Phân tích bốn khổ đầu bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 15 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Phân tích bốn khổ đầu bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh,

    từ đó, anh/chị hãy nhận xét về nét độc đáo của hình tượng sóng trong thơ Xuân Quỳnh

    [​IMG]
    Tình yêu có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng và kì diệu nhất của con người. Tình yêu cũng trở thành mạch nguồn cảm xúc dạt dào vô tận của sáng tác thi ca. Có biết bao nhiêu bài thơ tình nổi tiếng gắn với những tên tuổi lừng danh: Tagor, Puskin.. Những vần thơ viết về tình yêu luôn là những lời lẽ lay động tâm hồn con người, đặc biệt là giới trẻ nhiều nhất. Văn học Việt Nam thời chống Mĩ cũng ghi dấu ấn không ít những nhà thơ nổi tiếng viết về đề tài này. Trong đó, phải kể đến nữ sĩ Xuân Quỳnh với bài thơ Sóng. "Sóng" là một bài thơ tình rất đẹp. Bởi sóng không chỉ là sóng biển, sóng còn là sóng lòng - là tâm tình của người con gái trong tình yêu. Bốn khổ thơ đầu, nhân vật trữ tình ẩn mình vào sóng để tự nhận thức những đặc tính, những trạng thái tâm lý bí ẩn, riêng tư đầy nữ tính của một trái tim đang đắm say trong tình yêu:

    "Dữ dội và dịu êm
    [...]
    Khi nào ta yêu nhau"

    Xuân Quỳnh là nhà thơ của tình yêu và hạnh phúc đời thường. Thơ tình của Xuân Quỳnh luôn cuốn độc giả bởi những cảm xúc mãnh liệt cháy bỏng nhưng cũng rất đỗi đôn hậu, trong sáng, thủy chung. Trong chùm thơ tình yêu của nữ thi sĩ, có một loạt bài thơ mà cảm hứng sáng tạo được khơi nguồn từ biển: "Thuyền và biển", "Chỉ có sóng và em", "Biển", "Trước biển"...

    "Sóng" nằm trong mạch cảm hứng đó. Bài thơ sáng tác trong chuyến đi thực tế vùng biển Diêm Điền - Thái Bình cuối năm 1967. Sức hấp dẫn của bài thơ "Sóng" chính là ở sự trẻ trung, dịu dàng đầy nữ tính, vừa sôi nổi hồn nhiên, vừa đắm thắm nhân hậu thủy chung. Có thể xem bài thơ là lời tự bạch, tự hát của trái tim phụ nữ khao khát tình yêu. Khát vọng tình yêu chân thành, hồn nhiên đã được nữ thi sĩ thể hiện một cách đầy ám ảnh qua hình tượng "Sóng".

    Sóng là hình tượng xuyên suốt tác phẩm. Nhưng sóng không đơn thuần chỉ là sóng biển. Sóng còn là những con sóng tâm tình của người phụ nữ trong tình yêu. Sóng vừa là hình ảnh tự nhiên, vừa là sự hóa thân của cái tôi trữ tình Xuân Quỳnh. Có lúc sóng hòa nhập với nhân vật trữ tình, có lúc lại phân biệt, riêng rẽ để người phụ nữ soi mình vào sóng và nhận thức những cung bậc tình cảm sâu sắc, mãnh liệt của mình trong lĩnh vực tình yêu.

    Từ âm hưởng, nhịp điệu của bài thơ, độc giả đã thấy nhấp nhô những con sóng biển khơi. Nhịp thơ 2/3, 3/2 cùng những cặp từ đối sánh liên tiếp "dữ dội" - "dịu êm", "ồn ào" - "lặng lẽ", "sông" - "bể", "ngày xưa" - "ngày sau"... đã gợi lên một cách đầy ấn tượng nhịp sóng biển, sóng lòng. Có cảm giác mỗi câu thơ là một làn sóng, mỗi khổ thơ là những đợt sóng gối lên nhau, khi dâng khi hạ, khi thăng khi giáng vô hồi, vô hạn, trùng điệp, miên man...

