Phân tích diễn biến tâm trạng và sự thay đổi của nhân vật Tràng vào buổi sáng hôm sau đêm tân hôn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Minh Châu, 22 Tháng một 2022.

  1. Diệp Minh Châu

    Bài viết:
    115
    Đề Bài: Cho đoạn trích sau:

    Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.

    Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hót sạch.

    Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.


    (Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, tr. 30)

    Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Từ đó, hãy nhận xét về sự thay đổi của nhân vật Tràng trong đoạn trích.

    Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng khẳng định "Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm cái công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường, để bênh vực cho những con người không còn được ai bênh vực." Và nhà văn Kim Lân chính là điển hình cho kẻ "nâng giấc" ấy. Lấy bối cảnh trên nền hiện thực của nạn đói năm 1945, hướng ngòi bút của mình vào số phận của người nông dân đói khổ, bần cùng, ông đã sáng tác nên thiên truyện "Vợ Nhặt". Tác phẩm là bài ca về tình thương, về khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người giữa khung cảnh "tối sầm đi" của thời đại. Cùng với đó là những ấn tượng sâu sắc của người đọc về những điểm sáng le lói trong u tối, đặc biệt là ấn tượng về nhân vật Tràng sau đêm tân hôn qua đoạn trích "Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào.. tu sửa lại căn nhà."

    Nếu ai đó đã từng nói rằng "khi trời đẹp con người ta sẽ quên đi những lời thề nguyện trong phong ba bão táp" thì có lẽ với Kim Lân Đó là một ngoại lệ. Trải qua hai cuộc chiến vẻ vang của dân tộc, cách mạng tháng Tám (1945) và cuộc kháng chiến chống Pháp (1954) Kim Lân vẫn chọn trở về "với người, với đất, với cái thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn" (Nguyên Hồng). Truyện ngắn Vợ Nhặt có tiền thân là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" được tác giả viết sau cách mạng tháng Tám nhưng do bị mất bản thảo, hòa bình lâp lại năm 1954 dựa vào cốt truyện cũ nhà văn đã sáng tác nên thiên truyện Vợ Nhặt in trong tập "con chó xấu xí" (1962). Mở đầu tác phẩm là khung cảnh u tối, xám xịt của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu. Mà ở đó "người chết như ngả rạ, người sống dật dờ, xanh xám như những bóng ma.. Cây gạo ở đầu làng, quạ đen kêu lên từng hồi thê thiết.." Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói anh cu Tràng đã xuất hiện.


    Các cụ xưa có câu "Đò dọc phải tránh đò ngang

    Ngụ cư phải tránh quan làng cho xa."

    Dân ngụ cư là tầng lớp phải chịu nhiều sự khinh thường, coi rẻ, họ sống dưới đáy của xã hội khi mà quá đói khổ, phải bỏ quê đi tha hương cầu thực. Mà anh chàng lại còn là dân ngụ cư nhiều đời. Đọc đến đây, chúng ta càng thêm thương cảm, xót xa cho thân phận long đong, lận đận của anh cu Tràng. Đã thế anh còn là một sản phẩm đẽo gọt sơ sài của hóa công với ngoại hình không mấy ưa nhìn. Cái đầu thì cạo trọc, hai con mắt gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra. Lưng to và bè bè như lưng gấu. Một thân hình lực lưỡng như vậy nhưng lại có một tâm hồn đôi chút ngờ nghệch bởi anh chỉ toàn chơi với lũ trẻ con. Công việc của anh là kéo xe thóc thuê cho liên đoàn lên tỉnh - một công việc bấp bênh, không ổn định. Anh là sự hội tụ đầy đủ của những yếu tố để ế vợ. Vậy mà chỉ tầm phơ tầm phào với hai câu nói đùa và bốn bát bánh đúc, Tràng đã "nhặt" được vợ. Kim Lân đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo, lối kể chuyện hấp dẫn, việc Tràng có vợ không hề mang tính gượng ép mà thật tự nhiên.

