Phân tích đoạn một bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi YenOanh099, 31 Tháng năm 2021.

  1. YenOanh099

    Bài viết:
    41
    Phân tích đoạn một bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.

    Tác giả: YenOanh099


    Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, vừa làm thơ, viết văn, vừa vẽ tranh, soạn nhạc. Với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, Quang Dũng có các tác phẩm nổi tiếng như: Mây đầu ô, Thơ văn Quang Dũng.. Trong đó, "Tây Tiến" là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp.

    [​IMG]

    Tây Tiến ở đây là tên một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1948 với nhiệm vụ phối hợp với lực lượng yêu nước Lào lập chính quyền ở Sầm Nưa (Thanh Hóa) giữ vững địa bàn miền Tây. Quang Dũng viết "Tây Tiến" khi tác giả chuyển sang đơn vị khác và nhớ về đơn vị cũ. Vì nhớ da diết nên cảm hứng bao trùm bài thơ cũng đều là nỗi nhớ: Nhớ về đồng đội, nhớ về những kỉ niệm cùng đồng đội hành quân qua thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ, hoang sơ vừa thơ mộng, trữ tình, lại nhớ về những con người Tây Bắc và những đêm liên quan trong ánh lửa tình người. Những kỉ niệm đó đều được khắc sâu trong tâm trí tác giả, mà đặc biệt là kỉ niệm về chặng đường hành quân qua Tây Bắc hùng vĩ, hoang vu trong đoạn một của tác phẩm.

    Thiên nhiên Tây Bắc, qua ngòi bút lãng mạn của Quang Dũng, được cảm nhận vừa đa dạng vừa độc đáo, hùng vĩ mà thơ mộng, hoang sơ mà ấm áp. Mở đầu đoạn là câu cảm thán:

    "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!"

    Câu thơ vừa như lời tâm sự, vừa như lời gọi thể hiện tình cảm sâu nặng của nhà thơ. Quang Dũng đã gọi tên "sông Mã", một hình ảnh tượng trưng của thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ. Sông Mã là con sông với dòng chảy uốn lượn bắt nguồn từ Điện Biên và Lào - vùng có nhiều núi đồi cheo leo, hiểm trở. Còn đối với đơn vị Tây Tiến, sông Mã là con sông nằm trong lộ trình hành quân và gắn liền với nhiều kỉ niệm. Khi đơn vị Tây Tiến giải thể, cũng là lúc họ phải rời xa nơi này. Nơi mà họ đã trải qua bao tháng ngày gian khổ, hi sinh mà thắm đượm tình đồng đội. Tác giả lại đặt chữ "xa rồi" ở giữa "sông Mã" và "Tây Tiến" tạo nên sự gắn bó chặt chẽ, tuy hai mà một, khi xa sông Mã cũng là khi phải rời xa Tây Tiến. Cảm xúc theo đó cũng dâng trào đến nổi không kìm nén được bật lên thành tiếng "Tây Tiến ơi!".

    Với Quang Dũng, sự khắc nghiệt của thiên nhiên Tây Bắc khiến người lính Tây Tiến phải chịu biết bao khổ cực nhưng cũng để lại trong họ một nỗi nhớ tha thiết:

    "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"

    Điệp từ "nhớ" được nhắc lại hai lần trong một dòng thơ kết hợp với từ láy "chơi vơi" để cụ thể hóa về một nỗi nhớ rất thực, gây ấn tượng về một nỗi nhớ dào dạt, lắng động trong con người từng sống và gắn bó với dòng "sông Mã", với đoàn binh Tây Tiến. Nỗi nhớ như có hình, có ảnh, nó da diết nghìn trùng, nó bao trùm cả không gian và thời gian. Chữ "chơi vơi" lại hiệp vần với chữ "ơi" ở câu cảm thán càng làm cho tiếng lòng thêm vang vọng giữa núi rừng Tây Bắc.

