Phân tích đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật khổ 3 bài Tây Tiến: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 18 Tháng tư 2023.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    Đề bài: Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung và nghệ thuật ở 8 câu thơ khổ thứ 3 của bài thơ Tây TiếnQuang Dũng?

    [​IMG]

    Bài làm

    "Ôi Tổ Quốc! Ta yêu như máu thịt

    Như mẹ cha ta, như vợ như chồng

    Ôi Tổ Quốc nếu cần ta chết

    Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông."

    Chưa khi nào trong thi ca, hình tượng những con người "Tổ quốc nếu cần, ta chết" ấy được ghi tạc lên như những pho tượng ngàn thước, tài hoa và kiêu hùng như trong thi đàn kháng chiến. Những anh bộ đội cụ Hồ, những chú bé giao liên, những nữ anh hùng.. đều là những hạt cát vàng nhỏ bé trên sa mạc rộng lớn để chảy vào dòng lịch sử những âm vang dữ dội và bi tráng. Những con người ấy dù vô danh, hữu danh cũng đều mang sức mạnh tinh thần và ý chí kết tinh theo truyền thống bao đời của dân tộc. Phải thế chăng mà mỗi nhà thơ, nhà văn khi viết về người lính, về đời lính đều đem đến một dạng "vân chữ" riêng biệt. Khi nhắc về những bài thơ, nhà thơ như thế, ta không thể không kể tới nhà thơ Quang Dũng với tác phẩm Tây Tiến. Hình tượng những anh hùng vô danh của Tổ quốc ấy đã được Quang Dũng tái tạc một cách công phu và đáng kiêu ngạo.

    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    [..]

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

    Tiếng thơ của Quang Dũng trước hết là tiếng hát hào hùng về cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc qua thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, về hình ảnh người lính Tây Tiến lẫm liệt, kiêu hùng, hào hoa:

    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm."

    Nhà thơ Quang Dũng không gọi tên hay miêu tả chân dung người đồng đội nào đó mà đã khắc tạc cả một tập thể đồng đội, những con người anh hùng bằng tên gọi khá thú vị "đoàn binh không mọc tóc". Nhà thơ Phạm Tiến Duật từng gọi tiểu đội của mình bằng cái tên bắt nguồn từ hiện thực thiếu thốn khắc nghiệt: "Tiểu đội xe không kính." Ta cảm nhận được tinh thần lạc quan, chất dí dỏm, hài hước của người lính trong gian nan khổ cực.

    Nhà thơ Quang Dũng đã viết, đã cực tả hình ảnh những người lính oai hùng bằng con mắt lãng mạn mà vẫn thực đến trần trụi. Với thủ pháp đảo ngữ, nhận mạnh sự tự hào, kiêu hãnh của người lính đã từng chiến đấu trong binh đoàn ngày ấy và chiến sĩ Tây Tiến hồi ấy hoạt động ở những vùng núi hiểm trở, rừng thiêng nước độc, "chết trận thì ít mà chết bệnh thì nhiều" (Trần Lê Văn). Có những con suối rửa chân trụi lông, gội đầu thì rụng tóc. Vì thế, hình ảnh những anh vệ trọc đã phần nào cho thấy sự gian khổ mà người lính phải chịu. Những hình ảnh trần trụi khắc khổ về người chiến sĩ thủa ấy: Họ sống, chiến đấu trong rừng sâu núi thẳm, đi rừng, ăn rừng, ngủ rừng, mở rừng mà tiến về phía trước. Đã thế lại thiếu ăn, thiếu ánh sáng, thiếu thuốc men thì bệnh liên miên khiến tóc rụng, da xanh và cách anh vệ quốc quân đã hóa thành vệ trọc. Nhưng đằng sau vẻ tiều tụy ấy vẫn toát lên ý chí, nghị lực phi thường:


    "Quân xanh màu lá dữ oai hùm"

    "Quân xanh màu lá" là màu xanh áo lính, xanh lá ngụy trang hay chính làn da xanh vì thiếu máu. Những hình ảnh thực đến trần trụi đó đi vào trong thơ Quang Dũng lãng mạn mang ý nghĩa tượng trưng rất khí phách. Hai câu thơ đã chạm khắc vào lịch sử hình ảnh một đoàn quân phi thường độc đáo có một không hai trong cuộc đời cũng như trong thơ ca. Đoàn quân một thủa "xếp bút nghiên lên đường chinh chiến" của các chàng trai Hà Thành. Người lính Tây Tiến với tinh thần thép, lẫm liệt như mãnh thú chốn rừng xanh. Hình ảnh người lính Tây Tiến hào hoa là nét oai hùng trong thơ Quang Dũng, bị sốt rét hành hạ, khổ sở, đau đớn. Thơ ca kháng chiến đã từng ghi lại những hình ảnh thật cảm động về sự tiều tụy của người chiến sĩ. Chính Hữu cũng nói về cơn sốt rét rừng của người lính với chất giọng chân thành và mộc mạc:

    "Anh với tôi đôi người xa lạ

    Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi."

