Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi estoulam, 2 Tháng mười 2021.

  1. estoulam

    Bài viết:
    64
    Đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

    Bài làm:

    Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hóa những con Tàu

    (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

    Tây Bắc từ lâu đã được xem như một mảnh đất hứa cho văn chương nghệ thuật, bởi nơi ấy không chỉ để lại nhiều ân tình mà còn khiến cho các nhà văn, nhà thơ có được những nguồn cảm hứng bất tận. Nếu như Nguyễn Huy Tưởng đã có cho mình cuốn tiểu thuyết "Bốn năm sau", Nguyễn Tuân ghi dấu ấn với tập tùy bút "SĐ", Nguyễn Khải viết nên "Mùa lạc" thì Tô Hoài lại đưa tên tuổi mình lên một tầm cao mới với tập "Truyện Tây Bắc", trong đó tiêu biểu nhất là truyện ngắn VCAP. Thưởng thức tác phẩm, người đọc không khỏi ấn tượng với tâm hồn tự do, khao khát hạnh phúc của người lao động nơi đây. Vẻ đẹp ấy đã được Tô Hoài thể hiện thật tinh tế và cảm động thông qua nhân vật Mị, đặc biệt là ở đoạn trích Mị trong đêm tình mùa xuân.

    Tô Hoài là một cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm của ông hấp dẫn người đọc ở cái nhìn hồn nhiên mà sắc sảo, cách kể chuyện sống động, hóm hỉnh cùng những giá trị hiện thực và nhân đạo mới mẻ. Năm 1952, Tô Hoài theo đơn vị bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, sống gắn bó với đồng bào 8 tháng. Khi chia tay, Tô Hoài viết tập "Truyện Tây Bắc" (1953) bằng sự am hiểu tường tận cuộc sống, phong tục, nhất là tâm hồn phóng khoáng, tự do phảng chút hoang dại của đồng bằng miền núi cùng nỗi ám ảnh về những kỉ niệm gắn bó và món nợ ân tình với người Tây Bắc. "Vợ chồng A Phủ" là truyện ngắn thành công nhất của Tô Hoài ở mảng đề tài về người lao động Tây Bắc, khắc họa chân thực cuộc sống tăm tối của họ và con đường vùng lên phản kháng khỏi sự áp bức, đày đọa của bọn thực dân, chúa đất.

    Mị là nhân vật trung tâm của truyện, là một cô gái người Mèo xinh đẹp, trẻ trung, có tài thổi lá, thổi sáo làm say mê biết bao nhiêu chàng trai. Mị cũng là một người hiếu thảo, chịu khó, yêu lao động, khao khát tự do và luôn ý thức được quyền sống của mình. Có thể nói, đây là nhân vật kết tinh những phẩm chất cao đẹp, xứng đáng có được hạnh phúc cũng như đem lại hạnh phúc cho người khác. Lẽ ra, cuộc đời Mị sẽ tốt đẹp nhưng số phận không an bài như thế. Sau khi về làm con dâu gạt nợ nhà Thống Lí, Mị bị bóc lột sức lao động, bị áp chế bởi cường quyền và thần quyền, bị ngược đãi bởi người chồng vũ phu. Từ một cô gái hồn nhiên, hạnh phúc, Mị trở thành người đàn bà chai sạn và vô cảm. Nhưng sự thống khổ ấy không thể dập tắt được sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong con người Mị. Đoạn trích nằm ở phần giữa tác phẩm, khắc họa diễn biến tâm lí của Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài.

    Sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mãnh liệt của Mị bắt đầu đến từ những tín hiệu mùa xuân. Mùa xuân là mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa của yêu thương và sự sống, và đối với Mị, khung cảnh ở Hồng Ngài cũng đem lại những mầm non cảm xúc như thế. Nếu ví tâm hồn mị giống như mặt hồ yên tĩnh, còn thiên nhiên, khung cảnh sinh hoạt, sắc màu, thanh âm của mùa xuân như ngọn gió mát lành thổi vào mặt hồ yên tĩnh ấy, làm gợn lên những đợt sóng. Mị nhận ra mùa xuân đã về trong "gió rét thổi vào cỏ gianh vàng ửng", mùa xuân đã hiện hữu trong sắc màu lộng lẫy của những chiếc "váy hoa xòe như con bướm sặc sỡ". Hòa vào đó là niềm vui no đủ của mùa màng khi "ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho." Sức sống của tạo vật và của miền đất Tây Bắc như được đánh thức. Chính cái náo nức của đất trời cũng là cái náo nức của lòng người, tạo thành điểm nhấn làm nên sự hồi sinh của nhân vật.

