Phân tích Chí Phèo Nam Cao

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi DNhi4330, 20 Tháng tám 2022.

  1. DNhi4330

    Bài viết:
    9
    [​IMG]

    Với tôi một ngòi bút, một tác phẩm thực thụ trước hết phải phản ánh hiện thực xã hội, mỗi tác phẩm phải mang âm hưởng của thời đại. Và Nam Cao chính là ngòi bút đó, văn chương của ông là "những tiếng nói đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than". Hiếm có ai như Nam Cao dám đào sâu bóc trần những nét tăm tối của xã hội bằng lối văn riêng, điểm nhìn rất lạ. Ông chú trọng đào sâu vào nội tâm nhân vật với giọng điệu dửng dưng nhưng đằng sau là tấm lòng nhân hậu bao la. Lép-tôn-xtoi đã từng nói: "Khi một nhà văn mới bước vào làm văn điều đầu tiên tôi muốn hỏi anh ta là anh sẽ mang điều gì mới cho văn học". Giới hạn trong văn học là điều không chỉ nhà văn Nga mà cả Nam Cao vẫn luôn trăn trở với ông "phải khơi những nguồn chưa khơi, phải sáng tạo những cái gì chưa có". Qua tác phẩm "Chí Phèo" ta có thể thấy rõ cái mới lạ trong đề tài đã cũ của Nam Cao. Chí Phèo là một tác phẩm về người nông dân bị lưu manh hóa, một tác phẩm mâu thuẫn giai cấp cùng cực của lớp người dân nghèo mà đại diện là Chí.

    Truyện ngắn Chí Phèo ban đầu có tên là "cái lò gạch cũ" sau khi in thành sách thì đổi tên thành "đôi lứa xứng đôi". Đến khi in lại trong tập Luống Cày Nam Cao đặt lại tên tác phẩm thành "Chí Phèo". Chí là đại diện cho những người nông dân bị bóc lột đến cùng cực, bị xã hội vùi dập đến không còn nhân tính lẫn nhân dạng nhưng sâu trong đó tâm hồn hắn vẫn còn chút lấp lánh tình người, đó cũng là mô hình chung của nhân dân trước cánh mạng Tháng Tám bị bần cùng hóa bởi lưỡi dao của xã hội.

    Sáng tạo và nghệ thuật luôn là thứ gắn liền không thể tách rời. Với Nam Cao một tác phẩm nghệ thuật giá trị, phải vượt lên tất cả bờ cõi và giới hạn. Nam Cao vốn là người có ý thức cao về nghề nghiệp của mình, nghề văn với ông trước hết là nghề sáng tạo, phải biết "khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có" phải "đọc, ngẫm nghĩ tìm tòi nhận xét suy tưởng không biết chán". Phải có lương tâm nghề nghiệp, không ẩu thả vì "cẩu thả trong văn chương là đê hèn". Chính cái tư tưởng đó đã khiến ông dù viết về đề tài người nông dân nghèo, một đề tài tưởng chừng đã cũ nhưng Nam Cao lại mang những điểm riêng, cái mới mẻ bên trong. Trong Chí Phèo tuy hình tượng người nông dân với mái nhà tranh đã dần cũ trong làng văn Việt nhưng Chí Phèo vẫn nổi lên như một hiện tượng lạ. Bằng cách đào sâu vào nội tâm, mâu thuẫn xã hội nhân vật hiện lên với những nét rất riêng mà trước đây ta chưa từng thấy.

