Phân tích chi tiết nắm lá ngón trong tác phẩm vợ chồng a phủ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Huongthu2401, 20 Tháng mười 2021.

  1. Huongthu2401

    Bài viết:
    483
    Phân tích chi tiết "lá ngón" trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ

    Chúng ta đã gặp không ít số phận của những người phụ nữ bi thương trong văn học Việt Nam. Đó là Vũ Nương oan khuất, là nàng Kiều bi kịch, là chị Dậu tủi hờn.. Nhưng khi tiếp cận với nền văn học cách mạng thì vẫn những người phụ nữ ấy lại trỗi dậy mạnh mẽ làm chủ đời mình. Một trong những nhân vật tiêu biểu cho sự vươn lên ấy chính là Mị trong "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài. Nhà văn đã dành ngòi bút của mình để nảy lên những tiếng kêu nhân đạo nhất, và đặc tả điều đó, ta còn ấn tượng mãi với hình tượng nắm lá ngón trong câu truyện.

    [​IMG]

    Mỗi nhà văn bao giờ cũng gắn với một mảnh đất sáng tác riêng. Nếu như Nguyễn Thi có duyên nợ đặc biệt với mảnh đất Nam Bộ, Võ Huy Tâm lại khao khát khám phá nơi đất mỏ hay Nguyễn Trung Thành gắn bó máu thịt với Tây Nguyên, thì với Tô Hoài – cây đại thụ của văn xuôi hiện đại Việt Nam như được sinh ra để thuộc về mảnh đất Tây Bắc. Tô Hoài là nhà văn của quan niệm "nghệ thuật vị nhân sinh". Những sáng tác của ông thiên về diễn tả những sự thật ở đời. Ông cho rằng "viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật, đã là sự thật thì không tầm thường, cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc". Hơn thế nữa, Tô Hoài có vốn hiểu biết phong phú về phong tục tập quán của nhiều vùng miền trên đất nước. Làm sao biết được duyên nợ nào đã đưa đẩy Tô Hoài – người con Hà Nội – lên kết duyên cùng Tây Bắc để rồi trở thành nhà văn của các dân tộc ít người. Từ đó, hàng loạt những đứa con tinh thần của ông được khai sinh, "Truyện Tây Bắc" là một trong số đó. Nằm ở trong tập truyện ấy, "Vợ chồng A Phủ" mang một gương mặt riêng, độc đáo. Truyện kể về cuộc đời của Mị và A Phủ, những chàng trai và cô gái người Mèo. Cuộc đời họ vắt qua hai đoạn: Phần bóng tối ở Hồng Ngài, phần ánh sáng ở Phiềng Sa. Xét về vẻ đẹp văn chương thì nửa Phiềng Sa nhất định phải nhường nửa Hồng Ngài bởi chính nửa này mới tập trung tinh hoa ngòi bút Tô Hoài.

    M. Gorki đã từng nói: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Một tác phẩm hay và xuất sắc, một nhà văn ưu tú và có phong cách xuất sắc, chắc chắn trong những câu truyện của mình, không thể nào không có được những chi tiết giàu ý nghĩa. Để mà khi tác giả có đi xa, khi nhắc đến chi tiết nghệ thuật là ta nghĩ ngay đến tác phẩm và ngòi bút tài hoa của họ. Ở "Vợ chồng A Phủ" thì đó nhất định phải là chi tiết lá ngón.

    Nắm lá ngón là hình ảnh đã xuất hiện lặp đi lặp lại ba lần trong tác phẩm, mỗi lần mang một ý nghĩa khác nhau, nhưng đều là ẩn ý của tác giả đã nêu bật được khía cạnh tâm trạng và tính cách của Mị. Mở đầu câu truyện, ta không thể quên một cô gái với hình ảnh: "Ai ở xa về.. có một cô gái. Lúc nào cũng vậy.. mặt buồn rười rượi". Đó là nét mặt muôn thuở của những cô con dâu trừ nợ, là sản phẩm của chế độ bóc lột nặng lãi của miền núi. Trong lời kể thâm trầm của Tô Hoài Mị hiện ra với đầy đủ tín hiệu của giông bão. Hình ảnh Mị hoàn toàn đối lập với sự giàu sang, quyền thế của nhà Pá Tra. Mị hiện lên không ở phía chân dung mà ở phía thân phận, một thân phận nghiệt ngã, người ngồi lẫn với đá, với chuồng ngựa. Mị bị ném vào một vị trí không phải dành cho con người. Dáng điệu bi kịch ấy đổ bóng xuống toàn thiên truyện Lối mở truyện của Tô Hoài rất đặc biệt nhà văn đi từ hiện thực trở về quá khứ của Mị vì thế mà tạo được sức hấp dẫn lôi cuốn cho truyện ngắn. Mị tưởng như một thứ vật vô tri vô giác, tâm hồn nghèo nàn và héo úa đến thương tâm. Mị vốn dĩ là một cô gái xinh đẹp, tài hoa lại hiền lành, hay lam hay làm, nhưng những phẩm chất đáng quý ấy đã bị vùi dập bởi xã hội đương thời. Mị như một ngọn lửa đang bùng cháy, lại bị đè nén dưới những điều khổ cực, đau đớn cả thể xác và linh hồn. Mị còn cảm thấy chính mình không bằng "con trâu con ngựa" bởi con trâu con ngựa còn được nhai cỏ ung dung, đây Mị không có một phút ngơi nghỉ, lại bị A Sử hành hạ, không có tình cảm, cuộc sống trôi qua là những bất hạnh, chán trường lặp đi lặp lại, một lối thoát không có hồi kết, không có điểm đến tưởng như lặp đi lặp lại.

