Phân tích, đánh giá nhân vật dì Mây trong truyện Người ở bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 18 Tháng mười một 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Phân tích, đánh giá nhân vật dì Mây trong truyện "Người ở bến sông Châu" của Sương Nguyệt Minh

    "Văn học và đời sống là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người." (Nguyễn Minh Châu). Con người là đối tượng phản ánh của văn học khi tiếp cận cuộc sống, nên qua mỗi trang văn, ta bắt gặp một tâm trạng, một tính cách, cuộc đời.. Qua "Người ở bến sông Châu", nhà văn cũng đưa ta đến với bến sông Châu để biết, để cảm thông và ngưỡng mộ một con người: Dì Mây - nhân vật chính của tác phẩm. Tuy một cuộc đời nhiều nước mắt, nhưng dì mây lại có những phẩm chất đáng trân quý.

    Dì Mây vốn là cô gái trẻ trung, xinh đẹp có mối tình sâu nặng với chú San. Chiến tranh nổ ra, dì xung phong ra chiến trường, tình nguyện làm cô y sĩ Trường Sơn. Bị thương, dì trở về với đôi chân không còn lành lặn, và những sóng gió cuộc đời vẫn chưa dừng lại dù chiến tranh đã kết thúc.

    "Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi". Chiến tranh xưa nay vốn khốc liệt. Cũng như bao người dân Việt Nam khác, dì Mây là nạn nhân của chiến tranh. Một phần tuổi trẻ và thân thể của dì đã để lại nơi Trường Sơn. Ngày trở về, thật trớ trêu, lại đúng là ngày chú San - người yêu cũ của dì đi lấy vợ, chỉ vì ngỡ rằng dì đã hi sinh. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Đôi chân tật nguyền không phải là nỗi đau lớn nhất. Dì phải đối diện với những nỗi đau tinh thần: Tình yêu tan vỡ, ám ảnh chiến tranh và sự hi sinh của đồng đội.. Nỗi đau của dì khiến ta nhớ đến thân phận của nhân vật Sô - cô - lốp trong truyện ngắn "Số phận con người" (Sô - lô - khốp). Sô - cô - lốp cũng trở về với thân thể tật nguyền và nỗi đau tinh thần ám ảnh: Vợ và ba con đều chết trong chiến tranh. Với góc nhìn hiện thực, Sương Nguyệt Minh đã thể hiện cảm động, xót xa những tổn thương cả về thể xác và tinh thần mà dì Mây phải gánh chịu.

    [​IMG]

    "Nhà văn phải là người nhân đạo từ trong cốt tủy", nên với tấm lòng nhân đạo sâu sắc, nhà văn không dừng lại ở việc phản ánh hiện thực khốc liệt của chiến tranh, ông còn dành những trang hay nhất viết về dì Mây với những phẩm chất đáng quý.

    Trong chiến trường, dì Mây là nữ quân y dũng cảm, kiên cường. Truyện không có một chi tiết nào gợi tả khung cảnh chiến trường và những công việc khó khăn, nguy hiểm của dì Mây quãng thời gian đó. Nhưng qua lời kể của những người công nhân làm cầu, người đọc có thể hình dung cảnh một cô gái mảnh mai đã lấy thân mình đỡ đạn cho người thương binh và bị bom phạt mất một chân vì hành động dũng cảm ấy. Người thương binh ấy là chú Quang, xuất hiện ở cuối truyện, người đã đi dọc sông Châu để tìm dì Mây. Lòng biết ơn, sự kiên trì tìm kiếm của chú với đối với dì đã cho ta hiểu thêm về vẻ đẹp của dì Mây khi còn ở chiến trường.

    Trở về với cuộc sống, dì Mây càng khiến ta thêm khâm phục ở vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu, vị tha, luôn hi sinh vì người khác, dù phải chịu thiệt thòi về mình. Chú San lấy vợ, dì đã trải qua biết bao cảm xúc: Đau khổ, tiếc nuối, tức tưởi, uất ức, có lúc tình yêu bùng lên mãnh liệt khiến dì mê mị đi. Nhưng với lí trí tỉnh táo, dì đã gạt tình riêng, từ chối lời đề nghị quay lại của chú San. Đâu phải vì dì hết yêu, đâu phải vì chú San hết tình cạn nghĩa. Cả hai đều rất nặng lòng. Nhưng dì không thể hạnh phúc trên sự đau khổ của người khác, nên dì đã nhường hạnh phúc ấy cho cô Thanh - người vợ mới cưới của chú San. Dì với cô ấy đâu quen biết gì nhau, vậy mà dì vẫn nghĩ cho tình cảnh lỡ dở của cô Thanh mà mạnh mẽ dứt tình. Đau khổ lắm chứ, tiếc nuối lắm chứ, chỉ có điều, lòng thương người, sự thấu hiểu không cho phép dì làm khác. Mấy ai có được quyết định khó khăn và đau lòng ấy khi trong lòng còn nặng sâu tình nghĩa với người yêu, và khi biết người yêu cũng vẫn yêu nhớ mình? Chi tiết cả hai người hồi tưởng về quá khứ của ngày chia tay, hồi tưởng về nỗi nhớ mãnh liệt khi dì ở chiến trường và chú San đi học nước ngoài là chi tiết đắt giá. Chi tiết ấy vừa cho ta hiểu tình cảm đậm sâu của chú, dì, vừa như "đòn bẩy" làm bật lên nỗi đau cũng như bản lĩnh, sự mạnh mẽ của dì Mây khi buộc phải đi đến quyết định cho tình huống trớ trêu này.

