Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung và nghệ thuật của khổ 2 bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 17 Tháng tư 2023.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    Đề bài: Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung và nghệ thuật trong 8 câu thơ khổ thứ 2 của bài thơ Tây TiếnQuang Dũng?

    Một đề bài đã khá quen thuộc trong các phần ôn luyện, hãy làm cũng mình nhé!

    [​IMG]


    Bài làm

    "Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ và hiến dâng máu nóng của mình cho nhân loại" (Lép Tôn-xtoi) Và có lẽ, chỉ có những nhà thơ, nhà văn trong thời kì kháng chiến cứu nước mới có thể hiến dâng trọn vẹn nhất theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng cho sự tồn vong của giống nòi. Đó là những nhà thơ cầm súng sung phong, là những nhà văn "có thép", sẵn sàng chết trên con đường thu thập "hạt bụi vàng lịch sử" để viết nên trang. Quang Dũng chính là một trong những tác giả như thế. Người con đa tài của xứ Đoài mây trắng đã khẳng định được vị thế của mình trên thi đàn Việt Nam chỉ bằng một tác phẩm thơ –Tây Tiến, đặc biệt nhất phải kể tới chính là khổ thơ thứ hai:

    "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

    [..]

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."

    Nếu như ở khổ thơ mở đầu của thi phẩm, bằng nét vẽ rắn rỏi, mạnh mẽ, gân guốc, nhà thơ đã khắc họa bức tranh miền Tây hùng vĩ, dữ dội để tạo thành một bệ đỡ hoành tráng, khắc tạc chân dung người lính thì đoạn thơ thứ hai của bài đã mở ra một thế giới khác của Tây Bắc, một Tây Bắc tươi tắn, mỹ lệ, tài hoa và duyên dáng. Những nét vẽ táo bạo gân guốc ở khổ đầu đến đoạn này Quang Dũng đã thay bằng những nét vẽ tinh tế, mền mại. Hình ảnh đêm liên hoan văn nghệ của bộ đội được gợi lên với những chi tiết rất thực, rất mộn mà cũng rất ảo như khung cảnh của một ngày lễ cưới. Quang Dũng đã làm sống lại không khí của đêm liên hoan văn nghệ trong những dòng thơ hào hoa, phong nhã.

    Câu thơ mở đầu khổ thứ hai đem đến cho bạn đọc cảm nhận nhà thơ đang nhớ về một điểm dừng chân bất chợt với đêm liên hoan văn nghệ ngây ngất, mê say:


    "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa."

    Hai chữ "doanh trại" gợi cho người đọc liên tưởng tới môi trường quân ngũ, là nới gắn với những mệnh lệnh của nhà binh với kỉ luật thép, quân lệnh như sơn. Vậy mà ở đó lại diễn ra đêm liên hoan văn nghệ. Điều đó cho thấy tâm hồn người lính không chỉ toàn mệnh lệnh khô cứng, chai sạn mà căng tràn chất thơ, chất nghệ sĩ lãng mạn.

    Mặt khác, hai chữ "doanh trại" cho ta thấy nhà thơ đang nhớ về điểm dừng chân bất chợt của trung đoàn miền Tây và hơn nữa, những năm đầu cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, thiếu thốn, vất vả với những cuộc hành quân triền miên, những điểm dừng bất chợt có thể trở thành doanh trại.

    Đọc bài thơ "Nhớ" của Hồng Nguyên ta cảm thấy rõ điều này:


    "Chúng tôi đi

    Nắng mưa sờn mép ba lô

    Tháng năm bạn cùng thôn xóm

    Nghỉ lại lưng đèo, nằm trên dốc nắng

    Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng

    Quờ chân tìm hơi ấm trong đêm

    Nghỉ lại nhiều nơi nhưng không nhớ hết tên làng."

    Vì thế, hai chữ "doanh trại" thực ra chỉ là sản phẩm của bút pháp lãng mạn mà thôi.

