Phân tích đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều từ Truyện Kiều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi AiroiD, 15 Tháng mười một 2024.

  1. AiroiD

    Bài viết:
    78
    Đề bài: Dựa vào đoạn thơ sau đây

    Người lên ngựa, kẻ chia bào

    Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

    Dặm hồng bụi cuốn chinh an

    Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh

    Người về chiếc bóng năm canh

    Kẻ đi muôn dặm, một mình xa xôi

    Vầng trăng ai xẻ làm đôi

    Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.​

    Anh/chị hãy viết một bài văn khoảng 600 chữ để làm nổi bật giá trị nghệ thuật, nội dung của đoạn thơ.

    Phân tích cảnh Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều​

    Nguyễn Du là ngôi sao sáng rực rỡ trên bầu trời văn học trung đại Việt Nam, ông là nhà thơ với cái nhìn hiện thực sâu sắc, là nhà nhân đạo chủ nghĩa, một thiên tài nghệ thuật, là "người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại ở nước ta" (Đào Duy Anh). Truyền thống của dòng họ, quê hương, sự giao thoa của các vùng văn hóa, trải qua nhiều phong ba bão táp của thời đại cùng với tấm lòng bao dung, tâm hồn rộng mở đã góp phần tạo nên một đại thi hào Nguyễn Du với lòng thương người sâu sắc. Đó cũng là mạch nguồn tạo nên các tác phẩm văn học kiệt xuất, đặc biệt nhất là Truyện Kiều - trở thành đỉnh cao của văn học Việt Nam. Tác phẩm truyện thơ Nôm này dựa trên cốt truyện "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc), kể về 15 năm lưu lạc, chìm nổi của Vương Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng số phận lênh đênh, trắc trở. Cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du khi viết "Truyện Kiều" là nỗi đau xót đến đứt ruột từ "những điều trông thấy". Kiệt tác "Truyện Kiều" là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, là tiếng nói đồng cảm với bi kịch, đồng tình với khát vọng chân chính của con người. Cuộc đời chìm nổi trong bể dâu của Kiều phải trải qua nhiều cuộc chia li, từ biệt và trong đó có cuộc chia tay với Thúc Sinh. Đoạn trích từ câu thơ thứ 1519 "Người lên ngựa, kẻ chia bào" đến câu thơ thứ 1526 "Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường" đã miêu tả một cách tinh tế cảm xúc, tâm trạng của Kiều khi từ biệt Thúc Sinh.

    Đoạn trích nằm trong phần gia biến và lưu lạc của tác phẩm "Truyện Kiều". Sau khi bị Tú Bà lừa vào lầu xanh, Kiều buộc phải chấp nhận thân phận làm kĩ nữ, sống ở nơi tạp nham, phù phiếm. Thúc Sinh là một nhà buôn giàu có đã có vợ là Hoạn Thư, say mê Kiều, chuộc nàng ra khỏi chốn lầu xanh ăn chơi trụy lạc, cưới nàng làm vợ lẽ. Kiều khuyên Thúc Sinh trở về nói ra chuyện với người vợ cả là Hoạn Thư, mong được Hoạn Thư chấp nhận làm thiếp thất của Thúc Sinh. Đoạn trích là cảnh Kiều từ biệt Thúc Sinh để chàng trở về nhà, khắc họa khung cảnh và tâm trạng tiễn đưa, Nguyễn Du đã hóa thân thành nàng Kiều để cảm nhận và tái hiện cuộc chia tay một cách rõ nét hay đó chính là những lời độc thoại nội tâm của Kiều.

    Trước hết, hai câu thơ

    "Người lên ngựa, kẻ chia bào

    Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san"​

    Đã cho thấy hình ảnh của Thúc Sinh và Kiều lúc chia tay. Trong cả đoạn thơ này không còn một từ nào biểu thị sự gắn bó đôi lứa nữa. Kể cả câu thơ mở đầu đoạn trích "Người lên ngựa, kẻ chia bào" cho thấy sự li biệt trong lứa đôi, "người lên ngựa" là Thúc Sinh, "kẻ chia bào" là Thúy Kiều. Nhịp thơ 3/3 không phải tạo ra một cặp gắn kết mà tạo ra sự tan vỡ, câu thơ ngắt đôi để biểu hiện sự trái ngang chia rẽ, như muốn thể hiện rằng giữa Kiều và Thúc Sinh bây giờ là khoảng trống vắng, mỗi người một ngả. Đôi lứa đã vỡ ra thành "người" và "kẻ", hai nửa chia lìa, người đi, kẻ ở lại. "Bào" là áo choàng mặc ngoài của người đi xa. Câu thơ gợi lên hình ảnh người con gái đang níu lấy vạt áo của người ngồi trên ngựa, thể hiện nỗi lưu luyến, bịn rịn, níu kéo chưa nỡ chia xa của nàng trong cảnh chia tay. Phép đối trong câu thơ diễn tả cảnh chia li của kẻ đi – Thúc Sinh và người ở - Thúy Kiều, nhấn mạnh nỗi buồn thương, lo âu của nàng Kiều. Đọc "Truyện Kiều", ta thấy nàng Kiều khi chia tay Từ Hải thì dứt khoát, nhanh chóng, còn khi chia tay Thúc Sinh thì lưu luyến, buồn sầu, lo âu. Đó là bởi khi chia tay Thúc Sinh, nàng không biết có ngày trở lại hay không, tương lai mịt mờ, còn khi chia tay Từ Hải, chàng có hẹn ngày về với thái độ đầy tự tin và quyết tâm, tạo cho Kiều cảm giác an tâm, thanh thản.

