Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ khi Tràng dắt vợ về

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi estoulam, 2 Tháng mười 2021.

  1. estoulam

    Bài viết:
    64
    Đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ khi Tràng dắt vợ về nhà

    Bài làm:

    Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ

    Như những áng mây ngũ sắc ngủ trên đầu "

    Đó là những chiêm nghiệm của Bằng Việt về sức sống của văn chương nghệ thuật. Thật vậy, có những tác phẩm ra đời để rồi chìm khuất giữa ồn ào náo nhiệt của phiên chợ văn chương, nhưng cũng có những tác phẩm vẫn tồn tại bền bỉ tựa dòng suối mát lành chảy mãi trong tâm hồn bao thế hệ hôm qua, hôm nay và ngày mai. Đó là những tác phẩm chân chính" không kết thúc ở trang cuối cùng "(Ai-ma-tốp), là kết tinh của tâm huyết và tấm lòng của nhà văn. Và truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân là một tác phẩm như thế. Truyện đã xây dựng thành công nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ suốt đời lam lũ, khó nhọc với tình yêu thương con và niềm lạc quan vào tương lai. Đoạn trích"... "

    Đã khắc họa chân thực vẻ đẹp tâm hồn ấy.

    Kim Lân là cây bút truyện ngắn tài hoa và là một trong những gương mặt xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm của ông là những trang văn chân thật, xúc động về cuộc sống làng quê, khám phá vẻ đẹp tâm hồn người nông dân Việt Nam, những con người tuy cuộc sống còn gian khổ, thiếu thốn nhưng giàu tình nghĩa, thủy chung. Truyện Vợ nhặt có tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – tác phẩm được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng còn dở dang và bị mất bản thảo. Hòa bình lập lại (1954), dựa trên một phần cốt truyện cũ, Kim Lân đã viết Vợ nhặt, in trong tập Con chó xấu xí (1962). Tác phẩm là bức tranh hiện thực về số phận của người nông dân Việt Nam trong những năm nạn đói, là bài ca về lòng yêu thương, khát khao sống, khát vọng hạnh phúc gia đình mạnh mẽ và niềm tin vào tương lai ở những con người bị cái đói khát đẩy cảnh bần cùng.

    Bà cụ Tứ là nhân vật giúp nhà văn thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm cũng như bút lực và tâm huyết của mình. Như những bà mẹ Việt Nam nghèo khổ khác thời kì trước Cách mạng Tháng Tám, bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ nghèo, bị cái đói làm cho cùng cực, suy nghĩ quá nhiều. Bà cụ Tứ dáng dấp đã không còn nhanh nhẹn, tháo vát nữa mà đi" lọng khọng ", đôi mắt nhoèn ra, húng hắng ho, vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng. Đây là chân dung thân thuộc của một bà mẹ nông dân với cuộc đời lam lũ và bao đắng cay, tủi cực. Miêu tả hình ảnh bà cụ Tứ, nhà văn gửi vào đó tình cảm yêu thương, trân trọng đến những người phụ nữ tần tảo, vun vén gia đình, bị gánh nặng cuộc đời đè lên đôi vai, nhất là trong hoàn cảnh đói khát bần cùng của những năm nạn đói. Số phận của bà cũng đầy bất hạnh, chồng chết, con gái đi lấy chồng xa, bà ở với người con trai trong ngôi nhà" đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại ", lại còn là kiếp người tha hương cầu thực, mỗi ngày đều phải đối mặt với cái đói, cái chết. Đoạn trích nằm ở phần giữa tác phẩm, miêu tả tâm trạng của bà cụ Tứ khi Tràng dắt vợ về nhà.

