NGHỊ LUẬN VĂN HỌC VỀ CHI TIẾT ÁNH SÁNG BÓNG TỐI TRONG TÁC PHẨM HAI ĐỨA TRẺ - THẠCH LAM Đề bài: Phân tích một hình ảnh về ánh sáng và bóng tối mà em yêu thích trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Chi tiết chọn phân tích: "Tiếng đòn gánh kĩu kịt nghe rõ rệt, khói theo gió tạt lại chỗ hai chị em: Bác Siêu đã tới gần, đặt gánh phở xuống đường. Bác cúi xuống, nhóm lại lửa, thổi vào cái nứa con. Bóng bác mênh mang ngả xuống đất một vùng và kéo dài đến tận hàng rào hai bên ngõ. An là Liên ngửi thấy mùi phở thơm, nhưng ở cái huyện nhỏ này, quà bác Siêu bán là một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền, hai chị em không bao giờ mua được. Liên nhớ lại khi ở Hà Nội chỉ được hưởng những thức quà ngon, lạ - bấy giờ mẹ Liên nhiều tiền - được đi chơi bờ hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Ngoài ra, kỷ niệm nhớ lại không rõ rệt, chỉ là một vùng sáng rực và lấp lánh. Hà Nội nhiều đèn quá! Từ khi nhà Liên dọn về đây, từ khi có cái cửa hàng này, đêm nào Liên và em cũng phải ngồi trên chiếc chỏng tre dưới gốc bàng với cái tối của quang cảnh phố chung quanh" Bài làm Giữa màn đêm tối tăm, con người ta khát khao điều gì? Giữa phố huyện nghèo đói kia, khát khao nào khẽ nảy lên trong lòng hai đứa trẻ? Miền hoài niệm xa xăm nào khẽ hiện lên trong tâm trí non trẻ của chúng. Một thứ ánh sáng? Của một hiện tại nơi phố huyện hay của một Hà Nội hoa lệ? Màn đêm tĩnh lặng làm nền cho những tiếng động khẽ khàng của cuộc sống, tiếng kĩu kịt của chiếc đòn gánh vang lên rõ rệt. Kĩu kịt chẳng phải kẽo kẹt, chẳng phải đang tả thứ kim loại hoen gỉ mà ta lại thấy sự hoen gỉ, sự rệu rã nơi con người, giữa cái phố huyện nghèo này, giữa cái cuộc sống thường nhật này, phải chăng con người ta đã dần dần hoen gỉ, chán nản? Để rồi con người đang mang theo ánh sáng cũng không hề biết mình đang đem theo ánh sáng, con người có khả năng cho đi những khát vọng cũng quên đi cách để khát vọng. Bác Siêu đem theo những khát khao của những đứa trẻ, những thứ quà vặt xa xỉ, một đốm lửa nhỏ thắp lên sự sống nơi phố huyện nghèo nhưng bác lại không hề nhận ra, tất cả đối với bác chỉ dồn tụ lại ở hai chữ kĩu kịt, ở sự rệu rã, chán nản với những điều thường nhật. Thực ra ánh sáng luôn tồn tại giữa nơi ấy, chỉ có lẽ con người ta chưa từng một lần để tâm đến nó, hay phải chăng nó hóa thân vào cái thường nhật, trở thành một phần trong cái cuộc sống đói nghèo của họ khiến cho họ quên đi những chấm nhỏ ấy vẫn là những ánh sáng chói lòa, vẫn là những tia nhỏ của ước mơ. Và ở nơi ấy có lẽ chỉ còn có hai đứa trẻ, chỉ còn có đôi mắt của những tâm hồn không bao giờ bị cuộc đời làm cho hoen gỉ, hay phải chăng là những đôi mắt đã từng biết đến ánh sáng, mới thấu rõ, mới yêu thương một đốm lửa nhỏ nơi gánh phở kia. Liên yêu thương, rung động, để tâm tới cả những tàn dư của ánh sáng. Từ hương phở thơm nức mũi đến cả một làn khói của đốm lửa le lói giữa đêm. Cả những khoảng không bị che khuất không được ánh sáng chạm tới, những con người mà dẫu có đứng trước ánh sáng vẫn luôn đắm chìm vào cái bóng của chính mình. Cái bóng của Bác Siêu mênh mang mênh mang kéo dài.. Và rồi chẳng ai biết đốm lửa kia tự lúc nào đã bừng lên trong lòng đứa trẻ những kí ức thời xưa cũ những khoảng sắc tươi sáng về một Hà Nội, một miền hoài niệm. Liên nhìn tất cả những tia sáng nhỏ trong phố huyện với đôi mắt đã từng biết đến thứ ánh sáng thực sự của em. Con người ta khi đã từng biết ánh sáng đẹp đến thế nào có lẽ sẽ rất sợ khi bỗng chốc bị đẩy vào bóng tối, đã từng biết sung túc no đủ là như thế nào sẽ rất sợ hãi khi bị đẩy vào đói nghèo. Nhưng Liên như một trường hợp ngoại lệ, tất cả cái sung túc ở đó trong miền hoài niệm của em, để giữa cái đói nghèo em có thể tìm thấy dễ dàng một mảnh vụn của ánh sáng để tự thắp lên trong mình một khoảng không sáng chói. Hà Nội trong em gắn liền với những mảng kí ức êm dịu, những sắc màu những tia sáng của những ngày no đủ. Hà Nội như đem theo một cảm giác gì đó tươi trẻ, tràn ngập sức sống, tràn ngập những điều khiến cho những đứa trẻ khát khao, một khoảng trời sáng rực, lấp lánh. Đẹp đẽ đến mức con người ta chẳng thể ngưng nhớ về, sáng chói đến mức ngay cả ở giữa bóng tối ánh sáng ấy vẫn chẳng thể bị che lấp. Mộc An Hy