Phân tích đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện của Nam Cao qua đoạn văn mở đầu của truyện ngắn Chí Phèo

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Huongthu2401, 23 Tháng mười 2021.

  1. Huongthu2401

    Bài viết:
    483
    [​IMG]

    Phân tích đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện của Nam Cao qua đoạn văn mở đầu của truyện ngắn Chí Phèo:

    "Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ:" Chắc nó trừ mình ra! ". Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này! A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo? Mà có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết."

    Bài làm

    Nam Cao đã từng bộc bạch trong tác phẩm "Giăng sáng" rằng: "Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than". Thật vậy, truyện ngắn của Nam Cao trước Cách mạng viết về đề tài trí thức nghèo, về đề tài nông dân lam lũ, cay cực, đều thể hiện một phong cách nghệ thuật mới mẻ, độc đáo. Kể chuyện thì hấp dẫn đầy kịch tính, miêu tả tâm hồn thì tinh tế, sâu sắc, ngôn ngữ biến hóa, vận dụng tài tình lời ăn tiếng nói người dân quê, triết lí thì thâm trầm, ý vị.. Một "Dì Hào", một "Lão Hạc", một "Đời thừa".. đã mất ai dễ quên! Nhưng gây dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người đọc nhất định phải là hình ảnh của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên. Đoạn văn nói về tiếng chửi của Chí Phèo là một đoạn văn hay và lạ cho ta thấy đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện của Nam Cao.

    "Hắn vừa đi vừa chửi.. cả làng Vũ Đại cũng không ai biết."

    Trước hết, ta cần hiểu về tác giả Nam Cao. Nam Cao là bút danh của nhà văn - nhà báo - liệt sĩ Trần Hữu Tri. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nam Cao viết truyện đầu tay khi chưa tròn 20 tuổi, viết tác phẩm xuất sắc "Chí Phèo" lúc 26 tuổi, viết tiểu thuyết "Sống mòn" lúc 29 tuổi.. để rồi tên tuổi của ông được xướng lên cùng với Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng - những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất. Ông còn là một trong những cây bút tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sinh thời, Nam Cao thường suy nghĩ về vấn đề "sống và viết". Sự nghiệp của ông bắt đầu bằng các trang văn lãng mạn. Nhưng rồi, ông nhận ra: Văn chương lãng mạn xa lạ với đời sống lầm than. Khi nhận ra: "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối", Nam Cao khước từ chủ nghĩa lãng mạn để coi trọng nghệ thuật hiện thực vị nhân sinh. Hơn ai hết, Nam Cao coi nghề văn là nghề sáng tạo, nhà văn là nhà sáng tạo. Và ông đã thể hiện được sự sáng tạo trong từng trang sách. Ông không chỉ xây dựng được những tính cách điển hình vô tiền khoáng hậu mà còn là người đầu tiên phản ánh sâu sắc hiện tượng nông dân lương thiện tha hóa thành quỷ dữ, trí thức tài năng vật lộn với bi kịch tinh thần nhằm bảo vệ nhân cách. Miêu tả chân thực cuộc sống nghèo khổ, tủi nhục của người tiểu tư sản, Nam Cao đặc biệt đi sâu vào những đau đớn trong tâm hồn của họ và đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đó là cái bi kịch của những kẻ khao khát sống cuộc sống có ý nghĩa chân chính mà cứ bị lo lắng cơm áo hàng ngày giày vò, phải sống cuộc sống "đời thừa" vô nghĩa, như các tác phẩm: "Đời thừa", "Nước mắt", "Trăng sáng", "Bài học quét nhà". Với hơn 20 truyện ngắn viết về nông dân, tiêu biểu như: "Chí Phèo", "Lão Hạc", "Một đám cưới", "Một bữa no", "Lang Rận", "Điếu văn", "Mua danh", "Tư cách mõ".. Nam Cao đã dựng lên bức tranh về nông thôn Việt Nam những năm 1940-1945.

    Có thể nói, từ tác phẩm "Chí Phèo" để lại dấu ấn, đến năm 1944, là thời kỳ sáng tác sung mãn và có hiệu quả nhất trong đời viết văn của Nam Cao. Ông đã đạt tới đỉnh cao chất lượng mới: Chất lượng ngôn ngữ nghệ thuật, chất lượng tư duy xã hội và tư duy văn học. Sau 1945, đặc biệt là từ kháng chiến chống Pháp, ông nêu quyết tâm: "Sống đã rồi hãy viết". "Sống" là cầm súng chiến đấu giải phóng dân tộc, sẵn sàng làm anh "tuyên truyền viên nhãi nhép" đem ngòi bút phục vụ công nông binh. Ông vui vẻ nhận ra "góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này chính là để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn".

