Phân tích chuyên sâu nhân vật người hàng bà hàng chài ở tòa án huyện, rút ra quan niệm nhân sinh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Love cà phê sữa, 10 Tháng hai 2023.

  1. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Đề bài: Cảm nhận hình tượng người đàn bà trong đoạn trích sau:

    "Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:


    – Giá như tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối..

    -Lão ta trước hồi bảy nhăm cỏ đi lính ngụy không? -Tôi bỗng hỏi một câu như lạc đề.

    -Không chú à cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.

    – Vậy sao không lên bờ mà ở – Đẩu hỏi.

    – Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!

    – Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? – Tôi hỏi.

    – Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu.. Giá mà lão uống rượu.. thì tôi còn đỡ khổ.. Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão.. đưa tôi lên bờ mà đánh..

    – Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! – Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.

    – Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông..

    – Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, – bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông.. dù hắn man rợ, tàn bạo?

    – Phải – Người đàn bà đáp – Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?

    Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:

    – Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.

    – Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? -Đột nhiên tôi hỏi.

    – Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no.."

    (Trích Chiếc thuyền ngoãi xa- Nguyễn Minh Châu, Ngữ Văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr. 75-76)

    Từ đó bình luận ngắn gọn về quan niệm nhân sinh của Nguyễn Minh Châu.


    Mở bài:

    Dẫn: "Văn chương là vùng đất cổ tích đối với những người nhìn nó từ xa, nhưng cũng giống như tất cả các cảnh quan khác, sự quyết rũ mờ dần khi lại gần hơn, gai nhọn và cây hồng hoang trở nên hữu hình" (Washington Irving). Phải chăng, vì thấu hiểu được điều đó nên Nguyễn Minh Châu đã phơi bày trước mắt bạn đọc những góc khuất của hiện thực cuộc sống ẩn đằng sau chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ ấy? Nhà văn không chỉ nhìn thẳng vào hiện thực mà còn nhìn sâu, đào xới nó để hiện thực hiện lên với tất cả xù xì góc cạnh của nó. Câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở trụ sở tòa án huyện đã thể hiện rõ thông điệp nhân sinh cùng mối quan hoài thường trực của nhà văn.

    Lập ý thân bài:

    *Sự xuất hiện của người đàn bà hàng chài :(0, 25đ)

    - Được Chánh án Đẩu mời lên tòa để giải quyết chuyện gia đình, người đàn bà đã có mặt ở tòa án huyện. Khác hoàn toàn với vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục ở bãi biển, chị xuất hiện với dáng vẻ "lúng túng đầy sợ sệt". Trước lòng tốt của Phùng và Đẩu, người đàn bà dứt khoát từ chối như thể đó là quyết định chắc nịch của chị từ trước đến nay. Chị van nài quý tòa đừng bắt chị bỏ chồng. Điều này khiến cho Phùng và Đẩu ngạc nhiên, "không thể hiểu nổi". Sau đó, khi "thông cảm với chúng tôi hơn", người đàn bà thay đổi cách xưng hô (xưng "chị" - gọi Phùng, Đẩu là "các chú") và chia sẻ với họ về cuộc sống của mình với thái độ và dáng vẻ đổi khác.

    => Nguyễn Minh Châu đã thật "cao tay" khi làm cuộc hoán đổi vị thế giữa Phùng, Đẩu với người đàn bà, để cho chị tự nói lên câu chuyện của chính mình, mang đến bài học sâu sắc cho Phùng và Đẩu.

