Phân tích bài thơ Sang thu - Hữu Thỉnh, có liên hệ mở rộng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khanhlinh560, 22 Tháng sáu 2023.

  1. khanhlinh560 Kayurr

    Bài viết:
    6
    Phân tích bài thơ Sang thu - Hữu Thỉnh

    Bài tham khảo 1:

    "Chao ôi! Thu đã tới rồi sao?

    Thu trước vừa qua mới độ nào

    Mới độ nào đây, hoa rạn vỡ

    Nắng hồng choàng ấp cây bàng cao

    Mùa thu - mùa của tình yêu, mùa của lá vàng rơi rụng, mùa của các cặp tình nhân đi dưới nắng thu để thưởng thức bầu không khí mát mẻ trong lành, cùng nhau nhìn lá vàng rơi, rơi mãi đến tận cuối trời. Mùa thu cũng chính là mùa để các thi nhân đắm chìm trong nhiều cung bậc của cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến trước sự biến chuyển của đất trời. Và Hữu Thỉnh cũng không phải là một ngoại lệ khi đã vương vấn tình cảm của mình qua bài thơ" Sang thu "." Sang thu "của Hữu Thỉnh không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ mà còn có hình tượng con người trước những biến chuyển của cuộc đời ở thời khắc giao mùa."

    Hữu Thỉnh là nhà thơ đi nhiều, viết nhiều và có một số bài thơ đặc sắc về con người cùng cuộc sống ở nông thôn. Bài thơ Sang thu được sáng tác vào cuối năm 1977, in lần đầu tiên trên báo "Văn nghệ". Nội dung thể hiện tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của nhà thơ trước những chuyển biến tinh tế của trời đất và là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của nông thôn đồng bằng Bắc bộ lúc giao mùa từ hạ sang thu.

    Mùa thu đến với Hữu Thỉnh khá đột ngột và bất ngờ, không hẹn trước. Bắt đầu không phải là những nét đặc trưng của trời mây hay sắc vàng hoa cúc như trong thơ cổ điển. Nếu như trong "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, mùa thu được nhận ra qua mùi hương cốm mới trong làn gió thổi qua; hay thơ cổ Trung Quốc là một lá ngô đồng rụng, cả thiên hạ biết thu đã sang thì Hữu Thỉnh lại nhận ra mùa thu qua làn hương ổi. Hương ổi là thứ mùi hương gần gũi, quen thuộc với làng quê, với tuổi thơ của nhiều thế hệ, là một ấn tượng mới lạ chưa từng thấy trong thơ. Trong câu: "Bỗng nhận ra hương ổi" thì từ "bỗng" có nghĩa là đột ngột, thình lình. Nhà thơ nhận ra hương ổi trong trang thái chưa hề được chuẩn bị, như là vô tình, như là sửng sốt, như là cơ duyên để nhà thơ được quan sát, được cảm nhận mùa thu mới chớm theo cách riêng của mình. Tác giả dùng từ "bỗng" mà không phải là từ "chợt" hay từ "đột nhiên", bởi từ "bỗng" như một thán từ, một thái độ bất ngờ reo lên; không những thế, việc sử dụng thanh ngã trong từ "bỗng" làm cho câu thơ như cong vút hẳn lên, làm người nghe bất ngờ, giật mình hơn là thanh nặng trong từ "chợt" hay từ "đột nhiên". Hương ổi ngỡ ngàng ấy "phả vào trong gió se", nhờ gió truyền đi tín hiệu báo thu về. "Phả" nghĩa là bốc mạnh và tỏa ra thành luồng, hơi mùa thu đã tỏa đầy trong không gian. Hữu Thỉnh không tả mà chỉ gợi cho người đọc liên tưởng tới trái ổi chín trong khu vườn nhỏ thơm lừng trong những ngày cuối hạ đầu thu, thấm cả vào hồn người. Chính hương ổi đem lại cho gió se một màu mới mang một tính chất mới khác hẳn với các loại gió khác. Và ngược lại gió se của đầu thu mang hương ổi chín vào khứu giác của con người nhanh hơn, mạnh hơn. Cơn gió se cũng là hình ảnh rất giản dị, quen thuộc. Đó là chút gió heo may se se lành lạnh mỗi độ đầu thu rất đặc trưng của miền Bắc Việt Nam. Trước Cách mạng, Xuân Diệu từng bị ám ảnh khôn nguôi bởi những làn gió ấy:

    "Đã nghe rét mướt luồn trong gió"

    "Những luồng run rẩy rung rinh lá"..