    Kim Lân rất khôn khéo khi lựa chọn thời điểm thích hợp để bà cụ Tứ xuất hiện: Tại sao không phải là đầu câu chuyện mà lại ở nửa sau câu chuyện? Tác giả muốn gợi lên cái nghèo đói đến thê lương của xóm ngụ cư, lấy nó làm nền, làm đòn bẩy để đi sâu vào phân tích diễn biến tâm lý, nội tâm của người đàn bà này. Bà Tứ xuất hiện từ khi Tràng đưa vợ về nhà, và diễn biến tâm lý của bà cụ thay đổi liên tục. Trước nay việc con trai có vợ là điều mà bà vẫn hằng mong mỏi, nhưng Tràng, thằng con bà thì xấu xí, tính tình dở hơi, lại sinh ra trong gia đình nghèo, dân ngụ cư, cầm chắc cảnh ế vợ. Bỗng một ngày Tràng lại đưa vợ về ra mắt mẹ. Đây là một tình huống độc đáo, bất ngờ, khiến nhân vật bộc lộ những diễn biến tâm trạng cũng như giúp nhà văn thể hiện ý đồ tư tưởng của mình.

    Đầu tiên, đứng trước sự việc Tràng dẫn vợ về nhà, bà ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước một sự xuất hiện của một người đàn bà lạ mặt trong nhà mình. Trạng thái ấy của bà cụ Tứ được khơi sâu bởi hàng loạt những câu hỏi nghi vấn:" Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong nhà ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ? "Rồi lại:" Ô hay, thế là thế nào nhỉ? ". Phải chăng, đằng sau sự băn khoăn và ngạc nhiên này cũng ẩn dấu nỗi đau và tấm lòng cảm thương của nhà văn, rằng chính sự cùng quẩn của hoàn cảnh và cái thiếu minh mẫn của tuổi già đã đánh mất ở người mẹ sự nhạy cảm trước việc con trai yêu quý của mình có vợ. Bởi lẽ, ngay cả những đứa trẻ con trong xóm ngụ cư nhìn dáng vẻ của thị cũng biết đấy là vợ Tràng.

    Sau khi nghe Tràng phân trần, giải thích cái cơ sự hệ trọng của cuộc đời mình, bà cụ mới vỡ lẽ, lòng bà ngổn ngang những lo âu, tủi cực, xót thương lẫn vui mừng." Bà lão cúi đầu nín lặng ". Đó là sự nín lặng đầy nội tâm, dồn nén những điều chẳng thể nói hết bằng lời. Trong chữ cúi đầu, bà mẹ tiếp nhận hạnh phúc của con bằng kinh nghiệm sống, bằng sự trả giá của một chuỗi đời nặng nhọc, bằng ý thức sâu sắc trước hoàn cảnh. Đúng vậy, bà lão đã hiểu vì sao con bà trông như một đứa trẻ chờ mẹ về nhà, hiểu vì sao trong nhà lại có một người đàn bà lạ mặt. Sự từng trải trong cuộc đời khó nhọc đã giúp bà thoát ra khỏi cái chậm chạp của tuổi già để" hiểu ra bao nhiêu cơ sự ". Đó là hiểu hơn bao giờ hết khát vọng hạnh phúc thầm kín và tình cảnh của đứa con trai sinh ra đã thiệt thòi, hiểu được cuộc hôn nhân đầy éo le, bất trắc, hiểu được tình cảnh của chính mình và cũng là cảm thông, thấu hiểu cho người vợ nhặt. Chỉ một câu văn thôi, ta thấy được bao nhiêu tâm trạng đan xen, nó là những nỗi niềm thẳm sâu trong lòng một người mẹ yêu thương và từng trải. Tuy ngắn về câu chữ, nhưng đã len vào lòng người đọc biết bao suy ngẫm. Cũng như tuy không dài về thời gian vật lí nhưng lại là khoảnh khắc vô tận về ý nghĩa nhân sinh. Câu văn ấy không đơn thuần chỉ là một sự trần thuật, nó còn gợi ra ở ngòi bút Kim Lân chút rưng rưng hoài cảm cho tấm lòng người mẹ nghèo.


