Phân tích bài thơ Thuật hứng 24 - Nguyễn Trãi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Alinguyen, 5 Tháng năm 2023.

  1. Alinguyen

    Bài viết:
    9
    Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật bài thơ Thuật hứng 24 - Nguyễn Trãi

    Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất và cũng là nhà văn, nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam. Ông đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp văn chương hết sức đồ sộ, trong đó có: "Đại cáo bình Ngô", "Ức Trai thi tập", "Quốc Âm thi tập", "Quân trung từ mệnh tập".. và một trong những tác phẩm đặc sắc của thi sĩ phải kể đến "Thuật hứng 24" thuộc chùm thơ "Thuật hứng" gồm hai mươi lăm bài trong "Quốc âm thi tập". Bài thơ được sáng tác trong thời kì tác giả cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn và nó đã thể hiện một cách sâu sắc cuộc đời thanh cao, tấm lòng trung hiếu của "Người anh hùng dân tộc".

    Mở đầu văn bản, thi nhân đã nói lên suy nghĩ của mình về cái lợi công danh:

    "Công danh đã được hợp về nhàn

    Lành dữ âu chi thế nghị khen"

    [​IMG]

    Công danh chính là niềm mơ ước mà bao nhiêu nam nhân trong thiên hạ luôn muốn đạt được, thậm chí nhà thơ Nguyễn Công Trứ cũng đã từng khẳng định: "Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông". Thế nhưng, Nguyễn Trãi lại thể hiện sự nhẹ nhõm khi rũ bỏ đi gánh nặng công danh và tự dặn lòng mình là đáng, là nên thoái quan trở về quê nhà để được sống an nhàn, xa lánh con đường danh lợi "hợp về nhàn". Phải chăng ông quá chán ngán sự ồn ào ở chốn quan trường, những ganh ghét hãm hại của bọn gian thần, để rồi từ bỏ tất cả để tìm về một cuộc sống thanh bình từ trong chính tâm hồn, không để tâm "âu chi" đến chuyện "lành dữ" đầy thị phi và rút khỏi những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực, vinh hoa bằng những thủ đoạn hèn hạ đáng khinh của lũ tiểu nhân "thế nghi khen". Hai câu thực đã nói lên đời sống của Ức Trai với đầy thú vui khi đã "về nhàn" :

    "Ao cạn vớt bèo cấy muống

    Đìa thanh phát cỏ ương sen"

    Mỗi câu thơ chỉ có sáu từ (lục ngôn) và biện pháp tu từ đối chỉnh được vận dụng rất tài tình. "Ao cạn" với "đìa thanh", "vớt bèo cấy muống" với "phát cỏ ương sen" đối nhau rất chặt chẽ làm hiện lên một cuộc đời lao động cần mẫn, thanh bạch đáng tự hào. Cuộc sống nơi hoang dã chẳng hề có sơn hào hải vị, chỉ có "muống", có "sen" rất giản đơn nhưng đây là hai thứ hoa cỏ, rau trái đặc trưng của quê hương Việt Nam mang tính ước lệ cho cuộc sống trong sạch, bình dị của thi nhân, từ đó khiến ta liên tưởng đến hai câu thơ trong bài "Cảnh nhàn" : "Thu ăn măng trúc đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao". Nhưng Nguyễn Trãi trở về quê trồng rau muống, ươm sen giống như một lão nông liệu có đúng với tinh thần bài thơ? Chúng ta phải đặt hai câu này vào hoàn cảnh của toàn bài. Vì đã "công thành danh toại" nên nhà thơ thấy bản thân "hợp về nhàn", mà "nhàn" ở đây là cái nhàn tư tưởng, cái nhàn đầu óc. Hai câu thơ trên như là lời tuyên bố về phương châm ứng xử của ông, đó là trong mọi tình huống đều phải mềm dẻo, linh hoạt (có nghĩa là ao cạn thì vẫn có thể thành ruộng trồng rau muống, đầm trong, không còn nuôi tôm cá được nữa thì trồng sen) để giữ cái căn cốt (cái căn cốt ở đây là lòng trung hiếu). Tiếp đến hai câu luận, vẻ đẹp tâm hồn của thi sĩ càng được khắc họa rõ nét, mang đậm màu sắc ước lệ tượng trưng cổ điển đầy thi vị:

    "Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc

    Thuyền chở yên hà nặng vạy then"

    Lấy "phong nguyệt" làm tri âm tri kỉ thì có mấy ai trong thiên hạ có đời sống tinh thần phong phú như Ức Trai? Nghệ thuật đối và phóng đại diễn tả chiều sâu của cái hồn, cái cao sang của một lối sống đẹp. Hình ảnh ở đây rất kì diệu, "kho" và "thuyền" là hữu hạn, "phong nguyệt" (gió trăng) và "yên hà" (khói sông) là vô hạn, kho chứa nhiều gió trăng đến nỗi đầy vượt qua nóc, còn khói sông tưởng nhẹ mà nặng đến mức khiến cho chiếc then thuyền oằn xuống. Đây là hai câu thơ thần tình trong tác phẩm. Dù cho hoàn cảnh thực tại phải đi cấy muống, ương sen thì tâm hồn và trí tuệ của nhà thơ vẫn là cái kho chứa phong nguyệt và chiếc thuyền chở yên hà kia. Tâm hồn trăng gió vẫn phóng khoáng vượt ra ngoài mái kho, trí tuệ khói sông thế mà còn nặng lẽ thuyền đời. Hai câu luận kết hợp với hai câu thực để bổ sung và nâng đỡ cho nhau, qua đó làm nổi bật tấm lòng của thi sĩ và lí giải phần kết:

    "Bui có một lòng trung lẫn hiếu

    Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen"

    "Bui" là chỉ, "bui có" là chỉ có, câu thơ "Bui có một lòng trung lẫn hiếu" là cách nói khiêm tốn để khẳng định, biểu lộ niềm tự hào về lòng trung hiếu của tác giả, "trung" ở đây là trung với vua, với đất nước, còn "hiếu" là hiếu với cha mẹ, với nhân dân. Lòng trung hiếu của ông trong trắng, son sắt vững bền, dù có mài đi cũng chẳng mòn, chẳng khuyết, có nhuộm thì cũng chẳng đen. Câu lục ngôn cuối khép lại bài thơ vang lên đĩnh đạc như một lời thề được khắc sâu bằng hai vế tiểu đối: "Mài chăng khuyết" và "nhuộm chăng đen". Và phần kết của tác phẩm gợi cho ta nhớ tới hai câu thơ trong bài "Thuật hứng 5" cũng ca ngợi cái tấm lòng vì nước vì dân của Nguyễn Trãi: "Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Ðêm ngày cuồn cuộn nước triều đông". Nỗi lòng ưu quốc ái dân luôn mãnh liệt và cháy bỏng trong tâm hồn tác giả giống như nước thuỷ triều cuồn cuộn chảy suốt đêm ngày ở ngoài biển đông, không bao giờ có thể ngưng cạn.

    Tóm lại, bằng việc sử dụng tài tình thể thơ thất ngôn xen lục ngôn kết hợp nghệ thuật đối chỉnh, phóng đại, gieo vần "en" cùng với các thi liệu: Ao, bèo, muống, đìa, cỏ, sen, phong nguyệt, yên hà - tạo nên cốt cách bài thơ vừa dân dã mộc mạc vừa cổ điển thanh cao. "Thuật hứng 24" đã khắc họa sâu sắc những tư tưởng tình cảm cao đẹp của Nguyễn Trãi như coi thường danh lợi, thích sống nhàn nhã với cuộc đời thanh bạch, lúc nào cũng giữ lòng trung hiếu son sắt thuỷ chung:

    "Một tấm lòng son ngời cửa luyện

    Mười năm thanh chức ngọc hồ băng"
     
    Admin thích bài này.
    Last edited by a moderator: 14 Tháng năm 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...