    Miền đất Tây Bắc này rộng lớn với các địa hình xa xôi, hoang sơ và đầy bí ẩn:

    "Sài Khao sương lắp đoàn quân mỏi

    Mường Lát hoa về trong đêm hơi"

    Những địa danh như Sài Khao, Mường Lát được tái hiện lại với những đặc điểm riêng: Sài Khao thì có "sương", Mường Lát thì có "hoa" có "đêm hơi". Với hình ảnh "sương lấp", người đọc có thể tưởng tượng được độ cao của địa hình Tây Bắc, càng cao càng lạnh nên thường có sương dày. Mật độ sương dày đến mức che mất đi đoàn quân. Điểm đặc biệt là động từ "lấp" làm người ta hình dung ra được mật độ sương không chỉ dày mà còn rất dày, che khuất tầm nhìn, tưởng như có thể lấp được đoàn quân như đất đá lấp người. Cùng với đó là hình ảnh "đêm hơi", không biết là về đêm, hơi đất bốc lên hay hơi sương của núi rừng nhưng dù là hơi nào cũng đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Từ đó khắc họa được điều kiện thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên Tây Bắc khiến cho "đoàn quân mỏi". Nhưng khi hình ảnh nhân hóa "hoa về" hiện lên thì cái đẹp, cái thơ mộng cũng bắt đầu hiện ra. Ở điều kiện thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt như thế mà vẫn ẩn hiện cái đẹp, thì chắc rằng người làm thơ cũng có một tâm hồn lãng mạn. "Hoa" như một người bạn đồng hành luôn cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân Tây Tiến. Từ đó thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin của họ trong hoàn cảnh gian khổ.

    Tinh thần đó giúp đoàn quân Tây Tiến tiếp tục cuộc hành trình phía trước:

    "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

    Heo hút cồn mây súng ngửi trời

    Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

    Anh bạn dãi dầu không bước nữa

    Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

    Chiều chiều oai linh thác gầm thét

    Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"

    Đến những câu thơ này, sự hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc mới thật sự rõ ràng. Tây Bắc nhiều vực sâu, lắm dốc lại thường xuyên mưa nguồn thác lũ. Để miêu tả một cách ấn tượng về Tây Bắc, Quang Dũng đã dùng nhiều từ láy tượng hình: Khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút cùng cách ngắt nhịp 4/3 tách biệt hai vế gợi địa hình cao mà chỉ toàn dốc là dốc. Sử dụng điệp từ "Dốc" gối lên nhau dựng nên hình ảnh một con đường hoang vắng, quanh co lại dài vô tận. Những con đường triền dốc "khúc khuỷu", ngoằn nghoèo với những lát cắt địa hình núi trẻ (núi trẻ là địa hình núi điển hình của vùng núi Tây Bắc). Cao như thế, cho nên lại càng sâu "thăm thẳm" khiến người ta rợn người. Câu thơ "Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống" lại bị bẻ đôi ra tạo cảm giác chênh vênh, trắc trở theo thế núi, thế đèo, theo bước chân hành quân của người lính Tây Tiến. Một Tây Bắc hiểm trở, dữ dội còn được thể hiện nhiều thanh trắc trên câu thơ "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm". Cùng với các hình ảnh tương phản giữa "Ngàn thước lên cao" với "ngàn thước xuống", giữa "Dốc lên khúc khuỷu" với "dốc thăm thẳm" càng làm nổi bật những đường gấp khúc, tạo nên những dàn núi cao sừng sững. Một Tây Bắc còn dữ dội hơn nhiều bởi những âm thanh ghê rợn "Thác gầm thét", của "Cọp trêu người" vào mỗi buổi "chiều chiều, đêm đêm" đe dọa đến tính mạng của con người. Đó chính là quyền uy của tạo hóa, thách thức tinh thần người lính Tây Tiến.

    Thiên nhiên mặc dù được Quang Dũng tái hiện rất chân thực bởi bút pháp tả thực nhưng trong đó vẫn thấy được hàng loạt thủ pháp đối lập của cảm hứng lãng mạn.
    Bức tranh thiên nhiên tuy hiểm trở, đầy rẫy hiểm nguy nhưng cũng thật đẹp, thật hùng vĩ!

    Một khung cảnh núi non trùng điệp, tầng tầng lớp lớp, xung quanh lại có mây bao phủ, trên màu xanh thẳm của núi rừng lại được họa thêm màu trắng của mây. Khung cảnh đẹp đẽ, mĩ lệ đến lạ thường. Khiến người ta nguyện đắm mình cảm nhận cảm giác sợ hãi lại phấn khích vô cùng.