    Nhưng ai có biết, cô gái đó đã từng ra sao, hình ảnh "nắm lá ngón" đầu tiên, xuất hiện sau khi Mị bị A Sử bắt về "cúng trình ma" trở thành con dâu gạt nợ nhà giàu. Cơn lốc số phận đã quét vào phần non tơ nhất của cuộc đời Mị: Thời con gái. Bởi vậy, "có hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc". Mị khóc vì thấm thía cho cuộc đời bị cướp đoạt. Trong bế tắc tột cùng, Mị đã muốn tự tử bằng lá ngón. Đây là lần đầu tiên ngòi bút Tô Hoài lách sâu vào cái nghịch lý phức tạp của tâm lý nữ giới bên trong con người Mị. Nhìn bề ngoài, tự tử là một hành vi tiêu cực của một kẻ chán đời. Nhưng thực chất đó lại là biểu hiện của lòng yêu đời. Đó là sức sống mãnh liệt tiềm tang trong con người của Mị. Mị thà chết như một con người còn hơn sống như một con thú. Điều đó chỉ có ở những người giàu lòng tự trọng, có ý thức về nhân phẩm bản thân. Nhưng đâu thể được, bởi người con gái ấy là người con có hiếu. Khi thấy Mị cầm nắm lá ngón hái trong rừng mà chạy về thưa với cha, cha Mị nói: "Mày về lạy chào tao để mày đi chết đấy à? Mày chết nhưng nợ tao vẫn còn.. tao thì ốm yếu quá rồi. Không được, con ơi" tuy một lòng thương con, nhưng không còn cách nào khác, vì món nợ truyền kiếp với nhà giàu. Vậy là Mị phải từ bỏ thôi, "nắm lá ngón" xuất hiện đầu tiên là hình ảnh đại diện cho một lối thoát đầy tăm tối. Đây là một sự phản kháng quyết liệt nhưng đầy tuyệt vọng của Mị. Nó – lá ngón cũng chính là hiện thân đầy chân thực cho sự áp bức, bóc lột, man rợ của chế độ phong kiến hà khắc, đày đọa con người lương thiện đến tột cùng. Rồi Mị chỉ bưng mặt khóc "Mị ném nắm lá ngón xuống đấy, nắm lá ngón Mị đã tìm hái trong rừng. Mị vẫn giấu trong áo. Thế là Mị không đành lòng chết" vậy đấy, số kiếp con người đã định đoạt, Mị chấp nhận về làm con dâu gạt nợ, chấp nhận cuộc sống – sống không bằng chết của mình. Một cô gái đã rất can đảm tìm đến nắm lá ngón, nhưng lại can đảm hơn để sống với sự khổ cực của mình, rốt cuộc vẫn là một trái tim nhân hậu, hiếu thảo, và bản lĩnh. Thương thay cho Mị, ta càng hiểu thấu một trái tim nhân đạo của Tô Hoài. Và "Mị đành trở lại nhà thống lí". Giống như nàng Kiều hai trăm trước, hành động của Mị chính là "bán mình chuộc cha". Biết làm sao được khi sống thì không muốn mà chết thì không được. Tình thế của Mị thật bi kịch làm sao!

    Vậy là ta đã nhìn thấy một tia sáng vụt lên trong trái tim Mị, Mị đã tìm đến một sự giải thoát cho số phận, nhưng rồi lại chấp nhận để đấu tranh đơn độc. Rồi người cha già của cô qua đời, lúc này Mị đã sống "quen cái khổ rồi", Mị chỉ còn là một cái bóng vật vờ bám theo guồng quay công việc. Mị cũng không còn nhớ tới lá ngón nữa, vì lúc này với Mị sống hay chết cũng đều như nhau. Và còn gì đau đớn hơn khi con người ta nghĩ đến cái chết mà cũng như sự sống, ấy là khi cái tâm đã nguội lạnh rồi. Và đây cũng chính là hình ảnh "nắm lá ngón" thứ hai. Hình ảnh tượng trưng cho sự ra đi của nắm lá ngón, nội ám ảnh, day dứt về cái chết giờ đã không còn trong tâm trí Mị nữa rồi. Mị mặc kệ, Mị quen khổ, và thay vì phản kháng giờ đã là chịu đựng. Sự đấu tranh và giờ đây là những mệt mỏi yếu ớt. Vậy là lá ngón thứ hai là hình ảnh lá ngón ra đi, và đây cũng là một tiếng kêu ngầm tiếng đồng bào hướng về cách mạng. Nhưng nếu tác phẩm dừng ở đây thì cuộc đời Mị có gì khác chị Dậu trong đêm đen nhà cụ cố. Với tất cả yêu thương, trân trọng, tác giả đã phát hiện ra ngọn lửa muốn sống vẫn đang cháy rực trong lòng Mị.