    Tố Hữu cũng nói về anh vệ quốc quân bị sốt rét ngập tràn thương mến:

    "Giọt giọt mồ hôi rơi

    Trên má anh vàng nghệ

    Anh vệ quốc quân ơi!

    Sao mà yêu đến thế."

    Nếu như những nhà thơ trên viết về gian khổ mà người lính phải chịu đựng với niềm xót xa, thương cảm thì Quang Dũng lại sử dụng bút pháp lãng mạn để khắc họa vẻ đẹp đầy dũng khí của người lính khiến những người lính "ốm" nhưng không "yếu", bi nhưng không lụy. Điều này được thể hiện qua hình ảnh tương phản "dữ oai hùm". Người lính toát lên vẻ oai phong lẫm liệt như chúa tể rừng xanh, như những trang nam nhi hổ tướng thời xưa:

    "Râu hùm hàm én mày ngài

    Vai năm thước rộng thân mười thước cao."

    (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

    [​IMG]

    Vẻ đẹp mạnh mẽ của người lính còn được thể hiện qua từ "đoàn binh". Âm hán việt thật khỏe khoắn mang ý nghĩ xung trận mạnh mẽ hơn, đặc biệt là cụm từ "không mọc tóc" là một lối nói khá đặc biệt. Quang Dũng chuyển thế bị động thành chủ động, làm cho người đọc cảm nhận người lính cứ như không thèm mọc tóc, mộ cách nói đầy vẻ bất cần gợi khí phách ngang tàn từ sâu trong cốt tủy mỗi người lính yêu nước.

    Bức tượng đài người chiến sĩ Tây Tiến không chỉ có nét ngang tàn, oai phong trong dáng vẻ uy nghi, dữ dội mà còn được thể hiện ở chiều sâu đẹp đẽ trong tâm hồn:


    "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm."

    Hai chữ "mắt trừng" là ánh mắt mở to hướng thẳng về phía mục tiêu, ánh mắt ấy ngời lên ý chí chiến đấu, khát vọng chiến thắng gửi trong mộng chiến trường - giấc mộng cao đẹp của những chàng trai thời loạn. Ánh mắt ấy thực chất chỉ là hình ảnh ước lệ nhằm tôn thêm vẻ oai phong, lẫm liệt trong dáng vẻ, nét kiêu hùng, ngạo nghễ trong tâm hồn những người lính có lý tưởng và khát vọng lớn lao, ra đi vì nghĩa lớn từng được nhắc tới trong Chinh phụ ngâm:

    "Giã nhà đeo bức chiến bào

    Thét roi cầu vị ào ào gió thu"

    Những người lính hào hùng mà vẫn giữ được nét lãng mạn, mộng mơ "gửi mộng qua biên giới". Câu thơ thể hiện được những mộng mơ trong tâm hồn của người lính và giấc mộng thanh bình cho đất nước, quê hương. Câu thơ sau tiếp tục thể hiện rõ hơn những mộng mơ trong tâm hồn người lính. Nói về giấc mơ, nỗi nhớ của người lính thì đó là tứ thơ đã thật quen thuộc. Chính Hữu mộc mạc đã viết:

    "Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính"

    Còn nhà thơ Hồng Nguyên:

    "Ít nhiều người vợ trẻ

    Mòn chân bên cối gạo canh khuya."

    Ở đây, Quang Dũng nhớ về Hà Nội và dáng kiều thơm. Ta có thể hiểu người lính nhớ về Hà Nội đó là hậu phương, là quê hương của họ. Người lính đang để tâm hồn mình nhớ về nơi thành đô, họ ra đi từ chính nơi ấy:

    "Từ thủa mang gươm đi mở cõi

    Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long."

    (Huỳnh Văn Nghệ)

    Cụm từ "dáng kiều thơm" gợi ra bóng dáng của Hà Nội trong nỗi nhớ của người lính, một Hà Nội vàng son và thanh lịch. Đồng thời, dáng kiều thơm còn là những cô gái Hà Thành thướt tha kiều diễm. Quang Dũng đã mượn lối nói mĩ lệ của văn học cổ để chỉ người thiếu nữ Hà Thành. Ở đây, tứ thơ của Quang Dũng có sự gặp gỡ trong tứ thơ của Nguyễn Đình Thi:

    "Những đêm dài hành quân nung nấu

    Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu."

