Phân tích hai khổ cuối bài thơ Tràng giang - Huy Cận

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 15 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Đề bài: Phân tích hai khổ cuối bài "Tràng giang" - Huy Cận

    Xem thêm: Phân tích hai khổ đầu bài thơ Tràng Giang

    [​IMG]
    Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới, một trong những cây đại thụ của nền thi ca Việt Nam hiện đại. Nhớ đến Huy Cận, ta nhớ đến nhà thơ của nỗi sầu vạn cổ, thi sĩ của niềm khắc khoải không gian. "Tràng giang" là bài thơ xuất sắc in trong tập "Lửa thiêng" – tập thơ đầu tay và rất "chín" của Huy Cận. Bài thơ được gợi tứ từ sông Hồng, quãng bến Chèm vào mùa nước nổi (mùa thu 1939). Khi đó Huy Cận đang là sinh viên trường Cao đẳng Canh nông. Đối diện với cảnh sông nước mênh mông, nhà thơ càng thấm thía nỗi cô đơn, u sầu, số kiếp phù du lạc loài của con người giữa vũ trụ vô thủy, vô chung. Người đọc có thể cảm nhận được những những cảm xúc vũ trụ đó qua hai khổ cuối của bài thơ:

    "Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng,
    .....
    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"


    Bài thơ có nhan đề là "Tràng giang". Từ Hán Việt này đã gợi ra ý vị cổ kính trang trọng, gợi cho ta nhớ đến dòng sông li biệt trong thơ Lí Bạch xưa. Chẳng những thế, điệp vần "ang" còn góp phần gợi ra cảm giác mênh mông xa vắng của bãi bờ sông nước. Bởi vậy cho nên có người cho rằng với nhan đề này, Huy Cận đã tạo ra một cửa ngõ mở thông vào cõi vô biên. Nhan đề "Tràng giang" tuy ngắn gọn nhưng phần nào làm nổi bật được nội dung, tư tưởng... được gửi gắm trong bài thơ.

    Phụ họa với nhan đề, lời đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" cũng gói trọn cảm hứng chủ đạo của cả thi phẩm. Đó là cái tình bâng khuâng, thương nhớ của con người trước cảnh sông dài trời rộng. Lời đề từ vì thế trở thành xuất phát điểm, thành chìa khóa nghệ thuật để khám phá nội dung của cả bài thơ.

    Nếu khổ thơ thứ nhất là cái nhìn cận cảnh hướng về những gợn sóng trên sông, về một chiếc thuyền lẻ loi, một cành củi khô lạc loài, rập rềnh giữa bốn bề sóng nước, khổ hai là một cái nhìn toàn cảnh nhằm bao quát không gian vũ trụ mênh mông... thì đến khổ thơ thứ ba, nhà thơ lại nhìn về dòng sông, nhìn cảnh xung quanh mong mỏi có chút gì quen thuộc mang lại hơi ấm cho tâm hồn đang chìm vào giá lạnh, vào cô đơn. Nhưng thiên nhiên đã đáp trả sự khao khát ấy bằng những hình ảnh quạnh quẽ, đìu hiu:

    "Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng,
    Mênh mông không một chuyến đò ngang.
    Không cầu gợi chút niềm thân mật,
    Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng".


    Thay cho hình ảnh con thuyền và cành củi nhỏ là những cánh bèo lênh đênh trôi dạt: "Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng". Dòng sông càng thêm hiu quạnh với sự xuất hiện của những cánh bèo trôi nổi theo con nước đầy vơi. Những cánh bèo ấy là sự tiếp nối của hình ảnh "con thuyền xuôi mái", "củi một cành khô" ở khổ thơ đầu. Cảm giác về sự phù du trôi nổi vô định của kiếp người giữa dòng đời đầy biến động cũng được gợi ra từ đây. Với cách ngắt nhịp 2/2/1/2, Huy Cận vừa gợi ra được sự dao động của sóng nước, vữa vẽ lên trạng thái bềnh bồng của những cánh bèo trôi dạt trên sông.

    Hai chữ "về đâu" càng tô đậm thêm ấn tượng về sự hoang mang mất phương hướng cùng với những dự cảm bất an về số phận con người trong một thế giới rời rạc, hờ hững, không liên hệ, không chia sẻ. Con người không biết đi đâu về đâu giữa cuộc đời trăm ngả. Nhà thơ không biết hỏi ai đành tự hỏi chính mình và cũng không sao tìm được lời giải đáp.

