Anton Chekhov đã từng nói: "Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy", câu nói ấy làm ta bỗng nhớ đến một nhà thơ lớn của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, một bậc thầy về ngôn ngữ và hơn cả là một người có quan điểm tư tưởng nhân đạo tiến bộ nhất trong xã hỗi phong kiến xưa, con người vĩ đại ấy không ai khác ngoài đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Nguyễn Du là con người sinh ra để yêu thương. Ông yêu thương và đồng cảm đến mức tha thiết với những tâm hồn, những số phận người gặp bất hạnh, ngang trái, những người tài hoa bạc mệnh. Và "Đọc TiểuThanh kí" là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất cho tấm lòng thương người tiếc tài của đại thi hào Nguyễn Du với những cung bậc xúc cảm không ngừng rung lên bần bật khi chiêm nghiệm về sự kiêu bạc của trò đời với số phận của một kiếp đa đoan. Nguyễn Du (1766 – 1820) là một đại thi hào dân tộc, ông là nhà thơ hiện thực và nhân đạo lớn nhất trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp sáng tác văn học đồ sộ ghi dấu ấn trong lòng người đọc. Trong đó bài "Độc tiểu thanh kí" (trích Thanh Hiên Thi Tập) là bài thơ để lại nhiều cảm xúc cho người đọc nhất, bởi tâm trạng xót thương của tác giả về cuộc đời bất hạnh của Tiểu Thanh, đồng thời cũng là tâm sự u uất của nhà thơ về cuộc đời, xã hội lúc bấy giờ. Bài thơ được sáng tác vào một lần Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc được lấy cảm hứng từ câu chuyện về cuộc đời bất hạnh của nàng Tiểu Thanh sống vào thời Minh (từ thế kỉ XIV đến thế kỉ XVII). Nàng họ Phùng, vốn là người tài sắc vẹn toàn. Năm 16 tuổi, nàng được gả làm lẽ cho một người tên Phùng. Vợ cả ghen tuông, bắt nàng ở riêng trên Cô Sơn, cạnh Tây Hồ. Quá buồn khổ, nàng sinh bệnh rồi qua đời ở tuổi 18 tuổi. Vợ cả thậm chí còn đốt hết những sáng tác của nàng, may mắn còn sót lại 9 bài tuyệt cú, một bài cổ thi và một bài từ. Người đời sau cho khắc in thành tập, đặt tên là "Phần dư". Thơ chữ Hán của Nguyễn Du không còn bản gốc nên rất khó biết được xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác của bài thơ này. Tuy nhiên với nhan đề "Độc Tiểu Thanh kí" thì dù làm vào khi nào, ở đâu, bài thơ vẫn không vì thế mà thay đổi ý nghĩa. Mở đầu bài thơ, Nguyễn Du đã vẽ ra một cảnh tượng hoang vu đến tàn tạ: "Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang, Thổn thức bên song mảnh giấy tàn." Nguyễn Du đã chèo con thuyền xuôi dòng chảy của thì quá vãng, vượt qua những dòng kí ức đã hoen ố màu thời gian, ông như trực tiếp đứng bên cạnh cảnh mà vẽ tình. "Cảnh đẹp" và "gò hoang" là hai khái niệm chuyển hóa đối lập giữa quá khứ và hiện tại. Nguyễn Du mượn sự thay đổi của cảnh sắc để nói lên được sự thay đổi của cuộc sống. Cảnh đẹp Tây Hồ xưa kia đẹp đẽ và thơ mộng bao nhiêu thì giờ đây lại chẳng còn lại gì, chỉ còn là một bãi hoang phế, đổ nát. Dường như phải có một con mắt tinh tế lắm mới có thể nhận ra đống đổ nát nơi gò hoang xưa đã từng là một địa danh rất đẹp. Thời gian tàn phá