Phân tích hai khổ đầu bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nalhna, 10 Tháng sáu 2022.

  1. Nalhna

    Bài viết:
    41
    Huy Cận được biết đến là một nhà thơ tiêu biểu của nên thơ hiện đại Việt Nam. Ông nổi tiếng trong phong trào Thơ mới, phong cách thơ của ông có sự thay đổi qua từng giai đoạn. Nếu trước Cách mạng tháng Tám, người đọc bắt gặp một hồn thơ u buồn, sầu não thì sau Cách mạng tháng Tám, hồn thơ của Huy Cận đã trở nên hào hứng, phấn khởi. Và tiêu biểu cho hồn thơ ấy chính là bài thơ Đoàn thuyền đánh cá. Bài thơ đã làm nổi bật lên sự giao hòa giữa thiên nhiên, đất trời với con người. Qua bài thơ, đặc biệt là hai khổ thơ đầu đã miêu tả hành động lẫy cảnh hoàng hôn và cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi.

    "Mặt trời xuống biển như hòn lửa

    Sóng đã cài then, đêm sập cửa

    Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

    Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

    Hát rằng: Cá bạc biển Đông lặng

    Cá thu biển Đông như đoàn thoi

    Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng

    Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!"

    Bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh đất nước đã giành được độc lập, người dân miền Bắc đã chấm dứt chiến tranh và đang ra sức xây dựng xã hội chủ nghĩa. Vào năm 1958, trong một chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh, Huy Cận Đã viết ra bài thơ sau khi chứng kiến không khí lao động hăng say, khẩn trương ở nơi đây.

    Bài thơ được mở đầu bằng cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi giữa thiên nhiên, vũ trụ kỳ vĩ, huyền ảo:

    "Mặt trời xuống biển như hòn lửa

    Sóng đã cài then, đêm sập cửa."

    Hai câu thơ ngắn với phép so sánh và nhân hóa tài tình, với trí tưởng tượng tuyệt vời đã vẽ nên một bức tranh hoàn mĩ, sống động về cảnh hoàng hôn trên biển. "Mặt trời" được so sánh với "hòn lửa" gợi lên cảnh sắc huy hoàng, rực lửa, tráng lệ cuối cùng của một ngày để chuyển qua đêm tối. Mặt trời cuối triều đỏ rực, sáng hồng lên như hòn lửa phả xuống mặt biển làm hồng rực cả một vùng biển, vùng trời. Ta có cảm tưởng như cả một vùng biển dát hồng hòa lẫn với màu trời chạng vạng, theo những con sóng bạc đầu tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp. Viết về hoàng hôn nhưng câu thơ của Huy Cận không hề gợi cảm giác tàn lụi mà lại chuyển động khỏe khoắn, rực rỡ, đầy sắc màu. Còn phép nhân hóa độc đáo đã vẽ ra trước mắt ta một khung cảnh thiên nhiên trác tuyệt, vũ trụ như một ngôi nhà lớn với màn đêm buông xuống, là tấm cửa khổng lồ với những lượn sóng hiền hòa gối đầu nhau chạy ngang trên biển như những chiếc then cài cửa nhốt ánh sáng bằng động tác sập cửa mau lẹ. Thiên nhiên hùng vĩ, mênh mang mà cũng gần gũi biết bao khi được ví với những thứ thân thuộc trong ngôi nhà của mỗi người.

    Và khi đất trời và biển cả đi vào trạng thái nghỉ ngơi thì cũng là lúc người dân chài bắt đầu hành trình của một ngày lao động mới:

    "Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

    Câu hát căng buồm cùng gió khơi"

    Nhịp thơ nhanh mạnh, diễn tả khí thế khỏe khoắn, phấn chấn của những người lao động mới. Tinh thần lao động hăng say nhiệt thành ấy khiến họ quên đi màn đêm đang bao trùm biển cả, khiến họ không sợ khổ, không ngại khó. Đoàn thuyền lại ra khơi tuần tự, nhịp nhàng như nhịp sống không bao giờ ngừng nghỉ. "Lại" chứng tỏ đoàn thuyền đánh cá không phải chỉ một lần ra khơi như vậy mà đây là công việc, là hoạt động hằng ngày, thường xuyên, trở thành nếp sống quen thuộc của những người ngư dân vùng biển. Nhưng quen thuộc mà không hề tẻ nhạt, nhàm chán, trái lại vẫn tràn đầy hứng khởi, say mê. Niềm say mê, hứng khởi được trào lên, kết tụ thành:

    "Câu hát căng buồm cùng gió khơi."

    Căng buồm ra khơi là có thật nhưng câu hát căng buồm lại là sản phẩm của trí tưởng tượng tuyệt vời, là hình ảnh ẩn dụ mang tính chất khoa trương. Tiếng hát khỏe khoắn tiếp sức cho gió, làm căng cánh buồm, đẩy thuyền phăng phăng rẽ sóng. Tiếng hát ấy là lòng say mê, Là tinh thần lao động nhiệt thành, là khí thế hồ hời của người lao động, ngân lên trong buổi xuất quân chinh phục biển cả. Tiếng hát đã nâng cao con người lên ngang tầm vũ trụ. Câu hát, cánh buồm, gió khơi tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên, trở thành động lực đưa con thuyền tiến ra biển cả hùng vĩ, mênh mông. Tiếng hát ra khơi cứ cao vút, vang xa trên sông nước, hy vọng vào một thành quả lao động tốt đẹp của những người dân chài.

    Công việc đánh cá trên biển vào ban đêm vốn là công việc nặng nhọc, đầy bất trắc, hiểm nguy nhưng những người ngư dân lên thuyền ra khơi vẫn luôn cất cao câu hát ca ngợi sự giàu có và hào phóng của biển cả:

    "Hát rằng cá bạc biển Đông lặng

    Cá thu biển Đông như đoàn thoi

    Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng

    Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi."

    Giữa con người với thiên nhiên dường như không còn khoảng cách, ẩn đằng sau lời mời gọi thiết tha ấy chính là ước mơ, là mong muốn sóng yên biển lặng, chuyến đi biển gặp nhiều may mắn, gặp đúng luồng cá để thu về nhiều mẻ. Lưới nặng tay. Câu hát ấy đã thực sự đánh thức biển khơi.

    Như vậy, hai khổ thơ đầu "Đoàn thuyền đánh cá" Đã khép lại với bao nét nghệ thuật đặc sắc. Chỉ vỏn vẹn tám câu thơ đầu, bằng bút pháp lãng mạn và trí tưởng tượng phong phú, kết hợp với các biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, tác giả đã làm hiện ra trước mắt người đọc một vùng biển khơi lộng lẫy, thơ mộng và những con người lao động đầy hứng khởi hằng say.

    Có thể nói, thi phẩm Đoàn thuyền đánh cá là một khúc trắng ca hào hùng của những con người lao động mới trong một cuộc sống mới. Thi phẩm đã tái hiện lại một bức tranh kỳ vĩ về thiên nhiên, đồng thời cũng là bức tranh lao động hùng tráng, đầy hăng say, lạc quan của những con người lao động mới. Bài thơ giản dị nhưng để lại trong lòng người đọc nhiều rung cảm sâu sa. Dù trải qua bao nhiêu năm tháng, bài thơ vẫn mãi là một bức tượng đài sáng giá trong nền văn học hiện đại Việt Nam.
     
    Admin thích bài này.
    Last edited by a moderator: 18 Tháng mười một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...