    [​IMG]

    Từ sự thấu hiểu ấy, lòng bà" vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình ". Bà nghĩ rằng," chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì.. "Từ chao ôi đứng ở đầu câu tạo giọng điệu than oán, chua xót kéo dài, gói ghém hết thảy những tâm tư của bà cụ. Bà không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến người ta, rồi không khỏi bận lòng nhìn lại hoàn cảnh của mình. Bởi chuyện dựng vợ gả chồng cho con vốn là chuyện hệ trọng của một đời người, nếu gia đình có điều kiện, tiền của dư giả, bà sẽ lo được cho con một đám cưới chu toàn, tươm tất. Nhưng biết sao được, khi mà với gia cảnh của bà, đến miếng ăn cho đàng hoàng cũng chẳng có nổi. Cái đói đã dập tắt mọi ước mong giản đơn của người mẹ về trách nhiệm với đứa con mình. Bao nhiêu chua xót, đắng cay, cùng cực nén lại trong chữ" thì "vô vọng ấy. Dấu chấm lửng cuối câu văn thể hiện sự nghẹn ngào, bất lực và cũng là một tiếng thở dài đầy tâm trạng của người mẹ có đủ tâm nhưng không đủ sức. Nếu như lão Hạc trong tác phẩm của Nam Cao dù đã phải hi sinh cả cuộc đời thì vẫn có mảnh vườn để sửa soạn cho con một tương lai tốt đẹp, còn bà cụ Tứ thì chẳng có gì cả mà chỉ có tình yêu thương đầy day dứt, đau đớn. Điều ấy khơi gợi cho chúng ta bao nhiêu xót xa, thương cảm.

    Nam Cao đã từng quan niệm: Nước mắt là giọt châu của loài người. Thật vậy, đối với đoạn trích này, Kim Lân đã cho thấy" giọt châu "– hạt ngọc trong tâm hồn người mẹ qua giọt nước mắt của bà cụ Tứ." Kẽ mắt kèm nhèm "là sự hiện hình của một bức chân dung đầy khổ hạnh của người phụ nữ nông dân lớn tuổi, là biểu hiện của tình mẫu tử thiêng liêng: Tình thương con thắt lòng. Đọc đến chi tiết này, chúng ta như được thấy một thước phim cận cảnh đầy xúc động, bởi Kim Lân đã chớp lấy từng nét thần tình, những đường nét hằn in lên từ một kiếp đời khó nhọc. Trong kẽ mắt kèm nhèm ấy rỉ ra một giọt lệ hiếm hoi, nó như được chắt ra từ cuộc đời đầy tủi cực, nó tưởng chừng như đã cạn khô trong những nắng mưa, sương gió cuộc đời, mà như Nguyễn Khuyến đã từng viết trong bài" Khóc Dương Khuê ":

    " Tuổi già hạt lệ như sương,

    Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan! "

    Bà lo lắng và trăn trở:" Biết rằng chúng có nuôi nổi nhau sống qua cơn đói khát này không. "Trong chữ" chúng nó "người mẹ đã đi từ lòng thương con trai sang con dâu. Với suy nghĩ đó, ta đã thấy được sự đồng tình của bà trước sự có mặt của người vợ nhặt trong căn nhà, là sự chấp thuận chưa nói ra ở người mẹ nghèo khó. Bà chấp nhận thị nên mới lo lắng cho tương lai của hai vợ chồng giữa cảnh khốn cùng, giữa cái đói khát cùng cực bủa vây. Những suy nghĩ của bà cụ về người vợ nhặt cũng thật là đáng quý." Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. "Cái thở dài ấy không phải sự trách móc hay coi rẻ người đàn bà đang bấu víu đứa con trai bà, cũng như cái nhìn đăm đăm ấy không phải sự soi mói, xét nét. Mà lòng người mẹ nghèo nhân hậu, giàu lòng vị tha ấy lại thấu hiểu ngay cảnh ngộ của người con gái xa lạ bỗng trở thành con dâu của mình kia:" Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được.. Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã đã chẳng lo được cho con.. "Trong suy nghĩ của bà còn là sự hàm ơn đối với người vợ nhặt, khi thị đã giúp Tràng có được hạnh phúc lứa đôi, có được mái ấm gia đình trọn vẹn hơn, khi mà bà nghĩ rằng mình chưa thể làm tròn nghĩa vụ của một người mẹ. Những tâm tư ấy cứ trào dâng, khắc khoài, nó bao la, đong đầy như tình cảm của người mẹ dành cho con, mà ở đó, ta thấy thấp thoáng một trái tim xót xa, một tấm lòng yêu thương của nhà văn.

