Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nam Dã Tú Nhất, 27 Tháng chín 2021.

  1. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Lưu ý: Đây là bài phân tích chỉ dựa vào cảm nhận cá nhân và không dựa vào kiến thức đã học. Bài viết này được mình đăng ở một trang web khác. Nếu bài viết xuất hiện ở trang web thứ ba, thứ tư mà không phải VNO và Vnkings thì chắc chắn là do người khác đánh cắp.

    * * *

    Bài cảm nhận

    "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, càng không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.." Thật vậy, một tác phẩm nghệ thuật thực thụ là một tác phẩm không chỉ đẹp về mặt thẩm mĩ mà còn phải chất chứa vị nhân sinh, hướng về đời thực, hướng về những con người cơ cực đang ngày ngày chống chọi với phong ba bão táp của thiên nhiên lẫn cuộc đời. Và "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu chính là một trong những tác phẩm nghệ thuật mang đậm vị nhân sinh, không những ẩn chứa những bài học sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời thực mà còn tiếng thở dài suy ngẫm của tác giả về nạn bạo hành gia đình, về sự nhẫn nhịn vô hạn của một người vợ - người mẹ và cả một tuổi thơ u ám ám ảnh đến khó quên của một đứa trẻ đáng thương.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bắt đầu từ một buổi sáng đi săn ảnh để thực hiện bộ lịch năm mới của nhân vật Phùng, sự tình cờ đã cho Phùng phát hiện ra một khung cảnh tuyệt đẹp đó là "một bức tranh mực tầu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi,", tất cả những đường nét hợp lại tạo nên một bức tranh nghệ đẹp một cách hài hòa, "đơn giản và toàn bích", đủ cuốn hút để người nghệ sĩ phải "bối rối" và "trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào". Chính trong giây phút đắm mình trong những say mê trước vẻ đẹp hoàn mĩ được tạo bởi thiên nhiên và con người vùng biển, tác giả tưởng như mình đã nghĩ rằng "bản thân của cái đẹp chính là đạo đức" và "khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong gần tâm hồn" .

    Thật vậy, đối với một người nghệ sĩ – một con người yêu cái đẹp, tìm kiếm cái đẹp thì phát hiện của Phùng chính là đích đến của những nỗ lực, của khát khao hướng đến phong vị nghệ thuật mà rất nhiều người làm nghề nhiếp ảnh luôn hướng đến. Khoảnh khắc đó, khi đã cảm nhận và say mê, không một ai có thể kiềm lòng trước sự xao động về mặt cảm xúc của một trái tim đang thưởng thức và thấm nhuần trong sự tuyệt mĩ đậm tính thi vị của cảnh vật.

    Thế nhưng, khi con thuyền đến gần bờ, nghệ thuật bị vỡ vụn bởi hiện thực quá phũ phàng. Đối lập với những đường nét tinh khôi mà Phùng vừa nhìn thấy và ghi lại vào cuốn phim của máy ảnh là cảnh "một người đàn ông và một người đàn bà rời chiếc thuyền". Người đàn bà "trạc ngoài bốn mươi" mang "thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt, Khuôn mặt mêt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ" cùng "tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng". Qua những nét phác thảo của tác giả, nhân vật vừa xuất hiện chỉ là một người vô danh, nghèo khổ, xấu xí và đáng thương. "Mụ" không chỉ là chính mụ mà còn là người đại diện cho hàng ngàn người phụ nữ khác đang phiêu bạt đâu đó trong cuộc đời này, lao vào guồng xoáy mưu sinh, chật vật đấu tranh với cái nghèo cái khó đang vây chặt lấy chính họ và gia đình của họ.

    Và người đàn ông đi cùng, cũng như người đàn bà kia, không tên tuổi, chỉ được miêu tả một chút về ngoại hình mang đầy ác cảm với "tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền. Mái tóc tổ quạ.", "hàng lông mày cháy nắng rũ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ" và dáng đi "chân chữ bát, từng bước chắc chắn" với những hành động vô nhân tính khi trút giận bằng cách "rút trong người chiếc thắt lưng của lính ngụy thời xưa", "quật tới tấp vào lưng người đàn bà. Lão vừa đánh, vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két" và "nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: 'Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết cho ông nhờ!'"

    Sau một loạt hành động tàn bạo, cơn giận dữ và áp lực đè nén trong lòng lão đàn ông chưa từng nguôi ngoai hay nhẹ nhàng hơn mà càng thêm nặng nề khi trở về thuyền "tảng lưng khum khum và vạm vỡ càng có vẻ cúi thấp hơn", "hai bàn chân chữ bát để lại những vết chân to và sâu trên bãi cát hoang vắng".

