Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn: Mây trắng còn bay - Bảo Ninh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 22 Tháng tư 2023.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật truyện ngắn: Mây trắng còn bay - Bảo Ninh

    * * *

    "Những cuộc chiến qua đi, những trang lịch sử của từng dân tộc được sang trang, các chiến tuyến có thể được dựng lên hay san bằng." Nhưng những gì là văn học đích thực có thể đi xuyên qua mọi thời đại, mọi nền văn hóa hoặc ngôn ngữ. Có những tác phẩm đọc xong để rồi quên ngay, nhưng có những tác phẩm lại có sức sống vượt thời đại. "Mây trắng còn bay" của Bảo Ninh là một tác phẩm có sức sống như thế.

    Câu chuyện kể về một chuyến bay "bất ổn" với bối cảnh không gian hẹp: Trên một khoang máy, thời gian chỉ trong một vài giờ bay, các nhân vật chỉ xoay quanh ba người ngồi cùng hàng ghế bay và cô tiếp viên. Sự kiện xảy ra cũng khá "vụn vặt", rất "không đâu" - những câu đối thoại qua lại giữa các nhân vật, vài hành động cử chỉ của người này, người kia và cuối cùng là hành động kì lạ của bà cụ già: Lập bàn thờ thắp hương cho con ngay trên khoang máy bay và phản ứng của những người xung quanh. Nhưng chính những chi tiết "vụn vặt", "không đâu" ấy lại mang đến thật nhiều cảm xúc, suy tư.

    Nhân vật chính trong truyện là bà một bà cụ già - người mẹ của chàng phi công đã hi sinh trong chiến tranh. Bà không được gọi bằng một cái tên cụ thể, xuất hiện rất bình thường, có phần lạc lõng, quê mùa. Không phải nhà văn không đủ tài để đặt tên cho nhân vật. Nhưng xóa đi tên riêng của nhân vật là một cách để nhà văn đề cập đến số phận, cảnh ngộ chung của biết bao người mẹ như vậy trên đời. Kể lại câu chuyện của người mẹ ấy trên chuyến bay, truyện khai thác đề tài quen thuộc: Đề tài người mẹ anh hùng - đề tài đã được biết bao nhà văn, nhà thơ "đào xới" để mang đến cho văn đàn những tác phẩm đồ sộ: Người mẹ cầm súng, Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) ; "Một người Hà Nội" - Nguyễn Khải, "Mẹ Suốt" - Tố Hữu.. Cùng khai thác đề tài này nhưng "Mây trắng còn bay" không đậm chất sử thi như đa số các tác phẩm khác, truyện nhẹ nhàng, giản đơn mà đọng lại nhiều dư âm sâu lắng.

    Trước hết, truyện ngợi ca sự hi sinh, cống hiến của biết bao người đã ngã xuống cho đất nước hòa bình: Đó là anh phi công trẻ, người đã mãi mãi gửi thân xác và anh linh nơi vùng trời xanh của đất nước. Đó là người mẹ anh hùng, người đã sinh ra người con anh hùng cho đất nước, lén giấu nước mắt tiễn con lên đường rồi lén lau nước mắt khóc nỗi đau mất con. Những hi sinh của họ cùng những cống hiến của biết bao lớp người đi trước đã làm nên chiến thắng vẻ vang trong chiến tranh vệ quốc. Không một dòng ngợi ca, nhưng thái độ trân trọng, cảm phục vẫn đậm nét. Không một lời hiệu triện, truyện vẫn gợi lên bức thông điệp sâu sắc: Mỗi chúng ta cần phải biết ơn, trân trọng sự hinh sinh cao cả ấy.

    [​IMG]

