Phân tích đoạn cuối của bài thơ vội vàng - Xuân diệu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi YenOanh099, 28 Tháng hai 2021.

  1. YenOanh099

    Bài viết:
    41
    Phân Tích Đoạn Cuối Của Bài Thơ Vội Vàng - Xuân Diệu.

    Tác giả: YenOanh099


    Xuân Diệu, "Một nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới" (Hoài Thanh), một nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với giọng thơ sôi nổi, say đắm, yêu đời thắm thiết. Ông có nhiều tập thơ nổi tiếng như: Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Riêng chung, Tôi giàu đôi mắt.. Trong đó, "Vội Vàng" là bài thơ tiêu biểu của ông trước cách mạng tháng tám.

    Bài thơ "Vội Vàng" mà đặc biệt là những câu thơ cuối, bằng bút pháp sôi nổi và đầy biến hóa, đã thể hiện rõ cái chất mãnh liệt, nồng nàn rất riêng của Xuân Diệu:


    "Ta muốn ôm

    Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

    Ta muốn riết mấy đưa và gió lượn,

    Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

    Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

    Và non nước, và mây, và cỏ rạng,

    Cho chếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

    Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

    - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

    Nếu thời gian cứ lạnh lùng, tàn nhẫn bước đi kéo theo sự trôi qua của mùa xuân và tuổi trẻ. Nếu đời người ngắn ngủi và con người thì không thể chống lại thời gian, không có khả năng khiến thời gian dừng lại. Vậy thì con người hãy sống cao độ giây phút của tuổi xuân.

    Sống là phải vội vàng, phải hối hả, phải thật say đắm, thật mãnh liệt để tận hưởng cuộc sống.

    Cuộc sống giống như thiên đường hương sắc, như mảnh vườn tình ái, như mâm tiệc với những thực đơn quyến rũ tinh thần, khiến Xuân Diệu muốn dang tay ra ôm hết tất cả:

    "Ta muốn ôm

    Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn"

    Mở đầu bằng ba chữ "Ta muốn ôm" như phơi bày hết sự ham hố, tham lam đến cuồng nhiệt của Xuân Diệu. Nếu trước đó, nhà thơ xưng "Tôi" với ước muốn ngông cuồng, táo bạo là "Tắt nắng, buộc gió" thì ở đoạn cuối, cái tôi ấy đã hòa vào cái ta chung để tận hưởng hết những hương sắc của cuộc đời. Cái "Ta" ở đây là cái "Tôi" kiêu hãnh của thi nhân, đồng thời cũng là cái "Tôi" của mỗi con người chúng ta. Bởi ai mà chẳng có cái khát khao như khao khát của Xuân Diệu, ai mà chẳng muốn ôm giữ lấy những vẻ đẹp non nớt đang diễn ra quanh mình. Với Xuân Diệu, nhà thơ muốn ôm chùm, muốn chiếm lĩnh, muốn tận hưởng không phải là một sự sống đơn lẻ mà là cả sự sống, càng không phải là sự sống đã ngả chiều mà là: "Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn".
    "Mơn mởn" là từ láy gợi cảm và giàu ý nghĩa diễn đạt, gợi lên sự vật, cây cối đang ở độ non mướt, tươi tốt, tràn đầy sức sống. Còn từ "Ôm", nó không chỉ thể hiện được cái khát khao đến cháy bỏng mà còn cho chúng ta có cảm giác rằng khi Xuân Diệu viết nên dòng thơ này cũng là khi Xuân Diệu quyện lòng mình vào "Sự sống".

    Sự sống đã bắt đầu từ lâu nhưng đối với Xuân Diệu, sự sống chỉ "Mới bắt đầu". Vì "Mới bắt đầu" nên cái gì cũng xanh non, cũng mơn mởn. Tất cả đều mang vẻ ngây thơ, hồn nhiên, trữ tình: "Mây đưa và gió lượn", "Cánh bướm với tình yêu".

    Quả thật, cuộc sống đẹp quá! Cuộc sống càng đẹp, ta lại càng khao khát:

    "Ta muốn riết mấy đưa và gió lượn

    Ta muôn say cánh bướm với tình yêu

    Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

    Và non nước, và cây, và cỏ rạng"

    Cảm xúc như những đợt sóng mạnh liên tục vỗ vào bờ, nhịp thơ cũng theo đó mà dồn dập, gấp gáp, thúc giục ta một cách cuồng nhiệt. Những tiếng "Ta muốn" lặp đi lặp lại nhiều lần thể hiện cái ham muốn, thèm khát đến hăm hở, cuống quýt của Xuân Diệu. Nhà thơ muốn riết thật chặt "Mây đưa và gió lượn", muốn đắm say "Cánh bướm với tình yêu", muốn thâu trong "Một cái hôn nhiều" và tham lam tận hưởng hết mọi thứ "Và non nước, và cây, và cỏ rạng". Điệp từ "Và" nói lên sự dâng trào cảm xúc rất mạnh mẽ, rất nồng nhiệt đến mức cuống cuồng tưởng như muốn ôm hết cả vũ trụ, cả mùa xuân vào lòng mình.

    Đó, với Xuân Diệu mới là sống, sống hết mình, sống vì yêu, sống vội vàng để cảm nhận niềm hạnh phúc tột cùng của cuộc sống:

    "Cho chếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

    Cho no nê thanh sắc của thời tươi"

    Mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc là những điều đẹp nhất của cuộc sống. Thật hạnh phúc biết bao khi ta được dạo chơi để tận hưởng chúng ở mức tràn trề: "Chếch choáng", "Đã đầy", "No nê". Điệp từ "Cho" với nhịp điệu tăng tiến đã nhấn mạnh được cái cấp độ khát vọng hưởng thụ đạt đến độ thỏa thuê, sung mãn, trọn vẹn ấy.

    Thế mới thích thú, mới sung sướng!

    Để rồi, Xuân Diệu thét lên:

    "Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

    Đây mới là đỉnh điểm của nguồn cảm hứng, của khao khát cháy bỏng. Những cái ôm, cái riết, cái say, cái thâu và cái hôn mặn nồng ban đầu vẫn chưa đủ. Xuân Diệu ham hố hơn, mãnh liệt hơn khi muốn "Cắn". Từ "Cắn" làm cho dòng thơ trở nên độc đáo, nó in lên bài thơ dấu ấn riêng của Xuân Diệu - Dấu ấn của niềm khát khao hạnh phúc mãnh liệt.

    Như vậy, chỉ với nghệ thuật duy nhất là nghệ thuật dùng từ, Xuân Diệu đã tạo nên những dòng thơ ngập tràn sức sống. Từ đó, thể hiện rõ lòng ham say vồ vập và khát vọng cồn cào muốn chiếm đoạt, muốn tận hưởng tất cả của một hồn thơ yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt. Và cũng cho ta thấy quan niệm sống mới mẽ, tích cực chưa từng có trong thơ ca truyền thống: Đó là sống vội vàng, cuống quýt không có nghĩa là ích kỷ, tầm thường, thụ động mà là cách sống biết cống hiến, biết hưởng thụ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng tám 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...