    Tiếp đó, bằng tấm lòng nhân hậu, vị tha của người mẹ, bà cụ Tứ đã chấp thuận cho đôi vợ chồng trẻ. Đôi vợ chồng mới cưới đang hồi hộp chờ đợi vào sự phán quyết của người mẹ - người có quyền cao nhất trong nhà, giữa tình cảnh ấy, bà không trút lên đầu họ những lời lẽ xua đuổi cay nghiệt của kiểu mẹ chồng:" Cắn cơm không vỡ cắn tiền vỡ đôi "mà ngược lại, bà nhìn nàng dâu mới nhẹ nhàng nói" Ừ! Thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng ". Hai chữ" mừng lòng "nghe sao mà mộc mạc và ấm lòng đến thế. Đó không đơn thuần là một sự chấp nhận mà còn là sự thuận tình, là lời chúc phúc chân thành, là niềm tin mà bà dành cho hai con trong cảnh đói khát. Không phải tự nhiên mà bà nhắc lại câu" phải duyên phải kiếp "của Tràng để an ủi Tràng và người vợ nhặt. Câu nói nhẹ nhàng của bà đã cắt bỏ nỗi lo của Tràng, trả lại danh dự cho người vợ nhặt, không biến Thị thành người đàn bà rẻ rúng, mà xóa đi cái tủi hờn của hai chữ" vợ nhặt "," vợ theo ". Ngạn ngữ Nhật có câu," một lời nói thiện ý có thể sưởi ấm cả ba tháng mùa đông ". Thật vậy, dẫu cho đằng sau sự" mừng lòng "ấy là cái nghèo đói, cùng cực đang chờ đợi phía trước, nhưng bà cụ Tứ đã cho thấy một sự chào đón ấm áp, nhân từ dành cho thành viên mới của gia đình.

    Mỗi câu độc thoại nội tâm, mỗi lời nói của bà cụ Tứ đều toát lên vẻ đẹp của nếp suy nghĩ mộc mạc nhưng nặng tình nặng nghĩa của người dân lao động. Càng thấm thía cách bà cụ cư xử với đôi vợ chồng, ta lại càng cảm mến tấm lòng sẻ chia, thấu hiểu ấy. Nó khắc hẳn với suy nghĩ đầy định kiến của bà cô thị Nở khi nhận tin cháu gái bà muốn lấy Chí Phèo. Không có chút cảm thông chia sẻ nào, mà thay vào đó, trong lời lẽ của bà cô chỉ có những thời thóa mạ, miệt thị tàn nhẫn trút lên đầu Chí. Giá như, người cô ấy có chỉ một chút thôi sự tế nhị, sự lắng nghe và cảm thông thì hẳn CP đã được nhận về với xã hội loài người. Thế mới biết, chỉ có tấm lòng người mẹ thương con, chỉ có tình người ấm áp mới đủ bao dung, mở lòng cưu mang những kiếp người bên bờ vực của tuyệt vọng như thị. Và có bị thử thách trong hoàn cảnh ấy, ta mới thấy cái nhìn đầy tin yêu của nhà văn dành cho những người lao động lam lũ.

    Không chỉ chúc phúc, bà cụ Tứ còn là người mẹ thắp lên ở những đứa con niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Cái cách bà cụ Tứ dặn dò đôi vợ chồng trẻ thật khiến con người ta cảm phục" Nhà ta nghèo liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông giời cho khá.. Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? ". Bà cụ khuyên nhủ, động viên con những điều chí tình, đôn hậu, tràn đầy niềm lạc quan về cuộc sống. Đó cũng là niềm hi vọng mà bà đặt lên người con dâu, tin rằng người vợ nhặt sẽ khiến cho gia đình có cơ hội đổi đời. Bà thắp lên niềm tin nơi các con bằng chính niềm ao ước thiết tha vè tương lai sáng sủa chơn. Sự ân tình, chu đáo của người mẹ nghèo khiến đôi vợ chồng trẻ cảm động, không biết nói gì hơn, bà đã chấp nhận" người vợ mới "của đứa con, chấp nhận cả cái đói nghèo mà gia đình bà mang. Đó chính là tinh thần của ông cha ta bao đời:" Còn da lông mọc còn chồi nảy cây "

