phân tích bức tranh Việt Bắc trong chiến đấu qua bài thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu? Tố Hữu là cánh chim đầu đàn của thơ ca Cách mạng Việt Nam, ông đã thổi vào những vần thơ, con chữ của mình chất trữ tình chính trị cũng như khuynh hướng sử thi đậm đà bản sắc dân tộc. Thơ của Tố Hữu gắn liền với chặng đường Cách mạng của dân tộc, nói lên những niềm vui lớn, tình cảm lớn, đặc biệt "Việt Bắc" là tập thơ được nhiều người biết đến nhất khi đã đồng hành và ghi lại thời gian kháng chiến chống Pháp hoa lửa hào hùng của dân tộc: "Chín năm làm một Điện Biên Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng" Nằm ở phần cuối của tập thơ, bài thơ "Việt Bắc" ra đời nhân sự kiện tháng 10/1954 chính phủ cùng cán bộ kháng chiến rời chiến khu Việt Bắc để trở về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới sau nhiều năm chiến tranh gian khổ, Tố Hữu đã xúc động ghi lại khoảnh khắc chia ly giữa người cán bộ về xuôi và những đồng bào ở lại Tây Bắc bằng ngòi bút trữ tình và nỗi niềm nhớ thương khôn nguôi. Không chỉ là khúc tình ca ngọt ngào đưa người đọc đến với thiên nhiên Tây Bắc hoang sơ thơ mộng, con người Tây Bắc thuỷ chung tần tảo khéo léo; Việt Bắc còn là bản hùng ca hào hùng về những con người kháng chiến anh dũng của dân tộc. Điều này đã được nhà thơ thể hiện qua những câu thơ: "Những đường Việt Bắc của ta Đêm đêm rầm rập như là đất rung Quân đi điệp điệp trùng trùng Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan. Dân công đỏ đuốc từng đoàn Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay. Nghìn đêm thăm thẳm sương dày Đèn pha bật sáng như ngày mai lên. Tin vui thắng trận trăm miền Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về Vui từ Đồng Tháp, An Khê Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng" Đoạn thơ 12 câu đã diễn tả thật hoành tráng hình ảnh một Việt Bắc "ra quân", mạnh mẽ đứng lên trong chiến đấu thông qua khí thế hào hùng của đoàn quân Việt Bắc (8 câu đầu) và niềm vui vỡ òa trong không khí chiến thắng của cả nước (4 câu sau). Bằng ngòi bút in đậm dấu ấn khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, Tố Hữu đã gửi gắm bao nhiêu tình cảm nhớ thương về cuộc sống nơi Việt Bắc trong những năm tháng chiến tranh gian lao, ác liệt của dân tộc. Qua cái nhìn và cảm nhận của một người cán bộ chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu, khí thế hào hùng của cuộc kháng chiến được truyền tải một cách chân thực và sống động nhất trong 8 câu thơ đầu tiên của đoạn thơ. Hai câu thơ đầu hé mở khung cảnh ra quân của quân dân Việt Bắc: "Những đường Việt Bắc của ta Đêm đêm rầm rập như là đất rung" Trong đoạn thơ này, Tố Hữu tiếp tục sử dụng đại từ nhân xưng là "ta". Tuy nhiên nếu "ta" trong cặp đại từ "ta-mình" gợi ra giọng điệu tâm tình giữa người về miền xuôi và người ở lại miền ngược như những câu hát giao duyên đối đáp của đôi trai gái, thì đại từ "ta" ở câu thơ này lại mang không khí văn học trung đại, mang hào khí chiến đấu của cha ông: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm bó gối ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ hận không thể xẻ thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù.." (Hịch tướng sĩ- Trần Quốc Tuấn). Đặc biệt sau khi Thơ mới phát triển, khi nhà thơ tôn sùng cái "tôi" bản ngã riêng biệt thì đại từ "ta" được dùng không chỉ nói cho một cá nhân mà như đang nói thay cho cả một cộng đồng, một dân tộc. Đặt trong tương quan với "những đường Việt Bắc" và từ sở hữu "của", Tố Hữu dường như đang ngầm khẳng định tư thế làm chủ của con người trước thiên nhiên Tây Bắc mênh mông và hiểm nguy, làm chủ từng hòn đất trên quê hương, đất nước. Chính điều đó đã nhen nhóm lên sức mạnh, cổ động tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, gióng lên hồi còi phát động phản công khi qua rồi cái ngày "mây mù tăm tối" của kháng chiến. Câu thơ thứ hai tiếp nối bằng một hình ảnh so sánh độc đáo: "Đêm đêm rầm rập như là đất rung.". Trạng từ "đêm đêm" gợi ra một chuỗi thời gian liên tiếp, hết ngày này đến ngày khác, đêm này qua đêm khác. Ban đêm cũng là thời gian hành quân của bộ đội chiến sĩ ta, đặc biệt màn đêm ở núi rừng Tây Bắc còn ẩn chữa những mối nguy luôn luôn rình rập: "Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người." (Tây Tiến- Quang Dũng). Trong khi người lính Tây Tiến dùng tinh thần lạc quan để xua đi mối lo hiểm nguy, thì bộ đội kháng chiến của Tố Hữu dùng khí thế lấn át đi những mệt mỏi và âu lo ấy. Khí thế ấy thể hiện qua so sánh "rầm rập như là đất rung", tác giả sử dụng tính từ "rầm rập" vừa gợi ra âm thanh của từng nhịp bước chân xuyên rừng đạp núi, vừa thể hiện ý chí sắt đá, sẵn sàng, một lòng hướng về phía tiền tuyến. Khi so sánh với "đất rung" câu thơ còn gợi ra từng nhịp rung như từng hồi trống giục giã, hối thúc người lính trên đường hành quân. Từng đoàn quân nối tiếp, lại nối tiếp nhau, cần mẫn và bền bỉ, xuyên qua thời gian, xuyên qua không gian, với sức mạnh áp đảo phi thường khiến đất trời cũng phải rung chuyển, với quyết tâm "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Nếu ở 2 câu tho đầu, Tố Hữu đã phác họa toàn cảnh ra quân qua cảm nhận từ thính giác thì đến 4 câu tiếp theo, bức tranh ấy hiện lên rõ nét hơn khi tác giả tập trung miêu tả từng đối tượng, thành phần của đoàn quân chiến khu Việt Bắc qua cái nhìn cụ thể, chi tiết. Đó là người quân nhân, người chiến sĩ, lực lượng nòng cốt của cuộc kháng chiến: "Quân đi điệp điệp trùng trùng, Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan" Câu thơ đầu tiên gợi lên khí thế ra trận của binh đoàn, tỏa ra từ mọi ngả đường trong đêm, cuối cùng tập hợp lại tổng tiến công gây ấn tượng thị giác cực mạnh. Miêu tả hình ảnh đoàn quân ra trận, tác giả đã sử dụng từ láy "điệp điệp trùng trùng" gợi ra hình ảnh đoàn quân nhiều đến vô cùng, từng lớp lại từng lớp tiếp nối nhau, cùng với đó là khí thế ngút trời. Điều này còn được tác giả nói rõ hơn ở một bài thơ khác: "Đội ngũ ta trùng trùng, điệp điệp, Cao như núi, dài như sông" (Ta đi tới) "Trùng điệp" vốn là tính từ để miêu tả