PHÂN TÍCH HÌNH ẢNH NHÂN VẬT NGƯỜI VỢ NHẶT TRONG HAI LẦN MIÊU TẢ Đề bài: "Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật.. chuyện trò gì" "Người con dâu đón lấy cái bát.. và vào miệng" Cảm nhận của anh chị về người vợ nhặt qua những lần miêu tả trên, qua đó làm rõ tư tưởng nhân đạo của nhà văn Bài làm: "Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ Như những áng mây ngũ sắc ngủ trên đầu" Đó là những chiêm nghiệm của Bằng Việt về sức sống của văn chương nghệ thuật. Thật vậy, có những tác phẩm ra đời để rồi chìm khuất giữa ồn ào náo nhiệt của phiên chợ văn chương, nhưng cũng có những tác phẩm vẫn tồn tại bền bỉ tựa dòng suối mát lành chảy mãi trong tâm hồn bao thế hệ hôm qua, hôm nay và ngày mai. Đó là những tác phẩm chân chính "không kết thúc ở trang cuối cùng" (Ai-ma-tốp), là kết tinh của tâm huyết và tấm lòng của nhà văn. Và truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân là một tác phẩm như thế. Truyện đã xây dựng thành công nhân vật người vợ nhặt, một người đàn bà giàu khát vọng sống giữa cảnh ngộ đói khất, bần cùng. Đặc biệt, hai lần miêu tả cách ăn uống của thị trước và sau khi về làm dâu nhà Tràng đã thể hiện rõ sự biến chuyển của nhân vật, đồng thời cho thấy tư tưởng nhân đạo của nhà văn. Kim Lân là cây bút truyện ngắn tài hoa và là một trong những gương mặt xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm của ông là những trang văn chân thật, xúc động về cuộc sống làng quê, khám phá vẻ đẹp tâm hồn người nông dân Việt Nam, những con người tuy cuộc sống còn gian khổ, thiếu thốn nhưng giàu tình nghĩa, thủy chung. Truyện Vợ nhặt có tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – tác phẩm được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng còn dở dang và bị mất bản thảo. Hòa bình lập lại (1954), dựa trên một phần cốt truyện cũ, Kim Lân đã viết Vợ nhặt, in trong tập Con chó xấu xí (1962). Tác phẩm là bức tranh hiện thực về số phận của người nông dân Việt Nam trong những năm nạn đói, là bài ca về lòng yêu thương, khát khao sống, khát vọng hạnh phúc gia đình mạnh mẽ và niềm tin vào tương lai ở những con người bị cái đói khát đẩy cảnh bần cùng. Người vợ nhặt tuy không phải nhân vật trung tâm của tác phẩm nhưng thông qua nhân vật thị, nhà văn đã bộc lộ được ý đồ tư tưởng và thông điệp cũng như thể hiện bút lực, tâm huyết của mình. Thị xuất hiện khi cái đói tràn đến xóm ngụ cư và là hiện thân của những số phận bất hạnh, bọt bèo. Thị là một người phụ nữ lao động nghèo khổ, không có tên riêng, được nhà văn gọi là "người đàn bà", "cô ả", "người vợ nhặt". Không quê quán, không gốc tích, không nhan sắc, không chốn nương thân, không có đặc điểm gì để nhận dạng, cuộc đời thị là một số không tròn trĩnh, bé mọn và rẻ rúng. Nhà văn Mạc Ngôn từng nhận định: "Vì không định danh nên nhân vật mãi mãi là những ám ảnh day dứt trong lòng người đọc" Thật vậy, hoàn cảnh của thị cũng giống như bao người dân trong nạn đói, là tiêu biểu cho hàng triệu số phận bọt bèo vất vưởng, trôi dạt giữa dòng đời. Ngoại hình của Thị khiến người ta liên tưởng đến một bóng ma, một xác chết hơn là một con người. Quần áo thị tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt. Sức tàn phá của cái đói đã dồn thị vào hoàn cảnh nghiệt ngã, thê thảm, lăn lộn giữa cuộc đời, chẳng khác nào kẻ ăn mày: "Ăn mày là ai? Ăn mày là ta! Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày!" Đoạn văn đầu tiên cho thấy thị đã bị cái đói cướp đi phần nào tự trọng và danh dự con người. Lần thứ hai gặp lại Tràng, Thị sưng sỉa mắng Tràng, từ chối ăn trầu để được ăn một thứ có giá trị hơn. Bởi miếng trầu không thể lấp đầy cái dạ dày đang réo gọi của thị. Khi được mời ăn thì mắt sáng lên, sà xuống, cắm đầu ăn một chặp bốn cái bánh đúc chẳng chuyện trò gì, cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng rồi thở, khen ngon. Từ "sà" gợi tả hành động rất nhanh của thị, thị ngồi xuống nhanh chóng như thể sợ Tràng sẽ rút lại lời hứa của mình. Hành động sỗ sàng, thô thiển ấy khiến người ta có cảm giác thị là một con người vô duyên, mất hết phẩm giá, thị bạo dạn đến mức trơ trẽn. Thị đã đặt sự tồn tại của mình, đặt miếng ăn lên trên nhân cách. Đối với thị mà nói, có cái ăn để sống sót mới là quan trọng nhất, dẫu biết làm như thế là mất hết ý tứ. Nhưng với cách miêu tả như vậy, nhà văn Kim Lân hoàn toàn không có ý miệt thị những người lao động nghèo khổ, mà nó cho thấy thị đã bị bỏ đói lâu này, cái đói queo quắt khiến thị phải bất chấp mọi thứ để được ăn. Thị lúc ấy như một con người đang chấp chới giữa đại dương của số phận, chỉ cần một cánh tay dang ra dù là yếu ớt cũng mang lại hi vọng được sống. Việc thị bám víu vào cánh tay ấy không sai, bởi nhiều bậc hảo hán đầu đội trời chân đạp đất trong cảnh ngặt nghèo cũng lựa chọn như thế, huống chi thị chỉ là một người phụ nữ bình thường. Đó cũng là biểu hiện cho sức sống bền bỉ của thị, là ý thức bám lấy sự sống ngay cả khi đã đứng bên bờ vực của cái chết. Nếu như ở lần miêu tả đầu tiên, người vợ nhặt hiện lên đúng với chân dung của con người năm đói, bị cái đói hủy diệt cả sự nữ tính, thì ở lần miêu tả thứ hai, chúng ta được thấy một nàng dâu với hành động đẹp, đầy nhân văn. Trong bữa cơm, thị đón lấy bát cháo cám từ tay bà cụ Tứ, mắt tối sầm lại, nhưng tay thì vẫn điềm nhiên và vào miệng. Đôi mắt tối sầm của thị trái hẳn với con mắt sáng lên khi được mời ăn, đối lập hoàn toàn với thái độ của thị trước một anh Tràng nhận mình "rích bố cu" với hi vọng đổi đời. Đôi mắt tối sầm ấy chính là lúc nhận ra sự thật nghiệt ngã, rằng đó không phải món chè khoán đặc sản, ngon lành mà là cám. Cám vốn là thức ăn của con vật, nhưng lại hiện diện trong bữa ăn của con người, đó không chỉ là cái đói nghèo của riêng nhà Tràng mà còn là biểu hiện cho sự khốn cùng của một lớp người thời đại. Khoảnh khắc ấy, dường như cái đói đã hiện ra trước mặt, tàn nhẫn và trần trụi không thể nói hết bằng lời. Tuy thất vọng cùng cực, tuy sự tủi hờn đã tràn ngập trong con mắt, nhưng thị vẫn điềm nhiên và vào miệng. Đó trước hết là ý thức chấp nhận hiện thực, chấp nhận cái đói khát vẫn đang hiện hữu. Đó còn là tư thế sẵn sàng nhập gia tùy tục, chia ngọt sẻ bùi, chia cay sẻ đắng cùng nhà chồng. Giây phút ấy, thị đã cùng chung lưng đấu cật với gia đình Tràng để tuyên chiến với cái đói. Và hơn hết, Thị ăn bát cháo chát xít ấy chắc chắn không phải vì nó ngon, mà là vì sự cảm thông cho hoàn cảnh đói khổ, bần cùng của gia đình, vì ân tình đối với bà cụ Tứ. Thị không muốn làm mẹ chồng buồn, không muốn dập tắt đi niềm vui, chút tự hào, sự khích lệ mà bà vẫn cố gắng đem đến cho hai con, rằng ngoài kia, nhiều nhà còn không có cám mà ăn. Nếu nói thị không cảm thấy một chút tủi hờn nào thì không đúng, nhưng hơn ai hết, Thị hiểu rằng, chính hai con người nghèo khổ kia đã không ngại đói nghèo mà cưu mang, che chở mình, đối với Thị, họ là ân nhân, là người Thị mang ơn. Và cũng có thể, nếu không có Tràng và bà cụ Tứ, ngay cả cháo cám Thị cũng không có để ăn, phải chết đói nơi đầu đường, xó chợ. Sự bằng lòng của thị là minh chứng cho khát khao, mong mỏi có được hạnh phúc gia đình, cũng là ý thức, vẻ đẹp của một nàng dâu trân trọng tình cảm của nhà chồng. Có thể thấy, rõ ràng, thị chưa hề tìm được sự no đủ, sung túc nhưng vẫn muốn cùng nhà chồng vun vén tổ ấm, chính Tràng và bà cụ Tứ đã giúp thị có một gia đình. Cách ứng xử đầy tính nhân văn, đánh quý của Thị cũng là điều mà nhà văn muốn gửi gắm về nhân cách, về tình người, như chính Kim Lân từng nhận định: "Đói, nó vừa đắng cay vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên một tia sáng về đạo đức, danh dự" Nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống độc đáo, khiến nhân vật có dịp bộc lộ sâu sắc tính cách, con người. Cách dẫn dắt câu chuyện tự nhiên, giản dị mà chặt