    Câu thơ thứ hai "Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san" đã cho thấy khung cảnh thiên nhiên mùa thu với sắc màu li biệt. "Rừng phong" là hình ảnh đặc trưng của mùa thu ở TQ. Mùa thu sâu lắng, phảng phất nỗi buồn, tĩnh lặng phù hợp với khung cảnh chia tay của đôi lứa, càng làm nổi bật tâm trạng cảm xúc của con người. "Nhuộm" nghĩa là vừa phủ lên, vừa trải rộng khắp không gian. "Màu quan san" là màu đỏ của rừng phong mà mùa thu đã đem nhuộm cho núi rừng nơi cửa ải xa xôi. Và có lẽ, màu đỏ ấy cũng là màu trong đôi mắt Kiều khi tiễn Thúc Sinh trở về nhà. Màu sắc ấy ẩn dụ cho sự xa xôi, cách trở, cho con đường vắng vẻ, mịt mờ mờ chàng Sinh trở về. Màu đỏ của lá phong mùa thu dưới ngòi bút của Nguyễn Du trở thành "màu quan san", màu của biệt li, của xa xôi cách trở. Khung cảnh và màu sắc ấy là từ lòng người nhuộm lên thành màu sắc của cảnh vật, "màu quan san" còn có thể hiểu là màu của nhớ thương, chia xa, đợi chờ. Bút pháp tả cảnh ngụ tình mượn hình ảnh rừng phong vào mùa thu để thể hiện nỗi lòng, tâm trạng của con người, đôi lứa khi chia xa. Cảnh thiên nhiên dường như cũng mang tâm trạng giống như con người, cũng đau buồn khi thấy cảnh đôi lứa chia xa nhau.

    Hai câu thơ tiếp theo

    "Dặm hồng bụi cuốn chinh an

    Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh"​

    Là ánh mắt của Kiều dõi theo Thúc Sinh.

    Kiều dõi theo con đường mà chàng đi, "dặm hồng" là con đường có bụi màu hồng, "chinh an" là người đi trên đường xa. Đôi mắt Kiều nhìn theo TS đầy lưu luyến và lo âu, có cảm giác người đi mãi vào con đường dài của cuộc đời. Màu hồng của bụi đường cũng là màu của tình cảm, màu của hi vọng mà Kiều gửi gắm đến Thúc Sinh. Ánh mắt dõi theo đến mòn mỏi của Kiều được thể hiện qua hình ảnh "mấy ngàn dâu xanh". "Ngàn dâu xanh" vẫn luôn được coi là hình ảnh ước lệ trong thơ ca trung đại, thể hiện sự xa cách nghìn trùng, diễn tả nỗi buồn thương, vô vọng của người ở lại tiễn người ra đi. "Mấy ngàn" như nhân lên sự xa xôi, cách trở giữa Kiều và Thúc Sinh, nàng nhìn theo bóng Thúc Sinh đến khi chàng đi khuất hẳn và chỉ còn lại cảnh không gian mênh mông hiện ra trước mắt nàng. Hình ảnh này cũng gợi nhớ đến câu thơ trong "Chinh phụ ngâm" của Đoàn Thị Điểm:

    "Ngàn dâu xanh ngắt một màu

    Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?"​

    Cũng thể hiện sự chia li, tâm trạng nhớ thương của người phụ nữ đối với người thương nơi xa xôi. Nguyễn Du đã lấy lại hình ảnh "ngàn dâu xanh" để khắc đậm hơn vẻ sầu muộn, khiến không gian và tâm trạng nhân vật nhuốm màu u buồn.

    Có thể thấy, bốn câu thơ đầu đoạn trích là hình ảnh kẻ đi người ở trong khung cảnh chia tay, biệt li. Trên nền của hình ảnh thiên nhiên và bút pháp tả cảnh ngụ tình, câu thơ đã thể hiện nỗi buồn của sự xa cách, tâm trạng lưu luyến, lo âu và những dự cảm về sự đổi thay của cuộc đời trong tâm trạng Kiều.