    Khác với những người nông dân xưa Chí Phèo hiện lên với những nét riêng biệt, một tâm lý tinh thần phong phú của một gã đểu cáng. Nam Cao đã khéo léo dàn trải một tấn bi kịch của con đường của Chí Phèo. Ngay từ lúc mới sinh ra Chí đã phải gắng bi kịch đó là tước đi hắn một gia đình. Hắn là một đứa trẻ mồ côi được một người đi thả ống lươn nhặt về bên lò gạch cũ rồi chuyền tay cho nguồi làng nuôi lớn. Không ai có thể chọn cho mình một kiếp sống nhưng khốn thay trời lại ban cho hắn kiếp sống mồ côi. Số hắn đã bất hạnh từ trong nôi, đó quả là thiệt thòi lớn khi thiếu đi vòng tay của cha mẹ. Đây cũng là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu trước rằng con đường phía trước của hắn chẳng mấy yên bình. Tuổi thơ của hắn sống bơ vơ, cơ nhỡ đi ở nhờ hết nhà này sang nhà khác và đến tuổi thanh niên Chí đi làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Chí là bức tranh biểu tượng cho những người nông dân xưa vối cuộc sống bình dị đời thường, bản chất thiện lương trong sáng, cần cù hiền lành. Đặc biệt hắn có lòng tự trọng khi bà ba ve vãn hắn chỉ cảm thấy nhục nhã chứ yêu thương gì. Con người ấy cũng có khát vọng giản đơn bình dị: Một gia đình nhỏ chồng cày thuê cướp mướn, vợ dệt vải, bỏ con lợn nuôi để làm vốn liếng. Những điều đó đã đủ tiêu chuẩn để khiến Chí hòa nhập vào xã hội, trở thành con người bình thường như bao người khác. Nhưng cuộc đời luôn là biến số bất ngờ dồn hắn vào chân thương, ngõ cụt không tài nào thoát ra.

    Trong xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến đầy lũng loạn mà Chí Phèo là hậu quả của xã hội đó. Hắn là anh nông dân thiện lương bị đẩy vào song sắt nhà tù chỉ vì chuyện ghen tuông vô lý của Bá Kiến. Với xã hội ngày nay chuyện đi tù phải qua xét xử nhưng không sự thối nát đương thời sẵn sàng đẩy con người ta vào chốn tăm tối, trôi dạt chỉ cần vài ba đồng cắc bạc. Chính nhà tù thực dân đã tha hóa Chí làm hắn mất đi nhân dạng của mình. Nơi đó đã nhào nặn hắn thành một người khác, Chính song sắt nhà tù là nguyên nhân trực tiếp gây lên nỗi đau, kiếp sống bi kịch của Chí nhưng thứ gián tiếp gây nên chính là xã hội thối nát đương thời, mục rữa bốc mùi tanh hôi. Xã hội nửa thực dân nửa phong kiến loạn lạc đó sẵn sàng bóp nghẹt kiếp người nông dân lao động bần hàn. Việc Chí Phèo bị bần cùng hóa là con đường tất yếu lúc bấy giờ khi những người nông dân bị đẩy đến đường cùng buộc phải lưu manh hóa. Chưa có nhà văn nào dám đào sâu vào đề tài người nông dân "đểu cáng", họ chỉ hiện ra bần hàn trước ách thống trị thực dân, chỉ có một mình Nam Cao rẽ lối đi riêng, ông cho thấy một khía cạnh mới những người nông dân bị hủy hoại. Sau khi đi tù có lẽ chẳng ai có thể nhân ra người nông dân hiền lành cơ cực ngày xưa, mà ai đã lột lớp da ngoài rồi bôi thứ gì đen đuốc, gớm ghiếc vào biến hắn thành tên côn đồ lãng du. Trông hắn như cái thằng sắng đá, cái đầu cộc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà lại rất câng câng, hai mắt gờm gờm trông gớm chết. Hắn mặc cái quần đen với cái áo tay vàng. Cái ngực phanh đầy những nét trạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cái tay cũng thế. Hắn từ một anh nông dân lương thiện bị hủy hoại nhân dạng thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Nhà tù thực dân là cái nôi nhào nặn giết chết đi phần người của Chí. Trong "AQ chính truyện" của Lỗ Tấn cũng có một nhân vật bị xã hội bọn cường hào ác bá bóp méo chính là AQ, AQ chẳng ai thân thích phải làm hết việc này đến việc khác kiếm ăn, chịu nhiều tủi nhục, hắn chỉ muốn yên ổn làm ăn nhưng cuộc đời đầy sóng gió chẳng thể êm đềm. Một AQ thiện lương bị vò nát thành một tên dở dở ương ương, chuyên bắt nạt những kẻ yếu rồi khép nép cúi đầu trước kẻ mạnh, lúc tự cao lúc lại tự ti kém cỏi.. Xã hội xưa không chỉ bóc lột con người ta về thể xác hình hài mà còn bào mòn vào trong gốc rễ con người như AQ hay Chí Phèo. Chí bị mất dần nhân tính để hắn trở lên méo mó điêu tàn. Chí Phèo hiền lành trước kia trở lên hung hăng, ngang ngược với những cơn say triền miên không dứt. Có một thứ mà ít nhà văn nào nhắc tới và gán ghép hai hình ảnh đó với nhau chính là người nông dân với chai rượu-thứ thuốc phiện tinh thần. Nhưng Nam Cao đào sâu vào hình ảnh rượu và những cơn say đây là điểm nhìn độc đáo mà ông đem rải rác hết trong tác phẩm Chí Phèo. Hắn ngủ trong cơn say, chửi trong cơn say, chẳng có lúc nào mà hắn tỉnh. Trong hiện thực nghèo nàn bị áp bức không lối thoát thì rượu chất kích thích là thứ thuốc tinh thần giúp hắn tạm xa lánh cuộc đời, thoát ra khỏi hiện thực đó. Rượu đối với Chí cũng như nhiều người nông dân bị bần cùng hóa là liều thuốc an thần, giúp xoa dịu phần nào những đau đớn áp lực, bất hạnh phải gánh chịu. Tuy nhiên sự xoa dịu của nó chỉ có tác dụng quên đi thực tại, chỉ ngăn nỗi đau một cách tạm thời ngắn hạn. "Rượu" là hình ảnh bế tắc của những người nông dân trước cách mạng. Tìm đến rượu chỉ là sự phản kháng trước hiện thực tối tăm, là vùng vẫy trong tuyệt vọng khiến người ta xa rời thực tại mà quên đi rằng khi nào hiện thực được giải phóng thì con người mới thực sự tự do. Tìm đến rượu không chỉ họ muốn quên đi thực tại mà còn là sự phản kháng yếu ớt với xã hội.

