Phân tích diễn biến tâm trạng của chí phèo trước và sau khi gặp Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi NHUQUYNH2003, 26 Tháng bảy 2020.

  1. NHUQUYNH2003 down to earth

    Bài viết:
    6
    Nam Cao vốn là nhà văn nổi tiếng với ngòi bút nhân đạo. Những tác phẩm của ông luôn mang đến giá trị cao đẹp, đầy tính nhân văn. Nổi bật là đề tài về người nông dân trước CMT8, tiêu biểu phải kể đến tác phẩm "CHÍ PHÈO". Linh hồn của câu chuyện là nhân vật cùng tên được nhà văn miêu tả với một chuỗi bi kịch của số phận mà xã hội phong kiến gây ra cho Chí Phèo cũng như những người nông dân khác trước CMT8.

    Tác phẩm mở đầu cùng sự xuất hiện của đứa trẻ bị bỏ trong cái lò gạch cũ, đứa trẻ ấy chính là Chí Phèo. Sinh ra đã mồ côi, hắn lớn lên là nhờ tình yêu thương giữa những người nông dân nghèo khổ, đi ở cho nhà này đến nhà kia, cuộc sống lang thang, bấp bênh. Chí Phèo cũng như bao người cũng sống với cái ước mơ giản đơn nhất của đời người, hắn muốn có một gia đình nhỏ, vợ dệt vải chồng cày thuê. Hắn lương thiện và có lòng tự trọng. Mơ ước nào đâu quá lớn lao, là mơ ước tưởng chừng như điều hiển nhiên, thế mà Chí ao ước có được. Chí lúc này đơn thuần chỉ là người nông dân chân chất, thậm chí còn "lành như cục đất". Ta còn thấy Chí Phèo là một người trong sáng và trọng danh dự. Làm canh điền cho nhà Bá Kiến, có lần bị bà Ba Kiến gọi lên bóp chân, Chí Phèo chỉ thấy nhục, thấy sợ. Trái tim của Chí Phèo mới 20 tuổi đầu còn là gỗ đá chưa nhận thức được đâu là tình yêu, đâu là lợi dụng. Chi tiết này được Nam Cao đưa vào để khẳng định Chí Phèo là một người nông dân lương thiện chất phác. Nhưng đó chỉ là trước khi Chí vào tù bởi sự ghen tuông của Bá Kiến.

    Chí đang sống trong cái xã hội mà "kiếp người cơm vãi cơm rơi. Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi". Trong cái xã hội mà cạm bẫy người giăng giăng như mắc cửi thì những người hiền lành như Chí bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Từ một người nông dân hiền lành, Chí Phèo trở thành một người khác sau khi được thả ra tù "cái đầu trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm, ngực và tay xăm trổ toàn những hình rồng phượng, có cả một tướng cầm chùy. Trông Chí Phèo đặc như một tên săng đá". Lúc này, ta chợt giật mình tự hỏi: "Chí Phèo đây ư?".

    Chí Phèo lúc này chính là hiện thân của bi kịch đau đớn của xã hội thời bấy giờ-là người nhưng không được làm người, hắn đã từng là người, cũng đã từng ước mơ, cũng đã từng khát khao, ấy vậy mà giờ đây trông hắn thật đáng thương. Hắn say, hắn say như hủ chìm, hắn đâu phải tên nát rượu cơ chứ, nhưng chính cái làng Vũ Đại toàn bọn ăn thịt người như Bá Kiến thì hắn cũng phải cướp giật, phải ăn vạ để mà sống nhưng muốn thế hắn phải liều, phải mạnh và rượu cho hắn ta những điều ấy.

