Phân tích bài thơ Thuyền và biển - Xuân Quỳnh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Alinguyen, 9 Tháng mười một 2023.

  1. Alinguyen

    Bài viết:
    9
    Phân tích bài thơ "Thuyền và biển" - Xuân Quỳnh

    [​IMG]

    Nổi tiếng là nữ sĩ hay viết thơ tình về những cảm xúc giản đơn của con người khi yêu, Xuân Quỳnh ở tuổi đôi mươi đã cho ra đời tác phẩm "Thuyền và biển" - một trong những bài thơ hay, phổ biến nói về cung bậc tình cảm trong tình yêu và tấm lòng của đôi lứa dành tặng cho nhau. Bài thơ được sáng tác vào tháng tư năm 1963 và in trong tập "Chồi biếc". Đây là kết quả của chuyến đi thực tế đến vùng biển Diêm Điền của tác giả và lúc này bà vừa trải qua đổ vỡ trong hạnh phúc cá nhân.​

    Mở đầu văn bản là lời kể lại về một mối tình mới chớm nở:

    Em sẽ kể anh nghe

    Chuyện con thuyền và biển:

    "Từ ngày nào chẳng biết

    Thuyền nghe lời biển khơi

    Cánh hải âu, sóng biếc

    Đưa thuyền đi muôn nơi

    Lòng thuyền nh khát vọng

    Và tình biển bao la

    Thuyền đi hoài không mỏi

    Biển vẫn xa.. còn xa"

    Những vần thơ đầu thật đơn giản, không hoa mĩ nhưng bên trong lại chất chứa bao nỗi nhớ của nhà thơ. Nó tựa như những lời thủ thỉ ngọt ngào của người con gái đang sẻ chia, tâm sự với người yêu, từ đó gợi lên câu chuyện lãng mạn với hai nhân vật: Thuyền và biển. Đây không chỉ là hai đối tượng chủ thể trữ tình trong câu chuyện mà còn là hai hình ảnh ẩn dụ xuyên suốt bài thơ biểu tượng cho đôi lứa yêu nhau với thuyền là "anh" - người con trai, còn biển là "em" - người con gái. Nội dung chuyện là không biết tự bao giờ, chiếc thuyền đã giương buồm đón gió ra khơi theo lời vẫy gọi của bể tình mênh mông. Biển thì vỗ những ngọn sóng tình dập dìu để thuyền "đi muôn nơi", băng qua đại dương muôn trùng một cách nhẹ nhàng, bay bổng và thuyền còn có cánh chim hải âu đồng hành cùng trên bầu trời xanh khoáng đạt để tìm ra những miền đất mới, những bí mật được cất giấu dưới lòng biển sâu thẳm. Hơn nữa, hành trình của thuyền và biển cũng giống như chuyện tình anh và em. Thuyền không chịu ép mình vào dòng chảy nhỏ bé của sông hồ nên đã chọn ra bể lớn. Ở khổ ba, nữ sĩ dùng liên tiếp biện pháp nhân hóa "lòng thuyền nhiều khát vọng", "tình biển bao la", "thuyền đi hoài không mỏi" kết hợp điệp từ "xa", dấu ba chấm cùng từ "vẫn", "còn" để diễn tả biển xa xôi như ở cuối chân trời vô tận, như chẳng biết nơi đâu là bờ nhưng thuyền vẫn mặc kệ mà không ngừng đi mãi. Điều này cho thấy ước mong của con thuyền muốn khám phá và chứng kiến sự bao la, rộng lớn của biển hay đây cũng chính là khát khao của chàng trai muốn chinh phục trái tim và tình yêu dạt dào của người mình yêu, từ đó thể hiện khát vọng được yêu và hạnh phúc ở "em" cũng như là ở trong tâm hồn tác giả. Không khó để thấy rằng cứ một lời thơ nói về biển thì sẽ ứng với một lời thơ viết về thuyền. Sự sóng đôi này thể hiện cả hai có một sự gắn bó mật thiết không thể tách rời, chỉ thuyền mới khơi được sóng dậy và chỉ sóng mới đưa thuyền tới những "khát vọng" khôn cùng kia. Cứ thế, cả hai đã phải lòng nhau nhưng dường như vẫn còn ngại thùng, e thẹn. Đứng trước biển, Xuân Quỳnh như hòa mình vào để có thể thấu hiểu tâm tư của biển:

    "Những đêm trăng hiền từ

    Biển như cô gái nhỏ

    Thầm thì gửi tâm tư

    Quanh mạn thuyền sóng vỗ

    Cũng có khi vô cớ

    Biển ào ạt xô thuyền

    (Vì tình yêu muôn thuở

    Có bao giờ đứng yên)"

    Trong khổ bốn, bà đã dùng phép so sánh "biển như cô gái nhỏ" một cách đầy tinh tế. Vì có cả những con sóng nổi lẫn con sóng chìm ở trong lòng nên biển không bao giờ nguôi yên và không thể đoán định được, cũng như người đang yêu khó mà điều khiển bản thân. Có những ngày yên bình, biển "ôm thuyền mơn trớn ngất ngây" ( "Tình Thuyền và Biển" - Hoàng Minh Tuấn) và êm đềm vỗ về mạn thuyền như cô gái hiền dịu, nhẹ nhàng ấp ôm, thỏ thẻ tâm tình với người yêu. Nhưng đôi lúc biển lại cuộn trào dâng lên mãnh liệt, ào ạt xô thuyền vô cớ, thậm chí có khi còn nhấn chìm thuyền vào trong lòng biển và sự "vô cớ" ấy chính là sự giận hờn, lo âu, sự táo bạo, quyết liệt trong tâm hồn cô và sự mâu thuẫn này gợi nhớ tới một khổ thơ có hình ảnh tương đồng trong tác phẩm "Sóng" :

