Phân tích câu Tứ đại khổ không trong kinh Bát Đại Nhân Giác

Thảo luận trong 'Kiến Thức' bắt đầu bởi Diệu Đạt, 8 Tháng tư 2021.

  1. Diệu Đạt

    Bài viết:
    41
    Tác phẩm: Phân tích câu: Tứ đại khổ không trong kinh Bát Đại Nhân Giác

    Tác giả: Diệu Đạt

    "Chuyện tử sanh mãi luôn là định luật

    Đời vô thường sự thật chẳng thể thay

    Là con người thì ai cũng như ai

    Đến cuối cùng cũng phải về cát bụi."


    Thật vậy, vạn vật trong vũ trụ đều theo quy luật thành- trụ- hoại –không. Nghĩa là có sanh thì sẽ có diệt. Ngay cả tấm thân này cũng không ra khỏi sanh- già-bệnh-chết. Sở dĩ chúng ta hiện hữu nơi cõi đời này đó là sự cấu thành từ bốn yếu tố: Đất, nước, gió, lửa hay nói khác hơn là ta vay mượn tứ đạị để hình thành nên con người thì đến cuối cùng ta cũng phải trả nó mà về với đất mẹ, tan biến như hư vô trong không gian vô cùng và thời gian vô tận. Có gì là chắc thật cho một kiếp nhân sinh ngắn ngủi? Sự vay trả, trả vay đã tạo thành dòng chảy không cùng tận của biển cả sanh tử khổ đau mà thôi.

    Vậy tứ đại là gì? Tứ đại là bốn nguyên tố vật chất (địa, thủy, hỏa, phong) cấu tạo nên thế giới của sắc pháp. Ấn Độ cổ đại cho rằng vật chất thì có thay đổi nhưng bốn yếu tố này không thay đổi. Dưới tuệ giác của Đức Thế Tôn quan niệm này không phù hợp với sự thật, với chân lý khách quan. Bởi lẽ vật chất cụ thể luôn thay đổi và các nguyên tố này cũng sẽ thay đổi.

    Đứng về phương diện vật chất mà nói sắc uẩn bao gồm tất cả các hiện tượng cụ thể trong tự nhiên và trong thân thể con người. Xưa người ta thường hiểu bốn đại như sau: Đại địa là biểu tượng cho chất cứng rắn, có gây chướng ngại. Ở trong thân thể con người thì tức là xương, thịt, lông, móng, ngoài cơ thể như: Núi rừng, cây cối, đất, đá.. ; Thủy đại có tính chất là lỏng, mềm dẻo và linh động. Ở thân thì có nước mắt, mồ hôi, nước tiểu, máu, mủ.. ngoài thân thì có biển cả, sông ngòi, băng tuyết.. ; hỏa đại là sự khô nóng như hơi ấm, là nhiệt độ trong cơ thể hay ngoài thân là sự hoạt động của núi lửa chẳng hạn; phong đại là biểu trưng cho sự chuyển động, vận hành, trong cơ thể là thể khí như không khí để thở, khoảng không chứa đựng các loại thể khí. Ngoài thân là gió, là bầu khí quyển.

    Nhìn sơ lược, chúng ta dễ nhầm lẫn chúng là bốn yếu tố độc lập nhưng thật ra chúng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau, luôn tồn tại, nương tựa lẫn nhau và đôi khi chống trái nhau, tất nhiên chúng không thể ra ngoài quy luật vô thường, biến dị. Nhìn vào thực tế, đất mà không có nước thì sẽ khô cằn, nứt nẻ, nhưng khi đất chứa quá nhiều nước thì sẽ mềm dẻo, thậm chí là bùn lầy, không sử dụng được, hay khi lửa mà có gió, lửa sẽ lan rộng, nếu không có nước dập tắt nó sẽ gây tai hại đến nhường nào? Cũng vậy, bốn yếu tố này đầy đủ, điều hòa thì thân thể ta khỏe mạnh, nếu một trong bốn yếu tố mất thăng bằng thì thân ta sẽ thấy khó chịu hoặc bị bệnh ngay. Bản chất của chúng là không có dự tính, chúng phải dựa vào nhau tồn tại có điều kiện. Đó là quy luật của thực tại. Vì vậy, kinh văn nói: "sự cấu tạo của bốn đại là trống rỗng".

