Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 11 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" – Tô Hoài

    "Vợ chồng A Phủ" là một trong những thành công lớn nhất của nhà văn Tô Hoài viết về đề tài miền núi, truyện là một trong ba tác phẩm in trong tập "Truyện Tây Bắc" (1953). "Vợ chồng A Phủ" lên tiếng vì con người, ca ngợi, bảo vệ con người và là tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc .

    "Một nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy", T. Sekhop đã từng khẳng định như vậy. Nhà văn, bên cạnh việc phải phản ánh chân thực bức tranh cuộc sống và con người, còn cần phải đưa vào trong tác phẩm của mình, tình cảm, suy nghĩ và quan điểm của mình về cuộc đời, về con người. Đó là giá trị nhân đạo của tác phẩm.

    Nhân đạo chính lòng yêu thương con người, biểu hiện ở các khía cạnh cơ bản: Cảm thông với số phận đau khổ của những con người nhỏ bé, bất hạnh; tố cáo các thế lực gây ra đau khổ cho con người; phát hiện, khám phá và ngợi ca vẻ đẹp tiềm ẩn trong những con người bất hạnh...

    Ở mỗi tác phẩm khác nhau, những khía cạnh có sự biến đổi phong phú, linh hoạt. Chẳng hạn, cùng viết về người phụ nữ với cái nhìn trân trọng, yêu thương sâu sắc, Ngô Tất Tố khám phá ở Chị Dậu vẻ đẹp truyền thống, thuỷ chung, không tì vết, Kim Lân phát hiện ra nét nữ tính và khát vọng hạnh phúc bất diệt trong tâm hồn người vợ nhặt, còn Tô Hoài thì khơi tìm sức sống tiềm tàng, mãnh liệt nơi cô gái vùng cao - Mị...

    Nhân đạo là truyền thống tốt đẹp của con người và là giá trị cơ bản làm nên sức sống của một tác phẩm văn học. Sức sống của " Vợ chồng A Phủ" cũng phần nào được khẳng định nhờ phương diện nội dung sâu sắc này.

    Truyện viết về cuộc đời của Mị và A phủ ở vùng núi cao Tây Bắc trước và sau khi đến với Cách mạng và niềm cảm thông sâu sắc trước số phận khốn khổ, bất hạnh tủi nhục khi bị mất quyền sống của người dân lao động miền núi dưới ách thống trị của lũ chúa đất và bọn thực dân và qua đó ca ngợi tinh thần CM của họ.

    Thứ nhất, giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện ở lòng cảm thông, thương xót của tác giả đối với số phận bất hạnh của con người

    Đọc truyện ngắn ta thực sự xót xa xho Mị, một cô gái Mèo đẹp nết, đẹp người: cần cù,đảm đang, hiếu thảo, giàu lòng yêu đời... chỉ vì gia đình nghèo mà Mị phải đi làm con dâu gạt nợ ở nhà thống lí Pa tra. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt nơi đây đã biến một cô gái hồn nhiên, tràn đầy sức sống và giàu mơ ước trở thành một con người khắc khổ, sống lầm lũi như " con rùa nuôi trong xó cửa", thậm chí nhiều lúc Mị cảm thấy mình không bằng một con vật:" bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu , mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ ,biết đi làm mà thôi...con trâu con ngựa làm còn có lúc,đêm nó còn đc đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái trong cái nhà này thì vùi đầu vào làm việc cả ngày cả đêm"...

    ....Những ngày tết A sử đi chơi,Mị còn bị trói đứng trong buồng tối. Vậy mà khi vừa được chị dâu cởi trói Mị lại phải đi hái lá thuốc cho chồng , nhỡ mệt thiếp đi thì lại bị A sử lấy chân đạp vào đầu. Danh nghĩa là con dâu nhà quan nhưng thực chất Mị cũng chỉ là một nô lệ làm việc không công.Mị không chỉ bị bố con A sử bóc lột về sức lao động mà còn bị chúng hủy hoại cả cuộc sông tinh thần, ngăn cấm và dập tắt mọi suy nghĩ cũng như nguyện vọng dù là rất nhỏ của cô gái trẻ. Đã mấy tháng trời đêm nào Mị cũng khóc.Đã có lúc cô muốn tìm đến cái chết nhưng vì thương cha, lo cho người cha già yếu không lo nổi món nợ lớn nên cô không thể chết,đành quay lại cuộc đời nô lệ để trả nợ cho cha.