    Trở lại những câu thơ Quang Dũng môt thời bị phê phán là "mộng rớt tiểu tư sản". Đúng là quan niệm văn nghệ một thời chỉ lấy niềm vui làm hào khí diệt thù. Điều ấy đúng nhưng chưa đủ. Thơ ca phải chia sẻ được với mọi cung bậc của tình cảm con người. Thơ Quang Dũng vừa có đau, vừa có mộng, thực ra nhà thơ chỉ đang diễn tả chân thực thế giới nội tâm của những chàng trai Tây Tiến. Họ là những người thanh niên, học sinh, sinh viên hào hoa, phong nhã vừa rời khỏi ghế nhà trường gác bút nghiên đi đánh giặc cho nên tâm hồn họ vẫn còn rất trẻ trung và lãng mạn. Cõi nhớ và cõi thương của họ là trời Hà Nội, là những tà áo dài bay bay trong gió, những mộng ước này không làm giảm nhiệt tình chiến đấu mà còn tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt qua bao nỗi gian lao, vất vả còn đang đón chờ trước mặt.

    Chiến tranh đồng nghĩa với tổn thất và hy sinh. Người xưa đã từng nói: "Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi", tức là từ xưa đến nay, đã lên đường đi chiến đấu thì đâu có mấy ai trở về. Là nhà thơ mặc áo lính, Quang Dũng thấu hiểu hơn ai hết về điều đó. Hằng ngày phải đối mặt với những tổn thất, hy sinh, ông hiểu ranh giới của sự sống và cái chết là vô cùng mong manh và ông cũng không hề né tránh hiện thực đó:


    "Rải rác biên cương mồ viễn xứ"

    "Rải rác" gợi ra hình ảnh những nấm mồ nằm xa nhau dọc theo con đường hành quân, "biên cương" là nơi cuối cùng của đất nước, cũng có thể coi là "viễn xứ", là nơi xa. "Mồ" là hình ảnh của cái chết, gợi sự chia lìa, xa cách, tử biệt sinh ly. Những nét nghĩa ấy cộng hưởng lại với nhau để miêu tả thực tế rằng có rất nhiều nấm mồ của những kẻ chết xa quê, không có một vòng hoa đưa tiễn, không được thắp nén nhang và cũng chẳng có người chăm sóc mộ.

    Cảm giác ảm đạm, ngậm ngùi của câu thơ trước đã nhanh chóng được xóa đi bởi tứ thơ mạnh mẽ, rắn rỏi như một lời tuyên thệ của câu thơ đằng sau:


    "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

    Hình tượng thơ đậm nét bi tráng phảng phất hình ảnh những người chiến sĩ xưa: "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao." Những con người ấy sẵn sàng hy sinh, gạt bỏ tình riêng, ôm chí lớn "ra đi không vương thê nhi". Cũng với cách diễn đạt chủ động trong kiểu câu khủ định, Quang Dũng đã tô đậm khí phách kiên cường của những người chiến sĩ anh hùng "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh". "Đời xanh" là hình ảnh ẩn dụ cho tuổi thanh xuân, thời gian đẹp nhất đời, quãng thời gian một đi không trở lại. Nhịp đi liền mạch trong câu thơ cho thấy ý chí quyết tâm cao độ của những người thanh niên ưu tú sẵn sàng hiến dâng những tháng ngày đẹp nhất, phần đời đẹp nhất của mình cho quê hương, đất nước. Đó cũng là tâm nguyện, là ý chí cao đẹp của những người thanh niên Việt Nam thời chống Pháp và Mĩ cứu nước đã được Thanh Thảo thể hiện trong những câu thơ chân thành, xúc động:

    "Chúng tôi đi không tiếc đời mình

    Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc, n
    hưng ai cũng tiếc tuổi hai mười thì còn chi Tổ Quốc."

    Dẫu quê hương khổ đau là thế nhưng mỗi chúng ta là một viên đá nhỏ bong ra từ mảnh đất này nên người lính Tây Tiến lựa chọn một lần nữa trở về với suối nguồn, về với đất mẹ. Nếu ngày xưa chiến sĩ chọn cái chết hiên ngang trên trận mạc với "da ngựa bọc thây" và coi đó là vinh quang tột đỉnh thì nay, Quang Dũng viết:

    "Áo bào thay chiếu anh về đất

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành."