    *Ngoại hình và số phận thua thiệt, đầy bất hạnh. (0, 25đ)

    - Qua lời kể của chị, người đọc thấy hiện lên trên trang văn bức chân dung của người phụ nữ đáng thương với ngoại hình xấu xí, thô kệch: "Từ nhỏ, tôi đã là đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đầu mùa". Vẻ ngoài xấu xí dường như đã được "cài cắm" vào cuộc đời chị ngay từ nhỏ. Cái xấu đã đeo đuổi chị như một định mệnh, trận đậu mùa quái ác hồi nhỏ đã để lại những nốt rỗ chằng chịt trên khuôn mặt. Cũng vì xấu nên hạnh phúc đến với người đàn bà ấy thực khó khăn, chật vật, để rồi chị phải chịu số phận đầy thua thiệt, bất hạnh: "Trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới." Một nhân vật được khắc chạm với đường nét thô mộc, kệch cỡm như thế, dự cảm sẽ lại xuất hiện một số phận truân, chuyên đoạn trường – một nỗi đoạn trường "còn sống còn đau" (Ai Tư Vãn).

    *Vẻ đẹp tâm hồn.

    Dẫn: Chưa bao giờ người ta thấy yếu tố "thiên tính nữ" lại thăng hoa tuyệt vời như ở người đàn bà hàng chài. Người đàn bà ấy tuyệt nhiên không phải là "mảnh trăng cuối rừng" với vẻ đẹp lộng lẫy, hoàn mĩ khiến ta phải ngước nhìn, ngưỡng vọng. Chị mang trong mình một vẻ đẹp rất đời, rất thực, cứ đằm sâu, khuất lấp giữa kiếp người nhọc nhằn, lam lũ - kiểu vẻ đẹp khiến ta nhói buốt, quặn lòng.

    1. Trước hết, người đàn bà hàng chài hiện lên là người phụ nữ nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh. (0.5đ)

    a. Với người chồng vũ phu:

    - Chị luôn thấu hiểu, cảm thông và xót thương cho nỗi khổ sở, vất vả, u uất trong lòng chồng:

    • Chị hiểu rằng, chồng chị chưa bao giờ là người xấu hoàn toàn, hắn cũng chỉ là nạn nhân bị cái nghèo, cái đói bám riết dai dẳng. Chị hiểu rõ cuộc mưu sinh vất vả, nhọc nhằn trên mặt biển đầy sóng gió, sự nghèo đói khốn quẫn trên một con thuyền chật chội: "vào các vụ bắc, ông trời làm biển động suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối", những cay đắng, bế tắc, phẫn uất triền miên cứ đè nặng trên đôi vai yếu ớt của con người, khiến "một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập vợ" dần trở thành kẻ vũ phu độc ác.
    • Chị hiểu lão đánh vợ không phải vì thù ghét gì mà chỉ là phương cách để giải tỏa những u uất dồn nén trong lòng: "Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như người đàn ông thuyền khác uốn rượu.. Giá mà lão uống rượu.. thì tôi còn đỡ khổ".
    • Trước cái nhìn thiển cận, mang đầy sự quy chụp và áp đặt của Phùng: "Lão ta hồi trước bảy nhăm có đi lính cho ngụy cho không?", chị đã lên tiếng minh oan, bênh vực cho chồng: "Không chú à, cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính".

    - Bị người chồng đầu ấp tay gối đánh đập không thương tiếc, vậy mà chưa một lần chị oán trách, căm giận hay hận thù. Thậm chí, người phụ nữ ấy còn luôn biết ơn người đàn ông đã trở thành trụ cột cùng chị chèo lái con thuyền cuộc đời:

    • Chị biết ơn người đàn ông đã chấp nhận cưới chị về làm vợ, cho chị có một danh phận thiêng liêng, một thiên chức quý giá không gì sánh bằng là được làm mẹ, làm người phụ nữ của gia đình: "Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy nên tôi có mang với anh con trai một nhà làng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới."
    • Chị biết ơn bởi chồng đã gánh vác trách nhiệm nặng nề đối với gia đình nhất là khi biển động phong ba, cùng chị "làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa".

    - Không chỉ thấu hiểu, xót thương cho nỗi khổ sở của người chồng, chị còn sẵn sàng nhận lỗi về mình, nhận lấy phần thua thiệt như một sự sám hối, bởi chị coi mình là nguyên nhân khiến cuộc sống của chồng trở nên khốn khổ: "Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn.. lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật".

    b. Với các con .