    Đến với phần mở đầu của tác phẩm "Chí Phèo" Nam Cao đã sáng tạo được một hình thức ngôn ngữ kể chuyện thật phong phú sinh động và biến hóa. Ở đây, ngôn ngữ người kê' chuyện chủ yếu được kê' ở ngôi thứ ba. Nhân vật kể chuyện có thể là chính tác giả, là Nam Cao. Có thể ngôi chứ tuyệt đối không nên đồng nhất nhân vật người kể chuyện vói tác giả. Nhà văn như một chứng nhân kể lại cho người đọc nghe một cách khách quan về "hắn", về sự xuất hiện, trạng thái và hành động của "hắn". "Hắn" đây chính là Chí Phèo. Chí Phèo say rượu, đi và chửi. Chí Phèo là ai? Nam Cao đã giới thiệu nhân vật của mình một cách độc đáo. Nhà văn để Chí Phèo hiện lên trong bộ dạng của một kẻ say rượu: "Hắn vừa đi vừa chửi". Mà hắn chửi mới lạ lùng và ngoa ngoắt làm sao: "Hắn chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cả những ai không chửi nhau với hắn". Không lạ sao được bởi khi chửi người ta thường phải hướng tới một đối tượng cụ thể đằng này hắn hướng tới tất cả cuộc đời này, trời đất này. Lạ lùng hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên hắn chửi bởi "Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi". Vì sao hắn lại đến nông nỗi ấy? Nhân vật của Nam Cao vừa mới xuất hiện đã trở thành một ẩn số khiến người đọc tò mò đoán định: Con người ấy không tạo được chút cảm tính nào, song lại gieo vào lòng người một niềm xót xa – hẳn anh ta phải có nỗi niềm khổ đau nào đó mới đến nỗi dùng rượu để hủy hoại thân xác, những tiếng chửi đời ngoa ngoắt kia cũng nói lên một điều rằng chủ nhân của nó đã bị mất hết niềm tin vào cuộc đời, vào con người trên thế gian này. Người đọc tò mò đọc tiếp trang truyện và quả thực, cuộc đời Chí Phèo hiện lên như một cuốn phim bi thảm.

    Hình ảnh "Hắn vừa đi vừa chửi.. Không ai lên tiếng cả" như một sự thông báo. Tuy đã nói thái độ của người kể chuyện là khách quan nhưng đúng là ở đây đã bao hàm một sự nhận định và đánh giá: "Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi, Điều này góp phần điển hình một tính cách, một kiểu người, nói rõ hơn là góp phần thể hiện con người, tính cách của Chí Phèo. Tiếng chửi và cách chửi của anh chàng này cũng thật độc đáo. Hắn chửi cả trời đất, cả làng rồi cha mẹ. Tấtcả đều là những cái thiêng liêng, lớn lao về hình thức nhưng lại là vu vơ, trừu tượng. Như vậy, đúng là Chí Phèo chưa rõ hay chưa dám kêu thẳng mặt chửi thẳng tên những kẻ thù đích thực và cụ thể của anh chàng. Trong đoạn văn này, ngôn ngữ tác giả đã trộn lẫn, kết dính với gôn ngữ nhân vật. Lời khẳng định của nhà văn - người kể chuyện, nhận định về hiệu quả của hành động say và chửi của Chí Phèo:" Có hề gì? Thế cũng chẳng sao? "," Không ai lên tiếng cả "," chẳng ai ra điều "mặc nhiên cho thấy Chí Phèo chỉ là một thằng dở hơi, một thằng điên, một thằng nát rượu không ai thèm chấp nhặt.