    Bị giam hãm đầy đọa trong cái địa ngục ấy, Mị đang chết dần với năm tháng,Mị gần như tê liệt sức sống. Mị không còn ý thức về không gian, thời gian và các mối quan hệ xã hội, không hiện tại và cũng ko có cả tương lai.Ở lâu trong cái khổ Mị đã quen với cái khổ rồi.Cuộc đời của Mị chỉ thu lại qua khung cửa sổ nhỏ bằng bàn tay "mờ mờ". " trăng trắng không biết là sương hay nắng".Mị hầu như mất hết cả ý thức về bản thân và những mong muốn đổi thay cho số phận, thậm chí Mị còn không có cả những ý nghĩ về cái chết nữa. Có thể nói, cuộc đời của Mị có ý nghĩa tiêu biểu điển hình cho số phận đẫm màu và nước mắt của những kiếp làm dâu trừ nợ ở Tây Bắc xưa.

    Ở Tây Bắc, không chỉ phụ nữ mà cả nam giới cũng là nạn nhân đau khổ của xã hội bất công, vô nhân đạo. Cuộc đời A Phủ đã góp phần hoàn tất bức tranh chân thực về nỗi thống khổ của người dân miền núi ngày xưa. A Phủ vốn là một thanh niên tràn đầy sức sống, khỏe mạnh, gan dạ, lao động giỏi có lòng nhiệt huyết với công việc vậy mà chỉ vì một lần đánh nhau với A Sử-con trai thống lí Pá tra, A Phủ trở thành kẻ đi ở đợ cho nhà thống lí, cột chặt mình vào kiếp sống trâu ngựa. Cũng như Mị, những ngày sống ở nhà thống lí A phủ chịu biết bao sự đầy đọa nhục hình cả về thể xác lẫn tinh thần. Một lần, do mải mê bẫy nhím, A Phủ đã để hổ vồ mất một con bò. Anh bị Pá tra trói vào cột để thế mạng cho con bò. Xem ra sinh mạng của một con người như anh không đáng giá bằng một con bò nhà thống lí.

    Những trang văn của Tô Hoài thực sự là những trang đời, tiềm ẩn sau đó là tầm lòng đồng cảm, sẻ chia của nhà văn đối với những kiếp người đau khổ đã bị cái ác, cái xấu hóa thành kiếp vật.

    Thứ hai, giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện ở chỗ nhà văn vạch trần những hành vi, việc làm bạo ngược, đầy bất công ngang trái của cha con thống lí.

    Nhà văn như chỉ rõ, thủ phạm đã gây ra những thảm kịch cho người dân Tây bác là bọn thống trị tàn bạo như cha con thống lí. Ỷ thế thực dân, bọn chúng mặc sức làm mưa làm gió ở Tây Bắc: cho vay lãi cắt cổ để bóc lột dân đen. Cha mẹ Mị chỉ vì món nợ ngày cưới mà cả đời làm lụng vất vả cũng không sao trả nổi. Cũng với thủ đoạn này, Pá tra đã bắt A Phủ làm nô lệ cho nhà hắn. Chưa hết, chúng còn lợi dụng tập tục mê tín của người dân nơi đây (cúng trình ma) để bắt người dân làm nô lệ, xiềng xích họ vào kiếp sống ngựa trâu. Chúng đối xử với người không khác gì con vật, tự cho mình quyền sinh, quyền sát, quyền đánh đập, hành hạ.... chúng biến một cô Mị trẻ trung, yêu đời thành một người đàn bà bị tước mất linh hồn, biến A Phủ khỏe mạnh, yêu tự do thành một nô lệ cam chịu nhẫn nhục...

    Không trực tiếp bày tỏ thái độ nhưng qua việc kể lại những hành động tội ác của chúng, qua câu nói của Mị: "Chúng nó thật độc ác", người đọc vẫn có thể nhận thấy tiếng nói tố cáo mạnh mẽ mà Tô Hoài hướng về bọn chúng.

    Thứ ba, cảm thông và chia sẻ, nhà văn còn phát hiện và trân trọng những phẩm chất cao đẹp của con người, nhất là tình yêu tự do và sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của người dân miền núi.