    - Tình mẫu tử được người đàn bà ý thức sâu sắc như một thiên tính đương nhiên của người phụ nữ: "Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ ." Chắt chiu từng trái đắng để dành quả ngọt cho con, người phụ nữ ấy cho rằng, khi "gánh lấy cái khổ" vì con là lẽ đương nhiên thì việc vất vả làm ăn hay chịu đựng những trận đòn roi như cơm bữa của chồng cũng là điều tất yếu phải chấp nhận.

    - Suốt cả cuộc đời mình, chị có một triết lí sống cao cả - đó là sống vì con, chính lời giãi bày của chị ở tòa án huyện đã bộc lộ rõ tình thương con và đức hi sinh vô bờ bến ấy: "Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được ." Các con đã trở thành động lực, là lí do để chị nhẫn nhục chịu đựng sự tàn nhẫn của người chồng. Chị lặng mình cảm thông, chia sẻ và nguôi yên mọi cảm xúc, mọi đớn đau của bản thân vì muốn con sống trong một gia đình hạnh phúc, có đủ cả cha lẫn mẹ. Bởi chị cần "một người đàn ông để chèo chồng khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con trên dưới chục đứa". Như vậy, có thể thấy, sự cam chịu của người đàn bà hàng chài là tất yếu, là lựa chọn minh triết của một người mẹ biết suy nghĩ bằng trái tim và cảm xúc bằng lí trí.

    Liên hệ: Đức hi sinh vô bờ bến của người đàn bà hàng chài khiến tôi nhớ đến những chia sẻ vô cùng thấm thía của nhân vật Quỳ trong truyện ngắn "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành" – Nguyễn Minh Châu: "Đó là bản năng chăm lo bảo vệ lấy sự sống của con người do chính chúng tôi mang nặng đẻ đau sinh ra. Đó là tình thương bẩm sinh của nữ tính – sợi dây thần kinh đặc biệt của nữ giới chúng tôi".

    - Cũng vì sợ con tổn thương trước cảnh bạo lực gia đình, chị đã xin chồng đưa mình lên bờ mà đánh: "Sau này khi con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão.. đưa tôi lên bờ mà đánh". Chị ra sức che chở để tâm hồn non nớt ấy không phải chịu những vết thương sâu. Chị cam tâm nhẫn nhục chịu đựng chỉ mong sao không làm tổn thương đến tuổi thơ trong trắng của các con. Chị không muốn cảnh bạo lực gia đình trở thành vết nhơ trong kí ức của lũ trẻ, khiến chúng căm hận bố. Hóa ra, đằng sau sự nhẫn nhục, gồng mình chịu đòn ấy chính là đức hi sinh đầy cao thượng của một người mẹ. Tình yêu thương con vô bờ bến của người đàn hà hàng chài khiến tôi nhớ đến câu thơ của Tagore:

    "Chiếc rìu của bác tiều phu tìm đến cây rừng xin cái cán,

    Và cây rừng đã cho."

    -- Lấy niềm vui, hạnh phúc của con làm niềm vui, động lực sống cho mình : Khi nhắc đến những lúc hòa thuận trên thuyền, "khuôn mặt xám xịt của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười" . Đó là ánh sáng kì diệu tỏa ra từ vẻ đẹp cảm động của tình mẫu tử. Các con đã trở thành động lực để chị sống từng ngày, và tất nhiên, hạnh phúc của chị đều xuất phát từ niềm vui của đàn con nhỏ. Thấp thoáng trong hình ảnh người đàn bà hàng chài là bóng dáng người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, kiên cường chịu đựng, giàu lòng vị tha và đức hi sinh:

    "Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng

    Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng.."