    Thoạt nhìn, có thể hành động của người đàn ông được quy kết là man rợ và không thể tha thứ nhưng đứng ở một góc độ khác, người đàn ông cũng như người đàn bà kia, đều là những người mang trên người gánh nặng cơm áo gạo tiền. Chính cái nghèo, cái đói, sự túng quẫn khốn cùng đã bức ép, buộc lão phải hành động một cách tiêu cực để trốn chạy cái áp lực khủng khiếp của một người làm trụ cột gia đình, của một người chồng, một người cha; tuy nhiên, đến cuối cùng, lão lại bị chính sự lựa chọn của mình đưa vào vòng lẩn quẩn không lối thoát. Lão không thể nào tìm được cảm giác nhẹ nhõm sau những hành độngcủa một kẻ vũ phu.

    Trước những sự việc xảy ra quá bất ngờ, khiến tác giả chỉ biết đứng nhìn trong mấy phút đầu, nhưng khi tính cách của một người chiến sĩ trỗi dậy, tác giả đã "vứt chiếc máy ảnh xuống đất, chạy nhào tới" để giúp đỡ người đàn bà khốn khổ kia.

    Nhưng rồi, một bất ngờ khác lại đến khi tác giả trông thấy thằng bé Phác "chạy một mạch", "như một viên đạn trên đường lao tới đích đã ngắm", "nhảy xổ vào cái gã đàn ông". Khi đã giật được cái thắt lưng trong tay gã đàn ông, thằng bé liền dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt vào khuôn ngực trần vạm vỡ như một hành động phản kháng, đáp trả trong câm lặng thay cho người đàn bà đã gồng mình chịu đựng đòn roi.

    Đến khi lão đàn ông đi rồi, người phụ nữ mới bật khóc vì cảm thấy "vừa đay đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã". Mụ khóc cho chính mình, khóc cho hành động nông nổi, dại dột của con mình. Miệng mụ "mếu máo gọi", còn tay thì "ôm chầm lấy thằng bé rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy". Có lẽ, từ tận sâu trong thâm tâm một người làm mẹ, mụ chỉ cầu mong tâm hồn của đứa trẻ mụ đang ôm trong tay không bị tổn thương sâu sắc, không bị vấy bẩn khi trông thấy những cảnh lẽ ra nó không nên thấy. Mụ thật lòng cầu mong đứa trẻ ấy sẽ thấu hiểu và tha thứ, hoặc nếu không thể khoan dung cho hành động cha của nó, thì ít nhất nó sẽ không lưu giữ những kí ức tội lỗi, xấu xa đó trong đầu để không phải nuôi hận thù, không phải căm ghét một người nó đã và đang gọi là "cha".

    Thế nhưng, khi sự ám ảnh đã khắc sâu vào tâm thức, lòng căm hận của Phác đã được nuôi lớn, nó thù ghét cha đến đắng cay và chỉ biết làm theo những điều bản thân cho là đúng.

    Khi cảnh bạo hành dã man qua đi, khi những đau đớn về mặt thể xác lẫn tinh thần chưa kịp lắng dịu, người đàn bà vội vã buông đứa trẻ ra, đi khỏi bãi xe tăng hỏng, theo người ông trở về thuyền và để bãi cát trở về "với vẻ mênh mông và hoang sơ".

    Ẩn sau một bức ảnh được xem là kiệt tác là một con thuyền chở những con người, những mảnh đời cơ cực, đắng cay. Họ là một người đàn bà đáng thương, trân mình cắn răng gánh chịu cơn mưa đòn roi, không một lời than trách hay phản kháng; họ cũng là một gã đàn ông độc dữ, nhẫn tâm, xuống tay đánh vợ, nặng lời miệt thị, nguyền rủa người nhà mà không chút xót thương. Và đó có cũng là thằng bé Phác – con của người đàn bà vô danh – cũng im lặng như mẹ nó, vì bảo vệ mẹ mà đánh cha như một lời cảnh cáo, một cách phản kháng trước những bất bình dù trong tâm thức non nớt vẫn chưa đủ thấu đời để hiểu, để nhận biết đúng sai.

    Câu chuyện về người đàn bà khốn khổ vẫn còn tiếp diễn khi một lần nữa, tác giả lại tình cờ trông thấy mụ bị chồng bạo hành. Và với thiện chí của một người đại diện cho công lí, Đẩu – bạn của nhiếp ảnh Phùng – mời mụ đến tòa án huyện tìm cách giải thoát cho mụ khỏi cuộc hôn nhân địa ngục với gã chồng vô nhân tính. Thế nhưng, mọi chuyện chưa bao giờ là dễ dàng.