lên mọi cảnh vật, phủ mờ đi tất cả. Đang trong dòng hoài niệm bỗng tác giả sực tỉnh và trở về thực tại, với nghịch cảnh trớ trêu, nghịch cảnh giữa quá khứ và hiện tại, giữa vẻ đẹp huy hoàng và sự hoang vu cô quạnh. Bao trùm lên cảnh vật là một màu sắc tang thương, đau buồn. Trên gò hoang ấy chôn vùi nắm xương tàn của nàng Tiểu Thanh xấu số. Nói đến cảnh đẹp Tây Hồ, chắc hẳn tác giả còn ngụ ý nói về con người đã từng sống ở đây, tức Tiểu Thanh. Cuộc đời của người con gái tài sắc này cũng chẳng còn lại gì ngoài những giai thoại về nàng. Cảnh ấy khiến tình này nhân lên gấp bội. Trái tim của nhà thơ thổn thức trước những gì gợi lại một kiếp người bất hạnh: "Thổn thức bên song mảnh giấy tàn." Khi tới nơi đây, héo tàn, trơ trụi đã đành nay còn thêm cả ảm đạm, đìu hiu không một bóng người, dù vậy Nguyễn Du vẫn trang trọng kính viếng bởi chăng trong họ là một sợi dây đồng cảm đang kết nối với nhau. "Thổn thức" - là biểu hiện của trạng thái thương xót đồng cảm. Phải chăng đó là nỗi buồn tủi cho thân phận, nỗi xót xa cho duyên kiếp dở dang và thống thiết hơn cả là nỗi đau nhân tình không người chia sẻ. Nhà thơ khóc thương Tiểu Thanh tài hoa bạc mệnh, đồng thời cũng là khóc thương chính mình – kẻ cùng hội cùng thuyền trong giới phong vận. Đó là tiếng nói đồng điệu của những con người đa tài nhưng số phận chẳng được trọn vẹn như cái tài ấy. Thấm thoát cũng đã hơn ba trăm năm, những gì về người con gái ấy chỉ còn là một tập thơ với những "mảnh giấy tàn" mà Nguyễn Du đọc bên cửa sổ, dù có ít ỏi đi chăng nữa cũng đủ cho hậu thế xót xa mà nhỏ lệ, nhỏ lệ trước cách mà trò đời đối xử với nàng, cách mà nó làm nàng nhỏ bé, tàn tạ rồi ra đi mãi mãi đến đau lòng.. Thương cuộc đời bể dâu cũng là thương người, thương người bạc mệnh cũng là thương mình. Xót xa và thương cảm. Đó là sự cảm thông của khách tài tử với giai nhân bạc mệnh, của người đang sống đối với người đã khuất. Sau hơn ba trăm năm nàng Tiểu Thanh mất mà "mảnh giấy tàn" của nàng vẫn còn làm cho Nguyễn Du thổn thức, rơi lệ! Người con gái với số phận nghiệt ngã là thế nhưng với ngòi bút nhân đạo của mình, ông đã khai phá được những vẻ đẹp tài năng và tâm hồn ẩn sâu bên trong con người nàng. Đời Tiểu Thanh là điển hình của hai nỗi oan lớn: Hồng nhan bạc phận, tài mệnh tương đố. Ngọn đuốc tâm hồn được thắp lên ở hai câu thơ đầu cũng chính là tiền đề để Nguyễn Du giãi bày những tâm sự của mình với người và phảng phất đâu đó còn là tâm sự của mình với chính mình: "Son phấn có thần chôn vẫn hận, Văn chương không mệnh đốt còn vương." Cảm xúc được đại thi hào giãi bày không phải là thứ nước ào ạt, có thể chạm và cảm nhận dễ dàng mà nó là một giọt nước mát lành nhưng chua chát vạn phần, khẽ khàng luồng qua những ngữ, nghĩa mà thả vào lòng bạn đọc. Phải chăng trong những vần điệu của hai câu thơ này đã toát lên sự chua xót, cay đắng đến tột cùng mỗi khi tiên sinh khi nghĩ đến người gái bạc mệnh ấy. Cuộc đời nàng còn chưa đủ cay đắng sao mà những con người độc ác kia đến khi nàng chết vẫn nhẫn