Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, trích Truyện Kiều - Nguyễn Du

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ng Mai Anh, 6 Tháng một 2024.

  1. Ng Mai Anh

    Bài viết:
    2
    Có ai đó đã từng nói rằng: "Thiên nhiên không chỉ là một cảnh sắc, mà nó còn là nguồn sống cho tâm hồn con người." Thật vậy, thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô biên của các thi nhân Việt Nam từ xưa đến nay. Tâm hồn con người tìm thấy niềm an ủi và sức sống trong vẻ đẹp khiêm tốn của thế giới tự nhiên. Giống như những vị khách danh dự, những người thợ luyện chữ đáng kính này đã tìm nơi ẩn náu trong vòng tay của thiên nhiên, trút những cảm xúc chân thành của họ lên bức tranh của sự tồn tại. Đại thi hào Nguyễn Du không chỉ đi sâu vào thiên nhiên trong tác phẩm "Truyện Kiều" mà tác giả còn khám phá một khía cạnh độc đáo và lạ lẫm của thiên nhiên, thứ cộng hưởng với tâm hồn của chính Nguyễn Du. Bằng ngòi bút điêu luyện, Tố Như đã nắm bắt một cách điêu luyện cái chất của cảnh vật, tạo nên một nét tả tình tinh tế. Tám câu thơ cuối của đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" hòa quyện vào nhau các chủ đề cảnh, tình và ý thơ để lại cho người đọc sự bâng khuâng mà mê mẩn. Vì thế mà có ý kiến cho rằng: "Ngòi bút của Nguyễn Du hết sức tinh tế khi tả cảnh cũng như khi ngụ tình. Cảnh không đơn thuần là bức tranh thiên nhiên mà còn là bức tranh tâm trạng. Mỗi biểu hiện của cảnh phù hợp với từng trạng thái của tình".

    Nguyễn Du là bậc thầy ngôn từ của thơ ca Việt Nam, là ngòi bút thiên tài trong việc sử dụng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình để nói lên tâm trạng nhân vật. Bút pháp tả cảnh ngụ tình ở đây được hiểu là mượn cảnh vật để gửi gắm tâm trạng con người. Cảnh không chỉ là bức tranh tâm trạng của mình, trong tình có cảnh, trong cảnh có tình. Vì vậy mà Nguyễn Du đã đưa ra quan điểm của mình khi ông tả cảnh:

    "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

    Người buồn người có vui đâu bao giờ"

    Với ngòi bút điêu luyện, tinh tế trong lối miêu tả cảnh ngụ tình đã đưa tâm hồn con người hòa vào cảnh vật thiên nhiên, đồng thời lấy hình ảnh con người soi chiếu vào tâm hồn, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa người và cảnh. Vì vậy mà trong thiên truyện, mỗi bước chân của Kiều đều gắn với hình ảnh thiên nhiên. Trong truyện Kiều, nghệ thuận tả cảnh ngụ tình được áp dụng muôn hình vạn trạng, mỗi một bức tranh thiên nhiên lại gắn với một tâm trạng của Kiều, soi rọi vào nhân vật, giúp cho nhân vật gửi gắm tâm trạng của mình. Nghệ thuật ấy đã vẽ nên bức tranh tả cảnh ngụ tình đạt đến tuyệt bút. Người đọc không thể quên được bức tranh hòa quyện tình và cảnh trong đoạn: "Kiều ở lầu Ngưng Bích".

    [​IMG]

    Nhà phê bình văn học Hoài Thanh khi nói về thiên nhiên với tư cách là một nhân vật, đã viết: "Có thể nói thiên nhiên trong" Truyện Kiều "cũng là một nhân vật – một nhân vật thường kín đáo, lặng lẽ nhưng không mấy khi không xuất hiện và luôn thấm đượm tình người". Có lẽ muốn nói đến sự có mặt xuyên suốt, chân thực, sinh động và ấn tượng với bạn đọc như những gì Nguyễn Du xây dựng về con người. Điều đó nghĩa là, thiên nhiên không chỉ là cái bình phong, là hình thức để Nguyễn Du ngụ tình mà thiên nhiên là đối tượng thứ nhất có một vẻ đẹp tự thân, hiện lên chân thực, có hồn, thể hiện tình yêu, cái đẹp và tạo vật của thi hào Nguyễn Du. Nguyễn Du đã thể hiện tình yêu thắm thiết với thiên nhiên, tạo vật và qua thiên nhiên, thể hiện tình yêu thắm thiết với cuộc sống con người.