thiên nhiên, núi non hùng vĩ, nhưng Tố Hữu đã rất sáng tạo khi sử dụng để miêu tả cho con người, đặc biệt là cho một binh đoàn. Bút pháp sử thi cùng yếu tố phóng đại ở đây càng làm nổi bật tầm vóc lớn lao sánh tầm với thiên nhiên, vũ trụ của con người kháng chiến. Câu thơ tiếp sau miêu tả cụ thể hơn hình ảnh những người lính: "Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan" Tác giả đã sử dụng một câu thơ với rất nhiều hình ảnh ẩn dụ, vừa tả thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng. "Ánh sao" có lẽ là thứ ánh sáng quen thuộc hơn cả đối với người lính khi trải qua những đêm dài hành quân xuyên rừng núi, ánh sao lơ lửng nơi đầu súng, soi đường hành quân, dõi theo người lính ra trận. Không chỉ là một nét đẹp mộng mơ của thiên nhiên Tây Bắc, "ánh sao" còn là hình ảnh biểu tượng cho lí tưởng cách mạng, "ánh sao" hay chính là ánh sáng của Đảng, của Bác Hồ soi đường chỉ lối cho anh bộ đội vào trận đánh quân thù với niềm tin tưởng lạc quan đầy khí thế. Điều này còn được thấy trong những câu thơ của nhà thơ Vũ Cao: "Anh đi bộ đội sao trên mũ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường" Hình ảnh "ánh sao đầu súng" khiến ta liên tưởng đến Chính Hữu từng viết trong bài thơ "Đồng chí" hình ảnh "Đầu súng trăng treo". Trăng và sao đều là biểu tượng của cách mạng thành công, của ánh sáng hòa bình độc lập, còn súng lại tượng trưng cho chiến tranh loạn lạc. Hai hình ảnh tưởng như tương phản lại được đặt cạnh nhau, ngụ ý cuộc chiến đấu của nhân dân ta là hoàn toàn chính nghĩa, chúng ta cầm súng để giành lại độc lập chủ quyền vốn có, để đem lại hòa bình cho quê hương xứ sở. "Ánh sao" gắn liền với hình ảnh "mũ nan" gợi lên vẻ đẹp tuy giản dị mà cao cả, bình thường mà vĩ đại. Đặc biệt, hình ảnh "bạn cùng mũ nan" còn gợi ra tình nghĩa thắm thiết giữa người lính và những người đồng bào nơi họ hành quân qua. Cụm từ "bạn cùng" như khẳng định, người dân Tây Bắc chính là bạn bè, là đồng đội cùng chiến đấu, cùng trải qua ngày tháng nếm mật nằm gai, đắng cay ngọt bùi với bộ đội chiến sĩ. Tình cảm của họ cao hơn cả ân tình, tình đồng đội, nó là tình đồng bào, tình dân tộc của những con người tuy xa lạ nhưng một lòng hướng về Tổ quốc. Đoạn thơ viết chủ yếu theo nhịp 2/2/2, từng câu thơ như gợi lên nhịp bước chân hành quân dứt khoát, khoẻ khoắn, mang âm hưởng hùng tráng của thời đại. Ở đó hình ảnh người lính hiện lên mang tư thế hiên ngang, điểm tô thêm vẻ đẹp lớn lao của lý tưởng và tình quân dân ấm áp, sắc son. Nếu bộ đội là đơn vị chủ lực ra trận thì dân công chính là lực lượng hậu cần, hậu phương vững chắc. Họ là những đoàn xe thồ tải lương thực thuốc men xuyên rừng, những cô gái mở đường, những dân công hỏa tuyến vận chuyển bao nhiêu đạn dược và súng pháo.. Đi hàng trăm hàng nghìn cây số hướng nơi tiền tuyến. Những đoàn dân công hiện lên trong bức tranh tràn đầy ánh sáng: "Dân công đỏ đuốc từng đoàn Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay" Câu thơ ngay lập tức thu hút người đọc bởi những gam màu nóng: Màu đỏ của