Đề bài: Phân tích hình ảnh con sông Đà trong đoạn trích sau: "Con sông Đà tuôn dài.. thác lũ ngay đấy" Bài làm Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc Khi lòng ta đã hóa những con Tàu (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên) Tây Bắc từ lâu đã được xem như một mảnh đất hứa cho văn chương nghệ thuật, bởi vùng núi ấy không chỉ để lại nhiều ân tình mà còn khiến cho các nhà văn, nhà thơ có được những nguồn cảm hứng bất tận. Nếu như Nguyễn Huy Tưởng đã có cho mình cuốn tiểu thuyết "Bốn năm sau", Tô Hoài ghi dấu ấn với VCAP, Nguyễn Khải viết nên "Mùa lạc" thì Nguyễn Tuân lại thăng hoa trên mảnh đất này với tập "Tùy bút Sông Đà" mà linh hồn là bài kí "Người lái đò Sông Đà". Thưởng thức bài kí, người đọc không khỏi ấn tượng với vẻ đẹp trữ tình của Đà giang, mà tiêu biểu là đoạn trích miêu tả dòng sông khi đi từ trên cao nhìn xuống và điểm nhìn từ trong rừng đi ra. "Nếu Xuân Diệu xem tình yêu là tôn giáo thì Nguyễn Tuân xem cái đẹp như là tôn giáo của mình" (Gs Trần Đình Sử) Thật vậy, Nguyễn Tuân là một người nghệ sĩ tài hoa, suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông sáng tác nhiều thể loại, song thành công nhất vẫn là thể tùy bút. "Người lái đò sông đà" trích trong tập tùy bút "Sông Đà", xuất bản năm 1960, là kết quả của chuyến đi thực tế đến miền Tây Bắc năm 1958 của Nguyễn Tuân, ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây. Nhà văn Thạch Lam từng nói: "Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức". Sông Đà đẹp, "độc bắc lưu" đã lọt vào cảm giác nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Đến với dòng sông đặc biệt này, NT đã không quản ngại công phu để quan sát kĩ càng, ghi lại sự hung bạo, dữ dằn cũng như vẻ đẹp trữ tình thơ mộng của dòng sông trên nhiều vẻ. Tuy nhiên, nhà văn không làm công việc của một nhà địa lí, địa chất học mà đã biến con sông của miền TB thành một hình tượng sống động, một đối tượng thẩm mĩ hoàn chỉnh. Không phải ngẫu nhiên NT viết hoa hai chữ SĐ trái với quy tắc thông thường. Nghệ thuật nhân hóa khiến SĐ hiện lên không còn là một dòng chảy vô tri mà như một con người có lai lịch, có tên gọi, có cá tính, tâm trạng.. SĐ đã trở thành một hình tượng chính của thiên tùy bút với hai nét tính cách: Hùng vĩ và thơ mộng. Leonid Leonov từng nhận định: "Một tác phẩm phải là một phát minh về hình thức, một khám phá về nội dung." Thật vậy, đối với riêng NLĐSĐ, bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ của con sông, ở một góc độ khác, NT đã phát hiện ra chất trữ tình, thơ mộng của dòng sông này, đó cũng là chất men say cho cuộc sống của con người Tây Bắc. Rời khỏi thượng nguồn, xuôi về hạ lưu, Sông Đà để lại sau lưng bao nhiêu cảnh đá uy nghi, nhiều ghềnh sông rợn ngợp, nhiều hút nước sâu thẳm, những thác đá cuồng nộ, rồi sông ấy vặn mình vào một cái bến cát khi những ngọn sóng cuối cùng xèo tan trong trí nhớ của người lái đò, ngòi bút tài hoa của NT đã đưa người đọc đến với dòng sông Đà êm đềm như một giấc mơ và dịu hiền như một miền cổ tích. Vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà trước hết được miêu tả qua dáng sông, khi nhà văn đi tàu bay mà quan sát từ trên cao xuống: "Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai va cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân." Câu văn trải dài mênh mang chỉ có một dấu ngắt duy nhất, phá vỡ trật tự cú pháp thông thường như một bài thơ trữ tình ngân vang vào núi rừng Tây Bắc. Những đường nét mềm mại, những hình ảnh giàu chất thơ kết hợp với điệp ngữ "tuôn dài, tuôn