịch, đượm buồn. Cấu trúc tiểu đối trong hai câu thơ;


    Nắng xuống trời lên sâu chót vót
    Sông dài trời rộng bến cô liêu


    đã thể hiện rõ nét điều đó.

    Chưa thấy ở đâu như trong hai câu thơ này, niềm khắc khoải không gian của Huy Cận lại ám ảnh đến thế. Đặt trong thế đối xứng, cặp động từ "xuống" – "lên", cặp tính từ "dài" – "rộng" đã nối dài, nới rộng các khoảng cách không gian tạo nên một vũ trụ theo hướng mở. Khoảng cách giữa đất trời càng thêm phần thăm thẳm, cô liêu, vô tận. Có lẽ đó là lí do để nhà thơ tạo nên một kết hợp từ độc đáo "sâu chót vót". "Sâu" và "chót vót" vốn là hai từ trái nghĩa, ít khi chúng được ghép lại với nhau để tạo thành một cụm từ, Nhưng khi mạnh dạn kết hợp hai từ này, Huy Cận không chỉ tạo nên một kết hợp từ vô cùng mới mẻ, hiện đại mà còn miêu tả được nhiều chiều không gian trong một số lượng ngôn từ hữu hạn. Qua đó, nhà thơ vừa thể hiện được khoảng cách giữa đất và trời, vừa bộc lộ chiều sâu thăm thẳm của một tâm hồn bơ vơ không niềm giao cảm.

    Cõi thiên nhiên ấy quả là mênh mông với "sâu chót vót", với "sông dài, trời rộng", còn những gì thuộc về con người thì lại bé nhỏ, cô đơn biết bao "bến cô liêu". Hình ảnh "bến cô liêu" với âm hưởng man mác của hai chữ "cô liêu" ấy, một lần nữa lại gợi ra một nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn về sự sống quá nhỏ nhoi, rất hữu hạn trong thiên nhiên, mà vụ trụ thì cứ mở ra mãi đến vô tận, vô cùng. Nỗi ám ảnh không gian của Huy Cận càng lúc càng nhân lên theo sự nối dài của câu chữ.

    "Thơ là tiếng nói của tình cảm và cảm xúc. Nếu không có cảm xúc thì người nghệ sĩ không thể sáng tạo nên những vần thơ hay ngôn từ cũng chỉ là xác chữ nằm thẳng đơ trên trang giấy". Chính cảm xúc buồn, bơ vơ, bế tắc và lạc lõng trước thực tại như một bi kịch ngấm ngầm đang diễn ra trong tâm hồn thi nhân đã mang đến những vần thơ vô cùng lay động. Xét cho cùng, những xúc cảm bi kịch ấy là những xúc cảm bắt nguồn sâu xa từ nỗi buồn sông núi, nỗi buồn của cả một thế hệ mất nước, chưa tìm được hướng đi cho cuộc đời:


    Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm..
    Nỗi nhớ thương không biết đã nguôi chưa?
    Hay lòng chàng cứ tủi nắng, sầu mưa
    Cùng đất nước mà lặng buồn sông núi?


    Và sâu thẳm đằng sau nỗi buồn ấy là tấm lòng yêu nước thiết tha, thầm kín của hồn thơ Huy Cận.

    Hai khổ thơ đầu nói riêng và bài thơ nói chung cuốn hút người đọc bởi giọng thơ trang trọng, cổ kính, cách thể hiện vừa phảng phất dư vị Đường thi cổ điển vừa mang đậm tinh thần thơ mới hiện đại. Mặt khác, cách sử dụng thể thơ thất ngôn cùng với sự kết hợp của các từ láy, biện pháp tu từ, thủ pháp nghệ thuật tương phản đã dựng lên bức tranh sông nước tràng giang đẹp, phảng phất nỗi buồn sầu của cái tôi cô đơn trước thiên nhiên vô cùng, vô tận. Bức tranh ấy còn thấm đượm tình người, tình đời, tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của hồn thơ Huy Cận.

    Đọc bài thơ:

    Tràng Giang - Huy Cận
     
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng hai 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...