    Khi nghe tiếng sáo gọi bạn "lấp ló ngoài đầu núi", Mị thấy trái tim mình "thiết tha, bổi hổi". Đó là cảm xúc rạo rực, say đắm, thổn thức, hân hoan của Mị khi được tiếng sáo chạm đến trái tim. Kí ức được đánh thức cũng là lúc tài năng vốn có trong Mị trỗi dậy. Nguyễn Minh Châu quả là có lý khi cho rằng: "Rất nhiều tác giả của những truyện ngắn hay là những người cầm bút có cái biệt tài là chọn trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc của thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc ấy, nhiều ý nghĩa nhất, thậm chí có khi là cái khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người." Bởi, dường như trong khoảnh khắc tiếng sáo "lửng lơ bay" người đường thì cũng là lúc ống kính nghệ thuật của Tô Hoài cũng bắt trọn vẹn khoảnh khắc tâm hồn Mị đột ngột hồi sinh. Khoảng khắc ấy như một cuốn phim quay chậm rõ nét, chân thực và tinh tế khiến mọi thứ như "đậm đặc" và ánh lên niềm đồng cảm, trân trọng của nhà văn. Mị ngồi "nhẩm thầm" lời bài hát của người đang thổi sáo. Điệu sáo ấy đã lâu rồi không thổi nữa, bài hát ấy từ lâu rồi cũng đã không hát nữa, nhưng hôm nay, Mị vẫn nhớ, vẫn thuộc, vẫn "nhẩm thầm". Vậy là Mị không hoàn toàn vô cảm, hay nói đúng hơn, chính tiếng sáo là tác nhân đã lay động sâu xa tâm hồn Mị, đã lay tỉnh, đánh thức con người Mị, đã trả Mị về với đúng con người mình. Tiếng sáo là một sự gợi nhắc đến cảm giác tự do, tuổi trẻ, tài năng và kí ức đẹp tươi của cô gái trẻ người Mèo, cũng là men tình đã đánh thức tâm hồn và lý trí của Mị. Lời bài hát mộc mạc nhưng lại gợi lên một lối sống phóng khoáng, tự do, khát vọng hạnh phúc lứa đôi của con người Tây Bắc:

    "Mày có con trai con gái rồi

    Mày đi làm nương

    Ta không có con trai con gái

    Ta đi tìm người yêu".

    Tiếng sáo đã thức dậy cả một mùa xuân trong Mị, thức dậy cả những kí ức xa xôi về những ngày xuân đến. Nó khiến Mị tạm thời quên đi cái nghiệt ngã, tù túng của hiện tại, mà nói như nhà văn Tô Hoài thì "tiếng sáo dìu hồn Mị bay lên trên hoàn cảnh", đánh thức Mị về với bản ngã yêu đời, khao khát tự do vốn có. Điều ấy không khỏi làm ta nhớ đến một Chí Phèo bâng khuâng tỉnh dậy sau một cơn say dài bởi tiếng "chim hót ngoài kia vui vẻ quá", bởi tiếng "anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá trên sông". Chính những vang vọng của cuộc sống đã đánh thức những con người vốn bị lãng quên trong tận cùng đau khổ. Mị cũng như Chí Phèo kia quả thật đã tỉnh giấc sau một cơn mê dài.

    Men tình đã dẫn dắt Mị đến với men rượu, đây thực chất là sự báo trước cho cuộc nổi loạn đầu tiên trong tâm hồn Mị. "Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát". Vẫn là một câu văn trong văn trần thuật miêu tả, nhưng có một điều gì rất lạ trong tư thế, dáng dấp và cách uống rượu của Mị, uống mà như để hả tức, hả giận, như thể nuốt hết tất thảy những uất hận, tủi hờn của hiện tại, uống cho những khát khao, mơ ước của tương lai chưa tới. Cái đắng của rượu mà làm quên đi cái đắng trong lòng. Dù nó làm Mị say "ngồi trơ một mình giữa nhà", nhưng khiến "lòng Mị thì đang sống về ngày trước." Cơn say như là thứ xóa mờ hiện tại, mặc cho không khí chung quanh mình đang náo động "người nhảy đồng, người hát". Tâm hồn Mị đang sống trong tiếng sáo "văng vẳng gọi bạn đầu làng." Từ láy "văng vẳng" không chỉ miêu tả tiếng sáo của hiện tại mà còn là âm thanh của kí ức, của hoài niệm đưa Mị trở về với quá khứ đẹp tươi, với những tháng ngày tự do tuổi trẻ. Đó là quá khứ của một cô Mị trẻ đẹp "thổi sáo hay, thổi lá cũng hay như thổi sáo/ Có biết bao người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị". Tiếng sáo như chiếc cầu nối đưa Mị trở đi trở lại giữa hai thế giới say – tỉnh, nhớ - quên, quá khứ - hiện tại. Đây chính là lúc Mị chìm đắm trong những kí ức đẹp về một thời tuổi trẻ tự do và cuồng nghiệt, mong muốn yêu và được yêu, cho thấy đâu đó trong Mị vẫn còn tình yêu với cuộc sống dù chỉ là nghĩ về niềm vui trong chốc lát.