dài" vừa đem đến cảm giác về sự liền mạch của lời văn, vừa như mở ra trước mắt người đọc độ dài bất tận của dòng sông. Những thanh bằng liên tiếp ở đầu câu văn cũng làm tăng thêm vẻ bình lặng, êm đềm cho dòng sông khúc hạ nguồn. Phép so sánh SĐ như một "áng tóc trữ tình" không những gợi ra vẻ dịu dàng, duyên dáng, kiêu sa, kiều diễm như một người thiếu nữ đương thì xuân sắc đang buông hờ mái tóc mà làm duyên giữa sương khói bồng bềnh mà còn bộc lộc chất phong tình lãng mạn của người nghệ sĩ. Hơn thế nữa, vẻ đẹp ấy lại ẩn hiện giữa mây trời Tây, giữa hoa ban trắng, sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo, giữa núi mù của khói sương, tất cả càng tôn thêm vẻ đẹp cho bức tranh thiên nhiên Tây Bắc, một công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hóa ban tặng cho con người. Đến đây, ta chợt nhớ đến hai câu thơ trong "Dục Thúy sơn" của Nguyễn Trãi vào thế kỉ mười lắm, khi vị thi nhân ấy cũng dùng hình ảnh mái tóc để gợi một nét uốn quanh của dòng sông Vân chảy quanh ngọn núi: "Bóng tháp hình trâm ngọc Gương sông ánh tóc huyền" Ngôn ngữ văn chương của NT thật đặc sắc. Dòng sông yêu kiều duyên dáng còn được tác giả nhấn mạnh qua từ "áng tóc". Người ta hay gán chữ "áng" với áng văn, áng thơ, áng hội họa, nay NT dùng để nói đến "áng tóc". Cảnh vì thế vừa thực vừa mộng làm say đắm lòng người. Đúng là, bao nhiêu vẻ đẹp thơ mộng trữ tình, quyến rũ của đất trời TB đã ùa về thức dậy trong câu văn NT. Đọc câu văn này gợi ta nhớ tới hình ảnh dòng Hương giang trữ tình diễm lệ được ví như "người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại" trong nét vẽ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Vẻ thơ mộng của Đà giang không chỉ dừng lại ở dáng sông, mà Nguyễn Tuân còn mang đến cho người đọc những khám phá về màu nước sông Đà. Nếu HPNT nhìn thấy sông Hương có màu xanh thẫm đẹp như một đóa hoa phù dung "sớm xanh trưa vàng chiều tím" do sự phản quang của mây trời thì NT nhận ra sắc nước SĐ đầy biến ảo, khẳng định mỗi mùa nước SĐ có một sắc diện riêng, một vẻ đẹp riêng. Để khẳng định màu nước Đà giang thay đổi theo mùa, chắc chắn NT đâu chỉ nhìn ngắm dòng sông ngày một ngày hai, mà đó hẳn phải là sự gắn bó dài lâu, với niềm cảm mến và sự say sưa để "làm mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống sông Đà" Tây Bắc vào xuân, cái rực rỡ của thiên nhiên đất trời khiến màu nước xanh trong kì lạ, dường như không có sự pha tạp hay gợn đục. Đó là "dòng xanh ngọc bích" tươi trẻ, sáng trong, quý phái, lấp lánh như huyền thoại, đầy chất thơ lãng mạn. Lối so sánh "không xanh màu canh hến của Sông Gâm, Sông Lô" không chỉ là biểu hiện khá quen thuộc của một nhà văn thích khoe tài hoa, uyên bác mà còn là sự thiên vị của một niềm yêu mến, tự hào. Vẻ trầm mặc của thiên nhiên mùa thu khiến dòng nước sông đà "lừ lừ chín đỏ", cái màu đỏ điềm đạm, chậm rãi của một dòng sông chở nặng phù sa ở vùng thượng nguồn. Nước SĐ như "da mặt một người bầm đi vị rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bự bội gì mỗi độ thu về" Hình ảnh so sánh thật lạ, nước SĐ mùa thu như có sắc thái, có linh hồn, có cảm xúc. Dường như SĐ đang mang cả tâm trạng giận dỗi, hờn trách, đang ẩn chứa điều gì đó bí ẩn khó biết, khó nắm bắt. Nhà văn thật khéo léo khi so sánh dòng sông với con người, khéo léo trao thần sắc, tâm trang của con người vào dòng sông vô tri vô giác. Cách so sánh ấy không chỉ làm hiện lên màu sắc rất đặc trưng của nước SĐ trong mùa thu mà còn thể hiện sức mạnh tiềm tàng ẩn chứa nhiều đe dọa của một dòng sông vẫn "trăm năm báo oán, đời đời đánh ghen" với con người. Đọc văn NT không thể đọc hời hợt mà phải liên tượng, tưởng tượng, phải vận dụng vốn sống để rồi bất chợt thấy mình như đang đứng trước dòng sông, cảm thấy tận mắt màu nước SĐ. Rõ ràng, chất men say của NT đã ngấm vào trong từng cảnh sắc thiên nhiên SĐ mới khái quát được sự biến ảo tinh tế đến vậy. Đặc biệt NT còn khẳng định: "Chưa hề bao giờ tôi thấy dóng sông đà là đen như thực dân pháp đã đè ngửa con sông ra đổ mực tây vào mà gọi bằng cái tên Tây lếu láo, rồi cứ như thế mà phết vào bản đồ lai chữ" Bằng lối khẳng định này, NT không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của dòng sông mà còn trực tiếp bày tỏ tình cảm yêu mến đối với Đà giang, niềm tự hào về vẻ đẹp của con sông TB, con sông xứ sở. Sau những chuyến đi dài ngày, từ trong rừng đi ra, nhà văn gặp lại con SĐ gợi cảm. Dòng sông không chỉ đẹp bởi những yếu tố tự nhiên mà còn ở cả góc độ văn hóa, lịch sử, không chỉ hiện lên với những gì nhìn thấy mà còn bằng cảm nhận trong tâm hồn, bằng trái tim, bằng tình yêu, sự cảm mến. Đối với mỗi người, SĐ lại gợi một cách, nhưng với NT SĐ như một cố nhân. Bao nhiêu tình cảm nhớ thương, lưu luyến, nặng lòng dường như kết đọng lại hết trong hai chữ "cố nhân". "Cố nhân" không đơn thuần là một người bạn cũ, đó là một tri âm tri kỉ với bao gắn bó trong quá khứ, bao thấu hiểu, nhớ thương trong hiện tại, bao chung thủy trong tương lai. Nhưng dù đã thấu hiểu tường tận, thông tuệ đến ngọn nguồn SĐ nhưng mỗi lần gặp, dòng sông lại mang đến cho nhà văn một cảm xúc mới lạ, một sự hấp dẫn riêng biệt. Có lẽ đó là lí do vì sao mà một nhà văn luôn ghét sự nhàm chán, sợ sự trùng lặp như Nguyễn Tuân lại dành cho Đà giang tận 15 bài kí, điều ấy chứng tỏ nguồn cảm hứng mà dòng sông này mang lại cho NT là vô hạn, có sức sôi trào, thôi thúc mãnh liệt. Để thể hiện sự gợi cảm của dòng sông gần thương xa nhớ, nhà văn đã tạo ra một tình huống đặc biệt cho nỗi nhớ, niềm yêu, cho những bồn chồn, vồ vập. Đó là những lần đi rừng lâu ngày, nhà văn thèm chỗ thoáng, thèm một không gian phóng khoáng mênh mông, thèm được gặp lại SĐ. Cho nên chưa ra tới cửa rừng, NT đã thấy "loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy", thấy dòng sông lấp lóa ánh nắng ẩn hiện giữa những vạt cây mà đã háo hức, đã vội vàng khao khát. Phải chăng, NT cảm nhận rõ nét cái chất "đằm đằm ấm ấm" thân quen của con sông, nhất là chất thơ như ngấm vào từng cảnh sắc thiên nhiên. Màu nắng tháng ba trên SĐ thật đặc biệt, đó là sắc màu của Đường thi, của quá khứ. Và khi liên tưởng mặt sông giống như "cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba đường thi", Nguyễn Tuân đã đem đến cho SĐ cái bâng khuâng vời vợi nhớ nhung tỏa ra từ câu thơ lãng mạn của Lí Bạch: "Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu". Mượn câu thơ ấy, Nguyễn Tuân dường như đã ngầm khẳng định vẻ đẹp cổ thi của dòng sông Tây Bắc, với hoa khói mùa xuân huyền ảo, mơ màng, bình yên, thơ mộng. Đó vừa là tình Cảm đặc biệt và sức liên tưởng phóng túng của nhà văn, vừa làm xao xuyến những tâm hồn luôn yêu nhớ phong vị Đường thi cổ kính. Để rồi nỗi xao xuyến ấy mơ hồ lan tỏa trên dòng sông gợi cảm, khiến SĐ không chỉ chảy trong không gian mà còn như chảy trong dòng thời gian miên viễn xa xăm. Đến đây người đọc như cảm nhận thêm một sắc nước Sđ, 1 cái màu không tồn tại trong hội họa mà hiện lên trong ý đồ sáng tạo, trong cảm hứng thăng hoa và chất lãng tử của người nghệ sĩ, một vẻ đẹp phẳng lặng, trong sáng, lấp lánh, hồn nhiên thanh tịnh. Từ điểm nhìn