    Dù cuộc sống gắn chặt với những cơn mưa đòn roi "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" nhưng người đàn bà đó vẫn kiên quyết không bỏ chồng bởi những kết nối hết sức đắng cay giữa mụ và lão chồng xuyên suốt một thời tăm tối, cơ cực.

    Người đàn bà đó tuy chưa thể vứt hết cái vẻ khúm núm, sợ sệt nhưng đã chấp nhận mở lòng để kể về cuộc đời mình, để đưa ra những lí do khiến bản thân phải cam chịu và cả những lí lẽ để những người ở tòa án phải thừa nhận và cảm thông. Bởi suy cho cùng, theo mụ thì Đẩu và Phùng "đâu có hiểu được cái việc của những người lam lũ khó nhọc" quanh năm tắm gió gội sương, lênh đênh trên sóng nước.

    Trước đây, mụ là "một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa" và cũng "vì xấu" nên "không ai lấy". Ngang trái thay, mụ lại "có mang với một anh con trai một nhà hàng chày giữa phá hay đến mua bả về đan lưới". Chồng mụ khi ấy vẫn là "một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm" và "không bao giờ đánh đập" mụ.

    Có thể nói rằng chính hoàn cảnh sống làm tâm tính con người thay đổi. Nhưng trong câu chuyện của người đàn bà làng chài, mụ không đổ lỗi cho bất kì ai mà lại nhận tất cả tội lỗi về phía mình "cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá mà thuyền lại chật". Và trong hoàn cảnh khốn cùng vì gánh nặng mưu sinh vây ráp thì "bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh". Mụ đàn đàn ước rằng "giá mà lão uống rượu.. thì tôi còn đỡ khổ", bởi có những người đàn ông khi đã chọn rượu để quên đi hiện thực, thì họ sẽ uống thật say, uống đến say mèm để rồi than vãn đôi câu và tìm đến giấc ngủ chứ không như gã chồng của mụ. Đáng tiếc thay, không phải gã đàn ông nào khi say rượu cũng thế. Hành động và lời nói của một người say đôi khi rất khó kiểm soát và còn tàn độc gấp nhiều lần so với một người tỉnh táo.

    Nỗi khổ mà người đàn bà phải trải qua, không mấy người ngoài cuộc có thể hiểu được. Không ai có thể hình dung sự vất vả, khổ cực của một "người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông.." vào những khi "biển động sóng gió". Một người đàn bà sống trên thuyền vốn không thể chỉ nghĩ cho mình như một người đàn bà sống trên đất. Họ cần một người đàn ông "chèo chống phong ba,", "làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa". Thế nên, mụ đàn bà sẵn sàng hi sinh bản thân vì con, sẵn sàng chấp nhận chuyện án phạt tù tội miễn là đừng bắt chị phải bỏ chồng.

    Người đàn bà đó đã bật khóc khi nghe Phùng nhắc về thằng Phác. Nó là đứa mà mụ yêu thương nhất trong đám con đông đúc mà mụ từng sinh ra và nuôi dưỡng ngay cả khi nó giống hệt bố nó từ ngoại hình đến tính cách, "giống như lột ra từ cái lão đàn ông đã từng hành hạ mụ". Với linh cảm của một người mẹ, mụ đã gửi thằng bé lên rừng vì "sợ thằng bé có thể làm điều gì dại dột với bố nó" khi phải hằng ngày chứng kiến kiến cảnh cha nó bạo hành, đánh đập mẹ nó một cách dã man nếu nó sống trên thuyền. Mụ hiểu rằng sự căm tức, hận thù dễ thao túng, thúc đẩy thằng Phác hành động nông cạn, thiếu suy nghĩ. Trớ trêu thay, những điều người đàn bà đó lo sợ lại xảy ra bởi chính tình yêu thương mà thằng Phác dành cho mụ quá lớn, cũng như lòng căm hận của thằng bé với cha nó quá nhiều. Vì tình thương, vì muốn bảo vệ mẹ "thằng bé tuyên bố với các bác ở xưởng đóng thuyền rằng nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh". Và nó đã làm đúng với lời tuyên bố của mình, bất kể là sai hay đúng.

    Trong cuộc sống cơ cực tối tăm của người đàn bà, thật khó có thể tìm thấy niềm hạnh phúc. Vậy mà, mụ vẫn chắt chiu được chút niềm vui khi nhìn thấy những đứa trẻ được ăn no. Niềm hạnh phúc mà người đàn bà đó nói khiến nhiều người phải bật cười vì nó quá đơn sơ, nhưng đối với một người sống lam lũ, khổ cực phải lênh đênh hàng tháng trời trên mặt biển, những điều đó thật sự đáng quý vì nó là điểm sáng duy nhất trong chuỗi ngày tăm tối.