    (Tố Hữu)

    -Trân trọng, chắt chiu và góp nhặt từng khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình: Trong đau khổ triền miên, khi hạnh phúc chỉ còn được chắt chiu đầy hiếm hoi, chị vẫn giữ trong tâm hồn một ngọn lửa của hi vọng, của niềm tin. Chị nâng niu, trân trọng những hạnh phúc nhỏ bé bình dị đời thường mà mình có được cùng chồng và các con: "vả lại, ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hào thuận, vui vẻ" . Hạnh phúc gia đình đơn sơ và mộc mạc ấy, đối với chị là điều thiêng liêng, đáng trân trọng nhất trong cuộc đời. Chỉ cần một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, chị sẵn sàng đánh đổi và hi sinh bằng khổ đau và nước mắt.

    => Viết về những người phụ nữ, những người đàn bà lam lũ khổ cực cả đời, Nguyễn Minh Châu không chỉ kiếm tìm, tôn vinh vẻ đẹp phẩm chất người phụ nữ mà nhà văn còn lí giải cội nguồn vẻ đẹp ấy chính là lòng nhân, đức hạnh, phẩm tiết bám sâu trong tâm hồn, tâm linh con người.

    2. Người đàn bà hàng chài hiện lên là người phụ nữ từng trải, thâm trầm, sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời.

    Qua cuộc đối thoại với Đẩu và Phùng, người đàn bà hàng chài quê mùa thất học nhưng lại có "con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình" ấy khiến hai vị trí thức trở thành những người nông nổi, hời hợt. Từ vị thế của người bị hại đáng thương, chị đã trở thành một vị "quan tòa" trong tòa án cuộc đời, khiến Phùng và Đẩu vỡ lẽ ra nhiều điều.

    * Đưa ra cách nhìn thấu đáo về người chồng : Nếu như Phùng và Đẩu nhìn lão đàn ông hàng chài như một thủ phạm đáng lên án thì trong mắt người đàn bà hàng chài, lão lại là nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh. Điều đó chứng tỏ chị hiểu rõ sự tác động của hoàn cảnh với tính cách con người, hiểu được nguyên nhân sâu xa dẫn tới hành động vũ phu, tha hóa của người chồng.

    * Chỉ rõ sự thiếu thực tế của Phùng và Đẩu:

    - Người đàn bà hiểu được thiện ý của Đẩu và Phùng nhưng cũng cảm thông cho sự nông nổi, ngây thơ của họ. Họ mới chỉ nhìn cuộc sống ở hiện tượng chứ chưa thấy bản chất bên trong. Vì vậy, chị đã giúp họ hiểu rõ những khó khăn, vất cả của người lao động nghèo, đặc biệt là ngư dân vùng biển: "Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông". Sự chật chội của đời sống trên những chiếc thuyền bé nhỏ, sự thiếu thốn miếng ăn trong từng bữa cơm: "suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối, sự bấp bênh của nghề chài lưới " cũng có khi biển động sóng gió chứ chú ".. Tất cả hiện lên rõ mồn một qua lời giãi bày chất phác mà" thấu tình đạt lí "của người đàn bà hàng chài. Sự sắc sảo, thấu hiểu lễ đời ấy cay đắng thay lại được đúc kết từ những đêm thức trắng kéo lưới, từ những vết dây lưng hằn rõ nơi từng làn da thớ thịt và được kết đọng từ bao nước mắt hi sinh cho đàn con nhỏ.

    - Người đàn bà hàng chài đã cho Phùng và Đẩu thấy hiện thực tàn nhẫn, nghiệt ngã của cuộc đời: Họ cần một người đàn ông để chèo chống lúc biển động phong ba dù hắn có man rợ, tàn bạo. " Đám đàn bà hàng chài chúng tôi cần có người đàn ông chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con mà nhà nào cũng trên dưới chục đứa ". Với người đàn bà ở thuyền, hạnh phúc không quan trọng bằng sự sống. Chị sẵn sàng cam chịu, nhẫn nhục vì chị hiểu cơ cực của cuộc sống mưu sinh đầy cam go trên biển nếu không có người đàn ông, chị hiểu con mình cần có cha bên cạnh để trọn vẹn một gia đình. Chị chấp nhận sống trong nghịch lí, bằng lòng với nghịch cảnh, dù cho đó là những nguyên nhân dẫn đến bi kịch cuộc đời.