    Có điều đó có lẽ bởi nhà thơ của những cảm xúc cảm giác đang độ tuổi thanh xuân rạo rực đang khao khát uống trọn những rung động thiên nhiên. Hữu Thỉnh thì khác, không chỉ bởi đây là khoảnh khắc đầu thu dìu dịu mà còn bởi tuổi tác đã vững vàng, ông có đủ cái "tĩnh" để lặng lẽ quan sát những chuyến động của tự nhiên. Và như thế, "Sang thu" sẽ còn mang vẻ đẹp của một tâm hồn nhạy cảm mà điềm đạm, sâu sắc.

    Cảm thấy, nhìn thấy tốc độ của làn hương ổi chín không lý gì nhà thơ lại không nhìn thấy: "Sương chùng chình qua ngõ". Một buổi sớm giao mùa của đầu thu, không gian trong lành, thinh lặng nên chỉ có hương ổi, có gió se, có sương mờ giăng giăng bảng lảng trước ngõ nhỏ. Nhà thơ như nghe thấy, như nhìn thấy bước di chuyển của làn sương: Nhè nhẹ, chầm chậm như lưỡng lự, như nuối tiếc.. Tất cả điều đó được gói trong từ láy tượng hình rất sinh động: Chùng chình. Hai thanh huyền của từ láy cho phép người đọc tưởng tượng ra ngay hình thế, vị trí, dáng dấp của làn sương thu buổi sớm. Làn sương không cao, không thấp, cứ là là, uốn lượn, mênh mang, dịu dàng, và mỏng manh. Như thế, hương ổi chín cùng với gió se quyện vào sương thu tạo nên một lát cắt giao mùa rất gợi, rất đẹp, rất quyến rũ. Nó vừa hữu hình vừa vô hình tạo cảm giác lâng lâng, thanh khiết, quyến luyến. Rõ ràng thu đã về chứ đâu còn hình như nữa? Cái hay của từ hình như không phải tạo ra nội dung ý nghĩa mà hay ở sự tạo cảm giác mông lung, ảo huyền hư thực xen lẫn.

    [​IMG]

    Cảm giác bỡ ngỡ ban đầu đã tan biến và nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu tươi sáng. Ở khổ thơ thứ hai, dấu hiệu sang thu mang tính rõ nét hơn. Tác giả không cảm nhận bằng khứu giác mà cảm nhận trực tiếp bằng thị giác. Bức tranh Thu từ những gì vô hình (hương, gió) từ mờ ảo (sương chùng chình) từ nhỏ hẹp (ngõ) chuyển sang những nét hữu hình, cụ thể (sông, chim, mây) với một không gian vừa dài rộng, vừa cao vời. Người đọc thích thú với cấu trúc tự nhiên, chặt chẽ và tuyệt đẹp như trong câu thơ cổ điển:

    "Sông được lúc dềnh dàng

    Chim bắt đầu vội vã"

    Dòng sông không cuồn cuộn dữ dội và gấp gáp như trong những ngày mưa lũ mùa hạ. Sông êm ả, dềnh dàng, sông đang lắng lại, đang trầm xuống trong lững lờ như ngẫm nghĩ, suy tư. Tương phản với sông, chim lại bắt đầu vội vã. Hơi Thu lạnh làm cho chúng phải khẩn chương chuẩn bị cho chuyến bay tránh rét. Ta thường chỉ chú ý vào sự "vội vã" đối rất đẹp với sự "dềnh dàng". Xin chớ quên từ "bắt đầu" rất độc đáo ở đây. Bắt đầu vội vã thôi, chứ chưa phải là đang vội vã. Phải tinh tế lắm mới có thể nhận ra sự "bắt đầu" này trong những cánh chim bay. (Cũng như Huy Cận phải tinh tế lắm mới nhận thấy "trọng lượng" của bóng chiều rơi xuống cánh chim làm nó chao nghiêng "Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa"). Nét chấm phá độc đáo trong bức tranh thơ gợi nhiều suy tưởng cho người đọc có lẽ ở hai câu thơ sau:

    "Có đám mây mùa hạ

    Vắt nửa mình sang thu."