    Mặc dù nạn đói và cái chết vẫn rình rập xung quanh, đêm tân hôn của Tràng và Thị vẫn diễn ra trong "tiếng khóc hờ nỉ non" và "mùi đốt đống giấm khét lẹt của nhà có người chết". Nhưng sáng hôm sau khi tỉnh dậy, Tràng thấy "êm ái, lửng lơ như vừa ở trong giấc mơ đi ra". Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn ngỡ ngàng như là không phải. Điều gì đã khiến cho Tràng - thủ phạm gây ra tình huống "vợ nhặt" vẫn cứ ngỡ là không phải, không tin vào mắt mình? Đó là hiện thực phũ phàng, là cảnh đói khổ ê chề hay chính Tràng cũng ý thức được hoàn cảnh của mình không thể lấy được vợ. Bởi vậy mà anh mới "ngỡ ngàng", nó giống như khi người ta đã chấp nhận một sự thật và buông bỏ nhưng đột nhiên lại có được một cách dễ dàng. Hai từ láy "êm ái, lửng lơ" đã diễn tả niềm hạnh phúc, sự vui sướng của Tràng. Và từ đây người đọc được chứng kiến một "cuộc cách mạng nhận thức", sự thay đổi trong anh cu Tràng. "Hắn chắp tay sau lưng, lững thững bước ra sân." Từ láy "lững thững" cùng hành động "chắp tay sau lưng" đã khiến cho anh Tràng bớt đi phần nào cái nét ngô nghê của trẻ con mà thêm phần chững chạc của người đàn ông trưởng thành. "Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa soi vào hai con mắt cay xè của hắn." Có lẽ trong cảnh tăm tối, xám xịt con người ta quay quắt vì đói khổ thì ánh sáng đó được Kim Lân soi rọi thật đúng lúc. Nó như thắp lên niềm hy vọng le lói, niềm tin vào tương lai tươi sáng, để rồi qua cái ánh sáng ấy hắn chợt nhận ra xung quanh mình có cái gì thay đổi mới mẻ, khác lạ. "Nhà cửa, sân vườn hôm nay được quét tước.. đống rác tung hoành ngay lối đi đã được hót sạch." Vẫn là ngôi nhà rúm ró đó, vẫn là mảnh đất um tùm đó nhưng dường như đã có một sự thay đổi ngoạn mục, đã có một luồng sinh khí mới thổi vào ngôi nhà của Tràng. Nhìn cách mà anh cảm nhận sự thay đổi xung quanh ta lại nhớ đến hình ảnh Chí Phèo tỉnh lại sau đêm được Thị Nở chăm sóc. Hắn nghe thấy tiếng chim hót, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá đến tiếng của bà đi chợ.. mà kể từ ngày ở tù hắn có bao giờ nhận ra đâu. Mọi âm thanh của đời thường đã đánh thức phần lương tri còn sót lại của Chí và nếu Thị Nở không vào thì hắn sẽ khóc mất. Hắn thấy mắt mình ươn ướt.. Chính hạnh phúc tình yêu đã chắp cánh cho con người. Còn với Tràng, người mang đến sự thay đổi đó là Thị. Chính tình yêu thương của người mẹ và người vợ nhặt đã phục sinh cho nhân cách của chàng, làm cho tâm hồn Tràng được "lớn lên". Nếu như Dần trong "một đám cưới" của Nam Cao về nhà chồng với hai mươi đồng bạc cưới và một mâm cơm thì dường như người vợ theo không của Tràng còn rẻ rúng hơn. Nhưng không, hai từ "vợ hắn" đã nói lên tất cả. Hắn yêu thương, trân trọng người vợ này. Thị chính là sợi dây liên kết Tràng với ngôi nhà, người mẹ và hạnh phúc. Tràng đã nhận ra "hắn yêu thương và gắn bó với cái nhà này lạ lùng". Tại sao lại là lạ lùng? Bởi trước đây ngôi nhà này họa chăng cũng chỉ là nơi che nắng, che mưa, nơi mà hai mẹ con Tràng sáng thì đi kiếm miếng ăn, tối thì về gặp nhau trong cái đói khổ, mệt mỏi. Nhưng giờ đây với sự hiện diện của người vợ hắn đã ý thức được trách nhiệm của mình: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm." Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái, phụng dưỡng mẹ già. Đến đây, anh cu Tràng đã thực sự "vươn vai" trưởng thành nên người, bắt đầu lo lắng cho vợ con sau này. Cũng muốn góp một phần sức lực mà xăm xăm chạy ra giúp đỡ để tu sửa căn nhà cho sạch sẽ, tươm tất đón chào cuộc sống mới. Nếu như khi xưa, Thánh Gióng vươn vai trưởng thành về mặt thể chất thì buổi sớm nay, anh Tràng đã vươn mình trở thành một người đàn ông thực sự về mặt nhận thức, chững chạc hơn, yêu đời, yêu cuộc sống và có trách nhiệm hơn.

    Như vậy, thông qua sự thay đổi trong nhận thức, suy nghĩ của nhân vật Tràng, nhà văn đã cho chúng ta thấy ngoài vẻ đẹp của tình thương, lòng nhân hậu, Tràng còn là một người chín chắn, trưởng thành, có trách nhiệm chăm lo cho gia đình. Nhà văn Ai-ma-tốp đã khẳng định: "Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hoạt động như một lực lượng nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật." Quả vậy, niềm khát khao hạnh phúc của Tràng như ánh đèn le lói, sắp bị cái u tối của nạn đói nuốt chửng. Và ở cuối tác phẩm, tiếng trống thúc thuế, đoàn người đi phá kho thóc cùng lá cờ đỏ sao vàng ẩn hiện trong óc tràng chính là sự trưởng thành vượt bậc lớn nhất của anh. Người nông dân chỉ thoát khỏi cảnh lầm than, cơ cực khi có ánh sáng của cách mạng để mở ra một kỷ nguyên mới, nơi có hạnh phúc ấm no.

    Thông qua tình huống bi hài độc đáo, chi tiết chọn lọc đặc sắc cùng nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế, ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, nhà văn đã khắc họa vô cùng thành công hình tượng người nông dân dù sống trong cơ cực, bần hàn vẫn tỏa sáng tình người. Đồng thời qua nhân vật Tràng, nhà văn muốn gửi gắm lòng yêu thương, sự cảm thông sâu sắc với những người đói khổ, trân trọng những khát khao dung dị, đời thường của họ.

    Đến với trang văn của Kim Lân, chúng ta như lội ngược dòng lịch sử trở về thời kỳ "vành khăn tang" mà đau nỗi đau của dân tộc. Như bàng Bá lân từng viết:

    "Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi

    Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương."

    Thế nhưng, nhà văn viết về cái đói "nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới cuộc sống, vẫn hy vọng, vẫn tin tưởng vào tương lai. Họ vẫn muốn sống và sống cho ra người". Tỏa sáng trên từng trang văn của ông là tình yêu thương con người, là ý thức trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Đó chính là giá trị nhân văn sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc.

    Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Chúc các bạn học tập thật tốt!

    Được viết bởi Diệp Minh Châu
     
  2. Vô Ky Cơ Tiện

    Bài viết:
    259
Trả lời qua Facebook
Đang tải...