đuốc, của tàn lửa- màu của chiến tranh bom đạn hiểm nguy. Chỉ với hai hình ảnh ấy đã tạo nên phông nền cuộc chiến ác liệt, chết chóc của cuộc chiến trường kì mà ở đó hình ảnh con người không hề bị bom lửa vùi lấp, lại càng thêm nổi bật. Câu thơ đầu tiên: "Dân công đỏ đuốc từng đoàn" khắc họa hình ảnh hàng loạt đoàn dân công nối tiếp nhau ra trận trong đêm. Từ "từng đoàn" vừa gợi sự liên tục tiếp nối, vừa nêu bật lên số lượng hùng hậu đông đảo, lực lượng vững chắc của hậu phương tương trợ tiền tuyến, hơn hết đó còn là sự đoàn kết đồng lòng hưởng ứng "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Bác Hồ. Những đoàn dân công với công việc nặng nhọc gian khổ lại thêm biết bao khổ cực bởi thời tiết mưa rừng sương núi: "Bác thương đoàn dân công Đêm nay ngủ ngoài rừng Rải lá cây làm chiếu Manh áo phủ làm chăn" (Đêm nay Bác không ngủ- Minh Huệ) Thế nhưng họ đã thắp sáng màn đêm lạnh lẽo bằng những bó đuốc, những ngọn đuốc phải chăng được nhen nhóm lên bởi chính lòng nhiệt huyết chiến đấu, nhiệt thành Cách mạng, màu đỏ của "muôn tàn lửa" phải chăng là màu của tinh thần quyết tâm ra trận vì sự nghiệp kháng chiến? Và có chăng chính những động lực, chính tinh thần ấy đã tạo nên sức mạnh phi thường: "Bước chân nát đá". Hình ảnh phóng đại được nhà thơ sử dụng để gợi ra vẻ đẹp oai phong mà kiêu hùng đậm chất sử thi. Ta nhớ đến những câu thơ của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh cùng nét nghĩa: "Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn Lừng lẫy làm cho lở núi non Xách búa đánh tan năm bảy đống Ra tay đập bể mấy trăm hòn.." (Đập đá ở Côn Lôn) Hình ảnh những bước chân nát đá, những bước chân rung đất, là hình ảnh của con người mang tầm vóc của vũ trụ, con người ấy không còn là những người quân dân xanh xao vì bệnh tật, ốm yếu vì đói khổ, họ tiến đến chiến trận như đi đến đêm hội pháo hoa rực rỡ lung linh, họ mang tinh thần lạc quan để chiến đấu, họ mạnh mẽ đứng lên như chính Việt Bắc đang đứng lên, như cả nước, cả dân tộc đã đứng lên để giành lấy độc lập, làm chủ đất nước của mình. Cùng với những đơn vị bộ đội, những đoàn dân công, thì những đoàn xe chở vũ khí đạn dược đóng vai trò quan trọng trong kháng chiến, cũng đang nườm nượp tiến ra chiến trận: "Nghìn đêm thăm thẳm sương dày Đèn pha bật sáng như ngày mai lên" Hình ảnh đoàn xe ra tiền tuyến được gợi tả qua ánh sáng từ đèn pha, đã gợi ra một khung cảnh rất đỗi chân thực: Khi di chuyển trong đêm tối và điều kiện thời tiết sương dày, người lính hay chính là tác giả chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng từ những chiếc đèn pha ô tô đang nối đuôi nhau vượt núi đèo chót vót, vượt rừng rậm hoang vu, băng qua những cung đường hiểm trở phăng phăng ra trận. Không chỉ miêu tả cảnh ra trận của đoàn xe, nhà thơ còn sử dụng ẩn dụ để nói sự nghiệp Cách mạng Việt Nam. Buổi đầu kháng chiến chính là màn đêm "nghìn đêm thăm thẳm sương dày", ấy là khi Cách mạng còn trứng nước, còn non trẻ, lại chịu vây bọc gắt gao từ quân địch khiến cho kháng chiến như chìm trong hàng