Phân tích đoạn văn người đàn bà bị bạo hành trong Chiếc thuyền ngoài xa

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Người sắp chữ, 14 Tháng sáu 2022.

  1. Người sắp chữ

    Bài viết:
    7
    NGHỊ LUẬN VĂN HỌC VỀ ĐOẠN TRÍCH "CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA" (NGUYỄN MINH CHÂU)

    (PHÂN TÍCH SÂU ĐOẠN TRÍCH)

    Ngay lúc ấy, chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ tôi đứng. Một người đàn ông và một người đàn bà rời chiếc thuyền. Họ phải lội qua một quãng bờ phá nước ngập đến quá đầu gối. Bất giác tôi nghe người đàn ông nói chõ lên thuyền như quát: "Cứ ngồi nguyên đấy. Động đậy tao giết cả mày đi bây giờ".

    Chắc chắn họ không trông thấy tôi. Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ. Người đàn ông đi sau. Tấm lưng rộng và cong như lưng một chiếc thuyền. Mái tóc tổ quạ. Lão đi chân chữ bát, bước từng bước chắc chắn, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ lúc nào cũng nhìn dán vào tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng của người đàn bà.

    Từ chỗ chiếc xe tăng mà tôi đang đứng với chiếc máy ảnh, đi quá mươi bước sâu vào phía trong có một chiếc xe rà phá mìn của công binh Mỹ, chiếc xe sơn màu vàng tươi và to lớn gấp đôi một chiếc xe tăng. Hai người đi qua trước mặt tôi. Họ đi đến bên chiếc xe rà phá mìn. Người đàn bà đứng lại, ngước mắt nhìn ra ngoài mặt phá nước chỗ chiếc thuyền đậu một thoáng, rồi đưa một cánh tay lên có lẽ định gãi hay sửa lại mái tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống, đưa cặp mắt nhìn xuống chân.

    Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: "Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!".

    Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy.

    Tất cả mọi việc xảy đến khiến tôi kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn. Thế rồi chẳng biết từ bao giờ, tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới.

    (TríchChiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr. 73)

    Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về cách nhìn nhận cuộc sống của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

    BÀI LÀM THAM KHẢO

    MỞ BÀI

    Thạch Lam đã từng nói: "Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở những vật tầm thường. Công việc của nhà văn là hiểu cái đẹp ở chỗ mà không ngờ tới, tìm kiếm cái đẹp kín đáo và che lấp, cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức" . Quan niệm đó phải chăng chính là cái đích hướng tới của những nhà văn chân chính. Với đôi mắt luôn chủ động tìm kiếm "hạt ngọc ẩn giấu sâu trong tâm hồn con người", Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn như thế. Là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới, với phong cách tự sự-triết lý, ông đã đi sâu vào từng ngóc ngách của cuộc đời và xem xét nó trong tân cùng "cốt tủy", để rút ra những quan niệm thấm đẫm triết lý nhân sinh về nghệ thuật và cuộc đời. "Chiếc thuyền ngoài xa" là một trong những thiên truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu thể hiện rõ nét phong cách của ông. Trong tác phẩm, hình ảnh người đàn bà hàng chài qua phát hiện của nghệ sĩ Phùng đã để lại ấn tượng "hằn sâu" trong lòng độc giả. Đoạn trích kể lại hiện thực cuộc sống đằng sau vẻ đẹp tuyệt bích của chiếc thuyền đã thể hiện cách nhìn nhận cuộc sống sâu sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu:

    "Ngay lúc ấy, chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ tôi đứng

    ..

    Thế rồi chẳng biết từ bao giờ, tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới"