    Đối diện với cảnh trời nước bao la, Huy Cận hướng tới sự giao cảm với con người. Nhưng ở đây: Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật. Hai từ phủ định liên tiếp "không" trong câu thơ đã làm đậm nét hơn ấn tượng về sự trống trải cô đơn. Hình ảnh cây cầu, con đò vốn rất quen thuộc ở vùng sông nước. Bởi lẽ đó là những phương tiện giao lưu quan trọng để con người đôi bờ liên lạc, gặp gỡ, giao tiếp. Thế nhưng trong bài thơ "Tràng giang" lại không hề xuất hiện những hình ảnh này. Không một chuyến đò để đưa khách sang sông. Không một cây cầu gắn nối đôi bờ để con sông bớt mênh mông hiu quạnh. Chỉ tồn tại đôi bờ sông hoang vắng như bờ tiền sử là màu vàng của bãi tiếp nối màu xanh vô tận của bờ:

    "Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng"

    Từ láy "lặng lẽ" và trạng thái "bờ xanh tiếp bãi vàng" đã cộng hưởng lại vẽ lên một nét vẽ hoang vắng, tiêu sơ về cảnh đôi bờ tràng giang. Câu thơ gợi cho người đọc cảm nhận về dòng chảy của con sông qua hết bờ xanh lại đến bãi vàng, nhưng tuyệt đối âm thầm, vắng lặng. Khác hẳn với trạng thái của sông Hương khi chảy về thành phố Huế "sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những bãi biền xanh biếc..." trong trang văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

    Như vậy, qua khổ thơ thứ ba, ta nhận thấy thế giới trong "Tràng giang" vẫn cứ là thế giới rời rạc, hững hờ. Trong thế giới đó, người ta càng thấm thía tột cùng nỗi cô đơn. Cảm giác cô đơn u sầu thấm vào từng câu chữ, hình ảnh trong khổ thơ. Nó gợi nhắc đến "căn bệnh" cô đơn của con người ở thế kỉ XX. Căn bệnh ấy đã được văn học phương Tây khai thác ở nhiều góc độ:

    Mỗi người đứng cô đơn trên trái đất
    Tim xuyên qua một tia nắng mặt trời
    Và chia li
    Chiều đã tắt


    Bài thơ đã khép lại bằng cảnh hoàng hôn bao la vùng sông nước. Nỗi cô đơn u sầu của Huy Cận trải ra theo những con sóng đầy vơi, lênh đênh theo con thuyền, cành củi, những cánh bèo... và cuối cùng dồn tụ lại ở khổ thơ cuối:

    "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
    Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
    Lòng quê dợn dợn vời con nước,
    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"


    Bốn câu kết "Tràng giang" có cấu trúc hai phần khá rõ rệt. Hai câu trên vẽ ra cảnh trời rộng, hai câu dưới tái hiện cảnh sông dài. Cùng với cảnh sông dài, trời rộng là nỗi cô đơn, u sầu, là niềm hoài hương da diết của nhà thơ vào thời điểm hoàng hôn êm đềm buông xuống vùng sông nước.

    Bằng nét chấm phá tài hoa mang đậm dấu ấn của Đường thi, Huy Cận đã phác họa một khung trời hoàng hôn mênh mang:

    "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
    Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa


    Những đám mây trôi nổi trên bầu trời dồn tụ và ngưng kết lại thành những dãy núi trùng điệp. Ánh hoàng hôn dát bạc lên những dãy núi ấy khiến chúng ngời lên lấp lánh. Khung cảnh thiên nhiên thật kì vĩ, tráng lệ. Câu thơ của Huy Cận gợi nhớ đến một tứ thơ Đường:

    "Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm
    Mặt đất mây đùn cửa ải xa".


    Trên nền trời mênh mông, thi nhân đã điểm vào đó một cánh chim bé bỏng, đơn côi. Cánh chim chấp chới chở nặng bóng chiều rồi mất hút trong ánh tà dương lụi tắt. Có cảm giác cánh chim kia như cũng mang nỗi sầu vũ trụ của Huy Cận và như không chịu nổi sức nặng ấy nên cũng phải "nghiêng cánh".