    Thiên nhiên là một thế giới tươi đẹp, một thế giới sống động của màu sắc, đường nét và âm thanh. Cái đẹp trong thiên nhiên là vẻ đẹp được tạo hóa ban tặng trong dòng chảy ngọt ngào giữa trần gian. Thiên nhiên mở ra trước mắt ta một thế giới phong phú và thơ mộng khơi dậy những cảm xúc nồng nàn, chân thật trong tâm hồn mỗi người nghệ sĩ. Với ngòi bút trữ tình đằm thắm của Nguyễn Du để lại ấn tượng khó phai trên những trang viết Kiều - một bóng dáng nên thơ của thiên nhiên. Đọc "Truyện Kiều", ta như đắm chìm trong một thế giới diệu kỳ, biết trân trọng và đánh giá cao vẻ đẹp tinh hoa của vạn vật. Nguyễn Du đã để lại cho đời một bức tranh sống động và đậm chất nhân văn bằng nét bút tài hoa và phong cách "tả cảnh ngụ tình" đầy sáng tạo của mình.


    Lao động của nhà văn là một hoạt động tinh thần đầy khổ luyện. Để có những tác phẩm hấp dẫn thì nhà văn phải lặn lội với đời. Và nói như Chế Lan Viên: "Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn". Chính những năm tháng thăng trầm, biến đọng cua lịch sử đã góp phần giúp Nguyễn Du – nhà thơ "đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy những vang động của đời" (Nam Cao) sáng tác nên kiệt tác "Truyện Kiều". Truyện được viết vào khoảng nửa đầu thế kỉ XIX (1805-1809). Đay là tác phẩm tiêu biểu nhất của thể loại thơ Nôm được viết bằng thể thơ lục bát, gồm 3254 câu. Và "Truyện Kiều" xứng đáng là "thiên cổ văn chương thiên cổ sư", là đỉnh cao của văn học dân tộc, là tinh hoa văn hóa tỏa sáng muôn đời. Một trong những tác phẩm đặc sắc nhất có thể kể đến là đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích".

    Mộng Liên Đường chủ nhân trong lời tựa Truyện Kiều đã viết: "Lời văn tả ra hình như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thìa, ngậm ngùi, day dứt đến đứt ruột". Quả thật là như vậy, để diễn tả tâm trạng cô đơn buồn tủi, tuyệt vọng của Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc "tình trong cảnh ấy cảnh trong tình này". Ở tám câu thơ cuối trong đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích", nhà thơ đã dựng lên một bức tranh tâm trạng đầy xúc động của Thúy Kiều qua nhiều cung bậc khác nhau. Một mình giữa không gian mênh mông, Kiều thấy bơ vơ quá! Cảnh vật rợn ngợp bị xé lẻ, chia cắt đẩy nỗi cô đơn của Kiều lên đến đỉnh điểm. Cảnh vật đó được nhìn qua tâm trạng đau đớn, ê chề của nàng. Trong hoàn cảnh cô đơn tội nghiệp đó, nỗi nhớ nhà lại cồn cào mạnh mẽ.

    Chính trong hoàn cảnh cô đơn nơi đất khách quê người, tâm trạng của Kiều chuyển từ buồn bã sang nhớ thương. Kiều nhớ người yêu, nhớ cha mẹ. Nỗi nhớ ấy được Nguyễn Du miêu tả xúc động bằng những lời độc thoại nội tâm của chính nhân vật. Đoạn thơ này được xem là kiểu mẫu của lối thơ tả cảnh ngụ tình trong văn chương cổ điển. Để diễn tả tâm trang Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng những ngôn từ hết sức điêu luyện:


    "Buồn trông cửa bể chiều hôm

    Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

    Buồn trông ngọn nước mới sa

    Hoa trôi man mác biết là về đâu?

    Buồn trông nội cỏ dầu dầu

    Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

    Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

    Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"

    Đây là 8 câu thơ thực tả cảnh vật mà cũng là miêu tả tâm cảnh. Mỗi biểu hiện của cảnh đồng thời là một ẩn dụ về tâm trang người, mỗi một cảnh lại khơi gợi ở Kiều những nỗi buồn khác nhau. Trong khi nỗi buồn đã đầy ắp tâm trạng, để rồi tình buồn lại tác động vào cảnh, khiến cảnh mỗi lúc lại buồn hơn, nỗi buồn mỗi lúc một ghê gớm, mãnh liệt hơn,

    Cách sử dụng ngôn ngữ độc thoại, điệp ngữ song hành của nguyễn Du đạt đến trình độ nhuần nhị, điêu luyện hiếm có. Bốn bức tranh, bốn nỗi buồn đều được tác giả khắc họa qua điệp từ "buồn trông" đứng đầu mỗi câu có nghĩa là buồn mà trông ra bốn phía, mong ngóng có cái gì đó mơ hồ sẽ đến làm thay đổi hiện tại. Thế nhưng, Thúy Kiều càng trông mong càng vô vọng. Bởi thế, trong tâm trạng hỗn độn ấy, có cái thảng thốt lo âu, có cái xa lạ hút tầm nhìn, có cả dự cảm hãi hùng về tương lai của thiếu nữ ngây thơ lần đầu lại bước giữa cuộc đời ngang ngược.