    Nếu nhà tù thực dân đã biến Chí từ người lương thiện thành kẻ lưu manh thì Bá Kiến hoàn tất công đoạn cuối cùng của việc tha hóa Chí Phèo. Chí trong tay Bá Kiến thành một kẻ hung dữ với những cuộc đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ la làng. Chí thành tay sai cho kẻ trực tiếp gây ra tấn bi kịch cho cuộc đời hắn, một tên xảo quyệt nõi đời. Bá Kiến đã tiêm vào đầu hắn cái quy luật sinh tồn nơi cá lớn nuốt cá bé là phải dữ dằn, lì lượm mới mong ngóc đầu lên được, thế là Chí trở thành con dao đồ tể trong tay BÁ Kiến lúc nào cũng không hay. Chí làm những việc quái ác trong cõi vô thức, hắn tự huyễn bản thân trong đó, rồi sa vào vũng bùn của sự tha hóa. Có lẽ trong cơn say hắn chẳng biến bản thân đã hủy hoại biết bao cơ nghiệp, đạp nát bao cảnh yên vui, phá vỡ biết bao hạnh phúc của những con người nông dân thiện lành. Chí là nhân chứng sống tố cáo tội ác của giai cấp địa chủ phong kiến và chế độ thực dân bốc mùi hôi thối nồng nặc, chính xã hội đó đã cướp đi vĩnh viễn cái quyền được hạnh phúc trong xã hội cũ.