    Ngôn từ là tinh hoa quý giá nhất của người làm thơ. Người làm thơ cũng như kẻ làm vườn vậy, phải chăm chút sao cho vườn hoa ngôn ngữ của mình nở ra những bông hoa đẹp nhất. Thế mới có ý kiến: "Làm thơ là cân một nghìn milligram quặng chữ". Với ý niệm ấy chữ "vắt" xứng đáng là nhãn tự của câu thơ, là tinh hoa của cả câu thơ này. Hữu Thỉnh dùng động từ "vắt" để gợi ra trong thời điểm giao mùa, đám mây như kéo dài ra, nhẹ trôi như tấm lụa mềm treo lơ lửng giữa bầu trời trong xanh, cao rộng. Đám mây ấy dường như nó vẫn còn vương vấn ánh nắng ấm áp của mùa hạ nên chỉ "vắt nửa mình sang thu". Nó đã tạo nên một lằn ranh giới mỏng manh, hư ảo. Có lẽ, thực tế sẽ không thể nào có áng mây bé nhỏ nào như thế. Đó chỉ là sự liên tưởng đầy thú vị của thi sĩ. Tất cả góp phần tạo nên một thời khắc giao mùa đầy chất thơ, tinh tế và nhạy cảm, độc đáo nhưng bâng khuâng trong không gian êm dịu của mùa thu.

    Hai khổ thơ trên rất đẹp về tạo hình, rất tinh trong cảm nhận, như hai cành biếc của một cây thơ lạ. Nhưng khổ thơ thứ ba là cái gốc của cây thơ đó, là nơi cho hai nhánh thở trên tựa vào để khoe sắc tỏa hương. Khổ thơ thứ ba đem đến cho bài thơ một vẻ đẹp mới, làm trọn vẹn thêm cái ý "sang thu" của hồn người chưa thật rõ ở hai khổ thơ trên.

    Trong khổ thơ này, mùa Thu được khẳng định bằng đón nhận, bằng kinh nghiệm, bằng sự suy ngẫm chứ không phải bằng cảm nhận trực tiếp như hai khổ thơ trước. Mùa Thu không được quan sát từ gần ra xa, từ thấp lên cao mà Thu đang từ từ thu vào trong tâm tưởng, đang lắng lại trong suy tư:

    "Vẫn còn bao nhiêu nắng

    Đã vơi dần cơn mưa

    Sấm cũng bớt bất ngờ

    Trên hàng cây đứng tuổi"

    Mùa thu đến nhưng mùa hạ chưa đi nên vẫn còn bao nhiêu nắng. Cái nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng cũng đã bắt đầu nhạt dần. Và trong thời điểm giao mùa này, những cơn mưa rào mùa hạ thường hay ào ạt, bất ngờ cũng vơi dần đi. Theo đó, những tiếng sấm bất ngờ thường gắn với cơn mưa mùa hạ cũng ít đi và nó không còn làm cho những hàng cây xanh cổ thụ giật mình nữa. Giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể, là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ, chiêm nghiệm về đời người. Nhìn cảnh vật biến chuyển khi thu mới bắt đầu, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời khi đã "đứng tuổi". Tác giả đã mượn hình ảnh "hàng cây đứng tuổi" để nói lên đời người ở tuổi xế chiều, cũng như mùa thu vậy; có chăng mùa thu là mùa của tuổi con người ta không còn trẻ trung nữa. Nhịp đập của mùa thu, sự chuyển động của mùa thu rất nhẹ nhàng và êm đềm.

