Phân Tích Côn Sơn Ca - Nguyễn Trãi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Alinguyen, 5 Tháng năm 2023.

  1. Alinguyen

    Bài viết:
    9
    Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật bài thơ "Côn Sơn ca" - Nguyễn Trãi

    Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất và cũng là nhà văn, nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam. Ông đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp văn chương hết sức đồ sộ, trong đó có: "Đại cáo bình Ngô", "Ức Trai thi tập", "Quốc âm thi tập", "Quân trung từ mệnh tập".. Và khi nói về "Người anh hùng dân tộc", ta không thể không nhắc đến bài thơ "Côn Sơn ca" nổi tiếng nằm trong "Ức Trai thi tập".

    Tác phẩm được sáng tác trong thời kì tác giả cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn. Với ông, đây là vùng đất gắn bó với nhiều kỉ niệm từ thuở ấu thơ cho đến lúc về già. Nơi đây có núi non hùng vĩ, cây cối tốt tươi, sơn thủy hữu tình. Mở đầu văn bản là thanh âm êm đềm trong bản nhạc giao hưởng của đất trời:

    "Côn Sơn suối chảy rì rầm

    Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai"

    Đây một hình ảnh so sánh thật độc đáo và gợi cảm. Nhà thơ cảm nhận thiên nhiên trước hết bằng thính giác, từ đó đối tượng trữ tình là phong cảnh Côn Sơn hiện ra rất tao nhã, thanh bình. Âm thanh tiếng suối được so sánh với "tiếng đàn cầm bên tai". Tiếng đàn du dương, trầm bổng thường thể hiện cảm xúc và tâm trạng của người nghệ sĩ, ở đây là của thi nhân, còn tiếng suối kia, phải chăng thi sĩ đã thả hồn mình vào trong đó, làm rung lên những cung đàn diễn tả nỗi khát khao về tình yêu cuộc sống? Về sau, trong bài "Cảnh khuya", thi sĩ Hồ Chí Minh có miêu tả "Tiếng suối trong như tiếng hát xa", cũng là so sánh âm thanh của tự nhiên với âm thanh thánh thót do con người tạo ra nhưng tiếng suối của Nguyễn Trãi thì đẹp một cách cổ điển, còn tiếng suối của Hồ Chí Minh thì lại đẹp hiện đại, trẻ trung. Tuy hai nhà thơ ở hai thời đại khác nhau nhưng đều có một điểm chung là yêu thiên nhiên đến tha thiết, cháy bỏng. Sau những phút giây thả hồn mình cùng tiếng suối, tác giả lặng đến ngồi bên những phiến đá bị rêu phong bao phủ:

    "Côn Sơn có đá rêu phơi

    Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm"

    Sự nhạy cảm trong tâm hồn và xúc giác tinh tế của ông đã hóa cho mặt đá vốn cứng rắn giờ thành mặt chiếu mềm mịn, êm ái. Ông cảm nhận những tảng đá bị bào mòn bởi mưa gió thông qua tấm rêu phong đã bị phơi nắng phơi mưa qua bao nhiêu tháng ngày. Hình ảnh này khiến người đọc có cảm giác đá Côn Sơn đã rất lâu "trơ gan cùng tuế nguyệt". Có lẽ nó mang trong mình chiều dài và bề dày của những trang lịch sử, là hình ảnh của một thiên nhiên lâu đời, nguyên thủy mà nhà thơ mến yêu và gắn bó. Lại là nghệ thuật so sánh rất đặc sắc, khiến thiên nhiên trở nên gần gũi vô cùng. Côn Sơn như ngôi nhà lớn, mà thảm rêu phơi kia đã trở thành chiếc chiếu êm, giúp cho nhân vật trữ tình thảnh thơi ngồi nghỉ:

    "Trong ghềnh thông mọc như nêm

    Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm"

    [​IMG]

    Những hàng thông xanh ngát nối tiếp nhau, mọc san sát nhau và đâm thẳng lên bầu trời. Hình ảnh rừng thông khiến cho khung cảnh nơi đây càng trở nên hùng vĩ, với cách so sánh đầy giản dị "thông mọc như nêm". Thông đương đầu với số phận, không bao giờ gục ngã trong đêm bão tuyết, đây chính là nét đẹp của niềm tin, của sức sống mãnh liệt và hình ảnh ấy tượng trưng cho ý chí bất khuất, kiên cường của người anh hùng ngàn đời nay của dân tộc ta. Rồi con người xuất hiện dưới bóng mát rừng thông, trong một hành động thể hiện tâm thế hết sức thoải mái và thân thuộc "ta lên ta nằm". Và để khép lại bài thơ, tác giả viết:

    "Trong rừng có trúc bóng râm

    Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn"

    Rừng và thi nhân hài hòa trong một mối gắn bó mật thiết, bóng cây mát rượi che cho nhà thơ nằm nghỉ lúc ban trưa. Người đọc có thể cảm nhận được một tâm hồn dạt dào thi hứng và yêu mến thiên nhiên của Nguyễn Trãi. Ông dùng những cụm từ gợi tả như "bóng râm", "xanh mát" để khắc họa lên cảnh đẹp quê hương và trong đó có rừng trúc bạt ngàn với một màu xanh tươi mát. Cứ tưởng thi sĩ nằm dưới bóng trúc xanh sẽ say giấc nồng, nhưng không, ông nằm là để "ngâm thơ nhàn". Đây quả là thú vui rất thanh nhã, là nguồn tưới tươi mát, sạch trong làm gột rửa đi những bụi bặm, những nỗi âu sầu, ưu tư trong tâm hồn của nhà thơ. Ông đã hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ đầy quyến rũ, bao nhiêu lo lắng muộn phiền của cuộc đời dường như được trút sạch, con người và thiên nhiên đã hòa vào làm một. Ông không chỉ cảm nhận cảnh tự nhiên ấy bằng các giác quan (thính giác, xúc giác, thị giác) mà còn cảm nhận bằng cả trái tim mình, ta có thể nhận thấy rõ cái "tâm" trong sáng và cái tài độc đáo của ông qua bài thơ này. Và chữ "ta" được lặp lại nhiều lần trong tác phẩm đã tạo nên âm điệu trầm bổng, tha thiết, từ đó khẳng định tư thế làm chủ trước thiên nhiên của con người. Qua nét vẽ tài hoa của ngòi bút Nguyễn Trãi, bức tranh núi rừng Côn Sơn hiện lên với những đặc điểm riêng biệt, không lẫn với bất cứ bức tranh sơn thủy nào khác.

    Tóm lại, bằng việc sử dụng tài tình thể thơ lục bát kết hợp nghệ thuật so sánh, điệp ngữ, từ láy cùng với các thi liệu: Suối, đá, thông, trúc, tác giả đã khắc họa cảnh thiên nhiên vô cùng đẹp và sâu sắc. Tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp thanh tĩnh, nên thơ của Côn Sơn, từ đó bộc lộ tấm lòng yêu thiên nhiên, cốt cách thanh cao, tâm hồn trong sáng của Nguyễn Trãi. Có thể nói "Côn Sơn ca" là bài ca của sự sống được ướp đượm bởi hương sắc của núi rừng quê hương đất nước. Và đúng như thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận định: "Văn chương của Nguyễn Trãi đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật: Đều hay và đẹp lạ thường".
     
    Last edited by a moderator: 5 Tháng năm 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...