    Sống lâu trong cái khổ, ngỡ như Mị đã tê liệt ý thức làm người, nhưng không, bằng tiếng nói nhân đạo của mình, Tô Hoài vẫn khẳng định: cái khổ cái nhục mà Mị gánh chịu như lớp tro tàn phủ khuất che lấp sức sống tiềm tàng trong lòng Mị. Và chỉ cần có một luồng gió mạnh đủ sức thổi đi lớp tro buồn nguội lạnh ấy thì đốm lửa ấy sẽ bùng cháy và giúp Mị vượt qua cuộc sống đen tối của mình.

    Đêm tình mùa xuân chính là luồng gió mà Tô Hoài đem đến cho Mị và làm phục sinh tâm hồn cô. Trong đêm mùa xuân ấy, tâm trạng của Mị phát triển theo những cung bậc tình cảm khác nhau, cung bậc sau cao hơn cung bậc trước. Ban đầu, Mị nghe tiếng sáo Mèo quen thuộc, Mị nhẩm thầm bài hát người đang thổi rồi Mị uống rượu và nhớ lại kỷ niệm đẹp thời xa xưa... Mị ý thức được về bản thân và về cuộc đời rồi Mị muốn đi chơi. Nhưng sợi dây thô bạo của A Sử đã trói đứng Mị vào cột. Thế nhưng sợi dây ấy chỉ có thể "trói" được thân xác Mị chứ không thể "trói" được tâm hồn của một cô gái đang hòa nhập với mùa xuân, với cuộc đời. Đêm ấy thật là một đêm có ý nghĩa với Mị. Đó là đêm cô thực sự sống cho riêng mình sau hàng ngàn đêm cô sống vật vờ như một cái xác không hồn. Đó là một đêm cô vượt lên uy quyền và bạo lực đế sống theo tiếng gọi trái tim mình. Nhà văn đã miêu tả tỉ mỉ diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân với những cung bậc, biến thái tinh vi nhất , với tấm lòng yêu thương trân trọng nhất.

    Chẳng những thế, khắc họa nhân vật Mị xinh đẹp, hồn nhiên yêu đời, tràn đầy sức sống cũng như nhân vật A Phủ mạnh mẽ phóng khoáng, giàu lòng nghĩa hiệp cũng là một cách nhà văn thể hiện tấm lòng nhân đạo của mình ở phương diện trân trọng, ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của con người.

    Thứ tư, không chấp nhận để nhân vật của mình rơi vào ngõ cụt, Tô Hoài đã giải phóng cho họ khỏi sự chà đạp, mở ra cho họ một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

    Sau lần đầu tiên sức sống trỗi dậy và bị vùi dập phũ phàng, Mị trở lại với trạng thái tê liệt tinh thần, còn A Phủ, vì phải thế mạng cho con bò, cũng đang bị trói chờ chết ngoài sân lạnh. Tưởng chừng cái đêm đen lạnh lẽo ấy sẽ khép lại cuộc đời hai nhân vật chính như cái đêm đen trong "Tắt đèn". Nhưng không, nhà văn đã mở ra một hướng đi, một con đường mới cho nhân vật của mình, trao cho nhân vật mà mình trân trọng yêu thương một hành động ý nghĩa: cắt dây cởi trói cho một người cùng cảnh ngộ và bỏ trốn, giải thoát cho chính mình.

    Lại một lần nữa, nhà văn đi sâu vào thế giới tâm hồn nhân vật, ghi lại dòng cảm xúc mãnh liệt của Mị từ thương người, đến thương mình rồi lại thương người... cuối cùng đi đến hành động táo bạo, mạnh mẽ: cắt dây cứu A Phủ. Đây là hành động tự phát nhưng nó là kết quả phát triển tất yếu của cả một quá trình sức sống không ngừng trỗi dậy trong con người Mị. Chính những phẩm chất tâm hồn tốt đẹp đã giúp cho Mị và A phủ có đủ sức sống và nghị lực để phản kháng, chạy trốn khỏi Hồng Ngài, đi tìm tự do cho chính mình. Mị và A phủ đã chạy đến Phiềng Sa và giác ngộ cách mạng. Từ trong tăm tối, đau thương Đảng đã dẫn đường chỉ lối cho họ, giúp họ tìm ra con đường mới: con đường Cách mạng.

    Tóm lại " Vợ chồng A phủ" mang ý nghĩa tư tưởng nhân văn cao cả.Nó được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau của con người, sự nâng niu nét đẹp tâm hồn mà hơn cả là sự giải phóng cho con người thoát khỏi nỗi đau số phận, mở ra cho họ con đường đến với cách mạng, với cuộc sống tốt đẹp.

    [​IMG]

     
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng mười một 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...