    Trước hết đó là bức tranh nói về cuộc đời của Thúy Kiều:


    "Buồn trông cửa bể chiều hôm,

    Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa."

    Câu thơ mở ra thời gian chiều tà gợi lên cảm giác cô đơn, nhung nhớ của người xa quê. Thời gian chiều hôm gợi lên cảnh sum họp gia đình, là chim rừng về tổ, là thuyền về bến thế nhưng Kiều vẫn bơ vơ lạc lỏng nơi đất khách quê người. Đôi mắt Kiều như kiếm tìm một mối tâm giao nhưng nàng chỉ thấy: "Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?". Tưởng chừng như Kiều đã tìm thấy một mối tâm giao nhưng cánh buồm ấy "thấp thoáng", "xa xa" như lúc ẩn, lúc hiện và nhạt nhòa trên biển khơi mênh mông trong buổi chiều hôm càng khiến nàng nhớ nhà, nhớ quê hương hơn bao giờ hết. Và chính cánh buồm lẻ loi ngoài khơi xa cũng chính là ẩn dụ cho thân phận lênh đênh chìm nổi của Kiều? Cũng giống như cánh buồm, nàng cũng lẻ loi cô đơn ở nơi đây. Cánh buồm kia rồi cũng có ngày cập bến, chỉ có nàng biết đến bao giờ mới được trở về quê hương để gặp lại những người thân. Càng tủi thân, Kiều càng cố kiếm tìm nhưng tất cả thật phủ phàng. Cụm từ "Thuyền ai" tức là chỉ có một thuyền, chứ không phai đoàn thuyền đông đúc, tấp nập từ bến trở về để gợi lên một điều vui vẻ như trong bài thơ "Quê hương" – Tế Hanh viết:

    "Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

    Khắp dân làng tấp nập đón nghe về."

    Càng trông càng thấy rời xa. Cuối tầm nhìn, con thuyền gần như mất hút trong không gian vô tận. Kiều nơi đất khách quê người, phận đời lênh đênh không biết bao giờ mới được trở vẻ sum họp đoàn tụ với những người thân yêu. Quá hụt hẫng, nàng đưa tầm nhìn về với dòng nước trôi:

    "Buồn trông ngọn nước mới sa

    Hoa trôi man mác biết là về đâu?"

    Nhìn thấy ngọn nước sông từ trên cao đổ xuống bể, trong ảo giác của Kiều hiện ra một bông hoa đang bị một dòng nước cuốn đi, rồi trên mặt nước mênh mông kia "hoa trôi man mác" là hoa cứ âm thầm theo dòng nước cuốn đi, đi mãi.. nào ai biết hoa sẽ dạt về đâu? Cánh hoa ấy phải chăng cũng như số phận nàng giờ đây, rơi vào chốn tủi nhục, vào dòng nước xoáy, không thể thoát ra nổi, cũng chẳng "biết là về đâu". Cánh hoa ấy quá yếu đuối, sa vào dòng nước này, nó chẳng thể thoát ra nổi, lang thang vô định, bị vùi cho tan nát giữa dòng đời. Từ láy "man mác" đã gợi tả cánh hoa trôi nhẹ nhàng, lững lờ, buông xuôi theo dòng nước chảy đồng thời diễn tả nỗi buồn vời vợi. Nhìn cảnh đó, Thúy Kiều lại càng buồn hơn. Phải chăng những cánh hoa kia cũng chính là ẩn dụ cho thân phận cuộc đời mình . Kiều cũng chỉ là cánh hoa mỏng manh, yếu ớt, trôi nổi, bị cuộc đời vùi dập không biết đi đâu về đâu. Cuộc đời Kiều giờ đây cũng như cánh hoa trôi phải phụ thuộc vào dòng nước, nàng cũng không thể quyết định được tương lai, số phận của mình, phải phó mặc cho dòng đời. Câu hỏi tu từ cuối câu thơ như xoáy vào tâm can Kiều mà không bao giờ có lời giải đáp.

    Cũng trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du viết:

    "Thoắt mua về, thoắt bán đi,

    Mây trôi, bèo nổi biết là gì đâu."