    Tiếp đó là mấy câu:" Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất.. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? "Đây là lối trần thuật gián tiếp xen lẫn với trần thuật nửa trực tiếp nửa gián tiếp, vừa bộc lộ được nội tâm nhân vật ớ đây là Chí Phèo. Tâm trạng của anh chàng lúc này là một nỗi uất ức, tức bực vì không ai chịu đương đầu đối chọi để mình phải đấm vào không khí một mình như vậy. Điều này cũng cho thấy là Chí Phèo đã mất cả nhân tính khiến người làng Vũ Đại ai cũng sợ" con quỷ dữ kia "nên ai cũng tự nhủ là hắn không đụng chạm đến mình. Làm như vậy, vô tình người làng Vũ Đại đã loại Chí Phèo ra khỏi cái cộng đồng bình thường của mình. Điều này thôi thúc người đọc tìm hiểu về lý do tại sao tên Chí Phèo kia lại bị cô lập, tách biệt khỏi nơi hắn sinh sống. Chí vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn, sự ra đời của hắn không được ai mong đợi. Nói trắng ra, hắn là một đứa con hoang, cha hắn không thừa nhận, mẹ hắn bỏ lại hắn ở cái lò gạch hoang mặc cho sống chết. Vậy là chỉ có cái lò gạch hoang là đón đợi hắn mà thôi. Khi Chí xám ngắt trong chiếc váy đụp thì những người nông dân nghèo khổ đã nhặt hắn. Ban đầu là một anh đi thả ống lươn. Sau đó là một bà góa mù rồi bác phó cối. Khi bác phó cối chết, Chí Phèo thành đứa trẻ bơ vơ muốn có miếng ăn Chí phải đi hết nhà này đến nhà khác, nghèo khổ và bẽ bàng. Đời hắn bọt bèo, lênh đênh, tội nghiệp chẳng khác chi một thứ cỏ dại trôi dạt hết góc này đến xó nọ. Âu đó cũng là tình cảnh chung của số phận người nông dân trước cách mạng, đời họ cũng dập dềnh theo những phen phiêu tán li gia. Kẻ đi ở đợ, người buôn thúng bán mẹt nay đây mai đó, cực nhục hơn phải tha hương cầu thực ở xứ người. Đến năm mười tám đôi mươi, số phận đưa đẩy Chí tới gia đình lí Kiến. Đến cửa nhà giàu tưởng kiếm được bát cơm manh áo ai ngờ lại gặp địa ngục trần gian. Bởi cái con vợ ba" quỉ cái "của lí Kiến cứ bắt hắn bóp chân khêu gợi những chuyện dâm dạt. Hắn vùng vằng: Tuy còn trẻ nhưng hắn cũng phân biệt được đâu là tình yêu chân chính đâu là thói dâm dục xấu xa. Sự cám dỗ đó không làm bản chất của Chí bị bôi nhọ. Chí thực sự là chàng trai tự trọng, lương thiện. Suy cho cùng đó là bản chất tốt đẹp của người nông dân xưa, chất phác, thật thà và đầy tự trọng. Đọc đến đây, người đọc khó có thể quên hình ảnh chị Dậu của Ngô Tất Tố cầm nắm giấy bạc ném vào mặt tên quan bỉ ổi, đê tiện. Hay gần gũi hơn là một nhân vật của chính Nam Cao, lão Hạc, lòng tự trọng đã khiến lão từ chối" gần như là hách dịch "mọi sự giúp đỡ của mọi người, và cuối cùng lão đã dùng cái chết để bảo toàn lòng tự trọng cao quý nơi con người mình. Ở Chí Phèo, bản chất lương thiện ấy bị cái xã hội tăm tối ra sức hủy diệt. Nhà tù thực dân đã tiếp tay cho tên cường hào lí Kiến bắt giam Chí, biến hắn từ một người lương thiện thành con quỉ dữ. Sau bảy, tám năm ở tù về Chí trở thành một con quỉ dữ đáng sợ" cái đầu thì trọc lốc "," răng cạo trắng hớn "," trông gớm chết ". Trên người hắn xăm đầy những hình thù quái dị – bản chất của hắn năm xưa đã biến mất. Bây giờ hắn là một kẻ ác chỉ biết làm việc ác. Nhà văn đã dùng đến hai lần từ" gớm chết "để bày tỏ sự kinh hãi và cũng là để khu biệt hắn với những người dân lương thiện trong cái làng này. Sự lưu manh của Chí thể hiện cụ thể ngay trong những hành động thường nhật. Mua rượu không được hắn đốt quán, hắn lấy mảnh chai rạch mặt ăn vạ kêu làng.. Hắn càng ác và đáng sợ hơn khi rơi vào tay bá Kiến rồi trở thành công cụ đắc lực cho hắn. Chỉ cần bá Kiến quăng cho vài hào hắn có thể đâm chém bất cứ ai, làm tất cả những gì người ta sai. Càng ngày Chí càng trượt dài trên còn đường tội lỗi lưu manh.