    "Chi tiết như hạt bụi vàng của tác phẩm". Từng chi tiết kể về cuộc đời của dì Mây từ khi trở về như cộng hưởng với nhau tôn lên vẻ đẹp của nhân vật. Chi tiết cô Thanh vượt cạn là một chi tiết đắt giá. Tình huống ngặt nghèo: Cô sinh non, tràng hoa quấn cổ, không thể sang đò lên huyện vì mưa gió.. đã đặt dì Mây vào cảnh khó xử: Cứu mẹ con cô Thanh hay lo cho sự an toàn của bản thân. Cô Thanh một hai phần sống, tám chín phần chết, lỡ mẹ con cô Thanh không qua khỏi, chẳng pahir dì Mây sẽ bị liên lụy sao? Dù thím Ba khuyên can, nhưng dì Mây vẫn quyết định cứu người, làm tròn trách nhiệm của một y sĩ. Quyết định của dì không chỉ thể hiện dì Mây là người có trách nhiệm với công việc, mà còn cho thấy vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu, vị tha. Tấm lòng ấy tỏa sáng giữa hoàn cảnh ngặt nghèo, mang đến sự sống cho mẹ con cô Thanh. Vậy là, dì trước sau vẫn chẳng nghĩ đến sự an toàn của bản thân, vẫn hết lòng vì người khác.

    Chi tiết dì nhận nuôi thằng Cún vì mẹ nó - thím Ba chết bởi bom bi cũng là chi tiết khẳng định vẻ đẹp tỏa sáng nơi dì. Tật nguyền, sinh hoạt bản thân đã khó khăn, lại còn nuôi trẻ, khó khăn vất vả bội phần. Dì đâu có nghĩ nhiều đến điều đó, dì nuôi cháu vì tình thương con trẻ, vì tâm hồn bé bỏng cần chỗ tựa nương.

    Chi tiết mào cũng khiến người đọc thêm yêu, thêm quý dì. Một người tật nguyền lại chở đò không công cho bọn trẻ đi học, sẵn sàng đi bộ đến trạm xá để dành tiền sửa đường mua thuốc cho dân, một người đắn đo trăn trở trước tình yêu của người đàn ông yêu mình vì sợ làm gánh nặng cho người ấy.. chẳng phải là người luôn sống vì người khác - rất đáng ngưỡng mộ hay sao? Con người ấy, dù thân thể tật nguyền mà trái tim thì đầy ắp yêu thương, nhân ái. Sự khuyết tật của bàn chân, nỗi đau của cuộc sống không thể đánh gục, không làm mai một đi những phẩm chất cao đẹp.

    Bản lĩnh và mạnh mẽ trong những quyết định khó khăn, nhưng thẳm sâu trong trái tim dì Mây lại là khát khao bình dị rất con người, rất nữ tính: Khao khát được yêu thương, được làm vợ, làm mẹ. Vì sao dì giật mình thon thót của khi nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc bên trạm xá? Vì sao đỡ đẻ xong cho cô Thanh, dì gục xuống bàn khóc nức nở? Đó chẳng phải là cảm xúc vọng lên từ tâm hồn khát khao làm mẹ đó sao? Sự phân vân của dì trước tình cảm của chú Quang "liệu có nên không?" chẳng phải là sự đắn đo của người phụ nữ mang mặc cảm tật nguyền mà vẫn khát khao yêu thương đó sao? Không khao khát, dì đã chẳng phân vân như thế!

    Như vậy, ở dì Mây, ta bắt gặp một con người vừa mạnh mẽ, kiên cường, vừa nhân hậu, vị tha lại vừa rất đời thường với những khát khao đầy nữ tính. Không thiên về bút pháp lí tưởng hóa, nhân vật của Sương Nguyệt Minh vẫn hiện lên với tất cả những vẻ đẹp lí tưởng qua hàng loạt những chi tiết chân thật nhất.

    Điểm độc đáo trong ngòi bút kể chuyện của nhà văn là chọn điểm nhìn trần thuật linh hoạt, khi thì mượn điểm nhìn của nhân vật Mai, khi thì như tách hẳn ra để có những góc nhìn toàn cảnh hơn. Cách kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, giàu kịch tính và tràn đầy cảm xúc. Những đoạn văn tả cảnh vô cùng đặc sắc, không một hình ảnh thiên nhiên nào được đưa vào ngẫu nhiên, mà đều có chủ ý, từ cảnh bến sông Châu quặn đỏ ngày dì trở về, đến cảnh thơ mộng ngày dì đưa chú San đi học, hay cảnh đất trời giao hòa lúc kết thúc truyện.. tất cả đều gợi một điều gì đó, hoặc số phận dì Mây, hoặc tình yêu thơ mộng của chú dì.. Tả tâm lí cũng đặc sắc không kém, hãy xem sau khi dứt tình với chú San, nhà văn miêu tả như thế nào? Tiếng dát giường cọt kẹt, tiếng thở dài, lại thở dài và trạng thái ngồi bó gối ngồi như tượng của dì, nói lên điều gì? Chẳng phải nói lên niềm đau xót, tiếc nuối trong tâm trí dì đằng đẵng suốt đêm đó sao? Hay khi dì đỡ đẻ xong cho cô Thanh, câu văn miêu tả tiếng khóc của dì, ngắn gọn mà nói lên biết bao nỗi niềm.

    Một tác phẩm thực sự luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí người đọc ngay từ lần đọc đầu tiên. Người ở bến sông Châu là tác phẩm như thế, với cốt truyện hấp dẫn, cảm động, cách kể chuyện lôi cuốn, truyện để lại trong mỗi người đọc nhiều suy ngẫm về nỗi đau chiến tranh, về vẻ đẹp của người phụ nữ. Truyện vừa giàu giá trị hiện thực, vừa thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc, xứng đáng là một kiệt tác văn học.
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng ba 2023
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...