    Có thể thấy, đối với người lính Tây Tiến, sự khó khăn, gian khổ không làm họ chùng bước. Ở họ vẫn ẩn hiện cái chất lãng mạng, tinh nghịch vốn có của những tràng trai trẻ:

    "Heo hút cồn mấy súng ngửi trời"

    Không gian mở ra theo một điểm nhìn khác: Từ trên cao nhìn xuống. Ở trên cao xuất hiện những cồn mây trắng, không gian hoang sơ, "heo hút". Điểm đặc sắc nhất trong câu thơ là hình ảnh nhân hóa "súng ngửi trời". Đây là một phép so sánh, liên tưởng độc đáo, mới lạ. Cây súng vác trên vai người lính lúc này đây như "ngửi trời", chạm tới trời. Cách so sánh khiến người đọc hình dung ra độ cao định hình, cao tưởng như súng có thể chạm trời mà còn thấy được tinh thần lạc quan, trẻ trung của Quang Dũng thông qua sự liên tưởng tinh nghịch, thú vị này. Đồng thời, còn nâng lên tầm vóc kì vĩ của con người. Những con người oai phong, lẫm liệt, kiêu hùng và coi thường hiểm nguy khi hành quân trên chặn đường gian khổ.

    Trong chặn đường này, bởi vì quá khắc nghiệt nên không tránh khỏi sự hi sinh. Khi tác giả nhớ về vùng đất nơi đoàn binh Tây Tiến đã từng chiến đấu cũng là khi tác giả nhớ về đồng đội của mình:

    "Anh bạn dãi dầu không bước nữa

    Gục lên súng mũ bỏ quên đời!"

    Quang Dũng dùng cách nói giảm qua hình ảnh "bỏ quên đời" để nói về một trường hợp hi sinh: Người lính đã ngã xuống vì kiệt sức trên đường hành quân. Nghệ thuật nói giảm đã bình thường hóa cái chết, làm giảm đi sự đau đớn khi nói về cái mất mác, sự hi sinh. Bức chân dung kiêu hùng của người lính Tây Tiến cũng phù hợp với không khí thời đại, của đất nước khi bước vào cuộc chiến khốc liệt.

    Mặc dù khốc liệt như thế nhưng Tây Bắc vẫn thơ mộng, vẫn ấm áp. Sống gắn bó với Tây Bắc khoảng thời gian khá dài, Quang Dũng có nhiều sự phát hiện mới mẻ về vùng đất ấy. Vùng biên giới Việt - Lào không chỉ hiện lên với chốn rừng thiêng nước độc mà còn là mảnh đất giàu chất thơ và nhiều kỉ niệm:

    "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

    Câu thơ toàn thanh bằng gợi cảm giác nhẹ nhỏm, bình yên lại lãng mạn của núi rừng. Nơi "Pha Luông" thấp thoáng những ngôi nhà đang bồng bềnh trôi giữa biển khơi. Một không gian mở rộng mênh mông, mới mẻ với những cơn mưa, ấm cúng với những mái nhà ai thấp thoáng giữa núi rừng hoang vu, hẻo lánh.

    Để rồi làm dâng lên nỗi nhớ da diết:

    "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi."

    "Cơm lên khói", "thơm nếp xôi" là những hình ảnh gần gũi, quen thuộc gợi lên cảnh gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Ở hai câu thơ trên còn xuất hiện hình ảnh "mùa em" cách nói mới lạ gợi lên vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng, thể hiện sự lãng mạn, tình tứ khiến câu thơ có sức bay bỏng.

    Quả thật, cuộc sống bình dị góp thêm một vẻ đẹp nữa cho mảnh đất nhiều kỉ niệm. Đó còn là hình ảnh của một mùa vui biểu hiện sự gắn bó bền chặt của tình quân dân. Tình cảm đáng quý ấy trở thành sức mạnh tinh thần, một nguồn động viên, cổ vũ lớn lao cho người lính xa nhà.

    Cả đoạn thơ đầu bài thơ "Tây Tiến" đã thể hiện tài hoa và tâm hồn lãng mạn, phóng khoáng của nhà thơ Quang Dũng. Với ngôn ngữ giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu, gây ấn tượng táo bạo đã dựng lên bức tranh sinh động, có chiều sâu về cảnh hành quân của đoàn quân Tây Tiến trên cái nền xanh của núi rừng thơ mộng miền Tây. Tất cả đã để lại một dấu ấn đẹp đẽ cho thơ ca cách mạng mà thành công là sự kết hợp hài hòa giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
     
    Admin, Ngudonghc, annguyet1 người nữa thích bài này.
    Last edited by a moderator: 1 Tháng mười một 2023
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...