    * Chỉ ra sự bất cập trong chính sách của Đảng, của chính quyền Cách mạng

    - Trước câu hỏi chứa đựng bao thiển cận của Đẩu:" Vậy sao không lên bờ mà ở ", chị cho họ thấy rõ: Những chính sách tốt đẹp của nhà nước lúc này đã không thể bao quát và sâu kĩ vào từng cảnh ngộ:" Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được ".

    *Luôn ý thức sâu sắc về thân phận, nhìn nhận và thấu hiểu về cảnh ngộ và nỗi khổ của mình

    - Người đàn bà hàng chài luôn hiểu rõ mình chịu đựng vì điều gì và chị hiểu rằng bản thân không thể chọn giải thoát theo cách li hôn hay từ bỏ, vì cái đói, cái nghèo luôn trực chờ đe dọa người mẹ khốn khổ ấy. Tôi ấn tượng với câu trả lời của chị dành cho Phùng và Đẩu: " Mong các chú lượng tình cho sự lạc hậu ". Chị biết rõ quyết định của mình đang đi ngược với cách nhìn của mọi người, chị hiểu rằng mọi người đều xem chị là người đàn bà lạc hậu, nghèo khổ, lam lũ và đáng thương. Thế nhưng, chị đã bỏ qua tất cả những phán xét và định kiến của người ngoài cuộc dành cho mình, chị chắc nịch với quyết định ở lại.

    => Đến đây, ta chợt hiểu ra một điều rằng: Con người, nhất là người phụ nữ thường không hạnh phúc, không đơn giản, tâm hồn họ lại càng không giản đơn, cách hành xử của họ có đôi khi không theo logic thông thường của lí trí mà theo cái lí của trái tim. Bề ngoài, họ có vẻ ngờ nghệch đến mức khó chấp nhận, nhưng trong chiều sâu tâm hồn, họ lại sắc sảo, thâm trầm và thấu hiểu lẽ đời đến không ngờ.

    *Quan niệm nhân sinh :(0, 5đ)

    (1) Về cuộc đời, con người: Con người đa diện, có cả phần tăm tối và phần tốt đẹp. Vì vậy cần có cái nhìn đa chiều để cảm thông, thấu hiểu và phát hiện ra những hạt ngọc còn ẩn giấu trong tâm hồn mỗi con người.

    (2) Cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu cũng cam go không kém cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Cuộc sống mưu sinh của con người còn nhiều vất vả, nhọc nhằn, tăm tối. Vì vậy mỗi chúng ta cần trăn trở, day dứt và có những giải pháp thiết thực để từng cá nhân con người được sống ấm no, hạnh phúc.

    Viết thành đoạn:" Qua một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một sự việc của nhân vật, nhà văn muốn đối thoại với bạn đọc một vấn đề nhân sinh ". Có thể nói," Chiếc thuyền ngoài xa "là một cơ hội" đối chứng "âm thầm, đầy trăn trở của ngòi bút Nguyễn Minh Châu. Từ thân phận và cuộc đời người đàn bà hàng chài, NMC gửi gắn đến bạn đọc thông điệp nhân sinh sâu sắc: Cuộc đời thì đa sự, con người thì đa đoan, hầu như không đơn giản, xuôi chiều mà thường chứa đựng nghịch lí, luôn tồn tại những mặt đối lập: Tốt-xấu, thiện-ác," trong con người tôi đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phường lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ "(" Bức tranh "– Nguyễn Minh Châu). Vì thế, cần có cái nhìn đa chiều, sâu sắc, toàn diện; tránh cái nhìn phiến diện, quy chụp, mang tính áp đặt để có thể cảm thông, thấu hiểu và phát hiện ra những hạt ngọc còn ẩn giấu trong tâm hồn mỗi con người.