chẽ. Kim Lân đã chọn điểm nhìn trần thuật khách quan, dòng thời gian tuyến tính theo tâm lý nhân vật, cách dẫn dắt tự nhiên, khéo léo, thu hút người đọc. Ngôn ngữ kể chuyện mộc mạc, giản dị, mang đậm tính khẩu ngữ, gắn liền với lời ăn tiếng nói trong sinh hoạt hàng ngày của người dân lao động, nhưng được chắt lọc kỹ lưỡng, chính xác và phong phú, từ đó tạo được sức gợi đáng kể. Nghệ thuật diễn tả, phân tích tâm lý nhân vật sắc sảo, tinh tế, Kim Lân đã chứng minh thuyết phục khả năng thâm nhập sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật để phản ánh được cả những góc khuất ẩn sâu dưới vỏ bọc bên ngoài. Nếu chỉ nhìn vào cái vẻ chao chát chỏng lỏn của cô vợ nhặt, ta sẽ không thể nào thấy được thị họ khát khao sống mạnh mẽ, ước mong về hạnh phúc gia đình, tình yêu thương, đùm bọc giữa những phận đời bé mọn trong nạn đói. Đoạn trích còn xây dựng thành công những chi tiết nghệ thuật đắt giá: Chiếc bánh đúc và bát chè khoán. Giọng văn cảm thông, trầm ấm, tràn ngập yêu thương. Đọc truyện của ông, người đọc như được sống lại những năm gian khổ của đất nước nhưng không phải là những tang thương, xám xịt mà là trong những tình cảm yêu thương đáng quý, những hi vọng vào tương lai con người. Không chỉ thành công ở phương diện nội dung và nghệ thuật, ngòi bút KL trong hai lần miêu tả thị còn ẩn chứa một tinh thần nhân đạo sâu sắc. Đó trước hết là sự cảm thông cho số phận những con người năm đói, bị bào mòn cả ngoại hình và phẩm giá, giữa cái hoản cảnh mà đâu đâu cũng là nanh vuốt của sự chết chóc: "Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương Những thây ma thất thểu đầy đường Rồi ngã gục không đứng lên vì.. đói!". (Bàng Bá Lân) Đình Chiểu từng viết: "Vì chưng hay ghét cũng vì hay thương". Thật vậy, vì thương người nên mới căm ghét những thế lực đã chà đạp lên quyền sống của con người. Từ đó, ngòi bút Kim Lân đã cất lên tiếng nói tố cáo tội ác dã man của bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra cái chết cho hàng triệu người dân Việt Nam, biến họ thành kiếp rẻ rúng, bèo bọt. Giá trị nhân đạo còn nằm ở cách mà Kim Lân phát hiện ở thị những phẩm chất tốt đẹp đằng sau cái rách rưới, tàn tạ ở ngoại hình, như Thạch Lam đã từng nói "Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức". Thị mang trong mình sức sống mãnh liệt cũng như cái tình người và khát vọng hạnh phúc đã khiến thị chấp nhận cùng gia đình Tràng chống chọi với cái đói. Qua đó, nhà văn cũng đã bày tỏ niềm tin vào lòng ham sống, những giá trị tốt đẹp sẽ giúp những con người lao động trong cảnh đói khát sẽ vượt qua mọi khó khăn. Từ đây, vợ nhặt là bài ca về sự sống, về khát khao vươn dậy của con người. Giống như Nguyễn Khải đã từng viết, "Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy." Qua lòng ham sống của Thị, ta nhớ đến một cô Mị dù bị cầm tù cả thể xác lẫn tinh thần nhưng vẫn trỗi dậy khao khát tự do trong VCAP (Tô Hoài), thấy chị em An và Liên dù sống trong bóng tối của cái phố huyện tù đọng vẫn không ngừng mơ về một tương lai tương sáng trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam). Đó phải chăng là hiện thân cho sức sống của con người Việt Nam ngàn đời? Như vậy, qua những trang viết mộc mạc, dung dị mà đặc sắc của Kim Lân về sự nhân vật Thị, ta thấy được tấm lòng Kim Lân với những tình cảm yêu thương và niềm tin mãnh liệt mà nhà văn dành cho con người lao động. Sedrin đã từng nói: "Nghệ thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết" Thời gian trôi qua, những gì vô nghĩa sẽ bị sàng lọc, trôi vào lãng quên, nhưng những giá trị đích thực sẽ càng chứng minh được sức sống của mình. Thật vậy, mang đến những suy ngẫm, trân quý về số phận và nét đẹp tâm hồn của người nông dân thuần hậu, chất phác, "Vợ nhặt" sẽ sống mãi với thời gian cùng những giá trị mà nó gửi gắm. Đó cũng là điều làm nên dấu ấn của nhà văn cũng như sức sống lâu bền của tác phẩm.