    Tuy nhiên, nội dung chính của truyện lại đề cập nhiều hơn đến nỗi đau của con người sau chiến tranh. Đó là nỗi đau mất con của những người mẹ có con đi chinh chiến. "Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi" (xưa nay chinh chiến có mấy người trở về) - hi sinh mất mát trong chiến tranh là chuyện không thể không xẩy ra khi con người phải đối diện với sự khốc liệt của bom đạn chiến trường. Có nỗi đau có thể lành theo thời gian nhưng có những nỗi đau mãi mãi còn ứa máu. Đó là nỗi đau của người mẹ mất con. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng - người con rứt ruột sinh ra là tất cả của mẹ. Còn nỗi đau nào lớn hơn đối với người mẹ khi núm ruột của mình mãi không còn trên cuộc đời này? Bà lão trong truyện cũng thế. Dù không một dòng nào nhà văn miêu tả nỗi đau của bà, không một dòng miêu tả nước mắt bà rơi xuống, nhưng ta như thấy được nỗi đau deo đẳng người mẹ ấy suốt ba mươi năm, cũng là ba mươi năm nước mắt mẹ âm thầm nhỏ xuống. Ba mươi năm mất con, người mẹ ấy ấp ủ một lần được đến vùng trời mà người con phi công của mẹ đã ngã xuống. Phải mong mỏi đến thế nào bà mới sốt ruột hỏi: "Đã sắp đến sông Bến Hải chưa con"? Đây là nơi người con của bà đã mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân của mình. Tâm nguyện đến đây để thắp hương cho con có lẽ bà đã ấp ủ từ lâu mà chưa thể thực hiện. Nên khi đến được đây, bà sẵn sàng hạ mình van xin để để được tròn tâm nguyện: "Van bác.. - Bà cụ sợ sệt - Bác ơi, van bác.. Chẳng là, bác ạ, bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất." Đọc đến đây, có lẽ không ai không rưng rưng xúc động. Người mẹ ấy đã mong chờ ngày này biết bao nhiêu, mãi đến bây giờ "mới lên được". Người mất thì đã mất từ lâu mà nỗi đau, nỗi nhớ trong lòng mẹ thì bao lâu mới nguôi ngoai? Truyện là tiếng nói thật lặng, thật trầm mà thấm thía, xúc động về nỗi đau chiến tranh. Truyện cũng gợi lên nhiều suy ngẫm: Chiến tranh đã kết thúc, mà nỗi đau của những nạn nhân chiến tranh vẫn hiện hữu giữa cuộc sống thanh bình? Chúng ta cần làm gì, cần có thái độ gì với họ?

    Ở một phương diện khác, truyện đề cập đến thái độ của con người thời hiện đại đối với quá khứ, với những người đã hi sinh cho đất nước. Nếu như trước hành động kì quặc của bà lão, cô tiếp viên lặng người đi nhìn cụ một cách đầy xúc động, thành kính; nếu như nhân vật tôi "xoài người ra" để giữ giúp cụ tấm ảnh sắp đổ như một hành động không lời nói lên niềm cảm thông, thấu hiểu và ý muốn giúp cụ hoàn thành tâm nguyện thì thái độ của gã mặc com lê lại hoàn toàn đối lập. Xuất hiện ngay từ đầu truyện, hắn được tạo hình là một kẻ sang trọng, bảnh bao. Tấm áo hắn khoác trên người đủ để nói lên điều đó. Nhưng thái độ của hắn lại vô cùng khiếm nhã: Gã không thèm đáp lời bà cụ, gã buông những lời trách mắng đối với người mẹ đáng thương: "Làm cái gì vậy? Hả! Cái bà già này!", "Đây là hàng không hay là cái xô bếp? Là phi cơ hay là cái miếu thờ thế này, hả?", cuối cùng gã đùng đùng nổi giận bỏ đi ngay cả khi bà cụ van xin. Hắn không một chút động lòng trước tình mẫu tử thiêng liêng, cảm động. Xây dựng các nhân vật với cách ứng xử đối lập nhau, nhà văn như muốn người đọc nhận thấy một phần của hiện thực cuộc sống hiện đại: Bên cạnh những người còn trân trọng quá khứ, có phải vẫn còn không ít người đang sống vô tình, vô ơn, dần lãng quên công ơn của các thế hệ đã đổ máu cho đất nước? Truyện ngắn mà không ngắn, nó vừa mang giá trị hiện thực, lại vừa chứa đựng chiều sâu nhân văn sâu sắc.

    Bạn đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK để đọc nội dung ẩn nhé!

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Mây trắng còn bay là một trong những trang sách như thế. Đó là câu chuyện thực sự xúc động, chạm đến trái tim người đọc - một truyện ngắn nhưng" không dừng lại ở trang cuối cùng", truyện khơi dậy trong mỗi chúng ta lòng biết ơn đối với những cống hiến, hi sinh thầm lặng, lòng trắc ẩn, cảm thông đối với nỗi đau dai dẳng của biết bao nạn nhân chiến tranh ngay cả khi đất nước đã sạch bóng quân thù.
     
    Last edited by a moderator: 5 Tháng mười một 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...