    Dưới sự tác động của men rượu và men tỉnh cháy bùng trong lòng, Mị được đánh thức khát vọng tự do, hạnh phúc, làm trỗi dậy sức phản kháng tiềm tàng. Trái ngược với căn buồng chật hẹp, ngoài kia, giai điệu tình yêu đang vang lên réo rắt, tiếng sáo gọi bạn tình lửng lơ bay, tự do đang vẫy gọi, đêm tình đang tới. Càng chứng kiến cái nhộn nhịp, hạnh phúc ngoài kia lại càng thấy cái tủi nhục, bức bối của sự giam cầm khổ sở. Nhưng sự tủi nhục không ngăn được lòng yêu tự do của Mị. Bởi "đã từ nãy Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước". Những từ ngữ như "phơi phới", "đột nhiên vui sướng" đã diễn tả thật trọn vẹn niềm hân hoan, phấn chấn của Mị lúc này. Bằng cách so sánh "vui như những đêm tết ngày trước", Tô Hoài đưa người đọc cùng Mị trở về với quá khứ êm đềm. Trong sự thăng hoa của cảm xúc, Mị nhận ra: "Mị còn trẻ lắm, Mị muốn đi chơi". Câu văn sử dụng phép điệp cấu trúc kết hợp kiểu câu đơn ngắn tạo nên nhịp điệu thôi thúc, dồn dập mãnh liệt trong Mị. Tô Hoài đã khéo léo nhập thân vào nhân vật, đồng thời vận dụng những hiểu biết, sự nhảy cảm với quá trình diễn biễn nội tâm của nhân vật, tạo nên sức hấp dẫn và thuyết phục đối với người đọc.


    [​IMG]

    Nhưng chính sự hồi sinh ấy cũng đưa Mị đến với một cảm xúc tiêu cực: Mị lại tủi thân khi nghĩ về A Sử, nhận ra cuộc hôn nhân không hạnh phúc, thấy được thực tại nhục nhã ê chề. Mị cảm thấy căm phẫn và ước rằng: "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa." Trước đây, Mị không đành lòng chết vì thương cha, nhưng đến khi cha mất, sự ràng buộc Mị với thực tại không còn, nhưng rồi cô dần quen với cái thực tế đau khổ, đã thờ ơ chấp nhận đến mức không còn tưởng đến cái chết nữa. Nhưng ở khoảnh khắc mà sức sống cựa mình, cô lại muốn chết đi, điều này nghe qua thì thấy vô lý nhưng lại tinh tế đến bất ngờ. Bởi cứ khi nào trong lòng Mị trỗi dậy khát vọng sống thì tinh thần phản kháng lại càng trở nên mạnh mẽ hơn, có những lựa chọn dứt khoát, cho dù ý nghĩ đó có phần nào tiêu cực. Nắm lá ngón chính là một sự giải thoát khỏi mọi đớn đau tủi nhục, khi mà tuổi xuân đã bị chà đạp, người thân cũng đã không còn, cuộc sống phía trước tăm tối mù mịt. Khi đó, Mị đã ý thức được về quyền sống, quyền làm người, biết rằng bản thân mình cũng muốn được đối xử xứng đáng như một con người. Như vậy, muốn chết cũng là sự thể hiện mãnh liệt cho sức sống tiềm tàng. Giữa những cảm xúc ấy, "tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường", nó đầy mê hoặc, quyến rũ, như lối kéo Mị từ vực sâu tuyệt vọng trở về với khát khao tự do, nhưng cũng là thứ khiến Mị ý thức sâu sắc bi kịch của mình.