    Khi nhớ về đêm liên hoan văn nghệ, Quang Dũng không quên tái hiện vẻ đẹp ánh sáng: "Bừng lên hội đuốc hoa". Chữ "bừng" với cấu trúc đảo ngữ mang giá trị biểu cảm cao. "Bừng" diễn tả ánh sáng mạnh bất ngờ, đột ngột khiến ta có cảm giác chỉ trong khoảnh khắc ánh sáng bừng lên rực rỡ xua tan bóng đêm giá lạnh của núi rừng, làm dấy lên vẻ đẹp của lễ hội liên hoan tưng bừng, náo nhiệt. Đặc biệt là ba chữ: "Hội đuốc hoa" đầy sức gợi. Hình ảnh ngọn lửa đuốc bình dị qua cái nhìn lãng mạn, dí dỏm của người lính Tây Tiến đã trở thành "đuốc hoa" - ngọn đuốc thắp sáng trong đêm tân hôn ngày xưa, trong những lễ hội cổ truyền của dân tộc. Thế là đêm liên hoan văn nghệ tưng bừng náo nhiệt đã trở thành một ngày đại hỉ. Và người đọc được chứng kiến một bữa tiệc tưng bừng, một lễ hội ánh sáng giữa núi rừng Tây Bắc.


    [​IMG]

    Ánh sáng là phông nền mơ mộng cho vẻ đẹp của con người xuất hiện:

    "Kìa em xiêm áo tự bao giờ"

    Hai chữ "kìa em" thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến thích thú của các chàng trai Tây Tiến trước vẻ đẹp rực rỡ lạ thường. Theo nhà thơ Trần Lê Văn, bạn thân của Quang Dũng thì "em" mà Quang Dũng nhắc tới trong dòng nước không phải là ai khác mà chính là người lính Tây Tiến. Họ giả làm người con gái để diễn kịch cho đêm liên hoan tưng bừng, vui nhộn đầy chất tinh nghịch, dí dóm của người lính và đây là một điều không xa lạ gì trong môi trường quân ngũ nơi rất hiếm con gái.

    Hơn hết, theo văn bản ngôn từ của câu thơ thì "em" ở đây là nhưng cô gái miền sơn cước hiện ra với vẻ đẹp xứ lạ. Và bộ xiêm áo em mặc có tự bao giờ mà đẹp thế khiến anh phải ngây ngất đắm say. Hai chữ xiêm áo gợi tình cảm hết sức chân trọng, tôn quý khi nhìn thấy các cô thiếu nữ bất ngờ hiện ra trong những bộ y phục cổ truyền của người Thái và họ chính là linh hồn của đêm liên hoan.

    Trong đêm liên hoan văn nghệ, người lính không chỉ ngỡ ngàng trước hình ảnh của em, không chỉ được chiêm ngưỡng hội hoa đăng tưng bừng, náo nhiệt mà còn đắm mình mơ màng trong âm thanh của tiếng khèn man điệu, của sơn nữ say mê, là nhạc cụ của vùng cao Tây Bắc và khi diễn tả âm thanh của tiếng khèn, Quang Dũng lựa một từ rất đắt "man điệu" gợi ra rất độc đáo của âm thanh vùng cao. Ta có thể hiểu đó là vũ điệu của miền đất lạ và cũng có thể hiểu là vu điệu của sơn nữ say mê. Người lính ngắm nhìn và đắm mình trong âm nhạc để rồi:


    "Khèn lên man điệu nàng em ấp

    Nhạc về Viên chăn xây hồn thơ."

    Câu thơ bảy chữ thì có đến sáu thanh bằng khiến nhạc thơ rung lên nhè nhẹ, tâm hồn người lính bay bổng, phiêu du về những miền đất xa lạ để dệt lên những mộng mơ cho tâm hồn. Chính những đêm liên hoan văn nghệ như thế đã trở thành nguồn lực tinh thần để nuôi dưỡng hồn thơ, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho đoàn quân Tây Tiến xả thân vì đất nước mong ngày mai khải hoàn chiến thắng. Đồng thời góp phần xây dựng tình hữu nghị Việt Lào sâu sắc như lời căn dặn của Hồ Chí Minh:

    "Việt – Lào hai nước chúng ta

    Tình sâu như nước Hồng Hà Cửu Long."

    Trong ánh sáng lung linh của đuốc lửa, âm thanh của tiếng khèn, tiếng nhạc, con người và cảnh vật đều nghiêng ngả bốc men say, ngây ngất, rạo rực. Thế rồi người chiến sĩ phải ra đi tất cả bỏ lại phía sau:

    "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

    Có nhớ dáng người trên độc mộc

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."

    Câu thơ gợi nhiều hơn tả, gợi về một cuộc chia tay với Châu Mộc trong một buổi chiều sương, một buổi chiều vẳng vào nỗi nhớ bao kỉ niệm không thể nào quên. Cảnh sắc Châu Mộc được phủ một lớp sương huyền thoại khiến cho người và cảnh nhòa đi như một bức tranh thủy mặc cổ điển. Hình ảnh Châu Mộc trong buổi chiều sương như gợi ra tứ thơ của Chế Lan Viên:

    "Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

    Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương

    Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

    Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn."