    THÂN BÀI

    Nếu trước 1975, Nguyễn Minh Châu được biết đến với những tác phẩm mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, thì sau 1975, nhất là sau những năm 80 của thế kỷ XX, cảm hứng sử thi được thay thế bằng cảm hứng thế sự, đời tư. "Chiếc thuyền ngoài xa" được viết năm 1983 là sáng tác tiêu biểu ở giai đoạn sau. Bằng một tình huống truyện đặc sắc, đó là tình huống nhận thức trước một hiện tượng đầy nghịch lí của cuộc sống, nhà văn đã cho người đọc những cảm nhận thật sâu sắc về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật. Truyện bắt đầu với hành trình tìm kiếm một bức ảnh của người nghệ sĩ có trái tim biết rung cảm trước cái đẹp. Để có thể xuất bản một bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển thật ưng ý, nghệ sĩ Phùng đã đi đến một vùng biển từng là chiến trường cũ của anh thời kháng chiến chống đế quốc Mĩ, nhân chuyến đi thăm Đẩu, người bạn chiến đấu năm xưa giờ đang là chánh án tòa án huyện. Đã mấy ngày trôi qua, Phùng chưa chụp được bức ảnh nào ưng ý. Sau gần một tuần lễ suy nghĩ, tìm kiếm, Phùng quyết định chụp cảnh thuyền đánh cá thu lưới vào lúc bình minh. Đó là một cảnh "đắt" trời cho - cảnh mà suốt một đời cầm máy Phùng chưa bao giờ được nhìn thấy, hiện ra trước mắt anh là "một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ". "Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích ." Nhưng khi chiếc thuyền đi vào bờ, Phùng đã nhìn thấy ở đó có những số phận con người đọng lại như một nỗi ám ảnh. Đây là một "tình huống nhận thức" có ý nghĩa khám phá, phát hiện về chân lí đời sống, chân lí nghệ thuật.

    Nguyễn Minh Châu đã khéo léo sắp đặt một tình huống mang tính chất thời điểm, ngay lúc Phùng vừa chụp được bức ảnh toàn bích nhất, ngay lúc đôi mắt anh được tráng rửa bằng cảnh đắt trời cho như bức tranh mực tàu thời cổ, anh lại phát hiện ra hiện thực nghiệt ngã của đời sống. Ngay lúc con thuyền tiến vào bờ, bươc ra từ con thuyền đẹp như mở là người đàn ông và người đàn bà, thay thế cho cảnh tượng mãn nhãn của cái đẹp là âm thanh chói tai của cuộc sống hiện thực đánh động trong Phùng những dự cảm không lành, có lẽ vẻ hung bạo, độ dữ của người đàn ông đã thu gọn trong tầm mắt của nghệ sĩ Phùng qua tiếng quát: "Cứ ngồi nguyên đấy. Động đậy tao giết cả mày bây giờ".

    Nguyễn Minh Châu như một nghệ sĩ nhiếp ảnh thực thụ, ông "chụp" bức ảnh của chiếc thuyền ngoài xa, chuyển cảnh về bức ảnh con người với những đường nét rõ ràng. Người đàn bà trong đôi mắt của nghệ sĩ Phùng hiện lên với những đường nét thô kệch của tạo hóa, nhưng có lẽ ấn tượng nhất với Phùng là khuôn mặt mệt mỏi, tái ngắt . Cách miêu tả con người của Nguyễn Minh Châu quả thật giống như ông khi miêu tả bức tranh, đó hính là đường nét và bố cục. Hai con người, chung trong một khung cảnh, dù hình dáng và tư thế khác nhau nhưng bức tranh cuộc sống ấy toát lên vẻ nhọc nhằn, ngột ngạt, bi bách cần giải tỏa. Theo bước chân của người đàn ông và người đàn bà, người đọc ngỡ ngàng khi được chuyển cảnh tự bao giờ, hiện lên trước mắt người đọc là hình ảnh bãi xe tăng hỏng dấu tích của một thời bom đạn, của khổ đau nhưng lúc này khi đất nước đã im tiếng súng, nó lại là nơi diễn ra một nỗi đau khác, nỗi đau của đời sống nhọc nhằn, căng tức, ngột ngạt. Hành động của người đàn bà vùng biển trước tình cảnh chị sắp phải đối mặt có lẽ không thể nào lý giải nổi bằng cách hiểu thông thường, đằng sau chị là người đàn ông đang lộ rõ vẻ hằn học độc dữ, đang dán chặt mắt vào tấm lưng áo bạc phếch của chị, cớ sao người đàn bà ấy lại có vẻ thản nhiên đến lạ lùng: chị nhìn lại chỗ chiếc thuyền đậu một thoáng rồi đưa tay như định sửa sang mái tóc, tư thế này giống như đang chờ đợi một điều gì đã trở thành thói quen không thể chối từ.