    Hay trong ca dao ngày xưa cũng nói lên thân phận mỏng manh, "Ba chìm bảy nổi" của người phụ nữ phong kiến:

    "Thân em như trái bần trôi,

    Gió dập, sóng dồi biết tấp vào đâu?"

    Đến câu thơ tiếp theo chính là bức trang mịt mờ, vô vọng của Thúy Kiều; đồng thời còn cho thấy rõ sự cô đơn, nhỏ nhoi của thân phận người phụ nữ:

    "Buồn trông nội cỏ rầu rầu

    Chân mây mặt đất một màu xanh xanh"

    Cả một nội cỏ trải ra mênh mông nhưng khác với đồng cỏ xuân đầy sức sống và niềm vui của chị em Kiều đi dự hội ngày xuân: "Cỏ non xanh tận chân trời", mà là dồng cỏ cuối mùa, cũng đang buồn bã, "rầu rầu" như chính lòng người ngắm cảnh. Từ láy "xanh xanh" gợi một màu xanh nhợt nhạt, nhạt phai. Và có lẽ cái màu "xanh xanh" ấy là cái màu của tâm trạng được nhìn từ đôi mắt đẫm ướt khổ đau. Cũng viết về màu xanh của cỏ nhưng Hàn Mặc Tử viết không phải là màu xanh nhợt nhạt mà đó là một màu xanh đầy sức sống: "Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời, /Bao cô thôn nữ hát trên đồi". Phải chăng Thúy Kiều nhìn đám cỏ ấy, liên tưởng đến cuộc đời mình rồi cũng bị lụi tàn, héo hon theo năm tháng ở nơi đây. Cái màu xanh nhạt nhòa của chân mây, mặt đất hay chính là tương lai mờ mịt vô vọng của cuộc đời nàng. Bởi thế, tâm trạng của nàng lại càng chán nản buồn lo.

    [​IMG]

    Nếu ba bức tranh đầu kia, cái buồn chỉ là chút vương vấn, tăng dần theo khung cảnh, chưa thực sự hẳn là buồn thì ở bức tranh này, cái nỗi buồn ấy mới thực là thấm thía tim gan:

    "Buồn trông gió cuốn mặt duềnh.

    Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi."

    Đang sống trong tâm trạng chán nản tuyệt vọng như thế, đôi mắt Kiều chợt gặp cảnh "gió cuốn mặt duềnh", tức là cảnh một cơn gió lớn thổi mạnh, nước ở vụng bể (chỗ bể ăn sâu vào đất liền) bị đổ xuống, xô mạnh vào bờ, tạo ra những luồng sóng lớn, vỗ kêu ầm ầm và vang vọng rất xa. Nhìn "gió cuốn mặt duềnh" và nghe tiếng sóng vỗ ầm ầm bên tai, Kiều bừng tỉnh cơn mê muội đã lôi cuốn nàng chìm đắm mãi trong nỗi u sầu tuyệt vọng bấy nay. Nhắc đến sóng thì ta không thể nào không nhắc đến bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của tác giả Huy Cận: "Sóng đã cài thèn đêm sập cửa". Nhưng sóng mà Huy Cận viết nó không phải là ẩn dụ cho những cơn sóng của số phận sắp bị chôn vùi mà đó là hình ảnh nhân hóa khắc họa những con sóng xô vào bờ như những chiếc then cửa của vũ trụ để chìm vào trạng thái nghỉ ngơi, thư giãn.

    Tiếng sóng dữ dội ấy dường như đang vây quanh Kiều. Nàng thấy mình chẳng còn ngồi trong lầu Ngưng Bích "khóa xuân" ấy nữa mà ngồi giữa mặt biển, nghe tiếng sóng vỗ đang gào thét quanh mình. Trong lòng nàng chợt dâng lên một nỗi lo lắng, cảm khái, sợ hãi trước tương lai. Những con sóng ấy phải chăng là sóng gió của cuộc đời đang bủa vây lấy nàng, tâm hồn nàng, nhìn nàng mà cuồng nộ? Hay phải chăng đó cũng là lời của Nguyễn Du muốn báo trước cho nàng về số mệnh của người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh ấy?

    Cảnh được miêu tả từ xa đến gần; màu sắc từ nhạt đến đậm; âm thanh từ tĩnh đến động; nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ, dồn đến cơn bão táp của nội tâm, cực điểm của cảm xúc trong lòng Kiều. Toàn là hình ảnh về sự vô định, mong manh, sự dạt trôi, bế tắc, sự chao đảo nghiêng đổ dữ dội. Lúc này, Kiều trở nên tuyệt vọng, yếu đuối nhất, vì thế nàng đã mắc lừa Sở Khanh để rồi dấn thân vào cuộc đời ô nhục.