    Chỉ có điều hình ảnh thơ của Chế Lan Viên mang sức khái quát còn hình ảnh thơ Quang Dũng lại đi vào gợi tả cụ thể với những địa danh thấm đẫm kỉ niệm – Châu Mộc. Và trên nền không gian ấy, Quang Dũng bắt đầu đi vào miêu tả cảm xúc:

    "Có thấy hồn lau nẻo bến bờ"

    Hoa lau mang theo nét đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc, hoa lau mọc khắp triền sông, vách đá và thung lũng. Ngàn lau làm thiên nhiên Tây Bắc trở nên mênh mông, vắng lặng. Nhìn lau bằng thị giác nhưng ở đây, Quang Dũng miêu tả rất đặc biệt: "Hồn lau". Không giống như Tố Hữu đi vào gợi sắc màu của hoa lau:

    "Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son."

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cũng không như cách cảm nhận lau của nhà thơ Chế Lan Viên:

    "Ai lên biên giới cho hồn ta theo với

    Về với hàng lau chỉ trắng có một màu

    Những ngàn lau đứng canh cho bờ cõi

    Suốt một đời cùng với gió tranh."

    Mà Quang Dũng lại gợi ra "hồn lau", tức là nắm lấy cái tinh thần, khí phách của lau phất phơ trong chiều sương, xôn xao như có linh hồn – Một lối viết gắn với bút pháp cổ điển phương Đông.

    Từ hình ảnh thiên nhiên, con người xuất hiện:


    "Có nhớ dáng người trên độc mộc

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."

    Khi nhớ về bức tranh sông nước miền Tây, nhà thơ nhớ về dáng người trên độc mộc. Con người trong bức tranh thơ xuất hiện không rõ nét bởi lối diễn đạt phiếm chỉ tạo những cách hiểu phong phú cho bạn đọc. Có ý kiến cho rằng đó là những hình ảnh quen thuộc chỉ người lao động Tây Bắc cần mẫn trong công việc vượt thác ghềnh, đó cũng có thể là hình ảnh người lính Tây Bắc đè sóng, vượt gió đầy mạnh mẽ, hay phải chăng là hình ảnh những cô gái Thái trên chiếc thuyền độc mộc từng chở đò đưa đoàn quân vượt sông đi chiến đấu. Dẫu hiểu theo cách nào đi chăng nữa ta vẫn thấy ngôn ngữ thơ của Quang Dũng đã gợi ra được vẻ đẹp của con người vừa duyên dáng, vừa mạnh mẽ kiêu hùng giữa trời sông mây nước. Hình ảnh thơ mộng, gợi thương, gợi nhớ, hoa với người như hòa làm một:

    "Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."

    [​IMG]

    "Hoa đong đưa" là hoa làm duyên với sông nước, tình tứ với gió và lưu luyến với bước chân người đi. Cảnh vật như có hồn, có tâm trạng. Chất thơ, chất nhạc hòa quyện tạo cảm giác ngất ngây. Thiên nhiên Tây Bắc hiện lên thật trữ tình và trên nền thiên nhiên ấy, người chiến sĩ xuất hiện thật nhạy cảm, tinh tế và đa tình.

    Những câu thơ trên, tác giả đã sử dụng rất nhiều biện pháp nghệ thuật: Nhân hóa, điệp ngữ, tương phản, đối lập để làm nổi bật nét đẹp lãng mạn, mộng mơ của thiên nhiên, núi rừng Tây Bắc, qua đó càng gợi tả sự quyến rũ từ nội tại con người.

    Tâm hồn lãng mạn của người lính và tình quân dân thắm thiết đã được diễn tả trong rất nhiều bài thơ, nhưng chưa từng có một ai lấy cái lãng mạn hào hoa thành nét riêng của người lính như Quang Dũng. Nếu như bài thơ Tây Tiến là cả một bản anh hùng ca bất tử thì đoạn thơ này là một khúc hát trầm lắng mộng mơ, đưa ta về những kỉ niệm đẹp khó có thể nào quên.

    Đọc thêm:

    Phân Tích 14 Câu Thơ Đầu Bài Thơ Tây Tiến – Quang Dũng

    Phân Tích 8 Câu Thơ Khổ Thứ 3 Của Bài Thơ Tây Tiến – Quang Dũng

    Phân Tích 4 Câu Thơ Cuối Bài Thơ Tây Tiến – Quang Dũng
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng năm 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...