    Trong cơn say, hắn ngật ngưỡng bước đi và hắn chửi. Ban đầu hắn chửi trời vì trời sinh ra hắn-một con người không hoàn thiện. Rồi hắn "chửi đời" vì đời bạc bẽo đã cưu mang hắn rồi lại vứt bỏ hắn. Tức quá, hắn chửi cả làng Vũ Đại đã đẩy hắn vào bi kịch tha hóa thê thảm. Nỗi cô độc lên đến tận cùng khi chẳng có ai trong làng chịu chửi nhau với hắn, hắn "chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn". Đau đớn nhất, hắn "hắn chửi mẹ đứa nào đẻ ra thân hắn" làm hắn mang những bi kịch lớn của cuộc đời. Hắn vừa đi vừa chửi, hắn thấy cô đơn, hắn thấy tức anh ách trong lòng, hắn thèm lắm cái cảm giác được giao tiếp với mọi người, hắn muốn có ai đó không ghê sợ hắn mà chửi nhau với hắn, hắn thèm lắm một tiếng nói động đến hắn để hắn biết người ta còn thấy hắn, còn công nhận hắn là một phần, một con người đúng nghĩa của cái làng Vũ Đại. Cứ như thế, hắn chửi, hắn chửi mãi, hắn mong có ai đó chửi lại hắn. Thế nhưng xung quanh lại là sự im lặng đáng sợ, họ cứ nhủ rằng: "Chắc Chí Phèo chừ mình ra", hắn cứ chửi rồi lại nghe, chỉ có ba con chó dữ và một thằng say rượu. Hắn bị từ chối quyền làm người tuyệt đối, không còn được xem là người. Từng lời cay độc thoát ra nghĩa là lòng hắn đang gào thét điên cuồng, hắn chửi thật nhiều để mong có ai đó lắng nghe hắn, để hắn vơi đi sự cô độc. Họ thành kiến với hắn, họ sợ hắn, sợ hàng tá phiền phức và nguy hiểm bên hắn liên lụy họ. Tiếng chửi của Chí Phèo vừa mang tâm trạng bất mãn, vừa là lời tố cáo sâu sắc xã hội vô nhân đạo với những nếp nghĩ lạc hậu đã cướp đi quyền làm người và ruồng bỏ hắn. Tiếng chửi thực chất là tiếng kêu cứu thảm thiết của con người đáng thương bị què quặt về cả thể xác lẫn tâm hồn đang gào thét, cố bám víu để tồn tại. Tấn bi kịch của Chí Phèo được viết lên như vậy cũng giống như bao người khác trong cái xã hội thối nát phải gồng mình lên cố mà sống.

    Nhìn lại một vài tác phẩm bàn về người nông dân, ta thấy trong tác phẩm 'Tắt đèn -Ngô Tất Tố'vì nghèo khó mà chị Dậu phải bán chó mẹ lẫn cho con, chị đành bán luôn cái Tí, còn'Lão Hạc -Nam Cao' phải bán đi cậu vàng. Vì ai? Vì cái sưu, cái thuế, cái nghèo đeo bám, vì bọn cường hào nhẫn tâm tước đoạt đi quyền cơ bản nhất của con người -quyền được sống.

    Chí Phèo cứ như vậy, vẫn luôn chìm trong cơn say, hắn say mãi, chẳng lúc nào hắn tỉnh cả, bởi khi tỉnh Chí lại cảm thấy cô đơn, chán trường và khổ đau với kiếp người hắn đang sống.

    Nhưng đó là trước khi hắn gặp được Thị Nở -một người đàn bà xấu xí, quá lứa lỡ thì, dở người, ngẩn ngơ. Hắn ăn nằm với Thị. Sau khi tỉnh cơn say, hắn nhận được bát cháo hành nóng hổi và đầy tình yêu thương, chăm sóc của Thị. Tâm hồn hắn lóe sáng trong cuộc đời dài đằng đẵng đầy tăm tối của hắn và hắn nhận ra được sự bi thương của chính mình "Hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có lúc mà người ta không thể liều lĩnh được nữa bấy giờ mới nguy", hắn tủi thân vì hắn nhận ra sự trơ trọi của chính mình giữa cuộc đời. Lần đầu tiên sau một thời gian dài hắn say, hắn cảm nhận được "tiếng chim ngoài kia hót nghe vui vẻ quá, có tiếng nói của những người đi chợ, anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá". Những âm thanh quen thuộc ngày nào cũng có vậy mà giờ hắn mới cảm nhận được. Chí triền miên trong những cơn say nên nào biết gì, vừa đáng đánh lại vừa đáng thương. Chính bát cháo hành của Thị đã làm cho con người ấy thèm khát có được 'lương thiện'. Tình cảm mà Thị dành cho Chí chưa chắc đã là tình yêu mà có lẽ cao cả hơn là tình người, đưa Chí rẽ vào bước ngoặt hoàn lương, bát cháo hành ấm nóng tình người đã thức tỉnh phần người trong hắn. Và rồi Chí thấy Thị có duyên, bởi trong mắt kẻ si tình người yêu bao giờ cũng đẹp, cũng duyên, Chí tỉnh tỉnh để suy tư, chiêm nghiệm. Chí thực sự đã tỉnh rượu, đã tỉnh ngộ và ý thức được cuộc sống sau bao tháng năm say miên vô tận, say để không biết có sự hiện hữu của chính mình trên cuộc đời. Từ đó, bát cháo hành là biểu tượng của sự cảm thông, sự đồng cảm sâu sắc giữa người với người cùng cảnh ngộ, biểu hiện cho chủ nghĩa nhân đạo. Chí cảm động, thật sự cảm động vì lần đầu tiên hắn được ăn một thứ ngon đến thế, hơn thế, bình thường nếu muốn có cơm ăn rượu uống hắn phải dọa, phải cướp giật. Lần đầu có người tự nguyện cho hắn ăn, đặc biệt hơn đó là đàn bà, con quỷ dữ trong hắn đã cảm nhận được, mắt ươn ướt. Chí bắt đầu lo mình già đi, hắn đã đi đến dốc bên kia của cuộc đời, bỗng nhiên cái ước mơ thiện lương ngày nào lại trỗi dậy. Bát cháo hành của Thị như liều thuốc cứu đời hắn. Thị gieo rắc hạt mầm hi vọng được trở lại làm người trong hắn'giá như cứ thế này thì thích nhỉ'. Cánh cửa hoàn lương vừa hé mở thì lại bị đóng sập một cách không thương tiếc, sự ngăn cấm của cô Thị Nở với cái lí do 'ai lại đi lấy một thằng ăn vạ' cùng với sự từ chối của Thị, dường như đã đẩy Chí Phèo vào đường cùng chỉ vì cái định kiến khắc nghiệt. Xã hội đã phũ phàng, vô tâm trước sự thức tỉnh của Chí Phèo. Nam Cao đặt Chí Phèo trước hai con đường lựa chọn: Sống làm quỷ dữ, chết để khẳng định giá trị con người. Một lần nữa bi kịch lại ập đến, lần nữa Nam Cao xoáy sâu vào chuỗi bi kịch mà Chí phải gánh chịu.

