Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung và nghệ thuật trong 4 câu thơ cuối bài thơ Tây Tiến

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 20 Tháng tư 2023.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    Đề bài: Phân tích đặc sắc nội dung và nghệ thuật trong 4 câu thơ cuối của bài thơ Tây TiếnQuang Dũng?

    [​IMG]

    Bài làm

    "Vào thơ hay, dù là điệu kiên cường hay làn êm ái đều là vào thế giới của cái đẹp". Quả thực vậy! Mỗi nhà thơ phải cầm trên tay chiếc gương phản chiếu cuộc đời, để từ đó sai rọi mỗi bước đi, hứng chịu lấy cái khổ đau, hạnh phúc ngập đầy của vạn nẻo người. Nền văn học nhân loại từ trước đến nay khó có dịp được chiêm ngưỡng hàng loạt tác phẩm vừa kiên cường, vừa êm ái như trong thế giới của văn học kháng chiến. Ở đó, mỗi nhà thơ đều là một người chiến sĩ, ban ngày thì hăng say chiến đấu nơi đầu sóng ngọn gió, đêm về lại mài hồn mình để làm nên những trang nghệ thuật vàng son cho nhân thế. Có lẽ, Quang Dũng chính là một hình tượng nhà thơ như vậy, đặc biệt là với khổ thơ cuối của bài thơ Tây Tiến, tâm hồn của người lính được ông thể hiện không chỉ là vẻ đẹp của cả một thời đại Việt Nam mà còn là nét chân dung của chính người nghệ sĩ nghệ thuật vị nhân sinh:

    "Tây Tiến người đi không hẹn ước

    Đường lên thăm thẳm một chia phôi

    Ai lên Châu Mộc mùa xuân ấy

    Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi."

    "Thi ca gần với sự thực chân chính hơn là lịch sử." (Plato) Điều này thực đúng trong thơ Quang Dũng, bởi lịch sử đôi khi còn đánh lừa hậu thế, nhưng thơ ca thì mãi mãi phản ánh hiện thực. Cũng chính vì lẽ đó mà mỗi lần đọc lên những dòng thơ Quang Dũng, người đọc đều không nhịn nổi nỗi xúc động đến nghẹn ngào. Tây Tiến là tên một binh đoàn được thành lập vào năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp cùng bộ đội Lào đánh tiêu hao sinh lực địch ở biên giới Thượng Lào. Quang Dũng là một người tiểu đội trưởng của binh đoàn phần lớn là những thanh niên mười tám đôi mươi ấy. Khi ông phải chuyển công tác vào năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, trong nỗi nhớ thương Tây Tiến thường trực đau đáu, Quang Dũng đã viết lên bài ca người lính ấy.

    Nếu như ở những đoạn thơ trên, Quang Dũng tái hiện lại thiên nhiên Tây Bắc hoang sơ, kì vĩ, dữ dội đầy thách thức với con người thì ở khổ thơ cuối bài, ông chỉ nói về lý tưởng và tâm thế của những người cách mạng trẻ. Có lẽ, đây chính là khổ thơ hay nhất, ấn tượng nhất của Quang Dũng ở Tây Tiến. Nó không tả mà mang đầy sức gợi:


    "Tây Tiến người đi không hẹn ước"

    Tây Tiến thân thương và dữ dội được lặp lại với câu thơ đầu tiên của khổ một vô tình tạo nên cấu trúc đầu cuối tương ứng cho bài thơ. Ta có thể hiểu những người lính Tây Tiến ra đi không hẹn trước ngày trở về với tinh thần "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh". Và tư thế này của người lính khiến ta liên tưởng tới những tráng sĩ xưa: "Tráng sĩ nhất khứ, bất phục hoàn". Đó còn là hình ảnh những trang nam nhi chí lớn ta thấy trong bài "Tống biệt hành" :

    "Li khách li khách con đường nhỏ

    Chí nhớn chưa về bàn tay không

    Thì không bao giờ nói trở lại

    Ba năm mẹ già cũng đừng mong"

    Hay:

    "Người ra đi đầu không ngoảnh lại

    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"

    (Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

    [​IMG]

    Hình tượng người tráng sĩ đã trở thành hào khí của cả một thế hệ như lời bài hát: "Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi, nào có xá chi ngày trở về". Mỗi nhà thơ, mỗi giọng điệu, mỗi tư thế đều làm toát lên vẻ đẹp của trang nam nhi nuôi chí lớn. Đồng thời, "không hẹn ước" cũng có thể hiểu những người lính Tây Tiến ra đi không hẹn trước nhưng họ cùng chung lí tưởng chiến đấu. Những con người không hẹn trước vẫn quy tụ về đây để làm nên đoàn binh Tây Tiến - một cái tên đầy kiêu hãnh. Đây cũng là tứ thơ được Chính Hữu thể hiện trong bài thơ "Đồng chí" :

    "Anh với tôi đôi người xa lạ

    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

    Súng bên súng đầu sát bên đầu

    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ"

    Denis Diderot khi bàn về thơ ca đã nhận xét: "Thi ca phải có cái gì đó man rợ, bao la và hoang dại." Phải vậy chăng mà khi nhớ về Tây Tiến, Quang Dũng còn nhớ về hình ảnh:

    "Đường lên thăm thẳm một chia phôi"

