Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu - Ngữ văn 12

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi con mèo tháng 11, 19 Tháng năm 2022.

  1. con mèo tháng 11

    Bài viết:
    11
    Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta đồng thời cũng mở ra một giai đoạn mới cho nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Không ai khác Tố Hữu chính là lá cờ đầu, tiên phong cho giai đoạn mới này với nhiều tác phẩm văn học kết hợp hài hòa giữa tinh thần cách mạng và thơ ca. Tháng 10 năm 1954 khi công cuộc kháng Pháp thắng lợi cũng là lúc ông hoàn thành tác phẩm "Việt Bắc" nhân kỷ niệm những người cách mạng về xuôi trung ương Đảng về lại Hà Nội. Ai đã từng đọc qua Việt Bắc chắc hẳn phải ấn tượng đoạn thơ về bức tranh tứ bình thể hiện sự gắn kết giữa thiên nhiên và con người:

    "Ta về mình có nhớ ta

    * * *

    Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung"

    Mở đầu đoạn thơ ta bắt gặp ngay lối đối đáp giao duyên quen thuộc "mình-ta" chỉ vẻn vẹn hai đại từ nhân xưng mà đã tái hiện lên hết tất cả cảm xúc của nổi nhớ.

    "Ta về mình có nhớ ta

    Ta về ta nhớ những hoa cùng người"

    Chỉ với hai câu thơ lục bát nhưng lại hàm chứa nỗi nhớ to lớn của tác giả bao trùm từ cảnh vật đến con người. Ông mượn những hình ảnh cụ thể như hoa và người để gửi gắm nỗi nhớ trong lòng đến với cái chung. Dù trong câu thơ Tố Hữu chỉ nhắc đến hình ảnh "hoa" nhưng sau "những hoa" ấy là nỗi nhớ về cả thiên nhiên bao la bạt ngàn của núi rừng Việt Bắc. Chỉ một từ "người" nhưng ẩn sau đó là hình ảnh của cả anh em đồng bào nơi chiến khu Việt Bắc. Ta về nhưng lòng ta còn lưu luyến, ta về nhưng tâm ta vẫn khắc sâu tình yêu với từng gốc cây ngọn cỏ nới đây.

    Bằng sự tinh tế trong cảm cùng với nỗi nhớ da diết Tố Hữu đã dùng kết cấu đan xen câu lục tả vẻ đẹp của thiên nhiên, câu bát tả vẻ đẹp của con người dựng lên một bức tranh tứ bình vô cùng xinh đẹp nhiều màu sắc.

    Mở đầu bức tranh tứ bình là khung cảnh thiên nhiên mùa đông hiện ra với màu xanh tha thiết, ngút ngàn của núi rừng trùng điệp.

    "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

    Đèo cao nắng ánh dao gày thắt lưng"

    Người đọc chắc hẳn sẽ phải ngẩn ngơ trước vẻ đẹp mùa đông nơi vùng cao này. Tác giả chọn thể hiện khung cảnh mùa đông trước tiên không hẳn là sự yêu thích hay ngẫu nhiên có lẽ bởi vì khi người cách mạng đến đây cũng vào mùa đông của đất nước và cũng chính thời điểm ấy sau mười lăm năm, người cách mạng cũng từ biệt Việt Bắc - cái nôi cách mạng Việt Nam. Khung cảnh thiên nhiên với hai gam màu tương phản như điểm xuyến vẻ đẹp cho nhau. Màu xanh của những cách rừng trải dài bặt ngàn bất tận, màu đỏ tươi rực rỡ của hoa chuối làm cho núi rừng không một chút lạnh lẽo âm u vốn có của mùa đông mà trở nên ấm áp lạ thường. Hoa chuối đỏ tươi như ngọn đuốc bập bùng giữa vùng núi cao đại ngàn góp phần xua tan đi tiết lạnh của giá đông. Từ sắc đỏ của hoa chuối gợi cho ta liên tưởng đến sắc đỏ hoa lựu ấm ám ngày hè trong thơ của Nguyễn Trãi

    "Thạch lựu hiên còn phun sắc đỏ"

    Tuy nhiên hình ảnh hoa chuối lại mang đến sự ấm áp nhẹ nhàng tình cảm chứ không nồng nàng bùng cháy như sắc lựu trong thơ của Nguyễn Trãi. Dù vậy sắc đỏ trên nền xanh thăm của núi rừng ấy cũng tràn đầy không khí ấm áp mùa hạ chứ không cô tịch lạnh lẽo.

    Trên nền thiên nhiên ấy ta bắt gặp hình ảnh con người đi rừng đi rẫy với dao gày thắt lưng dưới nắng đông. "Đèo cao nắng ánh dao gày thắt lưng" chỉ bằng từng ấy con chữ ít ỏi nhưng đã mở ra trước mắt người đọc một khung cảnh tươi sáng đầy vinh quang hình ảnh người lao động xuất hiện vô cùng đẹp đẽ trong tâm thế làm chủ đất nước. Con người được đặt giữa "đèo cao, nắng ánh", ở vị trí trung tâm giữa núi rừng Tây Bắc, vượt lên cả không gian với hình ảnh lớn lao, làm chủ thiên nhiên, làm chủ đất nước với hình ảnh kỳ vĩ, lớn lao.