tâm chà đạp những thứ thuộc về nàng. Phải chăng khi nàng sinh ra thì cuộc đời đã định sẵn gắn liền với hai chữ "bạc mệnh". Kể cả son phấn lẫn văn chương cũng vì nàng mà chịu liên lụy. Tác giả không bộc trực gọi tên người con gái đáng thương ấy mà tài tình mượn cái thần của "son phấn" và "văn chương" để diễn tả những nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần mà Tiểu Thanh lúc còn sống phải lặng lẽ chịu đựng. Người ngụ ý là muốn mượn vật để nói người, dẫu rằng "son phấn" và "văn chương" là những vật vô tri vô giác nhưng được nhân hóa rất có hồn mang theo cái tâm của người làm thơ khi được gắn với hai chữ "thần", "mệnh" Theo quan niệm của người xưa. "Son phấn" là vật trang điểm của "nữ nhi" điểm sắc thêm cho thần thái đoan trang, thanh khiết, làm người con gái ấy bội phần xinh đẹp. Cảm tưởng rằng Tố Như phải tài lắm, khéo lắm mới dùng chính tâm hồn hồng điệu của mình để cảm nhận thần thái của người con gái ấy vẫn còn vương vấn. Song "Văn chương" là những kết tinh rất nghệ thuật của tâm hồn, tri thức, hòa quyện với sự khéo léo, tài hoa của những con người mệnh danh hiền tài. Văn chương gắn liền với cuộc đời của Tiêu Thanh, là vật tâm gia tri kỉ trút mọi nỗi lòng. Cái chết của Tiểu Thanh đã mang đi sự nghiệp văn chương hoa nhã kia. Những kết tinh tuyệt mỹ đáng lí phải được lưu lại ngàn đời nhưng đáng tiếc phải dừng lại vì người con gái ấy vĩnh hằng bị vùi chôn. Chính nhan sắc, thần thái kia đã làm cho văn chương bị liên lụy. Thế nhưng trời cũng chiều người, những áng văn hóa của nàng mặc dù bị đốt nhưng vẫn còn vương lại. Văn chương đâu có mệnh, đầu có linh hồn nhưng ở đây lại có. Linh hồn của nàng đã hòa quyện vào chính những vần thơ còn vương lại cuối cùng. Tổ Như cũng vì thế mà không khỏi xót xa, đau lòng, thương cảm về những nỗi bất hạnh của Tiểu Thanh. Thiên hạ vô tình, tạo hóa vô tình, một lần nữa hiện ra quy luật: Sự chà đạp không thương tiếc đối với tài hoa. Nhưng lạ thay dù có vị giày xéo, bị chà đạp, thậm chí bức tử, sự oan ức của cái đẹp, của tài hoa không dễ bị hủy diệt. Tiếng thơ của người đàn bà nhan sắc tài hoa một thời làm sao mà mất được dù một triều đại vàng son nào đó không còn. Cái thần của son phấn, mệnh của văn chương kì diệu và khác thường phải chăng là ở đây? Và cũng chính vì thế mà "tài mệnh tương đố". Những số phận ấy không tránh khỏi được sự ghen ghét của tạo hóa đã mắc vào một thứ "phong vận kì oan"! Điều này càng minh chứng cho sự trường tồn bất tử vẻ đẹp cao quý ở đời. Vẻ đẹp ấy có sức sống kì diệu ngay cả khi bị chôn vùi dưới đất xâu thì nó vẫn làm người đời nhớ đến mà tiếc thương và đây cũng là lần đầu tiên trong nền văn học trung đại Việt Nam, dưới sự kìm hãm của xã hội phong kiến có một nhà thơ dám miêu tả vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ, ngay cả khi Nguyễn Dữ miêu tả Vũ Nương cũng chỉ khiêm tốn họa nên vẻ đẹp tâm hồn của nàng. Dường như đó là tiếng nói bất bình của Nguyễn Du bởi lẽ vẻ đẹp của người phụ nữ bị xã hội rẻ rúng, coi thường và đây cũng là một