    Con đường thăm thẳm một lần nữa gợi lại đường hành quân Tây Tiến gian lao, vất vả mà tác giả đã tái hiện ở khổ 1. Đã "lên" rồi lại còn "thăm thẳm"? Có phải sự xúc động trào dâng đã khiến cho người cầm bút lu mờ nhận thức về không gian, các anh đi lên hay đi xuống mà có thể cảm nhận cái thăm thẳm, các anh đang từ đỉnh núi hành quân xuống chân núi hay đang từ đáy vực sâu leo cao lên từng bậc. Dẫu hiểu theo cách nào thì cung đường mà các anh đi quả là gian khó. Suy rộng ra, đó đâu chỉ là hiện thực của riêng người lính, mà đó còn là lịch sử của chính dân tộc ta. Bởi chính dân tộc cũng đang gồng mình chống lại ách thống trị thực dân, chính dân tộc ta cũng đã và đang không ngừng bò ra từ núi thấy biển máu để đến với chiếc cổng của tự do, giải phóng muôn đời. Tính từ "thăm thẳm" không chỉ là cái cao, cái sâu mà còn là cái khó. Nhất là khi đã khó khăn rồi mà lại "một chia phôi". Một chia phôi là sự chia cắt, li biệt. Quang Dũng có đang nói đến cái chết của bản thân và những người đồng đội. Phải chăng Quang Dũng cõi Tây Tiến là cả một đại gia đình, là "một" nên mỗi khi có ai đó ngã xuống, máu thịt các anh như bị cắt đi một phần, rải rác khắp mọi nẻo đường để bồi đắp thêm cho sông núi. Thế nhưng "phôi" cũng là sự hình thành một sinh linh, một kiếp sống mới. Kết thúc phải chăng chỉ là sự bắt đầu và hành trình chinh chiến của các anh được khởi đầu bằng sự tụ hội không hẹn ước và kết thúc bằng một sức sống mới, mãnh liệt hơn, đẹp đẽ hơn rất nhiều.

    Để rồi, Quang Dũng gửi gắm những tiếng yêu thương ở hai câu thơ cuối bài:


    "Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

    Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi"

    "Ai" là đại từ phiếm chỉ nhưng ở đây đã được dùng với ý nghĩa khẳng định chỉ cả đoàn binh Tây Tiến – những chàng trai Thăng Long – Hà Nội của một thời trận mạc. Kỉ niệm "mùa xuân ấy" trong câu thơ có sức gợi. Đó là mùa xuân 1947, năm thành lập đoàn binh Tây Tiến, nhưng nó còn có ý nghĩa là tuổi trẻ. Cả một thế hệ mùa xuân ấy đã ra đi cứu nước, mang tuổi trẻ của mình góp vào mùa xuân chiến dịch "sống mãi tuổi 20". Các anh đi chẳng tiếc đời mình và cống hiến hết khoảng thời gian đẹp nhất cho sự sống lâu bền của tổ quốc thân thương. Chữ "lên" trong câu thơ này được đặt thẳng hàng với chữ "lên" ở câu thơ trước, hai lần "lên" nhưng chưa một lần nhắc tới "xuống", Quang Dũng như khẳng định thêm sự đúng đắn trên con đường mình đã chọn. Các anh ra đi, không ngừng đi lên phía trước, không ngừng hi sinh, không ngừng mất mát nhưng các anh đã gần tới "mùa xuân ấy" – mùa xuân của tự do, của độc lập, của hạnh phúc, ấm no cho cả dân tộc.

    Với những con người trong mùa xuân ấy, Quang Dũng thấy: "Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi" nghĩa là dù họ có đi bất cứ nơi đâu, tâm hồn họ vẫn mãi gắn bó với Sầm Nữa, với Tây Bắc nơi máu của các anh đã nhỏ xuống, hi sinh, nơi đã khắc sâu bao kỉ niệm không thể nào quên. Lời nhắn như ấy đã cho ta thấy tình yêu máu thịt của nhà thơ đối với con người và mảnh đất biên cương của Tổ Quốc. Sau này, Chế Lan Viên cũng thể hiện điều đó trong bài Tiếng hát con tàu:


    "Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ

    Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương

    Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

    Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn."

    Từ phủ định "chẳng" đặt ở giữa câu khiến ta tưởng như chẳng hề có sự o ép, bắt buộc nào mà chính các anh đã lựa chọn ngàn đời bên Sầm Nứa. Dẫu cho năm tháng có qua đi, dẫu cho vạn nẻo đường đã thay da đổi thịt thì oai linh người lính vẫn về với mảnh đất Tây Bắc. Có thể nơi ấy không hiện đại, không phồng hoa và náo nhiệt nhưng lại là nơi gắn bó tuổi thanh xuân của các anh, sức trẻ của các anh, lí tưởng của các anh và điều đó còn đáng quý hơn nhiều lần ánh điện, cửa gương vàng son rực lóa.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem

    Cứ như vậy, bầu trời văn học Việt Nam lại xuất hiện thêm một ngôi sao sáng, ấy là Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến, đặc biệt là khổ thơ cuối bài. Quang Dũng đã vận dụng mọi tài năng thiên bẩm của mình để làm nên một áng thơ hay, đúng với ý kiến của R. Tago: "Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong". Và cũng chính từ cái "hoàn thiện từ bên trong ấy", con chim xanh Quang Dũng đã đem đến một áng quân hành Tây Tiến bất hủ đến ngàn đời.

    Đọc thêm:

    Phân Tích 14 Câu Thơ Đầu Bài Thơ Tây Tiến – Quang Dũng

    Phân Tích Khổ 2 Bài Thơ Tây Tiến – Quang Dũng

    Phân Tích 8 Câu Thơ Khổ Thứ 3 Của Bài Thơ Tây Tiến – Quang Dũng
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng năm 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...