    Không chỉ vậy, Nguyễn Minh Châu còn gợi ra cho người đọc những suy nghĩ âu lo: Cuộc chiến đấu chống lại đói nghèo tăm tối và bạo lực e chừng còn gian nan, lâu dài hơn cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Và chừng nào còn chưa thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, chừng đó con người vẫn phải chung sống với cái xấu, cái ác. Chúng ta đã đổ xương máu trong bao năm qua để giành được độc lập tự do trong cuộc chiến đấu vì quyền sống của cả dân tộc. Nhưng chúng ta sẽ còn phải tiếp tục làm gì đây trong cuộc chiến đấu giành quyền sống của từng con người, làm gì để đem lại cơm ăn áo mặc và ánh sáng văn hóa cho biết bao con người đang đắm chìm trong kiếp sống đói nghèo u tối? (Đoạn này, các bạn có thể diễn đạt như sau: Không chỉ vậy, Nguyễn Minh Châu còn gợi ra cho người đọc những suy nghĩ âu lo: Hòa bình đã về, tiếng súng quân thù đã tắt nhưng sao mùi vị của nó lại chua chát quá, cay đắng quá! Chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm, bom đạn thôi gầm thột trên nền trời. Nhưng không có nghĩa là bi kịch và mất mát đau thương sẽ dừng lại. Vẫn còn khắp nơi trên đất nước này một nỗi đau mà thời gian không thể nào xóa nhòa, vẫn tồn tại một cuộc chiến đấu cam go hơn, dai dẳng hơn – cuộc chiến đấu với đói nghèo, tăm tối. )

    *Đánh giá, nâng cao vấn đề. (0.5đ)

    - Về mặt nghệ thuật :(nghệ thuật xây dựng hình tượng người đàn bà hàng chài)

    • Đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo, có ý nghĩa khám phá, phát hiện đời sống.
    • Xây dựng nhân vật chân thực, sống động qua bút pháp tả thực và miêu tả tâm lý tinh tế.
    • Ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên, mang vẻ đẹp đời thường, giản dị.
    • Giọng điệu thâm trầm, giàu suy tư, trăn trở, mang tính đối thoại.
    • Đa dạng điểm nhìn trần thuật, đem lại góc nhìn đa chiều, toàn diện.

    - Về mặt nội dung:

    Qua những nét khắc họa ấn tượng từ ngoại hình, dáng vẻ đến cử chỉ, lời nói, hành động.. nhân vật người đàn bà hàng chài đã trở thành một biểu tượng đầy ám ảnh giúp Nguyễn Minh Châu thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc cho truyện ngắn. Đó là niềm cảm thương và nỗi lo âu cùng mối quan hoài thường trực cho số phận con người bất hạnh bị cầm tù trong đói nghèo, khốn khổ, bạo lực. Đồng thời nhà văn còn thể hiện niềm tin yêu, trân trọng ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp, những" hạt ngọc ẩn giấu "trong bề sâu tâm hồn con người vị tha và giàu đức hi sinh.

    *Kết bài:

    Nếu như tương lai của một nhà văn được đánh giá qua văn học anh ta để lại như lời của Albert Camus thì tôi nghĩ Nguyễn Minh Châu có thể tự hào về những gì mà ông đã để lại cho đời. Trang sách của Nguyễn Minh Châu đã làm đúng công việc của một kẻ sĩ" nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ ", luôn" quan hoài thường trực cho số phận con người "." Chiếc thuyền ngoài xa "là minh chứng cho điều đó. Tác phẩm sẽ mãi tồn tại trong nền văn học như chân giá trị để cảnh tỉnh con người. Xin mượn mấy dòng thơ của Hồ Dzếnh để bày tỏ niềm trân quý với nhà văn Nguyễn Minh Châu:

    " Giã từ nhé, Nguyễn Minh Châu,

    Trang văn tâm huyết, chiều sâu nhân tình.

    Không còn về nữa quê Vinh

    Nghe câu hát dặm nặng tình nước non!"