nghìn đêm dài tăm tối mịt mờ, tưởng như bế tắc. "Đèn pha bật sáng" ẩn dụ cho ánh sáng lý tưởng của Đảng, đã soi rọi mỗi một người con của kháng chiến, giúp cho Việt Minh từng ngày trưởng thành, Cách mạng đã gặt hái được những thành công! Ngòi bút lãng mạn của Tố Hữu thể hiện thật rõ nét qua hình ảnh "ngày mai lên" - đó chính là tương lai tươi sáng, không còn ngoại xâm, không còn thực dân, chết chóc, tang thương, chiến tranh, đó là ngày mai của hi vọng, của hòa bình ấm no, ngày các anh, các chị, các cô các chú cán bộ chiến sĩ dân quân được trở về với gia đình, quê hương, xứ sở.. Hai câu thơ quả thực đã thắp sáng cả đoạn thơ bằng ánh sáng của lý tưởng, của niềm tin vào cuộc đấu tranh chính nghĩa, cái thiệt ắt thắng cái ác. Câu thơ có nhịp điệu dồn dập, mạnh mẽ; cùng âm hưởng hùng tráng đậm chất sử thi và hình ảnh hoành tráng, hoa mỹ đã thể hiện niềm lạc quan tin tưởng mãnh liệt của những con người trong kháng chiến, dựng lên bức tượng đài đất nước qua bao nhiêu năm cúi lưng làm nô lệ, nay đã "rũ bùn đứng dậy sáng lòa". Tám câu thơ đầu đã vẽ nên bức tranh Việt Bắc trong kháng chiến qua cái nhìn từ bao quát đến chi tiết, qua những cảm nhận tinh tế về âm thanh và màu sắc, hình ảnh chọn lọc của nhà thơ. Ở đó ta thấy được một Việt Bắc cùng cả nước đứng lên, thấy được những con người thuỷ chung với Cách mạng đang đồng lòng hướng đến tiền tuyến với ý chí chiến đấu ngút trời, họ tiến về chiến trường chết chóc như tiến về phía hòa bình hạnh phúc bởi họ có lòng tin đã giành chắc phần thắng. Đặc biệt là nhịp bước chân hành quân như giai điệu xuyên suốt cả đoạn thơ, tạo nên khúc hành quân hùng tráng, mạnh mẽ, người ra trận hừng hực khí thế trong niềm lạc quan quyết chiến quyết thắng! Khúc hùng ca Việt Bắc còn được tiếp nối bằng khúc khải hoàn ca mừng thắng lợi, thể hiện qua bốn câu thơ kết đoạn: "Tin vui chiến thắng trăm miền Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về Vui từ Đồng Tháp, An Khê Vui lên Việt Bắc, Đèo De, Núi Hồng.." Câu thơ đầu tiên vang lên như một lời thông báo, lại như một tiếng reo vui: "Tin vui chiến thắng trăm miền". Bốn từ "chiến thắng trăm miền" như ngân vang khắp không gian, để rồi vỡ òa trong niềm vui sướng tột cùng. Nhịp thơ gấp gáp, háo hức, dồn dập, ta tưởng như không thở được vì hạnh phúc. Đó là cột mốc kết thúc 9 năm chiến đấu bền bỉ kiên cường, 9 năm để dân tộc ta từ một xứ bị chê cười là "An-nam-mít" đã vùng lên đập tan xiềng xích thực dân, đã quét sạch đám thực dân ấy ra khỏi Tổ quốc, 9 năm dân ta đã đồng lòng, đồng dạ mà đứng lên trong giờ phút quyết định cuối cùng. Bởi vậy mà dù thắng lợi đến như một lẽ tất yếu, nó vẫn khiến chúng ta ngỡ ngàng mà xúc động.. Xúc động chứ! Nỗi niềm ấy được nhà thơ biểu đạt thông qua điệp từ "vui" trải dọc theo 4 dòng thơ. Các từ "vui về", "vui từ", "vui lên".. kết hợp với việc liệt kê tên hàng loạt miền quê, tỉnh thành, địa danh ở khắp mọi miền Tổ quốc (Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên, Đồng Tháp, An Khê, Đèo De, núi Hồng) đã biểu đạt rất thành công ý