    Tuy nhiên cũng như Tràng, người vợ nhặt, Bà cụ Tứ cũng lo lắng, băn khoăn về tương lai cho đôi vợ chồng. Đặt nhân vật trong hoàn cảnh không gian, thời gian nhất định, Kim Lân đã diễn tả sâu sắc tâm trạng nhân vật. Bà cụ Tứ ngửi" mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết thoảng vào khét lẹt "mà" nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út ", đến" cuộc đời cuộc đời cực khổ đằng dặc của mình "để rồi phấp phỏng lo lắng cho tương lai của con:" Liệu chúng nó có hơn bố mẹ chúng nó trước kia không? ". Dù mừng hai tủi, dù buồn hay lo, mọi ý nghĩ, nỗi niềm của bà đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương con vô bờ bến. Nghệ thuật" biện chứng tâm hồn "đã thể hiện nhuần nhị trong từng biến thái tinh tế, phong phú của tâm lý người mẹ nghèo. Tác giả phải có sự thấu hiểu, trân trọng đặc biệt, phải có vốn sống phong phú đến mức độ nào mới có thể diễn tả một cách chân thực, tài tình đến vậy.

    Mặc dù lo lắng nhưng bà vẫn cố gắng gần gũi với người con dâu bằng lời nói thân mật:" Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân ". Lời mời ấy đã rút ngắn khoảng cách, phá bỏ ranh giới giữa người mẹ và" con dâu ", nó nhường chỗ cho sự bao dung, tấm lòng người mẹ và cũng đã an ủi người" vợ nhặt "ít nhiều. Lời mời của người mẹ thể hiện tình thương, sự chấp nhận" nàng dâu mới "của bà. Nổi bật hơn cả vẫn là tấm lòng thương xót của bà cụ Tứ với người con dâu mới:" Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. "Bà thấu hiểu cái tâm lý tủi hổ của thị, vì có lẽ, những tâm tư ấy bà đều đã trải qua trong những năm tháng tuổi trẻ của mình.

    Bà lão tiếp tục tâm sự với người vợ nhặt bằng những lời thân tình:" Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá.. ". Trong lời nói của bà cụ chứng tỏ bà là người rất hiểu đời và hiểu người. Bà hiểu rằng khi cưới xin cho con thì phải có vài ba mâm cỗ trước trình tổ tiên, ông bà, sau mời làng, mời xóm. Bà cũng hiểu được lòng người, hiểu được sự bao dung của mọi người, họ sẽ thông cảm cho cảnh nghèo của bà mà không chấp nhặt, tính toán. Bà cũng hiểu ra đạo lí tạo nên gắn kết vợ chồng chính là sự hòa thuận. Chỉ vài câu thôi mà ấm lòng người, ta không còn thấy hình ảnh mẹ chồng, nàng dâu mà chỉ thấy tình nghĩa đầy cảm động giữa người với người.

    Nhưng trong tâm trạng rối bời, bà cụ Tứ vẫn không thể xua tan được bóng mây đen đặc của chết chóc đang trùm lên tổ ấm gia đình bà. Bà vẫn phải nhắc các con về nạn đói bởi nó là hiện thực rất gần và bà cũng bộc lộ tình cảm yêu thương với các con:" Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá ". Bà muốn nói thật nhiều, nhưng nghẹn ngào không nói dược nữa," nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng ". Lại một lần nữa bà khóc, nhưng lần này, giọt nước mắt cứ mặc sức tuôn rơi, bởi đó là nước mắt của tình thương vô bờ. Giọt nước mắt ấy khiến thị biết mình được yêu thương, biết mình đã trở thành một phần trong cuộc sống của bà cụ và của gia đình nhà chồng. Giọt nước mắt ấy cũng là sự biểu hiện chân thành, đôn hậu nhất cho tấm lòng người mẹ bởi nó đã chứa đựng hết thảy sự lắng lo, trăn trở và cũng là biểu trưng cho tình mẫu tử thiêng liêng. Tình cảm ấy thật đáng trân trọng biết bao!