    Trong khổ thơ mở đầu, ta bắt gặp con sóng đầy nữ tính:

    " Dữ dội và dịu êm
    Ồn ào và lặng lẽ "


    Xuân Quỳnh nhận thấy con sóng của đại dương mang trong nó những cung bậc cảm xúc đối nghịch, những thay đổi bất ngờ, đột ngột: khi "dữ dội", "ồn ào" những ngày biển nổi phong ba bão táp, khi lại "dịu êm", "lặng lẽ" những buổi biển lặng, trời trong . Bản tính của sóng thật thất thường. Chẳng phải sự vật vẫn luôn tồn tại trong nó những phạm trù đối lập đó sao?

    Nhưng câu thơ có đơn thuần chỉ miêu tả những trạng thái đối lập của sóng? Không, nghệ thuật chân chính vốn không chấp nhận những gì dễ dãi, đơn điệu như thế. Nên ta nhận ra trong từng sắc diện của sóng là những tâm tình của người con gái trong tình yêu. Tình yêu là cảm xúc tác động mạnh mẽ đến tâm hồn con người, và nhiều khi tình yêu làm cho tâm hồn ta mang những trạng thái đối nghịch chính ta cũng khó nhận ra thậm chí người khác cũng thấy khó hiểu. Chẳng phải khi yêu, con người vẫn hay "nóng", "lạnh" bất thường, yêu đấy mà cũng có lúc giận hờn đấy, đắm say đấy mà cũng ghen tuông vô cớ đấy thôi! Người con gái trong bài thơ này có lẽ cũng vậy, thoắt buồn, thoắt vui, thoắt yêu thương, hờn dỗi. Cũng có khi vẻ ngoài bình lặng chứa đựng bên trong những sức mạnh ẩn tàng, những khát khao mãnh liệt, vẻ ngoài sục sôi, dữ dội che phủ bên trong một trái tim nhân hậu, đằm thắm, yêu mến và chở che.

    Xét cho cùng, tình yêu chính là sự dung hòa của những sắc thái tình cảm tưởng chừng đối lập. Những tâm tình của người con gái trong tình yêu không thể dùng lí trí mà can thiệp hay cắt nghĩa. Điều quan trọng hơn cả là sau những dữ dội, ồn ào, tình yêu vẫn lắng vào cái dịu êm và lặng lẽ. Phải chăng, đó chính là tố chất làm nên nét dịu dàng, duyên dáng của hình tượng sóng và hình tượng người thiếu nữ?

    Chính cái bí ẩn, kì lạ ấy đã khơi dậy những khát vọng lớn lao:

    "Sông không hiểu nổi mình
    Sóng tìm ra tận bể"

    Nói đến sông là nói đến sự nhỏ hẹp, bình thường. Còn bể gợi ra cái mênh mông không giới hạn. Bể đồng nghĩa với sự vĩ đại, khoáng đạt, bao dung, không chấp nhận những giới hạn chật chội, tầm thường. Con sóng dứt khoát tìm đến những bến bờ mênh mông, vô tận, tìm đến không gian lớn lao, khoáng đạt, bao dung. Trong bài thơ "Biển", Xuân Quỳnh cũng từng thể hiện nhận thức ấy:

    "Suốt cuộc đời biển gọi những ước mơ
    Nỗi khát vọng những chân trời chưa đến"

    Bản chất của sóng đồng nghĩa với bản chất của tình yêu đích thực, đó là tình yêu không chấp nhận sự bằng phẳng, nhạt nhẽo, tầm thường, nhỏ hẹp. Tình yêu đồng nghĩa với khát khao vươn đến những chân trời cao rộng, lãng mạn, vươn đến cái chân - thiện - mĩ. Chính vì vậy mà "sông không hiểu nổi mình" thì "sóng tìm ra tận bể". Người con gái mang khát vọng tình yêu mãnh liệt cũng dứt khoát tìm đến một tình yêu vĩ đại, bao dung. Trong
    "Thuyền và biển", nữ sĩ cũng đã khẳng định quy luật muôn thuở của tình yêu là sự vận động không ngừng:

    "Bởi tình yêu muôn thuở
    Có bao giờ đứng yên"

    Khổ thơ thứ hai tiếp tục là những cảm nhận độc đáo của Xuân Quỳnh về sóng, biển và tình yêu trong sự tương đồng:

    "Ôi con sóng ngày xưa
    Và ngày sau vẫn thế"