nghĩa của từ "trăm miền" ở câu thơ đầu tiên, niềm vui chiến thắng ấy được lan truyền, lan rộng trong cả cộng đồng, đến từng nông thôn, thành thị, đến cả miền núi xa xôi như đèo De, núi Hồng, mà ở đó Việt Bắc là trung tâm, là nơi tin vui tỏa ra và tụ họp trở lại. Cả thiên nhiên, đất nước và con người đều như đang hòa trong cảm xúc hạnh phúc khi được làm sống tự do trên một đất nước độc lập tự do! Để xây dựng nên bức tranh toàn cảnh về Việt Bắc trong những năm chiến đấu, Tố Hữu đã vận dụng phối hợp rất nhiều biện pháp nghệ thuật như các phép tu từ, âm điệu, nhịp điệu.. Nhà thơ đã sử dụng các biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, phóng đại, liệt kê, ẩn dụ xuyên suốt bài thơ giúp câu thơ không chỉ có sức tả mà còn gợi ra những suy ngẫm trong lòng người đọc. Giọng thơ dồn dập cùng nhịp thơ nhanh mang đến cảm nhận cả đoạn thơ là khúc ca dọc đường hành quân hòa nhịp với nhịp bước chân gấp gáp tiến về chiến trận, khiến người đọc như bị cuốn vào nhịp điệu dồn dấp, gấp rút của kháng chiến khi đến thời khắc quan trọng. Bên cạnh đó, nhà thơ đã khéo léo khắc họa theo trình tự từ khái quát đến cụ thể, chi tiết, cảm nhận không gian bằng nhiều giác quan giúp bức tranh Việt Bắc hiện lên đầy đủ nhưng vẫn rất chắt lọc bởi những hình ảnh tiêu biểu giàu sức gợi tả. Thiên nhiên và con người VB trong chiến đấu hiện lên qua con mắt nghệ thuật ấy trở nên thêm sinh động, chân thực và như còn giữ nguyên hơi thở hùng tráng của trận chiến oai hùng năm xưa. Qua những biện pháp nghệ thuật ấy, ta thấy rõ hơn phong cách mang đậm khuynh hướng sử thi kết hợp với ngòi bút lãng mạn, trữ tình của nhà thơ khiến đoạn thơ để lại ấn tượng sâu sắc, trở thành bông hoa độc nhất trong vườn thơ Cách mạng Việt Nam. Tố Hữu từng tâm sự: "Tôi phải lòng với đất nước và nhân dân mình", bởi vậy mà ngay trong khung cảnh chiến tranh ác liệt đau thương, ta vẫn thấy ở "Việt Bắc" đặc biệt là trong đoạn thơ "Quân đi điệp điệp trùng trùng", những cảnh thiên nhiên thơ mộng trữ tình, những con người với sức mạnh phi thường, tầm vóc lớn lao, tinh thần lạc quan và quyết tâm giành độc lập. Bức tranh ghi lại thời khắc cả một dân tộc ra trận với khí thế hừng hực cùng tinh thần quyết tâm cao độ được gói gọn trong 12 câu thơ, cũng đủ để tác giả giãi bày tình cảm yêu mến, cảm phục, nỗi nhớ năm tháng kề vai chiến đấu cũng như niềm vui vỡ òa trong ngày chiến thắng, tất cả như thấm đượn trong từng con chữ, tứ thơ. Đoạn thơ cũng là minh chứng tiêu biểu cho ngòi bút tài hoa của Tố Hữu khi kết hợp chất sử thi cùng cảm hững lãng mạn để làm nên một vần thơ còn mãi chinh phục mọi thế hệ bạn đọc. Chiêm ngưỡng kiệt tác ấy làm ta như được sống lại những giờ phút hào hùng của một "đất nước đứng lên", một thời hoa lửa với bao mất mát, đau thương, hi sinh để đổi lấy nền độc lập trên từng hòn đất của quê hương xứ sở; tất cả đã đem lại cho ta niềm tin yêu quê hương, tin yêu Cách mạng và Tổ quốc, biết ơn những anh hùng đã nằm xuống, đã "hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên đất nước muôn đời."