    Kết thúc mùa đông, mùa xuân hiện lên một cách tự nhiên êm dịu đẹp như tiên cảnh với sắc trắng của hoa mơ

    "Ngày xuân mơ nở trắng rừng

    Nhớ người đan nón chuốt từng sợ giang"

    Nhắc đến mùa xuân người ta liên tưởng ngay đến khung cảnh náo nhiệt tràn ngập tiếng pháo, sắc vàng hoa mai, màu hồng hoa đào. Trái ngược hoàn toàn, mùa xuân Việt Bắc mang một nét thanh nhã riêng biệt. Từng đóa mơ nở rộ tạo thành một biển hoa trắng tinh tươm mỗi độ xuân về. Hoa mơ không chỉ là hình ảnh đại diện cho mùa xuân Việt Bắc mà ẩn sâu trong đó là sự tinh tế của Tố Hữu. Không ngẫu nhiên mà ông chọn hoa mơ để gửi gắm nổi nhớ mình, vì hoa mơ là hình ảnh đặc trưng quen thuộc nhất chỉ cần thấy hoa mơ là thấy mùa xuân về.

    Giữa cái nền trắng của hoa mơ ấy, nổi bật lên hình ảnh con người lao động cần mẫn, dịu dàng: "Chuốt từng sợi giang". Con người đẹp một cách tự nhiên trong công việc hàng ngày. Động từ "chuốt" kết hợp với trợ từ "từng" đã thể hiện bàn tay khéo léo, tỉ mĩ, và tài hoa của người lao động. Đó cũng chính là những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Bắc hào hùng nhưng cũng rất hào hoa.

    Sắc vàng của rừng phách hòa cùng tiếng nghe ngân vang như đánh thức cả núi rừng báo hiệu mùa hè đã sang.

    "Ve kêu rừng phách đổ vàng

    Nhớ cô em gái hái măng một mình.

    Tiếng ve vang vọng trong không gian rực sắc vàng của rừng phách đã phá tan sự tĩnh lặng của núi rừng. Chỉ với một câu thơ mà gợi lên cả sự vận động của thời gian, của cuộc sống. Và trên cái nền vàng của rừng phách ấy, hiện lên hình ảnh thật đáng yêu làm cho bức tranh thêm nên thơ, trữ tình. Thấp thoáng như ẩn như hện trong bức tranh là hình ảnh cô gái hái măng giữa tiếng nhạc rừng. Hái măng một mình nhưng không mang dáng vẻ cô tịch mà toát lên vẻ đẹp của người lao động làm chủ công việc của mình.

    Kết thúc một mùa hè tràn ngập màu sắc mùa thu dần hiện ra đẹp đến mê người dưới ngòi bút tài tình của tác giả.

    " Rừng thu trăng rọi hòa bình

    Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung "

    Khung cảnh thiên nhiên với trăng vàng mát dịu soi sáng khắp không gian nhịp thơ cũng trở nên nhẹ nhàng sâu lắng hơn. Đây là mùa thu những năm đầu Miền Bắc được giải phóng. Cũng vầng trăng trên bầu trời ấy nhưng dường như sáng hơn, đẹp hơn, và tròn hơn. TRong mỗi bức tránh ta đêu bắt gặp hình ảnh con người và bức tranh cuối cùng này cũng không ngoại lệ. Hình ảnh con người xuất hiện một cách tự nhiên nhẹ nhàng mà tình cảm. Tiếng hát" ân tình"khép lại bức tranh tứ bình về thiên nhiên và con người, gợi cho người đi, kẻ ở và cả những độc giả hiện tại có những rung động sâu xa về tình yêu Tổ quốc. Tiếng hát đó như nhắc nhở người về xuôi phải giữ lòng thủy chung son sắc dù đã rời xa chiến khu Việt Bắc.

    Để thành công vẽ lên bức tranh tứ bình ấy, Tố Hữu đã rất khéo léo trong việc sử dụng thể thơ lục bát dân tộc kết hợp cùng sự quan sát tinh tế của mình để làm bật lên nổi nhớ da diết trong lòng. Bên cạnh đó kết cấu đan xen được ông vận dụng triệt để làm nổi bật sự hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên và vẻ đẹp con người. Việc sử dụng điệp từ nhớ đã triệt để bộc lộ tất cả tâm tư nổi nhớ của Tố Hữu chất chứa lòng một cách chân thật nhất.

    Đoạn thơ đã tái hiện thành công vẻ đẹp cảnh vật và con người Việt Bắc qua bức tranh tứ bình chỉ qua những nét phác họa vô cùng đơn sơ và bình dị. Sự kết hợp khéo léo các biện pháp nghệ thuật đã làm bật lên vẻ đẹp núi rừng tây bắc cùng với nhịp sống của con người nơi đây.

    Tóm lại, Đoạn thơ đã thể hiện thành công vẻ đẹp của bức tranh tứ bình về sự gắn kết giữa thiên nhiên và con người. Qua đó gợi nhớ sự thủy chung của người cách mạng đối với Việt Bắc. Ẩn sâu trong đó còn là sự khẳng định tự do dân tộc tuyên bố thoát ly Pháp sống và lao động với tâm thế làm chủ đất nước. Đây còn có thể xem là một án văn chính luận mẫu mực không hề khô khang mà đậm chất trữ tình, đầy tinh tế.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...