    Nhịp điệu câu thơ chậm và trang trong diễn tả sự hy sinh của người chiến sĩ. Anh ngã xuống không có quan tài để liệm xác, đồng đội chôn anh bằng bộ quần áo anh vẫn mặc hằng ngày. Liệm xác anh bằng những manh chiếu xin được của đồng bào ven rừng. Thương đau vô cùng nhưng Quang Dũng nhân hậu và tài hoa đã làm đẹp, làm sang cho những người chiến sĩ bằng cách gọi chiếc áo là "áo bào" và thay từ chết bằng cụm từ "về đất". "Áo bào" là một từ hán việt chỉ áo mặc bên ngoài của vua chúa hoặc các tướng lĩnh. Thực ra, đó là tấm áo choàng ngoài, là áo của đời lính qua lăng kính lãng mạn của nhà thơ mà thôi. Dù đã sờn bạc hay rách tả tơi thì đó cũng vẫn là chiếc áo đẹp nhất tiễn đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Hai từ "về đất" một mạc, giản dị làm vơi đi phần nào sự mất mát, đau thương và tăng thêm ý nghĩa lớn lao của sự hy sinh. Anh ngã xuống, cái chết của anh không có tiếng khóc của cha mẹ, người thân, chỉ có đồng đội, trời và đất chứng giám lòng thành và đất mẹ đã đón thể xác, linh hồn anh. Dòng sông Mã đã gào lên khúc độc hành đầy bi phẫn đau thương rúng động cả một chốn hoang vu. Điệu kèn vĩnh biệt, khúc ca bi tráng của thiên nhiên, của quê hương đất nước đang quặn lòng nghiêng mình kính cẩn đưa tiễn các anh. Sông Mã oai hùng đã được nhân hóa trở thành một sinh thể biết đau đớn và thay cho cả dân tộc mà cúi mình trước các anh. Chỉ có núi sông và đất mẹ chứng kiến sự hy sinh, bóng dáng anh hòa vào sông núi và trở thành "màu hoa đỏ", hình bóng anh còn mãi với muôn đời. Dù hôm nay chưa có bảng vàng bia đá để ghi tạc công ơn nhưng cả dân tộc nghiêng mình kính cẩn trước linh hồn của các anh, tôn vinh các anh như những người anh hùng của dân tộc.

    [​IMG]

    Như vậy, từ sự kết hợp hài hòa giữa cái hiện thực và cảm hứng lãng mạn, Quang Dũng đã tạc vào lịch sử bức tượng đài người chiến sĩ vô danh vừa chân thực vừa hào hoa tiêu biểu cho sức mạnh của cả dân tộc ta trong thời đại mới, thời đại mà cả dân tộc đứng lên làm cuộc kháng chiến vệ quốc chống thực dân Pháp. Đó là bức tượng đài được kết tinh từ sự hào hùng, hiên ngang trong cốt cách người lính, sự lãng mạn hào hoa tươi mát trong suy tư, tâm hồn son trẻ và kết đọng lại bằng âm hưởng bi tráng, hào hùng. Các anh là những dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ được khắc bằng tất cả tình yêu của nhà thơ với đồng đội và đất nước.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem

    Rót thêm những giọt lệ lòng vào cõi nhớ cõi thương của dòng chảy văn học ngàn đời, con chim xanh Quang Dũng đã một lần nữa khẳng định những đóa hoa đỏ thắm trong lòng dân tộc – hình tượng những người lính cụ Hồ kiêu hùng. Những miêu tả cực kì sắc nét mà cũng rất đỗi "thơ" của Quang Dũng đã tạc vào lịch sử một nét đẹp lãng mạn của cả một thời đại, không chỉ đưa tên tuổi Quang Dũng trở thành bất hủ với những bạn đọc yêu lính mà còn đưa Tây Tiến đặc biệt là khổ thơ trên đã trở thành huyền thoại, trở thành một bản anh hùng ca đi sâu vào năm tháng. Cuộc đời Quang Dũng và cuộc đời Tây Tiến gắn bó mật thiết với nhau, cũng giống như chim nhớ rừng, cá thương nước, và đó cũng là nguyên lý hoạt động ngàn đời của thế giới văn chương đáng ngưỡng mộ:

    "Đời thi sĩ là thơ, như đời một nông dân là lúa

    Nhan sắc của viên ngọc ư! Có khi là nhiệm vụ nó đấy rồi."

    (Chế Lan Viên)

     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng năm 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...