    Quả thật, không có kì quan nào đẹp đẽ và trường tồn bất từ hơn tình mẹ và cũng không có gì quý giá hơn tình người nồng ấm. Tình người được ví như là kết tinh, là ngọc đọng, là phiến Kỳ Nam trong rừng trầm hương, là hạt minh châu trong biển hạt trai, là tinh hoa trong vườn phương thảo và cũng là ánh sáng ấm áp đầy hi vọng giữa những kiếp người cơ cực. Dù đói nghèo nhưng những người nông dân vẫn luôn khao khát hạnh phúc và dành cho nhau sự yêu thương, đùm bọc. Có thể thấy, trong đoạn trích này, bà cụ Tứ nghĩ nhiều hơn nói, và dẫu cho tâm trạng có chất chồng những lo âu, thương xót thì những điều bà nói ra phần lớn vẫn là điều tích cực, không chỉ mang đến sự chúc phúc chân thành mà còn gieo vào lòng hai đứa con niềm lạc quan, tin người vào tương lai phía trước.

    Nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống độc đáo, khiến nhân vật có dịp bộc lộ sâu sắc tính cách, con người. Cách dẫn dắt câu chuyện tự nhiên, giản dị mà chặt chẽ. Kim Lân đã chọn điểm nhìn trần thuật khách quan, dòng thời gian tuyến tính theo tâm lý nhân vật, cách dẫn dắt tự nhiên, khéo léo, thu hút người đọc. Ngôn ngữ kể chuyện mộc mạc, giản dị, gắn với khẩu ngữ, gần gũi với lời ăn tiếng nói dân dã của người miền quê nhưng được chắt lọc kỹ lưỡng, chính xác và phong phú, từ đó tạo được sức gợi đáng kể. Giọng văn cảm thông, trầm ấm và tràn ngập yêu thương.

    Nhà thơ Trần Ninh Hồ đã từng nhận định:" Nếu như cho rằng văn chương là lịch sử tâm trạng con người thì Kim Lân quả là nhà văn đích thực trên cái ý nghĩa ấy "Thật vậy, đối với truyện ngắn cũng như đoạn trích này thì nghệ thuật diễn tả, phân tích tâm lý nhân vật của KL đã đạt đến sự sắc sảo, tinh tế và đầy thuyết phục. Ngoài những yếu tố ngoại hiện như cử chỉ, hành động, nhân vật bà cụ Tứ được chú trọng thể hiện qua những suy nghĩ và lời độc thoại nội tâm. Trong cái ngoại hình đã in hằn dấu ấn của những tháng ngày lam lũ đói khát ấy, bà cụ Tứ vẫn nung nấu một ý chí sống, vẫn dùng sự nhân hậu, bao dung của mình để động viên con. Cái tài của Kim Lân là cứ nhẹ nhàng mà luồn lách ngòi bút động đến nơi sâu thẳm của tâm hồn. Đó hẳn phải là vốn sống phong phú, là sự thấu hiểu, cái nhìn đầy yêu thương, trân trọng đối với số phận con người. Đoạn trích cũng đã xây dựng thành công chi tiết nghệ thuật đắt giá, đó là giọt nước mắt của bà cụ Tứ.

    Như vậy, qua sự khắc họa giản dị mà đầy xúc động về hình ảnh bà cụ Tứ trong cảnh Tràng dắt vợ về, ta thấy bóng dáng nhà văn với biết bao cảm thông, trăn trở cho những kiếp người cùng cực giữa cảnh đói khát. Từ đây, truyện ngắn" Vợ nhặt "không đơn thuần là những trang văn mà là những trang đời thấm đẫm nước mắt tủi cực, xót xa, phấp phỏng nỗi lo cho hiện tại và le lói niềm tin vào tương lai của bà mẹ nghèo. Sedrin đã từng nói:" Nghệ thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết". Thật vậy, dù thời gian mải miết trôi đi, hình tượng bà lão đáng mến ấy vẫn hết sức sống động bởi đây là nhân chứng của một thời hãi hùng, cũng là biểu trưng cho trái tim, phẩm giá của một người mẹ!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...