    Và rồi đêm tình mùa xuân của năm nào đã ập đến. Tình mùa xuân năm Mị sống ở nhà thống lí Pá Tra khác hẳn so với những đêm tình mùa xuân trước đây. Mị hồi tưởng lại quá khứ, Mị gặm nhấm lại nỗi đau dai dẳng khôn nguôi, những giai điệu cũ, bài hát cũ vang lên, vang vọng trong hồi ức tâm trí Mị như tiếng đàn da dắt, day dứt và đau đớn. Mị nhận ra mình còn trẻ, và Mị muốn đi chơi. Hình ảnh này của Mị giống với những dòng thơ sau:

    "Ngoài trời hoa lá rì rào

    Trong lòng sơn nữ xôn xao mối tình"

    Thế nhưng, với Mị, cuộc sống đen tối hiện tại đâu chừa chỗ cho Mị "xôn xao". Mị uống rượu, cứ uống "ực từng bát" Mị càng say thì càng tỉnh, Mị nhớ lại mình ngày xưa biết bao, Mị thương chính số phận của mình bây giờ, Mị đau trong cảnh "sống không ra người" này của mình lắm lắm. Vậy là nắm lá ngón lại xuất hiện lần thứ ba, Mị nghĩ, nếu có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Vậy là càng nghĩ càng buồn, càng buồn càng khổ. Con người đấu tranh không cho phép Mị giam hãm đời mình trong thực tại thê thảm này. Ý nghĩa về cái chết chính là sự phản kháng với hoàn cảnh. Những lúc thèm sống như một con người thì Mị lại muốn chết ngay lập tức. Còn nghịch lý nào biện chứng hơn thế nữa? Hình ảnh "cái chết" khiến ta nhớ tới Madeline trong tiểu thuyết "Những buổi sáng của thế giới" đã tự tử sau khi trải qua chuỗi đau khổ: Bị người yêu ruồng bỏ, bị mất đứa con đầu lòng.. Hay chàng thiếu niên đã tự bắn vào trái tim mình khi không muốn bước vào thế giới của người lớn rối ren, phức tạp trong tác phẩm "Ma chơi".. Tuy nhiên, tất cả những cái chết kia đều là biểu hiện rõ ràng của sự chán chường, tuyệt vọng. Mị thì khác, Mị tìm tới lá ngón vì nhựa sống mãnh liệt đang cuồn cuộn chảy trong trái tim.

    Như vậy, chỉ một chi tiết nhỏ nhưng nói được nhiều hơn nó. Nắm lá ngón là biểu tượng của sự cùng cực, tuyệt vọng của con người. Cũng nắm lá ngón ấy lại là hiện thân của khát vọng sống một cách mãnh liệt, sống chân thành và sống là chính mình. Nó vừa cao đẹp nhưng lại khổ đau, nó hướng tới sự lạc quan nhưng đành chọn cách bi quan như sự giải quyết cuối cùng. Qua đó là tiếng nói xót thương cho số phận, không chỉ người phụ nữ mà còn là con người còn đang phải chịu bất công, khổ đau của xã hội cũ; tiếng nói lên án và tố cáo mạnh mẽ. Nó trở thành tiếng còi cảnh bảo cho sự cầu khẩn của đồng bào mong muốn tìm một cách giải thoát, khát khao tìm ra con đường tốt đẹp hơn. Đó chính là tiền đề để nhà văn khéo léo khẳng định con đường bền vững nhất là con đường tự khai phá và giải phóng chính mình, lựa chọn tốt đẹp nhất chính là biết tự đứng lên, để Cách mạng có thể dẫn bước. Những chi tiết dù là nhỏ nhất, dưới bàn tay người nghệ sĩ tài hoa, được điêu khắc và miêu tả một cách tỉ mỉ, để từ đó làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng câu chuyện.

    Vậy là nắm lá ngón là một chi tiết quan trọng, là "một hạt bụi vàng của tác phẩm", nhấn mạnh nỗi khổ ngày càng sâu sắc và thấm thía của Mị. Một thứ độc dược của núi rừng còn là sự giải thoát, vậy mà cũng không thể độc bằng chính xã hội lúc bấy giờ. Qua đó nắm lá ngón cũng chính là sự khẩn thiết, cầu cứu của đồng bào miền cao hướng đến cách mạng. Và cũng là một trái tim nhân đạo sâu sắc của Tô Hoài.

    Cảm ơn các bạn đã đọc bài!
     
    Last edited by a moderator: 11 Tháng ba 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...