    Sự vô thường, vô ngã của bốn đại, là quy luật khách quan, nhưng tại sao kinh văn cho là khổ? Thực ra, cái khổ ấy không do vô thường, vô ngã mà chẳng qua là do sự chấp thủ của con người rằng thân thể này là thường, là tôi và của tôi mà sinh ra khổ đau, phiền não. Vì vô minh che lấp tâm tánh mà chúng ta không chấp nhận sự thật của bốn đại là vô thường, lại tạo thêm hàng rào "tà kiến" bảo vệ quan điểm sai lầm này nên khổ càng thêm khổ. Nếu không có vô thường và thật có ta và của ta thì tại sao ta từ một đứa trẻ không biết nói năng, chỉ khóc oa oa.. vài năm sau ta thành người trưởng thành, cao lớn và tự lập, để rồi lúc về già tóc bạc, mặt nhăn và ra đi chẳng mang theo được gì mà thể xác còn chôn vùi dưới đất hay hóa bụi tro tàn? Nếu bốn đại là thường còn bất biến thì sẽ không có cảnh sinh ly, tử biệt, khổ đau như trong kinh văn có nói "nước mắt của chúng sanh từ nhiều kiếp đến nay còn nhiều hơn nước biển đại dương" há chẳng phải do sự vô thường của bốn đại đó sao? Trong kinh Lăng Nghiêm cũng có đoạn nói vua Ba Tư Nặc hỏi Đức Phật rằng: "bạch Đức Thế Tôn! Cái thân vô thường của con đây tuy chưa chết, nhưng hiện tiền nó tàn tạ dần. Tàn tạ trong từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, từng sát na một. Khác nào như củi đốt thành tro, cháy dần cho đến phút điêu tàn". Đó là câu nói minh định cho sự kết hợp và tan rã của bốn đại, sự tiếp nối liên tục này đã tạo nên một đời sống khác khi con người trút hơi thở cuối cùng trong đời hiện tại. Vậy, chẳng có gì là thật khổ nếu như chúng ta có cái nhìn đúng chánh pháp.

    Đức Phật có dạy: "Cái khổ trong ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là cái khổ cùng cực. Nhưng không bằng cái khổ của người vô minh, không có trí huệ nhận thức chân lý" Do đó, hành giả đang trên bước đường tìm về bến giác thì không thể không biết đến vô thường, nó tồn tại ngay trong chính thân ta và trong tất cả muôn loài, muôn vật. Biết thân thể cấu thành từ tứ đại, biết sự vô thường biến dị của nó không phải để khóc than cho kiếp người ngắn ngủi, hay mặc sức cung phụng cho thân thể này bằng các thú vui dục lạc, sa dọa. Biết vô thường của bốn đại là để tận dụng thời gian trong từng sát na để quán sát thực tướng của các pháp từ đó hướng tâm mình đến các thiện pháp, sống thiểu dục, tri túc và siêng năng tinh tấn trong công phu tu tập hằng mong xóa bỏ bóng tối của "vô minh" mà cầm chắc tay lái "trí tuệ", đưa ta và chúng sanh vượt bờ mê đến bờ giác, vượt sanh tử đến Niết bàn.

    Trong Quy Sơn Cảnh Sách chư Tổ có dạy "phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy, bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cộng thành. Tuy nãi tứ đại phù trì, thường tương vi bội". Nghĩa là: Luận nối nghiệp chịu mình, chưa khỏi hình khổ, nhờ tinh thể cha mẹ nên vóc, mượn các duyên mà tạo thành, tuy bốn đại giúp nhau nhưng hằng trái nghịch. Vì thế, hành giả cần phải:

    Nguyện đem thân xác mọn này

    Tô bồi đạo Pháp đắp xây đạo tràng

    Cúng dường Tam Bảo trang nghiêm

    Làm cho đạo đời ngày càng đẹp tươi

    Phải ý thức được tầm quan trọng trong từng hơi thở, nhịp đập con tim và từng bước đi đã không còn là chính mình với bao ác nghiệp bủa vây mà là cả chúng sanh ở trong đó. Chính vì thế, hành giả cần phải nuôi dưỡng tâm bồ đề kiên cố, tu tập văn- tư – tu, lấy trí tuệ làm kim chỉ nam trên con đường hoằng pháp lợi sanh. Ngõ hầu giúp Phật pháp cựu trụ thế gian, đưa ánh sang chân lý được lan tỏa đến muôn nơi để tưới mát vườn tâm của tất cả chúng sanh, để họ thoát ra cái "vỏ bọc" của tứ đại, không cung phụng, cũng không chấp thủ, chuẩn bị tinh thần đón chào ngọn gió vô thường, mỉm cười hạnh phúc. Và tin chắc rằng hiện đời họ sẽ an vui, và đó là cái nhân cho sự giác ngộ, giải thoát trong tương lai.
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng sáu 2021
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...