    Trong những câu thơ viết về cảnh chiều vùng sông nước, mối tương quan giữa cái động và cái tĩnh, giữa cái hữu hạn và cái vô hạn đã được xử lí một cách tinh tế. Sự chuyển động của mây trời, của cánh chim đã góp phần gợi ra vẻ tĩnh lặng của buổi hoàng hôn. Trong khi đó, dáng vẻ lẻ loi, bé bỏng của cánh chim lại nhân lên cái vô tận, vô cùng của không gian vũ trụ.

    Lời thơ của Huy Cận như có sự cộng hưởng của những vần thơ cổ điển:

    Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

    (Bà huyện Thanh Quan)

    Bạch vân thiên tải không du du

    (Thôi Hiệu)

    Chính sự cộng hưởng này đã khiến cho những câu thơ của Huy Cận đạm đà dư vị cổ điển. Cũng từ những câu thơ này, độc giả có thể nhận ra niềm khắc khoải không gian của thi sĩ. Một mình đối diện với vũ trụ bao la, nhà thơ càng thấm thía cái vĩnh hằng của không gian, thời gian đồng thời cảm nhận sâu sắc hơn sự ngắn ngủi, hữu hạn của đời người.

    Nỗi cô đơn, u sầu trước cảnh trời rộng, sông dài của Huy Cận càng như nhân lên gấp bội khi nhà thơ dõi theo những con sóng đầy vơi trên dòng sông mênh mông:

    "Lòng quê dợn dợn vời con nước,
    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"


    Điểm nhìn của Huy Cận dịch chuyển từ cao xuống thấp: từ lưng trời với mây núi bao la trùng điệp, chim nghiêng cánh nhỏ đến mặt nước tràng giang dập dềnh sóng gợn. Từ láy gợi hình "dợn dợn" đã vẽ ra hình ảnh những con sóng nhấp nhô trên sông và cảm giác rợn ngợp của lòng người khi dõi theo những lớp sóng cứ gối đầu lên nhau, trải dài đến phương trời xa thẳm. Câu thơ ngắt nhịp 4/3 góp phần gợi tả trạng thái giao thoa của những con sóng trên sông. Trông vời theo những con sóng dập duềnh, triền miên, nỗi buồn nhớ quê hương trong tâm hồn Huy Cận đã dâng lên. Trong khoảnh khắc đó, có lẽ Huy Cận đã nhớ đến ý thơ bất hủ của Thôi Hiệu:

    Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
    Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

    Dịch:

    Quê hương khuất bóng hoàng hôn
    Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.


    (Trích: Lầu Hoàng Hạc)

    Để từ đó tạo nên một tứ thơ mới mẻ trên cơ sở sử dụng bút pháp nghệ thuật lấy cái không để nói cái có của thơ cổ.

    Với nhà thơ cổ điển, khói sóng trên sông đã trở thành nguyên cớ trực tiếp để gợi lên niềm hoài hương, sầu xứ. Còn Huy Cận lại "triệt tiêu" tối đa yếu tố ngoại cảnh là khói hoàng hôn để làm bật lên tâm trạng thương nhớ quê hương của mình. Như vậy, Huy Cận đã không lặp lại người xưa mà vẫn đưa được những bâng khuâng thương nhớ của người xưa vào trong thơ mình.

    "Lòng quê" đâu chỉ là nỗi nhớ mà còn là nỗi buồn. Nỗi buồn của cả một thế hệ trước cảnh nước mất nhà tan. Bởi thế "lòng quê" trước là nỗi nhớ quê nhà, sau là tình yêu đất nước thầm kín mà sâu sắc của nhà thơ.

    Hai khổ cuối của "Tràng giang" đã hội tụ những nét đặc sắc của toàn bộ thi phẩm. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa phong vị cổ điển với tinh thần hiện đại, giữa cảm xúc với suy tư thời cuộc. Tất cả được biểu đạt bằng hình thức thơ thất ngôn trang trọng, ngôn từ trong sáng, hàm súc, âm điệu buồn vắng mênh mông... Sự cộng hưởng của những nét đặc sắc nghệ thuật đó đã khiến cho nỗi buồn sầu, niềm hoài vọng quê hương của Huy Cận thêm da diết hơn.

    Đọc bài thơ:

    Tràng Giang - Huy Cận
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng ba 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...