    Có lẽ cảnh tượng diễn ra ngay sau đó khiến Phùng không thể nào quên, anh vừa trải qua giây phút thăng hoa của nghệ thuật, ấy vậy mà bây giờ lại chứng kiến cảnh tượng đánh đập dã man của người đàn ông đối với người đàn bà, Nguyễn minh Châu "trút hết" những ngôn từ miêu tả cảnh bạo lực như thể để theo kịp cơn mưa đòn roi đang trút xuống thân hình người đàn bà, đó là sự "hùng hổ, quật tới tấp, thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, rên rỉ, đau đớn" trái ngược hẳn với người đàn ông người đàn bà không kêu một tiếng, không chống trả cũng không tìm cách trốn chạy. Cảnh tượng bạo lực ấy không có sự thỏa mãn của kẻ bạo lực, không có tiếng đau xót van xin và kháng cự của nạn nhân, nó chỉ quằn quại bởi nỗi uất ức không thể giải tỏa của những con người đang vật lộn vì cuộc sống mưu sinh. Tất cả cảnh tượng đó diễn ra như một vở kịch câm, không lời chú giải, đầy nghịch lý khiến câu hỏi về hiện thực trong Phùng như vỡ ra, cảm xúc của Phùng lúc này chỉ có thể diễn tả ở sự ngạc nhiên tột độ, cứ đứng há mồm ra mà nhìn, vứt chiếc máy ảnh xuống đát, chạy nhào tới.

    Phải chăng Nguyễn Minh Châu muốn nói, đời sống con người vốn bộn bề phức tạp, hiện thực không đơn chiều, giản đơn, màu hồng mà mà đa chiều, phân tranh nhiều mảng sáng tối chưa thể lí giải. Nhà văn nếu đừng ngoài xa quan sát sẽ chỉ thấy một hiện thực mờ ảo- chiếc thuyền thấp thoáng ngoài biển khơi. Từ đó đòi hỏi nhà văn phải có cái nhìn sâu sắc, suy tư hơn nữa.

    Đoạn trích thể hiện rõ nét phong cách sáng tác, thông điệp nhân văn và cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu . Với nghệ thuật xây dựng tình huống truyện nhận thức độc đáo: Tác giả đã dựng nên tình huống nghịch lí giữa hình ảnh của con thuyền khi ở ngoài xa với hiện thực cuộc sống mà nó chứa đựng. Cách khắc họa nhân vật, cốt truyện hấp dẫn kết hợp với ngôn ngữ sử dụng rất linh hoạt, sáng tạo, giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư trăn trở góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Đó là nghệ thuật không thể xa cách với hiện thực nhọc nhằn, cay cực của con người. Nghệ thuật phải dành ưu tiên trước hết cho con người, phải góp phần giải phóng con người khỏi sự cầm tù của đói nghèo, tăm tối và bạo lực. Người nghệ sĩ phải có tấm lòng biết trăn trở về số phận; phải nhìn cuộc đời sâu sắc, đa chiều, không giản đơn, dễ dãi và phải dũng cảm nhìn thẳng vào hiện thực. Không những vậy, một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải là tác phẩm thể hiện được chiều sâu, bản chất của hiện thực đằng sau cái vẻ ngoài đẹp đẽ, lãng mạn. Để làm được điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều, sâu sắc, toàn diện về hiện thực, phải có sự trải nghiệm và quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ.

    KẾT BÀI

    "Chiếc thuyền ngoài xa" là hình tượng có ý nghĩa biểu tượng, đó là vẻ đẹp của một bức tranh toàn bích, và đằng sau hình ảnh đẹp đẽ đó là cuộc sống đầy khắc nghiệt, dữ dội với những số phận con người vật vã trong cuộc mưu sinh. Thế nhưng trong cuộc sống khốn khổ, vật lộn với sóng gió, trên chiếc thuyền chật hẹp ấy vẫn le lói những khao khát về hạnh phúc. Khát khao ấy được thể hiện vô cùng cảm động qua hình tượng người đàn bà hàng chài. Tình yêu con được nhìn nhận từ cuộc đời trăm đắng nghìn cay của chị có một vẻ đẹp riêng không thể trộn lẫn. Từ chị, nhà văn đã đem đến cho chúng ta một cái nhìn đa diện về số phận con người trong cuộc sống hôm nay, đúng như ông tâm niệm: "Nhà văn phải là người cố gắng đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người."
     
    PhonghauAdmin thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...