    Trong bốn câu thơ cuối đoạn trích, tâm trạng, nỗi lòng của con người sau khi chia tay được nhà thơ thể hiện một cách tinh tế, rõ nét. Hai câu thơ

    "Người về chiếc bóng năm canh

    Kẻ đi muôn dặm, một mình xa xôi"​

    Là hình ảnh của Thúc Sinh và Kiều trong sự cô đơn, trống trải. Biện pháp đối giữa "người về" – "kẻ đi" tạo sự xa cách giữa Kiều và Thúc Sinh. Hình ảnh ẩn dụ "chiếc bóng năm canh" cho thấy Kiều một mình lẻ loi, "chiếc bóng" gợi ra cảnh người con gái vò võ, khắc khoải, âm thầm đợi chờ. "Năm canh" là từ chỉ thời gian. Người xưa coi một đêm có năm canh giờ. "Chiếc bóng năm canh" là hình ảnh nàng Kiều thao thức trong đêm khuya tĩnh vắng, trông mong, nhớ thương, đợi chờ Thúc Sinh. Cùng tình cảnh với Kiều là chàng Thúc Sinh một mình trên con đường xa xôi đằng đẵng nghìn trùng cách trở "Muôn dặm xa xôi". Câu thơ vẽ ra hai hình ảnh một người ở lại với chốn phong trần, một người ra đi trên con đường xa xôi lẻ bóng một mình.

    Hai câu thơ cuối là giọng điệu xót xa bởi hạnh phúc bị chia cắt trong cảm nhận của Kiều:

    "Vầng trăng ai xẻ làm đôi

    Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường."​

    Câu hỏi tu từ "Vầng trăng ai xẻ làm đôi" dường như không có lời hồi đáp, không ai trả lời. Hình ảnh "vầng trăng" trong văn học được coi là biểu tượng của sự viên mãn, hạnh phúc, của tình yêu đôi lứa tràn đầy. Câu thơ còn là lời tự hỏi đầy ai oán, xót thương. Nỗi sầu chia phôi nhuộm màu thiên nhiên, theo vó ngựa loang khắp không gian, và bây giờ theo với vầng trăng đã giăng mác cả trong bầu trời. Dường như cả vũ trụ đã nhuốm màu chia li. Câu thơ cuối sử dụng phép đối đã vẽ ra tình cảnh của Kiều và Thúc Sinh, đôi người đôi ngả. Vầng trăng xẻ nửa là vầng trăng tượng lên sự chia ly, không trọn vẹn, không hạnh phúc; nhưng vầng trăng ấy lại sáng soi vằng vặc và đầy thương cảm, nửa cho chiếc gối cô đơn khôn nguôi thao thức của nàng Kiều, nửa cho dặm đường xa xôi vời vợi của Thúc Sinh. Cả hai cùng lẻ loi nhưng nhiều hơn ở Kiều là những dự cảm chẳng lành về tương lai và có lẽ, nàng đã thấm thía nỗi bất hạnh khi chia tay Kim Trọng, đổ vỡ mối tình đầu. Bây giờ Kiều lại càng lo lắng, bất an sau khi chia tay Thúc Sinh và cuộc chia tay này lại cũng đổi vỡ, ước mong được hạnh phúc với Kiều đã không thành hiện thực. Những dự cảm của Kiều trong cảnh chia tay là sự tinh tế của một người con gái luôn khát khao và trân trọng hạnh phúc nhưng cuộc đời lại đầy những éo le, bi kịch, ngang trái. Điều này cũng cho thấy ngòi bút tài hoa, tinh tế của đại thi hào Nguyễn Du, ông hiểu được tâm trạng sâu kín, đồng cảm với số phận của con người.

    Đoạn trích tám câu trên đã thể hiện khát vọng hạnh phúc của Kiều và sự cảm thông, trân trọng của Nguyễn Du trước cuộc đời và số phận nhiều trắc trở, lênh đênh chìm nổi giữa cuộc bể dâu của nàng Kiều. Điều này cũng cho thấy tư tưởng nhân đạo lớn lao của Nguyễn Du và giá trị hiện thực của đoạn trích, cảnh Thúc Sinh và Kiều chia tay nhau là những mất mát, khổ đau trong cuộc sống. Đoạn thơ có sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình, phép đối, biện pháp ẩn dụ, ngôn ngữ độc thoại nội tâm để diễn tả một cách rõ nét, tinh tế tâm trạng của nàng Kiều khi chia tay Thúc Sinh. Từ đó người đọc hiểu hơn về cuộc đời hồng nhan bạc phận của người con gái hiếu thảo, tình nghĩa như Kiều.
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng mười một 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...