    Nhưng sự biến dạng đến méo mó đó cũng chỉ là màn dạo đầu cho tấn bi kịch thực sự, nỗi đau tước quyền sống của con người. Bi kịch của hắn thực sự bắt đầu sau cái lần tỉnh rượu, sau cái đêm khi ai đó đã mang Thik Nở đến bên hắn. Trong cái tăm tối của xã hội cũ ánh sáng mới vụt lên dã phải vội vụt tắt gây lên nỗi đau khuôi nguôi cho Chí và nỗi đau âm ỉ trong lòng độc giả. Trong những ngày tưởng chừng chết trong cơn say ông trời sắp đặt cho hắn cuộc gặp gỡ hữu duyên vô tình giúp hắn sống lại trongg những đêm đen. Đêm đó Chí uống rượu say ở nhà Tự Lãng rồi ra bờ sông để hóng gió. Thị Nở đi gánh nước ngủ quên ở bụi chuối với một tư thế rất hớ hênh. Họ gặp nhau một cách đầy định mệnh. Chính ra đây không phải cuộc gặp gỡ đầu tiên còn có những lần Thị xin rọi lửa nhờ, xin rượu bóp chân. Nhưng tất cả đều là những cuộc gặp gỡ thoáng qua còn cuộc gặp gỡ lần này như thứ ánh sánglong lanh lạ kì đem Chí bước sang một cuộc đời mới, nơi có niềm tin, áng sáng, hy vọng. Sau cái đêm trăng thanh gió mát với hai bóng người quấn quýt mờ ảo trong đêm trăng đó Chí cảm thấy lạ thường, hắn tỉnh rồi sợ rượu như người ốm sợ cơm. Chí Phèo sợ rượu có lẽ đây là lần đầu tiên. Rượu đối với Chí như thứ ánh sáng giúp hắn chìm đắm trong những cơn mê, quên đi cõi tạm bợ hắ đang sống. Hắn tỉnh mà sợ rượu tứclaf phần người của hắn cũng đang dần tái sinh. Hắn chỉ thấy đắng miệng mà lòng thìi mưo hồ buồn. Hắn buồn thay cho đời. Có lý nào như thế! Hắn đã già rồi hay sao. Chí Ppheof đã trông thấy tuổi già của hắn đói rét và ốm đau, kiếp sống vẫn trôi nổi mênh mông vô định hình, cuộc đời hắn trôi xa nhất trên cái dốc trượt của cuộc đời xuống đáy xã hội mà bây giờ khi tỉnh rượu sau những ngày dài chếnh choáng hắn mới bất chợt nhận ra. Và đây cũng là lần đầu âm thanh, sắc màu cuộc sống hiện ra trước mắt hắn rõ ràng như vậy. Đó chỉ là những âm thanh rất đỗi bình dị thân thuộc thường ngày mà với hắn âm thanh đó lạ lẫm quá. Hắn bâng khuâng ngay cả với tiếng chim hót, tiếng cười nói hàng ngày. Đầu óc hắn không quay cuồng trong cơn say nữa mà đầy đủ tỉnh táo để nhận ra rằng hắn đã trượt dài trong những cơn say triền miên vô tận. Hắn muốn làm hòa với mọi người quá, hắn khát khao cháy bỏng muốn hòa nhập vào cái xã hội bằng phẳng ấy. Nó mạnh mẽ như khát khao hòa vào đại dương vô tận của Xuân Quỳnh và khát khao sống của Xuân Diệu. Chí ước ao hòa nhập vào xã hội, được sống như những người nông dân bình thường, giản đơn. Lần này Chí không muốn đứng ngoài rìa xã hội để nhìn họ sống. Hắn thấy buồn cho hiện tại soi về quá khứ mà nghĩ về tương lai. Lúc này Thị đến xoa dịu, khâu lại vết thương âm ỉ máu của hắn. Thị là cây cầu đưa hắn trở về nơi mà hắn không còn phải sống vật vờ như là bóng ma. Thị Nở cùng nồi cháo hành thổi bùng lên ngọn lửa mong manh trên cơ thể kiệt quệ của Chí, đem đến cho hắn nhịp đập đầu tiên của tình yêu, giúp hắn ý thức lại cuộc đời. Có người nói: "bát cháo hành thứ nhất là ý thức đầu tiên về tình yêu và dục vọng, bát cháo thứ hai là sự sám hối về tội ác, mở ra khao khát hướng thiện mãnh liệt". Từng bát cháo hành là một hành trình tìm đường trở về cõi người của Chí. Bát cháo hành đó không chỉ đơn giản giúp Chí nhận ra rằng cháo hành rất ngon mà còn nhận ra thứ hắn khao khát bấy lâu là cảm giác được quan tâm. Bát cháo hành chỉ là thứ thức ăn giải cảm thông thường nhưng với hắn còn ngon hơn cả cao hương mĩ vị, đây là lần đầu tiên hắn được ăn và cũng là lần đầu tiên hắn được quan tâm mà không cần phải ăn vạ. Bát cháo khiến Chí muốn thiện lương. "Từ tiếng khóc với nụ cười Chí Phèo thực sự vươn dậy cùng khát vọng làm người. Chí tỏ tình với Thị và thấy Thị cũng có duyên. Thật lạ Thị Nở là cái đứa vô duyên lẫn xấu xí mà trong mắt Chí Thị lại trở lên duyên dáng. Thị là ánh sáng lẻ loi là động lực giúp Chí quay về cuộc sống hướng thiện.