    "Dữ dội và dịu êm

    Ồn ào và lặng lẽ

    Sông không hiểu nổi mình

    Sóng tìm ra tận bể"

    Kết thúc khổ năm là câu hỏi tu từ "Vì tình yêu muôn thuở/Có bao giờ đứng yên?" Dùng để khẳng định tình yêu không bao giờ "đứng yên" mà nó sẽ luôn tự tìm đến lòng người và con người cũng vậy, chẳng chịu ngồi yên chờ tình yêu tới mà sẽ chủ động tìm nó cho riêng mình. Tới khổ tiếp theo, Xuân Quỳnh khéo léo tách từ "hiểu biết", để rồi hạnh phúc nào hơn khi mà:

    "Chỉ có thuyền mới hiểu

    Biển mênh mông nhường nào

    Chỉ có biển mới biết

    Thuyền đi đâu, về đâu"

    Biển lúc nào cũng hiểu, cũng biết về việc thuyền sẽ đi đâu về đâu và ngược lại, thuyền luôn hiểu rõ biển vì thuyền chính là nơi biển trút hết tâm tư, tình cảm, nỗi niềm. Dù không nắm bắt được bản thân nhưng biển sẵn sàng dùng sự rộng lớn của mình để bao bọc, chở che cho thuyền. Con người khi yêu cũng vậy, sẽ luôn tồn tại một sợi dây vô hình kì diệu kết nối hai người lại với nhau, có thể không hiểu được mình nhưng ta luôn chờ đợi được thấu cảm từ đối phương và ngược lại. Nghệ thuật điệp cấu trúc "chỉ có.. mới" cùng việc tách từ một cách thông minh của nhà thơ đã khẳng định, nhấn mạnh rằng chỉ có riêng "thuyền và biển" cũng như riêng "anh với em" mới có thể thấu hiểu lẫn nhau chứ không có thêm một người nào khác, từ đó cho thấy sự hãnh diện, tự hào, đồng cảm và tin tưởng giữa hai người. Khổ thơ trên là lúc tình yêu mặn nồng nhất, nhưng bằng trái tim nhạy cảm thì người phụ nữ bao giờ cũng dự cảm được sự chia ly:

    "Những ngày không gặp nhau

    Biển bạc đầu thương nhớ

    Những ngày không gặp nhau

    Lòng thuyền đau–rạn vỡ

    Nếu từ giã thuyền rồi

    Biển chỉ còn sóng gió

    Nếu phải cách xa anh

    Em chỉ còn bão tố"

    Xuân Diệu từng cho rằng: "Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ, không thương một kẻ nào?" (Bài thơ tuổi nhỏ). Thật vậy, "biển và thuyền" cũng như "em và anh" khi không được bên nhau thì lòng sẽ nhung nhớ, mỏi mòn trông ngóng đến bạc trắng cả mái đầu, tâm can sẽ đau đớn, xót xa như đứt từng khúc ruột. Câu thơ "Những ngày không gặp nhau" được điệp lại hai lần với giai điệu trầm buồn như thách thức sự chờ đợi, thủy chung của cả hai. Khổ thứ tám cho thấy một hình ảnh vừa gợi hình gợi cảm, lại dễ tưởng tượng theo nhiều hướng. Đó là thuyền thường chỉ ra khơi khi "trời yên bể lặng" nhưng ở đây lại được miêu tả ngược lại để thể hiện rằng khi không có thuyền, biển sẽ chẳng bình yên mà chỉ còn sóng gió và hư vô, biển hiền hòa là nhờ có tình yêu của thuyền. Nhưng việc mượn chuyện "thuyền và biển" dường như là vẫn chưa đủ để có thể nói lên hết tình cảm của người con gái nên khép lại bài thơ, tác giả để cô tự bộc bạch nỗi lòng mình: "Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố". Phép điệp ngữ "nếu", "chỉ còn" đã khẳng định nếu phải rời xa anh, những cơn bão táp, giông tố sẽ cuồn cuộn nổi lên trong lòng em, em sẽ trở nên cô quạnh lẻ loi, bất an và đau khổ đến tột cùng. Đây là lời tuyên bố mạnh mẽ về tình cảm sâu nặng và sự phụ thuộc của "em" đối với "anh", từ đó gợi liên tưởng tới hai câu thơ trong "Thơ viết ở biển" của Hữu Thỉnh:

    "Biển vẫn cậy mình dài rộng thế

    Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn"​

    Bằng việc vận dụng tài tình thể thơ năm chữ, ngôn từ giản dị, nghệ thuật điệp, ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, câu hỏi tu từ cùng giọng điệu trữ tình da diết, sâu sắc, âm hưởng khi trầm lắng, khi dạt dào như sức sống biển khơi, Xuân Quỳnh đã khắc họa thành công khát khao hạnh phúc, yêu và được yêu của con người, những tâm tư, âu lo, băn khoăn trăn trở.. trong tình yêu. Bài thơ cho thấy khát vọng muốn sống một lần trọn vẹn với tình yêu của tác giả và ước mong vĩnh viễn bên nhau chính lời tâm sự từ sâu thẳm trái tim bà về chuyện tình mình. Quả không sai khi nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ đã nhận xét:" "Sóng" và "Thuyền và Biển" là hai bài thơ tình vào loại hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và của thơ hiện đại Việt Nam nói chung. Nó có mặt trong hầu hết gia tài của những đôi lứa yêu nhau".
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...