bước đi mới trong nền văn học trung đại đương thời. Nghĩ về tài sắc giai nhân và cái đẹp trong cõi nhân gian, Nguyễn Du xót xa suy ngẫm về lẽ đời và tình người trong mọi điều oan trái: "Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi, Cái án phong lưu khách tự mang." "Nỗi hờn kim cổ" là mối hờn từ lâu, nỗi hận từ xưa đến nay, khó mà có thể hỏi trời được. Ở bốn câu đầu, Nguyễn Du chủ yếu hướng sự thương cảm đến Tiểu Thanh thì đến đây, trái tim tác giả đã hướng tới sự đồng cảm, xót thương đến mọi kiếp hồng nhan bạc mệnh và phải chăng còn hướng đến thế hệ những nhà thơ tài năng nhưng gặp nhiều khổ đau, bất hạnh trong cuộc đời như chính tác giả. Câu thơ bởi thế mà có sức khái quát cao, mở rộng đến phạm trù rộng lớn của muôn kiếp nhân sinh. Vần điệu của hai câu thơ cất lên đầy sự tuyệt vọng, ai oán và u sầu. Hỏi trời cao, trời không thấu, trách kẻ bạc tình, người không hay. Nguyễn Du thốt lên một câu hỏi đầy chua xót nhưng nhận về mình nhiều khổ đau. Những người phụ nữ tài hoa, xinh đẹp từ xưa đến nay dường như đã mang trong mình cái "án" oan nghiệt, không thể rũ bỏ được. Hay chính xã hội phong kiến đã đẩy họ vào bước đường cùng nhiều cay đắng như thế này. Tiên sinh tự nhận mình là người cùng thân phận với Tiểu Thanh. Tổ Như với nàng tuy không sinh đồng thời, không ở cùng một xứ nhưng cũng là một thanh, một khí, cho nên đọc đến truyện Tiểu Thanh là động mối thương tâm. Hai chữ tài và mệnh đã không còn là nỗi bất bình riêng của phận má hồng, tất là đấng nam nhi thường cũng nhiều khi vì chữ "tài" và chữ "mệnh" mà thất điên bát đảo. Tiện sinh là một người trung thần mà gặp triều Lê suy, cũng như Tiểu Thanh là một thanh nhi nữ mà gặp phải sóng gió oan trái. Thế nên "đọc Tiểu Thanh kí" có phải chỉ để than người bạc mệnh mà thôi, hay là cho tác giả nhân đó mà tự thân mình. Thiết tưởng tiên sinh cũng nghĩ: "Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" Trước số phận của Tiểu Thanh, Nguyễn Du nâng cảm xúc của mình lên thành lòng thương một lớp người trong xã hội, thế rồi, ông trở lại lòng mình mà "Giật mình mình lại thương mình xót xa". Hai câu thơ cuối như xoáy chặt vào lòng ta một nỗi đau đớn, tuyệt vọng của một trang tài tử: "Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, Người đời ai khóc Tố Như chăng?" Hai câu kết mở ra là cả một thế giới nội tâm của Nguyễn Du. Lời thơ như vừa tuyệt vọng, vừa hi vọng, vừa cô đơn, vừa tìm kiếm. "Ba trăm năm lẻ" - con số 300 chỉ mang tính chất ước lệ tượng trưng nhưng đó lại là nỗi niềm cô đơn của ông trong thời đại. Câu hỏi tu từ ở cuối bài bày tỏ niềm khao khát, mong muốn tìm được sự thấu hiểu, thương cảm. Rằng không biết mai sau này người đời có còn nhớ đến Nguyễn Du như Nguyễn Du cũng đã khóc thương cho sự tài hoa mệnh bạc của nàng tiểu Thanh hay không. Tiếng khóc của người đời là thứ mà Nguyễn Du luôn tìm kiếm bởi đó là tiếng vang của sự tri âm, đồng cảm. Nhưng câu thơ vẫn là một niềm tin. Nguyễn Du vẫn tin ở nhân tâm của con người, ông tin sẽ có người khóc thương cho