    Có lẽ khi con người ta trải qua tuổi bồng bột, đến một lúc nào đó cần bình thản nhìn lại và nhẹ nhàng cảm nhận chúng. Phải chăng, mùa thu đời người là sự khép lại của những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa thu mới, một không gian mới, yên tĩnh, trầm lắng, bình tâm, chín chắn.. trước những chấn động của cuộc đời.

    Tôi còn nhớ có lần Hữu Thỉnh đã chia sẻ: "Nếu" ý thơ "có rồi nhưng tình cảm chưa đủ chín thì thần thái bài thơ cũng chưa rõ nếu chưa tìm ra" điệu thơ ". Khi cảm xúc chín tới nó sẽ gọi hình ảnh, câu chữ và tự khắc nhịp điệu sẽ" sắp xếp "chúng vào vị trí hợp lý nhất. Trong" Sang thu ", tôi nghĩ, là một ví dụ về việc nhà thơ coi trọng nhịp điệu. Đọc bài thơ, thấy có vẻ như khoan nhặt, từ tốn, bình thản, tĩnh tại.. nếu chỉ nhìn bề ngoài; nhưng ngẫm kỹ thì dòng chảy ngầm của nó rất rốt ráo, khẩn trương." Có lẽ chính bởi những quan niệm ấy của ông mà "Sang thu" được coi như một bài thơ thấm đẫm "điệu tâm hồn".

    Bằng cảm nhận tinh tế và cách dùng từ tự nhiên, chân thật, cùng nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa tài tình, Hữu Thỉnh đã vẽ nên bức tranh đặc sắc về thời điểm giao mùa hạ – thu ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Với "Sang thu", Hữu Thỉnh đã góp thêm một nét thu mang dấu ấn riêng của mình vào những chùm thơ thu hay và đẹp của thơ ca Việt Nam. Mùa thu lặng lẽ và nhẹ nhàng. Những hình ảnh thơ cứ vương vấn mãi trong hồn người, có một cái gì thật êm, dịu dàng toát lên từ những đoạn thơ ấy. Quả thực ta thấy lòng thanh thản vô cùng mà lại vô cùng nôn nao nhớ đến những miền quê xa vắng trong nắng thu khi đọc mấy câu thơ của Hữu Thỉnh. Bài thơ cũng đã làm rõ câu nói: "Sang thu của Hữu Thỉnh không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ mà còn có hình tượng con người trước những biến chuyển của cuộc đời ở thời khắc giao mùa."

    * * *

    Bài tham khảo 2: Phân tích vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên giao mùa thể hiện qua hai khổ thơ đầu bài thơ "Sang thu"

    Mùa thu mùa của thi ca, mùa rất dễ khơi gợi những cảm xúc, những trắc ẩn trong lòng người. Là khoảng thời gian mà chúng ta muốn hít căng vào lồng ngực những hương thơm dịu mát đang luồn lách trong kẽ lá, cảm nhận cái se lạnh, hanh hao đầu mùa, những chuyển động tinh tế của thiên nhiên để thấy mình cần thổ lộ, bộc bạch những tình cảm trắc ẩn. Tất cả đã mang lại nguồn cảm hứng vô tận để các văn nghệ sĩ thốt lên tiếng lòng trước vẻ đẹp diễm kiều của đất trời vào thu. Hữu Thỉnh cũng vậy, ông đã "hít căng lồng ngực" để cảm nhận bức tranh thiên nhiên giao mùa qua 2 khổ thơ đầu thi phẩm "Sang thu".

    Hữu Thỉnh là nhà thơ đi nhiều, viết nhiều và có một số bài thơ đặc sắc về con người cùng cuộc sống ở nông thôn. Thế giới nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh phong phú, đa dạng và mang dấu ấn rõ nét. Đó là thành quả của một tư tưởng nghệ thuật cao đẹp, một tư duy nghệ thuật mạnh mẽ, hiệu quả, của một bản lĩnh nghệ thuật kiên định, vững vàng và cũng là của một phong cách đa dạng, sáng tạo. Sang thu là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Hữu Thỉnh. Tác phẩm được sáng tác vào cuối năm 1977, in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ. Sang thu là cảm giác thời gian giao mùa – từ hạ vào thu. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã có phát hiện thật tinh tế về sự dịch chuyển thời gian: "Có đám mây mùa hạ - Vắt nửa mình sang thu" và rồi ông cảm nhận: "Sông được lúc dềnh dàng – Chim bắt đầu vội vã" bằng chính cảm giác giao thời của lứa tuổi mình. Nổi bật trong đó chính là tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của nhà thơ trước những chuyển biến tinh tế của trời đất và là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của nông thôn đồng bằng Bắc bộ lúc giao mùa từ hạ sang thu.