    Nhưng cả trong cái xã hội thối nát cùng cực, ăn mòn cả gốc rễ ấy đâu là cơ hội để còn người như Chí làm lại từ đầu? Cái xã hội ấy ăn mòn con người không cho họ một chút cơ hội để ngóc đầu dậy. Đó là mô hình chung của những người nông dân bị bần cùng hóa, những thân phận cố chới với thoát khỏi dòng đời một cách tuyệt vọng nhưng kết cục chỉ là khoảng không mù mịt. Chí cũng giống như chị Dậu trước mặt chỉ là một khoảng tối đen. Đương tình yêu nồng cháy với biết bao khát khao, hy vọng. Bà cô Thị Nở xuất hiện đâm vào thứ tình yêu ấy khiến nó tan vỡ ra. Bà cấm Nở qua lại với Chí thế là Nở cũng bỏ Chí mà đi. Bà cô trong truyện được xem là đại diện định kiến xã hội xưa, tàn dư của chế độ phong kiến hà khắc. Chính định kiến khắc nghiệt ấy đã phá tan mối nhân duyên vừa chớm nở. Đó là những định kiến hẹp hòi về xuất thân, gia cảnh, tiền nhân gắn liền với tình yêu. Thời đó cái gông của lễ giáo phong kến quá nặng như sức mạnh vô hình ngăn cách họ. Làm sao bà cô có thể chấp nhận được một đứa không cha, không mẹ, đâm thuê chém mướn rạch mặt ăn vạ như Chí. Bà cô là đại diện cho người dân làng Vũ Đại bấy giờ nói riêng cũng như xã hội phong kiến nói chung muốn ruồng bỏ Chí ra khỏi xã hội. Chí bị đẩy vào bi kịch đau đớn nhất là bi kịch bị tước mất quyền làm người. Nỗi đau bị đẩy ra cái rìa của xã hội đã khiến hắn thực sự tỉnh, hắn càng hiểu ra tất cả, càng uống càng tỉnh. Rượu có thể xoa dịu tinh thần nhưng lần này nỗi đau đó quá lớn thứ thuốn giảm đau hữu hiệu nào cũng không thể xoa dịu được. Hắn quyết định cầm dao đâm chết con đĩ Nở và khọm già nhưng bước chân lại đưa hắn đến nhà Bá Kiến. Lúc này hắn mới nhận ra cơ sự là do đâu. Đây là tình huống tất yếu mà Nam Cao dày công xây dựng. Chí đi đến nhà Bá Kiến trong cơn say nhưng tâm hồn hắn hoàn toàn tỉnh táo khi dõng dạc nói" tao muốn làm người lương thiện ". Đây là câu nói thể hiện khát khao cháy bỏng trong Chí." Tao muốn "ở đây không phải là muốn rượu, vài đồng cắc bạc như những lần khác mà muốn lương thiện, muốn trở lại như trước kia. Nhưng thật xót xa hắn biết mình không thể nào có được, những vết mảnh chai trong trên mặt hắn không thể nào mất đi. Hắn hiểu ra cái xã hội này không dung nạp một người như hắn. Nỗi đau đến đỉnh điểm là nỗi đau của một kẻ bị chặn mất đường về với thế giới con người. Chí Phèo đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình là hệ quả tất yếu xảy ra. Chí đã giết con quỷ dữ thật sự của làng Vũ Đại. Nhưng đó có phải kết thúc? Xã hội đó vẫn tiếp tục như thế đầy rẫy bất công thối nát. Còn những người như Chí Phèo, Bá Kiến tồn tại thì vẫn không ngừng cường hào đoạt bá nhau. Nhưng Chí chết là giải thoát cho hắn. Có người từng nói:" Cái chết không phải sự mất mát lớn nhất cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn lịu tàn ngay cả khi cơ thể còn sống ". Chết còn hơn tòn tại một cách vô nghĩa trong xã hội, sống kiếp vô hình mà ngay cả cái bóng cũng không còn. Nếu Chị Dậu trong tác phẩm" Tắt đèn "của Ngô Tuất Tố sống là sự phản kháng yếu ớt của con người thấp cổ bé họng thì với Chí chết là sự phản kháng mạnh mẽ của hắn với xã hội đương thời.