    Nguồn tham khảo: Hướng dẫn ôn thi Trung học phổ thông môn Ngữ văn cô Trịnh Thu Tuyết

    Văn ôn võ luyện NTL (phần kết bài)

    VỀ CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA CỦA NGUYỄN MINH CHÂU (Chế Diễm Trâm, tạp chí Non Nước)

    Vẻ đẹp rất đời của người đàn bà hàng chài (Liễu Hoàn)
     
    Gi Gi, Dương2301, Thùy Minh14 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng hai 2023
  2. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    MỞ BÀI SÁNG TẠO CHO ĐỀ VĂN PHÂN TÍCH NHÂN VẬT PHÙNG TRONG TRUYỆN NGẮN "CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA" (NGUYỄN MINH CHÂU)

    Tôi vô cùng ấn tượng với nhân vật Hộ - một người nghệ sĩ có lương tâm nghề nghiệp luôn khao khát viết nên được "một tác phẩm chung cho cả loài người"; một Vũ Như Tô tài ba có thể "sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân" luôn mong mỏi sáng tạo ra cái đẹp; một Lorca đa tài, luôn trăn trở mở đường cho cách tân nghệ thuật. Mỗi nhân vật nghệ sĩ đều đọng lại trong tôi một thứ cảm xúc lưu niên không trộn lẫn. Họ không chỉ mang trong mình nhân cách cao đẹp cùng khát khao sáng tạo ra nghệ thuật chân chính mà còn có chung bi kịch trong nhận thức, trong hành trình kiến tạo cái đẹp, thể hiện rõ thông điệp về nghệ thuật, về cuộc đời của nhà văn. Đến với "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu, một lần nữa, tôi lại bắt gặp hình tượng người nghệ sĩ như vậy. Đó là nhân vật Phùng – một nhiếp ảnh gia với tâm hồn nhạy cảm, say mê cái đẹp và giàu lòng nhân ái.

    Gợi ý phần dẫn phân tích phát hiện về hiện thực đời sống nghiệt ngã ngay sau khoảnh khắc Phùng xúc động vì chụp được cảnh đắt trời cho

    "Văn chương là vùng đất cổ tích đối với những người nhìn nó từ xa, nhưng giống như tất cả các cảnh quan khác, sự quyến rũ mờ dần khi lại gần hơn, gai nhọn và cây hồng hoang trở nên hữu hình" (Washington Irving). Phải chăng, vì thấu hiểu được điều ấy nên Nguyễn Minh Châu đã ngậm ngùi vẩy vào "bức tranh đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh" những vết chì xám xịt? Đắng cay thay, bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ ấy lại là cảnh tượng đầy ngang trái, xót xa.

    Một số ý nâng cao các bạn có thể vận dụng khi phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài

    Nỗi đau của người đàn bà chài không phải là nỗi đau gắn liền với bất công giai cấp như trong thời kì văn học trước mà là nỗi đau của cuộc sống đời thường. Người đàn bà ấy được NMC khai thác với toàn bộ sự thật, hiện thực cuộc sống ngổn ngang với tất cả những mâu thuẫn, xung đột nhiều khi đến đau đớn và bi đát. Hành động của người đàn bà tưởng là nghịch lí khó có thể chấp nhận, khó có thể giải thích nhưng đó hóa ra lại là nghịch lí tồn tại như một sự thật hiển nhiên trong cuộc sống con người. Những nghịch lí ấy được lí giải bằng chính quy luật của cuộc đời, bằng tình mẫu tử thiêng liêng, bằng long vị tha của một người phụ nữ.

    =>Nguyễn Minh Châu đã mang đến cái mới trong cách nhìn đời, nhìn người và đặc biệt là những số phận con người với bi kịch và mất mát thời hậu chiến. Ông đã phản ánh kịp thời nhịp thở của thời đại, tiếp cận đời sống từ tầng sâu bí ẩn của hiện thực đang tiếp diễn với tất cả cái bộn bề, ngổn ngang của nó. Để rồi từ đó, nhà văn đã tìm kiếm, khai thác được "hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người".

    (Còn nữa)
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...