    Có một sự vận động vô hình nào đó mà bản lề cánh cửa thời gian thoáng một chút dùng dằng để rồi chầm chậm bước vào không gian thu, sắc thu mang theo cả hơi thu và cả tiếng thu nữa. Một tiếng thu mà thi sĩ Lưu Trọng Lư đã nghe trong xào xạc: "Con nai vàng ngơ ngác – Đạp lên lá vàng rơi..". Tôi đã từng ngẩn ngơ trước sắc thu vàng của Nga trong tranh của họa sĩ Nga Lê-Vi-Tan. Hình như thiên nhiên đã ban tặng riêng cho mùa thu sắc độ, gam màu rạng rỡ huy hoàng, lung linh lấp lánh, ánh lên như một hồi quang của quá khứ, của lưu luyến. Và mùa thu đến với Hữu Thỉnh khá đột ngột và bất ngờ, không hẹn trước. Bắt đầu không phải là những nét đặc trưng của trời mây hay sắc vàng hoa cúc như trong thơ cổ điển. Nhà thơ đã đến với mùa Thu bằng "hương ổi trong gió se" chứ không phải là bằng hình ảnh quen thuộc như vòm trời cao xanh, heo may phảng phất, hương cốm.. Giải thích cho sự "khác thường" này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: "Mùa thu biểu hiện rất nhiều hình ảnh khi chuyển mùa. Và tất cả những hình ảnh đẹp cũng đã được các nhà thơ cổ khai thác hết cả rồi. Tôi không muốn lặp lại nữa nên giữa trời đất mênh mang, giữa cái khoảnh khắc giao mùa kỳ lạ thì điều khiến cho tâm hồn tôi phải lay động, phải giật mình để nhận ra đó chính là hương ổi. Với tôi, thậm chí là với nhiều người khác không làm thơ thì mùi hương đó gợi nhớ đến tuổi ấu thơ, gợi nhớ đến buổi chiều vàng với một dòng sông thanh bình, một con đò lững lờ trôi, những đàn trâu bò no cỏ giỡn đùa nhau và những đứa trẻ ẩn hiện trong triền ổi chín ven sông.. Nó giống như mùi bờ bãi, mùi con trẻ.. Hương ổi tự nó xộc thẳng vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta. Mùi hương đơn sơ ấy lại trở thành quý giá vì nó đã trở thành chiếc chìa khóa vàng mở thẳng vào tâm hồn mỗi người, có khi là cả một thế hệ". Nhà thơ nhận ra hương ổi trong trang thái chưa hề được chuẩn bị, như là vô tình, như là sửng sốt, như là cơ duyên để nhà thơ được quan sát, được cảm nhận mùa thu mới chớm theo cách riêng của mình. Tác giả dùng từ "bỗng" mà không phải là từ "chợt" hay từ "đột nhiên", bởi từ "bỗng" như một thán từ, một thái độ bất ngờ reo lên; không những thế, việc sử dụng thanh ngã trong từ "bỗng" làm cho câu thơ như cong vút hẳn lên, làm người nghe bất ngờ, giật mình hơn là thanh nặng trong từ "chợt" hay từ "đột nhiên". Hương ổi ngỡ ngàng ấy "phả vào trong gió se", nhờ gió truyền đi tín hiệu báo thu về. "Phả" nghĩa là bốc mạnh và tỏa ra thành luồng, hơi mùa thu đã tỏa đầy trong không gian. Hữu Thỉnh không tả mà chỉ gợi cho người đọc liên tưởng tới trái ổi chín trong khu vườn nhỏ thơm lừng trong những ngày cuối hạ đầu thu, thấm cả vào hồn người. Chính hương ổi đem lại cho gió se một màu mới mang một tính chất mới khác hẳn với các loại gió khác. Và ngược lại gió se của đầu thu mang hương ổi chín vào khứu giác của con người nhanh hơn, mạnh hơn. Cơn gió se cũng là hình ảnh rất giản dị, quen thuộc. Đó là chút gió heo may se se lành lạnh mỗi độ đầu thu rất đặc trưng của miền Bắc Việt Nam. Trước Cách mạng, Xuân Diệu từng bị ám ảnh khôn nguôi bởi những làn gió ấy:

    "Đã nghe rét mướt luồn trong gió"

    "Những luồng run rẩy rung rinh lá"..

    Cảm nhận của tác giả đã có sự thay đổi từ khứu giác, xúc giác sang cảm nhận bằng thị giác:

    "Sương chùng chình qua ngõ

    Hình như thu đã về."

    Thi nhân trong phút giao cảm với thiên nhiên như thấy rõ được làn sương mỏng đang "chùng chình qua ngõ". Nghệ thuật nhân hóa qua từ láy "chùng chình" đã gợi lên dáng vẻ lãng đãng như đợi chờ, cố ý chậm lại đầy lưu luyến của màn sương. Màn sương thu hình như cũng muốn tận hưởng trọn vẹn hương thơm ngọt ngào và cái lành lạnh đầu thu, nên nó còn đang "chùng chình" chưa muốn tan đi. Hai chữ "chùng chình" đã diễn tả rất nên thơ bước đi chầm chậm khi trở về của mùa thu. Từ láy "chùng chình" dùng rất đắt, đã làm toát lên thần thái của mùa thu, không vội vàng, hồ hởi mà luôn tạo nên sự mơ hồ và mông lung nhất, "chùng chình" còn là sự cố ý muốn làm chậm lại, rung rinh, lay động. Sương thu rung rinh lay động, hay là sự rung động trong tâm hồn Hữu Thỉnh? Để rồi tác giả đã giật mình, bối rối: "Hình như thu đã về". Nếu như từ "bỗng" bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên của tác giả khi mùa thu về thì từ "hình như" lại thể hiện sự phỏng đoán một cách mơ hồ của tác giả. Hai câu thơ rất tinh tế và cũng thật sâu sắc, gợi lên sự mơ hồ của giây phút chuyển mùa. Không gian có sự hòa hợp giữa hương ổi dịu dàng, gió thu nhè nhẹ và sương thu mơ màng tạo nên một ấn tượng đặc biệt mà ta khó lòng quên được.

    [​IMG]

    Có lẽ mùa thu đã sang, là mùa thu của đất trời và mùa thu của lòng người mênh mang, nhiều tâm trạng. Sau phút giây ngỡ ngàng và khẽ mừng vui, tác giả lấy lại được cái điềm đạm vốn có để tiếp tục ngắm nhìn thiên nhiên đất trời hiện rõ ra từng đường nét, hình khối:

    "Sông được lúc dềnh dàng

    Chim bắt đầu vội vã

    Có đám mây mùa hạ

    Vắt nửa mình sang thu"

    Dòng sông không cuồn cuộn dữ dội và gấp gáp như trong những ngày mưa lũ mùa hạ. Sông êm ả, dềnh dàng, sông đang lắng lại, đang trầm xuống trong lững lờ như ngẫm nghĩ, suy tư. Tương phản với sông, chim lại bắt đầu vội vã. Hơi Thu lạnh làm cho chúng phải khẩn chương chuẩn bị cho chuyến bay tránh rét. Ta thường chỉ chú ý vào sự "vội vã" đối rất đẹp với sự "dềnh dàng". Xin chớ quên từ "bắt đầu" rất độc đáo ở đây. Bắt đầu vội vã thôi, chứ chưa phải là đang vội vã. Phải tinh tế lắm mới có thể nhận ra sự "bắt đầu" này trong những cánh chim bay. (Cũng như Huy Cận phải tinh tế lắm mới nhận thấy "trọng lượng" của bóng chiều rơi xuống cánh chim làm nó chao nghiêng "Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa"). Nét chấm phá độc đáo trong bức tranh thơ gợi nhiều suy tưởng cho người đọc có lẽ ở hai câu thơ sau:

    "Có đám mây mùa hạ

    Vắt nửa mình sang thu."