    Trong cảm xúc thẩm mĩ của nhân loại, biển là hình ảnh của sự bất diệt. Biển có từ thuở khai thiên lập địa và sẽ tồn tại bất tận ngàn vạn năm sau. Cùng với sự bất diệt của biển là sự vĩnh hằng của sóng, sóng "ngày xưa", "ngày sau" không có gì thay đổi: "vẫn thế". Sóng trường tồn với thời gian, mãi mãi tồn tại trong lồng ngực biển. Sóng là sự sống, sự vận động không ngừng nghỉ, không mệt mỏi. Sóng muôn đời vẫn đối lập, thất thường: dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ... Sóng từ ngày xưa vốn vậy, ngày nay vẫn thế và ngày sau đâu có thay đổi gì. Hai câu thơ của Xuân Quỳnh diễn đạt sự nhận thức đó. Để làm gì? Biểu đạt một thông tin? Không, Xuân Quỳnh muốn nói với ta điều sâu xa hơn thế.

    Sự vĩnh hằng của sóng khiến Xuân Quỳnh liên tưởng đến sự vĩnh hằng của khát vọng tình yêu. Chừng nào biển còn tồn tại, chừng đó sóng còn khao khát tìm về, chừng nào tuổi trẻ còn tồn tại, thì chừng đó khát vọng tình yêu còn bồi hồi vỗ sóng trong trái tim thanh xuân của con người. Không phải chỉ tuổi trẻ mới có khát vọng tình yêu. Nhưng không thể phủ nhận rằng, khát vọng tình yêu trong trái tim tuổi trẻ cháy bỏng, cuộn cào, mãnh liệt hơn bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Ai chưa yêu thì khao khát tình yêu. Ai đang yêu thì khát khao sự đồng cảm, đồng điệu trong tâm hồn... Tình yêu luôn khiến trái tim thanh xuân rung lên những nhịp đập thổn thức, "bồi hồi" - xúc cảm rất bình thường và cũng rất kì diệu của tình yêu.

    Trước không gian biển mênh mông rộng lớn, mỗi con người, mỗi lứa tuổi lại có một cảm nhận riêng. Người già có lẽ sẽ nghĩ về sự nhỏ bé, hư vô, nghĩ về quá khứ. Kẻ tráng chí hùng tâm thì "Muốn vượt bể đông theo cánh gió". Người đa cảm lại thấy "Vắng cánh buồm một chút cũng cô đơn". Còn Xuân Quỳnh, đối diện với những con sóng biển khơi tới tấp vỗ bờ, nữ sĩ đã hướng những điều suy ngẫm của mình đến sóng biển và tình yêu:

    "Trước muôn trùng sóng biển
    Em nghĩ về anh, em
    Em nghĩ về biển lớn
    Từ nơi nào sóng lên?

    Sóng bắt đầu từ gió
    Gió bắt đầu từ đâu
    Em cũng không biết nữa
    Khi nào ta yêu nhau"

    Khi tình yêu đến, con người luôn luôn có khát vọng mãnh liệt là khám phá, lí giải tình yêu. Bao nhiêu đôi lứa, bao thế hệ yêu nhau đã tự tìm hiểu, cắt nghĩa về tình yêu: Tình yêu là gì? Tình yêu bắt đầu từ đâu? Vì sao người ta yêu nhau?. Cái điều mà thi sĩ Xuân Diệu từng băn khoăn đi tìm câu trả lời: "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?", thì nay đến lượt thế hệ thi sĩ như Xuân Quỳnh lại day dứt và cố gắng đi tìm lời giải đáp:

    "Khi nào ta yêu nhau"

    Với nhận thức đầy nữ tính, khi cắt nghĩa cội nguồn của tình yêu, nhà thơ liên hệ đến cội nguồn của sóng. Người con gái tự đặt ra câu hỏi: "Từ nơi nào sóng lên?", rồi tự nhận thức "Sóng bắt đầu từ gió" - nhận thức có lẽ là ai cũng biết, cũng hiểu. Nhưng rồi "Gió bắt đầu từ đâu?" thì nữ sĩ đành lắc đầu khe khẽ: "Em cũng không biết nữa". Nhận thức của con người có giới hạn, còn tri thức nhân loại thì vô biên, nên không phải ai cũng lí giải cặn kẽ cội nguồn của sóng, biển, gió trời...