    "Chiếc thuyền ngoài xa" không đơn thuần chỉ dừng lại ở hình tượng người đàn ông vũ phu, người đàn bà căm chịu hay một thằng con thương mẹ và căm giận cha nó tột cùng mà còn khắc họa hình ảnh nhân vật Phùng – một người chiến sĩ cách mạng và cũng là một người nghệ sĩ biết rung cảm trước cái đẹp, biết xót xa, cảm thông cho những phận đời, phận người sống trôi nổi phải đấu tranh từng ngày với gánh nặng mưu sinh.

    Phùng đã nỗ lực để đi tìm một bức ảnh đẹp và đã được đền đáp xứng đáng bằng khung cảnh của con thuyền đánh cá đang thu lưới lúc bình minh. Trong khoảnh khắc xao xuyến trước bức tranh cuộc sống lao động của con người vùng biển, Phùng hiểu ra rằng giá trị thực sự của nghệ thuật chính là đạo đức, là cái chân – thiện – mĩ của cuộc đời. Và trên hết, ba giá trị ấy phải đi cùng đời thực và phản ánh một cách chân thực, chính xác về những cảnh đời với muôn hình vạn trạng cùng những sắc thái không bao giờ giống nhau.

    Nghệ thuật và đời thực luôn xuất hiện song hành nhưng hoàn toàn đối lập với nhau. Nghệ thuật tôn vinh bề nổi của cái đẹp còn hiện thực lại lột trần bản chất bên trong của những điều mà con người ta luôn cho là đẹp, là hoàn mĩ và không tì vết. Đằng sau bức tranh con thuyền thu lưới là cảnh tượng đánh đập man rợ khiến lòng người căm phẫn. Và ẩn sâu trong bức tranh bạo hành lại là điểm sáng về lòng bao dung, cảm thông của một người vợ dành cho chồng và tình yêu thương vô bờ bến của một người mẹ dành cho con cùng một góc khuất tĩnh lặng đáng để suy ngẫm về những góc khuất về chuyện bạo lực gia đình tưởng như dễ tìm nhưng người ta lại phớt lờ, thậm chí là che đậy hoặc phủ nhận. "Chiếc thuyền ngoài xa" là một tác phẩm đậm tính nhân văn về mối tương quan giữa nghệ thuật và cuộc đời, đồng thời bày tỏ niềm cảm thương sâu sắc với người đàn bà làng chài, ngợi ca những phẩm chất đẹp đẽ của một người làm vợ, làm mẹ giàu đức hi sinh đồng thời tố cáo những tội ác mà chiến tranh đã gây ra cho cuộc sống này.

    Hết
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng mười một 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Trần Lệ Giang

    Bài viết:
    30
    U là chời! Xuất sắc quá! Quả nhiên trời đã mang bạn đến với tôi mà. Thạt đúng lúc, chiều nay mình làm đề chiếc thuyền ngoài xa này. May mắn vì có bài này của bạn để mình tham khảo. Bản thân mình là một đứa dốt văn đã vậy còn lười nữa chớ. Thôi có bài của bạn đây rồi mình cũng tự xốc lên tinh thần học bài vậy.

    Cảm ươn bạn rất nhìu nè! Moah Moah*qobe 87*
     
  4. Tiểu nô nô

    Bài viết:
    213
    Mấy bạn học sinh chắc chắn sẽ thấy hạnh phúc với bài viết này :D
     
  5. Táo ula Táo có màu cam ?

    Bài viết:
    298
    Đây là bài viết siêu chất lượng và mọi người nên đọc nó nhé!
     
  6. Lientinhxh

    Bài viết:
    61
    Ngưỡng mộ mấy bạn học giỏi văn ghê. Xuất sắc luôn ạ
     
  7. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Táo cũng giỏi mà. Ngày nào Táo cũng đăng bài hướng dẫn đọc hiểu văn bản cho mọi người cùng đọc mà:")
     
  8. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Mình không giỏi văn lắm đâu bạn. Tại bài này cho mình chút đồng cảm nên mình cảm nhận hơi sâu một chút thôi.
     
  9. Táo ula Táo có màu cam ?

    Bài viết:
    298
    Ôi văn này nhìn mỏi lưng quá, làm sao mà cọp dê được đây!
     
  10. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Mỗi ngày Táo cọp dê một ít, tới ngày thi sẽ thuộc nguyên bài mà :))
     
  11. Táo ula Táo có màu cam ?

    Bài viết:
    298
    Ý, văn hay như dị thì trích đoạn cuối bỏ vô HTNX đi: '<, xợ lắm mấy đứa ăn cép xong bảo bài mình, đi kím xiền qua công sức của Tú.
     
    Shynza HarukawaNam Dã Tú Nhất thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...