    Sự quan sát tinh tế của tác giả đã hội tụ lại ở hình ảnh đám mây mùa hạ "vắt nửa mình sang thu". Ngôn từ là tinh hoa quý giá nhất của người làm thơ. Người làm thơ cũng như kẻ làm vườn vậy, phải chăm chút sao cho vườn hoa ngôn ngữ của mình nở ra những bông hoa đẹp nhất. Thế mới có ý kiến: "Làm thơ là cân một nghìn milligram quặng chữ". Với ý niệm ấy chữ "vắt" xứng đáng là nhãn tự của câu thơ, là tinh hoa của cả câu thơ này. Hữu Thỉnh dùng động từ "vắt" để gợi ra trong thời điểm giao mùa, đám mây như kéo dài ra, nhẹ trôi như tấm lụa mềm treo lơ lửng giữa bầu trời trong xanh, cao rộng. Đám mây ấy dường như nó vẫn còn vương vấn ánh nắng ấm áp của mùa hạ nên chỉ "vắt nửa mình sang thu". Nó đã tạo nên một lằn ranh giới mỏng manh, hư ảo. Đám mây được cảm nhận tinh tế tựa như giữa mùa hạ và mùa thu vẫn có một ranh giới mơ hồ, quyến luyến nào đó. Mùa hạ chưa thật đi qua và mùa thu đã chớm về. Cảnh sắc chuyển mùa hiện lên vừa sinh động vừa mơ hồ đã thể hiện cảm xúc say sưa của một tâm hồn giao cảm với thiên nhiên. Phải chăng thế giới cảm xúc trong Hữu Thỉnh vẫn luôn say sưa như thế để rồi cứ mãi khiến bạn đọc ta vấn vương nơi những vần thơ nhẹ nhàng, những hình ảnh thơ gần gũi mà tinh tế lắm, như cái "vắt nửa mình" của đám mây bước sang thu, hay như buổi chiều thu thật nhẹ nhưng cũng thật gọn để "bước sang sông" :

    "Nắng thu đang trải đầy

    Đã trăng non múi bưởi

    Bên cầu con nghé đợi

    Cả chiều thu sang sông."

    ( "Chiều sông Thương" - Hữu Thỉnh)

    Phải là một người yêu mùa thu, yêu thiên nhiên và giàu suy tư, chiêm nghiệm thì thi sĩ mới có mối giao cảm sâu sắc ấy.

    Bằng cảm nhận tinh tế và cách dùng từ tự nhiên, chân thật, cùng nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa tài tình, Hữu Thỉnh đã vẽ nên bức tranh đặc sắc về thời điểm giao mùa hạ – thu ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Cả hai khổ thơ trên đều là hình ảnh thơ giản dị, không trau chuốt mà giàu sức gợi cảm. Với "Sang thu", Hữu Thỉnh đã góp thêm một nét thu mang dấu ấn riêng của mình vào những chùm thơ thu hay và đẹp của thơ ca Việt Nam. Mùa thu lặng lẽ và nhẹ nhàng. Những hình ảnh thơ cứ vương vấn mãi trong hồn người, có một cái gì thật êm, dịu dàng toát lên từ những đoạn thơ ấy.

    "Sang thu" của Hữu Thỉnh là bài thơ hay. Mạch bài thơ có sự vận động âm thầm mà quyết liệt của thời gian, thể hiện sự tinh tế về cảm giác, là sự hoài niệm của tác giả về cuộc đời. Ông muốn sẻ chia hay tìm sự đồng điệu? Có lẽ cả hai! Ánh lên trong bài thơ, qua ngòi bút giàu suy tưởng, là một mùa thu đẹp, gợi cảm, là niềm tin vững vàng của nhà thơ trước sự trôi chảy của cuộc sống.
     
    Admin thích bài này.
    Last edited by a moderator: 1 Tháng mười 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...