mình, chỉ có điều người đó là ai mà thôi. Từ xót thương cho những kiếp người tài hoa bạc mệnh và rồi ông cũng tự khóc cho chính mình, ông cũng là một trong những số ít nhà thơ đưa tên chữ của mình vào trong thi phẩm, dường như đó là cái tôi, cái cá nhân mà ông muốn khẳng định qua đó lại một lần nữa Nguyễn Du thể hiện tấm lòng nhân đạo lớn lao của mình đó là sự tự thương. Khép lại bài thơ là tiếng nói bất bình lần nữa của ông, bằng 2 câu thơ thất niêm phá tính quy phạm vốn có của văn học trung đại để lên án mạnh mẽ những kẻ không chân trọng giá trị của con người đặc biệt là những con người tài hoa. Sáng tạo văn chương là một quá trình khổ lao, mỗi nhà văn đến với thi đàn đều áng ngữ cho mình một cá tính riêng, không lẫn lộn. Bởi lẽ, nếu y chỉ sáng tác ra những tác phẩm được tạo khắc bởi một con triện đơn điệu, không đường nét riêng thì có lẽ khi ngôi sao băng của anh vụt tắt trên bầu trời lấp lánh hàng vạn tinh tú kia, anh chỉ như cái "bóng không hình", Người ta chỉ biết đến anh như một gương mặt giống vạn người, rồi bức tượng đúc tên anh sẽ bị băng hoại trước phong ba của thời cuộc. Có lẽ cũng vì vậy mà mỗi nhà văn đều có một chuôi ngọc treo trên đầu bút của mình, nó ẩn chứa cá tính của nhà văn, là cách mà nhà văn ghi dấu ấn của mình trên vết trầm tích của thời gian. Nguyễn Du đã dùng hiệu quả ngôn ngữ trữ tình nhưng đậm chất triết lí, cộng hưởng cùng với phép đối, phát huy khả năng thống nhất giữa các mặt đối lập trong hình ảnh và ngôn ngữ để tạo ra một tuyệt bút có khả năng khiến cho những xúc cảm vốn đã ngủ yên trong cõi lòng héo khô của bạn đọc bỗng được tưới tắm bằng những ánh trăng cảm xúc được dát vàng mà bừng tỉnh trong đêm buồn tịch mịch. Nguyễn Minh Châu từng phát biểu rằng; "Văn học và cuộc đời là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người". Văn chương muôn đời phải khởi sinh từ hiện thực, bén rễ nơi lòng người, nhờ con người mà sinh sổi, nảy nở đến cực độ. Mười năm lăn lộn trong gió bụi đã khiến cho ngòi bút của Nguyễn Du không đứng trên những tháp ngà vô tri, tuy lấp lánh nhưng lại khô khan. Ông xuất thân từ nơi tháp ngà nhưng những kinh động đã khiến ông bỗng chốc rơi vào nơi lều cỏ, lặng ngắm nhân sinh từ cả hai điểm nhìn, đã khiến ngòi bút của ông có thần, có hồn hơn bao giờ hết. Để rồi từ đó mà tiếng thơ "Độc Tiểu Thanh Kí" bật ra những cảm xúc từ tận tâm can của người thi sĩ, gột rửa tâm hồn bạn đọc bằng một thứ ngôn ngữ bình dị mà thanh tao, phục hoạt những xúc cảm vốn đã rơi vào vùng câm lặng của bạn đọc và để lại những thương cảm trong lòng người đọc về số phận bất hạnh của những con người tài hoa nhưng bạc mệnh. Đồng thời qua đây, tác giả cũng đã phản ánh thực trạng xã hội phong kiến tàn ác đã đẩy con người vào những bước đường cùng, chà đạp lên nhân phẩm và lãng quên những giá trị mà họ đã để lại cho đời. Quả không sai khi Tố Hữu viết rằng: "Tiếng thơ ai động đất trời Nghe như non nước vọng lời ngàn thu Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày." (Kính gửi cụ Nguyễn Du)