    Trong đoạn văn trên, tác giả đã sử dụng cùng một lúc nhiều giọng điệu làm nên một màu sắc đa thanh rất rõ. Người đọc bắt gặp ở đây từ ngôn ngữ tường thuật:" Hắn vừa đi vừa chửi. Bắt đầu hắn chửi trời.. Rổi hắn chửi đời.. "đến ngôn ngữ bình luận:" Có hề gì? Trời của riêng nhà nào? Đời là tất cả nhưng chẳng là ai ", từ ngôn ngữ nhân vật đến ngôn ngữ của tác giả khi thì lãnh đạm:" Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? "lúc lại trữ tình và gắn bó:" Thế thì có khổ hắn không? ". Tác giả lại sử dụng câu ngắn gọn ở đây. Nhiều câu trong đoạn văn này chỉ có hai, ba, bốn hay năm chữ. Các kiểu câu lại đa dạng và phong phú: Câu kể, câu cảm, câu hỏi xen lẫn nhau. Chính vì thế qua đoạn văn, người đọc tưởng như thấy được bóng dáng Chí Phèo đang ngất ngưởng vừa đi vừa chửi. Thậm chí, chúng ta ngỡ như nghe được tiếng chửi của anh chàng và hình dung được cả điệu bộ, diện mạo và đặc biệt han là thấu hiếu cả thân phận, thái độ và tính cách của anh chàng nữa. Ai cũng đoán ra đây là một kẻ hận đời, bị đời đẩy ra khỏi cộng đổng bình thường nên phải đi một minh trên một con đường và chỉ một mình phát ra tiếng nói độc địa chửi bới phủ nhận cả mọi thứ. Đằng sau tiếng chửi bới vô lối và đầy tính gây sự đó là một nỗi khát khao được hòa nhập vào với mọi người nhưng Chí Phèo đang gào lên trong vô vọng vì đang bị dân làng Vũ Đại tẩy chay. Ở đây, với đặc điểm này của Chí Phèo, Nam Cao đã có một phát hiện mới trong đời sống người nông Việt Nam trước Cách mạng. Nếu chỉ dừng lại ở việc miêu tả đời sống khốn cùng, quẫn bách, nỗi cực nhục bọt bèo của người nông dân thì đã có Tắt đèn, đã có Bước đường cùng .. Nhưng cái mới của Nam Cao là đã chỉ ra con đường bị lưu manh hóa về bản chất của người nông dân. Họ vốn chất phác, thật thà, lương thiện và đầy tự trọng. Có những người cả cuộc đời không ra khỏi lũy tre làng thì làm sao có thể hại làng hại nước? Song nhà văn bằng ngòi bút sắc sảo, tỉnh táo đã vạch ra thủ phạm của tội ác đứng sau mỗi con quỷ lương tâm của người nông dân. Đó là những thủ đoạn đê tiện của bọn cường hào địa phương kết hợp với cường hào hà khắc, tàn bạo của chính quyền thực dân. Chính chúng đã tẩy não, đã nhào nặn lại và rồi bôi bẩn những tâm hồn vốn rất mong manh, lương thiện.

    Như vậy, sự biến hóa trong việc sử dụng ngôn ngữ kể chuyện của nhà văn trong đoạn ván trên như vừa nói đã khiến cho truyện càng trở nên chân thực sống động nhất là góp phần biếu đạt một nội dung đẩy tính thấm mĩ sâu xa.

    Tóm lại, qua đoạn văn trên, Nam Cao đã kết hợp giữa lời văn tường thuật và lòi văn bình luận, đặc biệt là kết hợp nhiều giọng điệu trong một lời văn. Đó là sự kết hợp giữa giọng điệu của nhân vật và của ngươi kể chuyện với hai giọng kể: Một giọng sắc lạnh, khách quan và một giọng thì cảm thông tha thiết. Cách viết này không phải theo cách kể chuyện thông thường của một người chứng kiến ngoại cuộc mà theo cách nhập thân vào nhân vật. Chính vì vậy, nhà văn có điều kiện đế đi sâu vào nội tâm nhân vật nắm bắt và thế hiện thật tinh tế và sâu sắc, tạo ra được một thứ ngôn ngữ kể chuyện biến hóa linh hoạt có s ức hấp dẫn lôi cuốn người đọc một cách lạ thường.

    Tóm lại, để làm nên thành công của tác phẩm trong việc xây dựng nhân vật, không thể không kể đến nghệ thuật phân tích tâm lý bậc thầy của Nam Cao, nghệ thuật kết cấu linh hoạt theo dòng tâm lý và sử dụng những đoạn độc thoại, đối thoại phù hợp. Ngòi bút của Nam Cao đã điển hình hóa một kiểu người, một số phận trong xã hội, để ngày nay Chí Phèo vẫn là cái tên đầu tiên khi người ta nhớ về Nam Cao. Đúng với quan điểm" Sống đã rồi hãy viết"của tác giả. Một quan điểm vô cùng đúng đắn và có giá trị mà Nam Cao đã đề ra. Một khi nhà văn cầm bút để vẽ lên một nhân vật nào đó thì đòi hỏi phải hiểu về cuộc sống, tính cách cũng như những điều sâu xa trong tâm hồn của họ. Đôi mắt của nhà văn phải nhìn mọi việc một cách đa chiều trên nhiều phương diện. Nếu viết về đề tài người nông dân, ít nhất nhà văn cũng phải trải qua cuộc sống đó hoặc hiểu rõ về tầng lớp này thì mới có thể viết lên những trang văn chân thực. Nhà văn trước hết phải trải đời, có nhiều kinh nghiệm cuộc sống thì mới có thể hiểu hết những ngóc ngách trong cuộc sống.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...