    Điều thú vị ở đây là nữ sĩ mượn sự "bất lực" trong nhận thức hiện tượng tự nhiên để nói về những bí ẩn của cội nguồn tình yêu. Nếu như sóng biển, gió trời - những gì tuân theo quy luật tự nhiên là vô cùng, vô tận, khó có thể hiểu hết được, thì tình yêu của con người cũng đầy bí ẩn như vậy. Tình yêu có thể có nguyên cớ trực tiếp để bắt đầu nhưng không phải lúc nào người ta cũng có thể cắt nghĩa một cách thật chính xác nguồn gốc của tình yêu. Tình yêu có thể bắt nguồn từ những thứ tưởng như không có gì đặc biệt, hệt như trập trùng sóng biển dậy lên từ những cơn gió vô hình. Thiên nhiên bí ẩn khó cắt nghĩa, nhận thức đầy đủ, tình yêu cũng vậy: "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?".


    Đây là cách cắt nghĩa về tình yêu rất nữ tính, rất "Xuân Quỳnh". Thì ra, dù tò mò, nhưng người phụ nữ ít khi triết lí trong tình yêu. Họ cứ yêu, và yêu bằng cả trái tim nhân hậu với nhịp đập hồn nhiên muôn thuở. Họ sẵn sàng đầu hàng những nhận thức lí trí khô khan để đổi lấy bao nhiêu thắm thiết, ân tình. Nếu Xuân Diệu, khi cắt nghĩa cội nguồn của tình yêu có lí giải:

    "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
    Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
    Gặp người con gái thân thương ấy
    Rồi thương, rồi nhớ thế là yêu"

    đã cố dùng lí trí để cắt nghĩa từ hiện tượng bên ngoài, thì Xuân Quỳnh lại nhìn thẳng vào lòng mình và thú nhận sự đầu hàng của trí tuệ, chỉ nhận thức bằng tình cảm, trái tim. Nhận thức mới nữ tính, đáng yêu làm sao!

    Cảm xúc thơ trong bốn khổ đầu đã làm xuất hiện quan hệ tương chiếu giữa "sóng" và "em". Bản tính của sóng cũng là tâm tính của người con gái, hành trình sóng ra bể rộng cũng là khát vọng của người con gái tìm đến chân trời rộng lớn trong tình yêu, sự bất diệt của sóng là sự vĩnh hằng của khát vọng tình yêu tuổi trẻ, cũng như sự bí ẩn của sóng tương đồng với sự bí ẩn của tình yêu... Như vậy, sóng là đối tượng để cảm nhận, để giãi bày và suy tư, thể hiện nỗi băn khoăn, trăn trở, khát khao khám phá tình yêu của người con gái. Sóng cũng không phải chỉ là sóng biển, mà còn là sóng lòng đang dâng lên những cảm xúc yêu đương say đắm, nồng nàn. Sóng không vô tri vô giác mà mang trong nó trạng thái như con người, mang khát khao kiếm tìm giá trị lớn lao như con người... Những con sóng dịu dàng, nữ tính nhưng cũng rất mãnh liệt, cuộn cào. Đó chính là nét độc đáo của hình tượng sóng trong bài thơ, đoạn thơ.

    Không chỉ gây ấn tượng ở việc sáng tạo hình tượng sóng đa nghĩa, bốn khổ thơ đầu còn thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh trên các phương diện: sử dụng thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt, ngôn ngữ giản dị, trong sáng, giàu tính nhạc, âm hưởng du dương nhẹ nhàng như những con sóng biển khơi... Những nét đặc sắc nghệ thuật ấy đã thể hiện chân thực từng sắc thái phong phú, phức tạp và đầy quyến rũ của tình yêu, diễn tả sâu sắc trái tim bồi hồi, rạo rực và trăn trở, những trạng thái tâm lý với những nét riêng đầy nữ tính của Xuân Quỳnh.

    Nữ sĩ đã đi xa, để lại bao tiếc nuối ngẩn ngơ trong lòng những bạn đọc yêu tiếng thơ Xuân Quỳnh, nhưng ấn tượng về một hồn thơ nhẹ nhàng, nữ tính cất lên từ tiếng lòng người phụ nữ nhiều trắc ẩn, luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường thì vẫn còn mãi mãi:

    "Những năm đáng sống nhất
    Chị đã trải qua rồi
    Sống hết mình để sống
    Yêu hết mình để yêu..."
    (Hà Phương)

    Xem thêm:

    Phân tích năm khổ thơ cuối Sóng - Xuân Quỳnh

    Mở rộng: Bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh và những câu thơ dùng để liên hệ, so sánh
     
    Dana Lê, Admin, LieuDuong20 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 30 Tháng mười một 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...