    Cái mới lạ trong Chí Phèo phải kể đến cách xây dựng nhân vật với dòng thời gian bất định, đảo lộn nhưng rất rành mạch. Nhân vật được xây dựng rõ ràng mang màu sắc riêng như Bá Kiến với sự nham hiểm coi con người là công cụ. Đặc biệt xây dựng Thị Nở với nét rất riêng được Nam Cao gọi là hiện tượng lạ của làng Vũ Đại. Thị hiện lên hết sức dị hợm: Mũi to sần sùi như vỏ cam sành, môi to không thua cái mũi. Nam Cao khắc họa Thị xấu ma chê quỷ hờn nhưng ẩn sâu trong đó là tấm lòng bao dung hiền hậu, là một người phụ nữ với đức tính tuyệt vời. Khác với bà ba xinh đẹp nhưng lẳng lơ là tác nhân đẩy Chí xuống vực thẳm, còn Thị tuy xấu nhưng đã cứu vớt Chí đang dưới đáy xã hội. Tuy chỉ xây dựng những nhân vật điển hình trong xã hội nhưng mỗi người lại mang một cá tính độc đáo, khác lạ.

    " Chí Phèo "là một tác phẩm xuất sắc mang âm hưởng riêng, ghi dấu ấn đặc biệt trong văn học Việt, thể hiện góc nhìn nghệ thuật độc đáo của Nam Cao. Tuy chỉ xây dựng những cá tính điển hình trong xã hội nhưng qua ngòi bút tài năng họ hiện lên là nhân vật có cá tính độc đáo và sức sống mạnh mẽ. Tâm lý nhân vật được miêu tả đầy tinh tế, sắc sảo, ngòi bút đi nào nơi sâu nhất của nội tâm nhân vật tạo lên những trường đoạn giằng xé. Nghệ thuật áy đúng với quan niệm văn học của Nam Cao đó là văn học vượt qua giới hạn vô tận đi đến sự sáng tạo vô biên. Trong tác phẩm" Chí Phèo"Nam Cao đã rẽ cho mình lối đi riêng trên cái nền là đề tài người nông dân đã cũ tạo nên nội dung mới. Hình ảnh người nông dân đói nghèo rồi bần cùng hóa cuối cùng là lưu manh hóa với hình ảnh trung tâm là Chí Phèo mãi là tác phẩm sáng ngời trong nền văn học Việt. Tác phẩm tuy là truyện ngắn nhưng có sứ khái quát lớn đó là không khí ngột ngạt trước cách mạng với mâu thuẫn khó hóa giải của giai cấp xã hội.

    - DungNhi_
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...