    Nếu như Nguyễn Du khắc họa bức tranh thiên nhiên trong "Kiều ở lầu Ngưng Bích" để từ đó ẩn dụ cho số phận mong manh, "ba chìm bảy nổi" của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến thì đến với thơ của Bà Huyện Thanh Quan để phác họa bức tranh thiên nhiên trong bài thơ "Qua đèo Ngang" vô cùng sống động, tuyệt đẹp, nhẹ nhàng thoáng qua như nét cọ của một họa sĩ tài hoa đã thâu tóm cái hồn của cảnh vật:


    "Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

    Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

    Lom khom dưới núi tiều vài chú

    Lác đác bên sông chợ mấy nhà"

    Bà đã hướng ngòi bút của mình vào những cảnh vật nhỏ bé, bình dị vẫn thường giấu mình trong cuộc sống hằng ngày quen thuộc, đó là cảnh chiều tà, cảnh hoàng hôn, là cỏ cây, hoa lá.. Thiên nhiên trải ra trước mắt tác giả bao la, tràn đầy âm thanh, màu sắc. Thiên nhiên có sự hòa quyện vào nhau, điểm xuyết cho nhau (cỏ cây chen đá, lá chen hoa) trong ánh chiều vang vọng tiếng chim, rồi thêm vào đó là sự xuất hiện bóng dáng con người (tiều vài chú) càng làm cho khung cảnh thêm có hồn.

    Có thể nói, nếu chọn một đoạn tiêu biểu cho bút pháp tả cảnh ngụ tình thì chính "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là đoạn thơ tiêu biểu bậc nhất. Đoạn thơ "Kiều ở lầu Ngưng Bích" quả thật là một bức tranh tâm tình đầy xúc động. Với cách lựa chọn hình ảnh thiên nhiên giàu sức gợi cảm, ngôn ngữ độc thoại nội tâm và các điển tích, sử dụng điệp ngữ, từ láy, câu hỏi tu từ cùng với bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, nhà thơ đã diễn tả chân thực, cụ thể, tinh tế, diễn biến tâm trạng của nàng Kiều khi phảỉ sống ở lầu Ngưng Bích. Đó là nỗi cô đơn, buồn tủi, thương nhớ người thân tha thiết, nỗi buồn lo, hãi hùng. Nhà thơ đã thấu hiểu tâm trạng của Kiều cũng có nghĩa là nhà thơ đồng cảm với nhân vật, cảm thông chia sẻ với nỗi đau của Kiều. Đó chính là biểu hiện của giá trị nhân văn cao đẹp và tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Vì thế đọc đoạn trích này ta thấy Nguyễn Du xứng đáng được tôn vinh là "người có con mắt nhìn thấy sáu cõi có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời".


    "Truyện Kiều" là một kiệt tác văn học nhưng dường như cũng là một kiệt tác hội họa, Nguyễn Du đã tạo nên những bức tranh thiên nhiên sống động, phong phú và có hồn. "Thơ là thơ, nhưng cũng là nhạc, là họa, là điêu khắc, một cách rất riêng" (Sóng Hồng). Thiên nhiên trong "Truyện Kiều" chứa đầy những tình cảm của con người, thiên nhiên như người bạn tri kỉ, người bạn đời, thấu hiểu lòng người. Với việc sử dụng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình độc đáo của Nguyễn Du, thể hiện sự cảm thông, đồng cảm với nhân vật của đại thi hào dân tộc. Từ đây ta có thể thấy giá trị nhân văn sâu sắc của "Truyện Kiều".

    Có thể nói thiên nhiên luôn là hình ảnh thân gần, gắn bó với mỗi chúng ta, nó không chỉ là khung cảnh gần gũi trong cuộc sống đời thường mà đã đi vào văn học, cụ thể đi vào "Truyện Kiều". Nguyễn Du đã mượn thiên nhiên làm nền cho truyện và cũng biến thiên nhiên thành một nhân vật, mang tâm sự, nỗi lòng của con người. Ngòi bút thơ của Nguyễn Du tài hoa, điêu luyện khi dựng lên hình ảnh thiên nhiên. Thiên nhiên mãi là hình ảnh, là nhân vật không thể thiếu trong "Truyện Kiều". "Truyện Kiều" mãi mãi là viên ngọc quý, là cuốn sách gối đầu giường của mõi chúng ta.
     
    Last edited by a moderator: 6 Tháng một 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...