    Cảm xúc tiêu cực tạm thời bị xóa mờ, trong Mị lại được thắp lên khát vọng hạnh phúc. Mị "lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng". Theo nghĩa tả thực, thì đây là hành động để thắp sáng căn phòng, nhưng không chỉ vậy, đây còn là lúc Mị thắp lên ngọn lửa trong tâm hồn, ngọn lửa của lòng ham sống, tự tay mang đến ánh sáng cho cuộc đời, cho thấy Mị không chấp nhận bóng tối, trong lòng đã bừng lên ánh sáng của hạnh phúc và tự do. Đến đây, ta chợt nhớ đến nhân vật Tràng trong "Vợ nhặt", một người sẵn sàng bỏ ra hai hào để mua dầu thắp sáng gian phòng đêm tân hôn trong khi còn đang phải ăn cháo cám, một người không bị cái đói kém, khổ cực làm chết đi những mong ước được sống đường hoàng cho ra một con người.

    Tiếp đó là một chi tiết có vẻ như bâng quơ, bình thường nhưng lại là một cách nhìn đầy tinh tế của nhà văn Tô Hoài: Mị với lấy cái váy hoa ở trong vách, quấn lại tóc. Bởi lẽ, đi cùng với hành động ấy là ý thức muốn làm đẹp, muốn được xúng xính trong váy hoa trong mùa lễ hội, thể hiện sức sống và tâm hồn tươi trẻ của người phụ nữ. Không chỉ trong VCAP, mà ta cũng có thể bắt gặp nét khắc họa tương đồng trong Mùa lạc của Nguyễn Khải, đó là mùi xà phòng trên áo của nhân vật Đào khi kể cho Huân nghe về duyên mới. Có thể nói, sự nữ tính vốn có được hồi sinh chính là minh chứng cho sự trỗi dậy mạnh mẽ, sâu sắc nhất của khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc ở người con gái. Đối với Mị, nếu không có mùa xuân ấy, Mị vẫn sống một kiếp đời tủi nhục, khổ đau, nhưng nếu như không có sức sống ấy, thì bao mùa xuân vẫn cứ trôi qua như vậy, buồn tẻ và quạnh hiu.

    Sức sống tiềm tàng của Mị bùng cháy ngay cả trong hoàn cảnh bị vùi dập. A Sử trói đứng Mị vào cột nhà, "quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa". Mị tiếp tục bị đày ải về thể xác, nhưng lúc này, tâm hồn cô lại tự do hơn bao giờ hết. Mị như không biết mình bị trói mà vẫn đưa theo những cuộc chơi, toàn bộ tâm trí Mị đang để ở mùa xuân ngoài kia, sống với ước mơ, như một người mộng du đang tìm lại tình yêu và tuổi trẻ. Vậy là, tội ác của nhà thống Lý, sự đày ải bằng cả cường quyền lẫn thần quyền chỉ có thể trói buộc được thể xác của Mị, chúng không thể giam cầm được tình yêu tự do của người lao động.

    Hành động "vùng bước đi" chính là bản lề khép mở tâm trạng, giữa một bên là sống trong mộng tưởng về ngày xuân sống động, tiếng sáo dập dìu, với một bên là cuộc đời bị vùi dập, đọa đày trong nhà thống Lý. Tuy nhiên, hiện thực lại không có phép điều ấy. Chân tay Mị không cựa được, tiếng sáo vụt tắt theo mọi cuộc chơi nhộn nhịp trong tâm trí, chỉ còn tiếng chân ngựa đạp vào vách. Trong khi tiếng sáo là âm thanh của giấc mơ thì tiếng chân ngựa lại biểu trưng cho cái đau buồn của thực tại, nó át đi tiếng sáo văng vẳng, dập dìu và trên tất cả, là đập vỡ giấc mộng của tâm hồn, bóp nghẹt những khát vọng tươi sáng, đưa Mị khỏi thiên đường của ước mơ. Điều này nhắc nhở Mị về thân phận khốn khổ của mình, khiến Mị trở về thực tại nghiệt ngã. Nỗi đau thể xác ngay lập tức song hành cùng nỗi đau tinh thần vì Mị chợt nhận ra mình không bằng con ngựa.

    Tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân là diễn biến của sự hồi sinh tâm hồn: Từ lúc thức tỉnh, cho đến lúc hồi sinh, và lên đến đỉnh điểm là khao khát sống để rồi có những khoảnh khắc gần như hoàn toàn hồi sinh khi tạm quên đi hoàn cảnh để đi theo tiếng gọi của tâm hồn. Diễn biến tâm trạng nhân vật Mị đi qua những cung bậc theo mức độ tăng tiến dần, từ dòng hồi tưởng đến sự đấu tranh, giằng co quyết liệt giữa hiện thực và khát vọng. Tâm trạng của Mị còn là cuộc giao tranh căng thẳng, dữ dội giữa hiện thực và khao khát, không ít lần khao khát sống giúp Mị vượt qua hiện thực, nhưng rồi Mị lại bị hiện thực giằng lại, bị hiện thực vùi lấp. Hiện thực cay đắng không thể thay đổi cuối cùng đã vượt lên khao khát sống, đã chà đạp và giày xéo lên khao khát sống trong Mị, đẩy Mị vào đau đớn tận cùng, và tiếp tục giam cầm Mị vào nhà tù của sự tê liệt ý thức.

    Có thể thấy, một cuộc trỗi dậy thứ nhất của Mị đã không thành, Mị không thể thoát khỏi cảnh tù ngục trần gian nhưng ít ra, Mị đã sống lại những thời khắc đẹp của tuổi trẻ. Sức sống và sự hồi sinh tâm hồn của Mị được đặt trong một thử thách khắc nghiệt, nơi hiện thực đầy tăm tối, phũ phàng, nhưng qua đó, tác giả đã gửi gắm một tư tưởng thấm đẫm giá trị nhân văn, rằng sức sống của con người cho dù bị giẫm đạp, trói buộc nhưng vẫn luôn âm ỉ và chỉ cơ hội, sức sống mãnh liệt ấy sẽ bùng cháy thành ngọn lửa lớn. Đúng như Lỗ Tấn đã từng nói: "Một tia lửa nhỏ hôm nay báo hiệu đám cháy ngày mai". Hành động của Mị tuy bột phát nhưng hứa hẹn một tươi lai với "đám cháy" lớn phía trước. Đây cũng chính là biểu hiện cho giá trị nhân đạo sâu sắc của nhà văn Tô Hoài. Qua diễn biến tâm trạng của Mị tỏng đêm tình mùa xuân, nhà văn Tô Hoài đã phát hiện, ngợi ca phẩm chất cao quý của con người lao động Tây Bắc, đó là trong cái đọa đày, khổ sở của thực tại, sức sống, sức phản kháng trong họ không hề mất đi mà ngược lại, càng trở nên mãnh liệt. Đồng thời, nhà văn đã bộc lộ niềm cảm thông chân thành, góp một tiếng nói lên án tội ác tày trời của giai cấp chủ nô phong kiến miền núi đã áp bức, bóc lột nhân dân lao động, đẩy họ vào kiếp lầm than.

    Không chỉ đặc sắc về nội dung mà đoạn văn còn là một thành công ở phương diện nghệ thuật. Tô Hoài đã đặt nhân vật này vào một hoàn cảnh đặc biệt đầy kịch tính, thúc đẩy sự vùng lên ở Mị, đồng thời vận dụng nghệ thuật tương phản đối lập, giữa cuộc sống tù túng, khổ cực của Mị với sự giàu sang, quyền thế của nhà thống Lý. Cách kể chuyện hấp dẫn, giọng điệu biến đổi linh hoạt, nhịp kể chậm rãi, sẻ chia, giọng kể trầm lắng đong đầy cảm xúc thể hiện tình cảm yêu thương của tác giả với nhân vật. Ngoài ra, ngôn ngữ trần thuật đa dạng, sinh động, chọn lọc, với các lớp từ thông tục, lối văn giàu tính tạo hình, vận dụng cách nói hồn nhiên, mang đập màu sắc dân tộc, phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của người miền núi. Nhưng đáng chú ý vẫn là nghệ thuật miêu tả tâm lý, vừa khách quan, trung thực, lại vừa kết hợp khéo léo với cách nhìn bên trong của nhân vật, diễn tả đặc sắc những gấp khúc mơ hồ, những thăng trầm cảm xúc, sử dụng độc thoại nội tâm.. làm nên một dòng tâm trạng đầy hấp dẫn và không kém phần hợp lý. Đó hẳn phải là kết tinh của một trái tim biết trăn trở trước số phận của người lao động cũng như tài năng và nhiệt huyết của nhà văn.

    Như vậy, đoạn trích là một áng văn thần tình, đầy cảm xúc về sự hồi sinh tâm hồn của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài. Câu chuyện khép lại, nhưng trong lòng người đọc được hé mở những cảm xúc đặc biệt khi chứng kiến con đường vùng lên của những người lao động dưới ách thống trị. Đem đến cái nhìn nhân đạo cao cả cùng thông điệp hướng đến tương lai, Tô Hoài đã thực sự trở thành "kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường." (Nguyễn Minh Châu). Đây chính là điều làm nên dấu ấn của nhà văn cũng như sức sống lâu bền của VCAP.
     
    hana0Lê Diệu thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...