    Chí muốn làm người lương thiện nhưng ai cho hắn làm đây?

    Hắn muốn lấy Thị Nở để thực hiện ước mơ nhưng ai cho hắn làm điều đó đây?

    Hắn ngơ ngẩn, lạc lối rồi hắn chợt nhận ra rằng hắn trước giờ đã bao giờ thực sự được sống đúng nghĩa như một con người chưa. Hắn uống rất nhiều rượu nhưng càng uống lại càng tỉnh, càng thấm thía thân phận mình, để hắn tự ngấm, tự cảm bi kịch nhân sinh cuộc đời. Tất cả hy vọng của Chí đã tan theo làn khói mong manh hư ảo.

    Trong cơn say, hắn xách dao ra đi, miệng lảm nhảm hắn đi đến nhà Thị Nở để đâm chém nhưng bước chân lại đưa hắn đi tìm "Kẻ ác khơi nguồn chuỗi bi kịch sau đó, kẻ khiến cuộc đời hắn bế tắc tuyệt vọng", chẳng ai khác đó là Bá Kiến

    Lúc này Chí say hay tỉnh? Nếu hắn tỉnh sao lại không điều khiển được hành vi của mình, còn nếu nói hắn say thì không thỏa đáng vì người say không thể đòi lương thiện và biết rõ ai không cho hắn lương thiện. Rượu làm tinh thần hắn mu mị nhưng lại không chạm được tới ý thức, khao khát làm người của hắn. Chí Phèo đòi lương thiện là hành động vô cùng tỉnh táo, vì vậy Chí giết Bá Kiến và tự kết liễu bản thân.

    Có lẽ cái kết đẫm máu cho tác phẩm lại là cái nhân đạo nhất bởi vì tội ác đã được trừng trị và giá trị con người được khẳng định. Một Chí Phèo đã chết nhưng đọng lại đâu đó trong lòng mỗi độc giả là một Chí Phèo hiền lành, chân chất, khao khát có được lương thiện trong sự tha hóa của xã hội cũ.

    Ở cuối tác phẩm, đột nhiên thoáng thấy hiện ra một cái lò gạch cũ, rồi một ngày nào đó Thị Nở lại sinh ra một Chí Phèo con giữa con mắt thờ ơ của dân làng Vũ Đại. Từ đó, tác giả chứng tỏ rằng Chí Phèo không chỉ là bi kịch của cá nhân ai mà là bi kịch của nông dân thời bấy giờ.

    Như vậy, Nam Cao đã thành công xuất sắc trong việc làm nổi bật bi kịch của người nông dân trong xã hội cũ. Thể hiện tinh thần nhân đạo vô cùng sâu sắc, sự đồng cảm với con người, quyền làm người. Qua đó lên án và phê phán xã hội phong kiến lạc hậu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng bảy 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...