Phân Tích Giá Trị Hiện Thực Và Giá Trị Nhân Đạo Trong Sống Chết Mặc Bay - Phạm Duy Tốn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 4 Tháng tám 2021.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Viết đoạn văn ngắn phân tích, chứng minh giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn

    [​IMG]

    Truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn trở thành một trong những truyện ngắn hiện đại xuất sắc nhất giai đoạn đầu thế kỉ XX cũng bởi giá trị hiện thực và nhân đạo của nó. Đầu tiên, xét về bức tranh hiện thực, Phạm Duy Tốn đã khắc họa trước mắt bạn đọc khung cảnh nhân dân chống bão lụt rất cơ cực, khổ sở, lầm than và đối lập với đó là cảnh viên quan phụ mẫu cũng đi hộ đê nhưng vô trách nhiệm, táng tận lương tâm, ngồi hưởng lạc với bọn nha lại dưới quyền. Mở đầu truyện, tên phủ, tên làng được ẩn đi với dụng ý nghệ thuật đại diện, khái quát hiện thực có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi. Tiếp theo, tác giả tái hiện rất cụ thể, cảm động cuộc vật lộn không cân sức giữa những người dân vô tội, nhỏ bé, đáng thương với thiên tai bão lũ dữ dội, điên cuồng. Sức người đã dần cạn kiệt, mà sức đê cũng yếu ớt, mỏng manh, "hai ba đoạn đã thẩm lậu". Mọi người trong tình trạng lo lắng, căng thẳng đến tột độ. "Hàng trăm nghìn con người" kẹp ở giữa "mưa trên trời tầm tã trút xuống", "nước dưới sông cuồn cuộn bốc lên", tai họa bủa vây ngập đầu, lũ ập chết thân tứ phía. Nhưng họ vẫn cố gắng cố công hộ đê, giành giật từng chút sự sống trong cơn nước lũ. Họ "bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân", dơ bẩn, nhớp nháp. Họ ướt "lướt thướt như chuột lột", nhầy nhụa đến thảm thương ám ảnh. Nhưng đó là hình ảnh thật, là tình cảnh thật của những người dân Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Tất cả đều đang cận kề cái chết, biết trước kiếp nạn khủng khiếp nhường nào. Người dân đi hộ đê đêm ấy, hay đêm của mười năm trước, mười năm sau, đều tuyệt vọng, sợ hãi, mệt mỏi và đến bước đường cùng. Nhưng họ vẫn cố, vì biết đâu, hàng trăm cái biết đâu, những niềm hy vọng lớn lao khó thực hiện của hàng trăm nghìn con người nhỏ bé vô lực, liệu đổi được một cảnh bình yên? Vậy quan lại – những người cha người mẹ, những bậc thánh thần, những vì phúc tinh ấy – hiện đang ở đâu? Càng chân thực, càng sinh động, ghê tởm hơn, bộ mặt thật của quan được vạch trần ở đoạn sau của truyện. Hay cho chức danh "quan phụ mẫu" nuôi dạy, chăm lo, bảo vệ dân. Hắn sao đảm đương trách nhiệm này, hắn còn bận đánh tổ tôm, bận ăn yến hấp đường phèn, bận hút điếu đóm.. Hắn bận hàng loạt những việc nhỏ mọn, rẻ mạt, tầm thường đến táng tận lương tâm. Hắn lộ ra bản chất máu lạnh, lòng lang dạ thú sau những lời thây kệ đám dân đang dầu sôi lửa bỏng, chân lấm tay bùn. Hắn say sưa hưởng lạc, khoa trương vẻ giàu có mà thờ ơ, vô trách nhiệm trước nhiệm vụ hộ đê. Hắn không mảy may, quan tâm, thương xót đồng bào huyết mạch sống không chỗ ở, chết không chỗ chôn. Trong khi lũ quan xun xoe, nịnh bợ cũng có phần "nôn nao, sợ hãi", âu lo thay; thì quan phụ mẫu hắn vẫn điềm nhiên, không mảy may xúc động, chỉ chực chờ ván bài ù. Hắn thất trách đến thất đức, dã man đến cùng cực. Nhưng không phải mỗi mình hắn, mà cả hệ thống quan lại của nước ta những năm đầu thế kỉ XX cũng sâu dân mọt nước, bất tài vô dụng, táng tận lương tâm. Truyện ngắn cho ta thấy rõ một xã hội bất công, thối nát, đáng lên án. Chắc hẳn bạn đọc nào cũng cảm thấy xót xa, thương cảm cho những mảnh đời bất hạnh bèo bọt, những "con sâu cái kiến" thấp cổ bé họng ngày xưa. Bên cạnh đó, truyện ngắn cũng để lại những suy tư, trăn trở, căm phẫn trước những tên quan phụ mẫu quan liêu, ích kỉ, đê hèn, vô trách nhiệm. Vì sao, điều gì đã gây nên những nghịch cảnh trớ trêu, éo le ấy? Phạm Duy Tốn đã gửi gắm một ước mơ đổi thay xã hội, cuộc sống, mong bình yên cho dân, trừng trị thích đáng và loại bỏ những viên quan chuyên bóc lột, đục khoét dân thường, mong cho đất nước văn minh tốt đẹp hơn. Ấy cũng là tính thời sự, tư tưởng chiến đấu của truyện ngắn Phạm Duy Tốn, đồng thời là giá trị nhân đạo của toàn bài Sống chết mặc bay. Hiện thực cay đắng, căm phẫn và thái độ xót thương đồng bào, tố cáo quan quân đã mang lại thành công cho tác phẩm. Thời xưa loạn lạc quan tham thiên tai đói khổ hoành hành, có lúc nào thôi lo lắng cái cảnh đau thương mất mát lại sắp sửa xảy ra?

    [​IMG]
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...