của ông khách SĐ, NT thấy "Bờ SĐ, bãi SĐ chuồn chuồn bươm bướm trên SĐ" Hàng loạt chủ ngữ trong một câu văn đã miêu tả trạng thái phấn khích, hân hoan của tác giả khi đứng trong một không gian với sự sống sôi động. SĐ hiện ra như chìm trong thời gian cổ điển, như nhấp thứ men say nồng nàn của chất thơ tình lãng mạn. Chữ "SĐ" điệp lại cuối mỗi vế câu như nhịp lên niềm say mê, như nhân lên những khoảng không gian phóng khoáng của bờ bãi Đà giang. Đám hội rước của chuồn chuồn, bươm bướm trên SĐ, nhựa sống như lên cành, lên thân, lên hương thật đẹp đẽ, ấm áp. Niềm vui khi gặp lại SĐ được nhà văn cụ thể hóa trong những so sánh bất ngờ, thú vị: "Vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng". Nắng là hữu hình nhưng vô thể, chỉ nhìn mà chẳng thể nắm bắt, nhưng lại "giòn tan", nghĩa là rất đẹp, rất mỏng nhẹ, trong trẻo, qua phép ẩn dụ và liên tưởng của Nguyễn Tuân, ta thấy được một lối diễn đạt vô cùng tinh tế và đặc sắc. Cái niềm vui "như nối lại chiêm bao đứt quãng", nghe càng viển vông, hi hữu bao nhiêu thì cảm xúc khi gặp lại Sông Đà càng sung sướng, thú vị bất nhiêu. Ba chữ 'nắng giòn tan' kì diệu đến mức, khi viết ra rồi thì không thể nào "đúng hơn, hay hơn, không để đem bất kì câu từ nào đổi khác đi được." (ĐKH) Ta có thể nhìn ra một ánh mắt lấp lánh say mê, một xúc cảm vui tươi chưa từng có, như thể lần nào gặp mặt, SĐ cũng vẫn rất đặc biệt, rất mới mẻ. Nó trở thành người bạn hiền chung thuỷ, điềm tĩnh chờ đợi người đi xa trở về. Tình yêu mà Người nghệ sĩ NT dành cho SĐ, cho cảnh sắc quê hương tổ quốc từ đây được bộc lộ, bằng một dấu ấn riêng biệt và đầy cảm xúc. Bởi niềm vui ấy không chỉ là cảm giác của văn chương mà còn là cảm giác thực của cuộc sống đời thường, của những người đã quen với những cơn mưa dầm dề, dai dẳng của miền TB. (Nghệ thuật) Không chỉ đặc sắc về nội dung mà đoạn văn còn là một sự thành công ở phương diện nghệ thuật. Nhà văn đã miêu tả Sông Đà bằng những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị. Từ ngữ phong phú, sống động, giàu giá trị tạo hình và có sức gợi cảm cao, nhịp văn chậm rãi, trữ tình, mênh mang dư vị của hương nguồn hoa núi, mà nói như Phan Huy Đông thì đó là "sự tự do của một tài năng, một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ" Có thể ví văn Nguyễn Tuân như giọt mật của con ong cần mẫn và miệt mài sáng tạo để mang cho đời những trang văn thơm thảo. Xây dựng thành công hình tượng sđ còn nhờ vào vốn sống, vốn kiến thức uyên bác của tác giả thuộc nhiều lĩnh vực như hội họa, lịch sử, địa lý. Vì thế mà con Sông Đà vốn vô tri, dưới ngòi bút của nhà văn đã trở thành một sinh thể có tâm hồn, tâm trạng, từ đó, ta có thể ví tùy bút này như công trình nghệ thuật tuyệt mĩ in đậm phong cách Nguyễn Tuân. Huy-gô đã từng nói: "Bình thường là cái chết của nghệ thuật". Có lẽ đó là điều mà Nguyễn Tuân sợ nhất. Con người ấy luôn muốn đề cao bản ngã của mình, "không để mình giống ai và cũng không ai bắt chước được mình" (Phan Cự Đệ). Với tùy bút NLĐSĐ và việc xây dựng thành công hình tượng sông đà, đặc biệt là đoạn văn con sông Đà hùng vĩ nơi thượng nguồn, NT vượt qua được quy luật nghiệt ngã của sự sáng tạo nghệ thuật, vượt lên trên cái bình thường để cho nhân vật SĐ mãi mãi bất tử trong lòng người yêu văn. Và sóng nước Đà giang sẽ còn tô điểm cho vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước: "Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền, vượt thác Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi" (Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm)